(CMO) Hình thức tổ chức sản xuất là tiêu chí số 13 trong Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM. Đây là tiêu chí quan trọng trong việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương. Xác định được tầm quan trọng của tiêu chí này, thời gian qua, các xã trong huyện Thới Bình đã và đang tích cực thực hiện.
Xã Trí Lực là một trong những địa phương tiêu biểu của huyện Thới Bình đang tập trung xây dựng xã NTM nâng cao. Xác định tiêu chí số 13 về hình thức tổ chức sản xuất đặc biệt quan trọng, địa phương đã định hướng cho tất cả HTX trên địa bàn xã hoạt động theo Luật HTX năm 2012. Đặc biệt, thực hiện theo bộ tiêu chí của Trung ương, các HTX phải hoạt động hiệu quả và gắn với hình thức liên kết bao tiêu sản phẩm chủ lực đảm bảo bền vững. Chính quyền địa phương cùng với HTX đã tìm giải pháp kết nối với các công ty bao tiêu sản phẩm cho bà con. Qua đó, góp phần ổn định đầu ra cho sản phẩm của người dân.
Nông dân Trí Lực vui mừng vì trúng mùa lúa ST20-ST24 trên vùng đất lúa - tôm. |
Phó chủ tịch UBND xã Trí Lực Hà Minh Sữa cho biết: “Vừa qua, xã kết hợp với các công ty ở An Giang, Đồng Tháp, TP Hồ Chí Minh… thực hiện quy trình sản xuất lúa an toàn, lúa hữu cơ, với giống lúa ST24, tổng diện tích 25 ha, được bao tiêu sản phẩm hoàn toàn. Đặc biệt, chúng tôi chú trọng đến 2 mặt hàng chủ lực của địa phương là lúa và tôm, mục đích cuối cùng là đem lại nguồn thu nhập cao cho người sản xuất”.
Riêng HTX lúa - tôm Trí Lực được thành lập cuối năm 2018, ban đầu có 11 thành viên, nay tăng lên 17 thành viên và số vốn hơn 200 triệu đồng. Lĩnh vực kinh doanh của HTX chủ yếu gồm: giống và vật tư nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản, sản xuất lúa chất lượng cao. Qua 2 năm hoạt động, HTX đạt tổng doanh thu gần 8 tỷ đồng.
Ngoài việc bao tiêu sản phẩm cho bà con, HTX còn đóng gói, xây dựng thương hiệu gạo hữu cơ Trí Lực và đã chào hàng đến TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu và Hà Nội. Hiện khách hàng đặt mua gần 10 tấn và rất ưa chuộng. Từ đó người dân trong vùng yên tâm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tăng thu nhập trên đơn vị diện tích để góp phần đưa xã Trí Lực sớm đạt xã NTM nâng cao.
Ông Chung Minh Sơn, Ấp 5, xã Trí Lực, chia sẻ: “Trước đây gia đình trồng giống lúa truyền thống như Một bụi đỏ, Lùn Kiên Giang hay Trắng tròn, sản lượng và chất lượng không cao, bán cũng không được giá, nhưng từ ngày tham gia HTX, chuyển sang trồng giống lúa ST24 đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn và được doanh nghiêp bao tiêu sản phẩm nên nông dân chúng tôi rất vui mừng, an tâm sản xuất”.
Cùng với việc triển khai, vận động xây dựng NTM tại các địa phương, huyện Thới Bình chọn xã Trí Lực xây dựng xã NTM nâng cao, kiểu mẫu. Trong 12 tiêu chí xây dựng NTM kiểu mẫu, vai trò của HTX được nêu rõ trong tiêu chí số 6 về hình thức tổ chức sản xuất. Yêu cầu cấp thiết là các địa phương phải tập trung củng cố HTX hoạt động hiệu quả, liên kết tạo đầu ra cho sản phẩm một cách bền vững.
Ông Lê Văn Mưa, Giám đốc HTX lúa - tôm, Ấp 5, xã Trí Lực, cho biết thêm: “Vai trò của HTX không kém phần quan trọng, bởi nếu không có HTX thì sản xuất của bà con trở nên manh mún và bị thương lái ép giá. Hiện HTX đã liên kết được với 3 công ty để thu mua sản phẩm của bà con với giá cao hơn thị trường; chuyển giao khoa học - kỹ thuật để bà con áp dụng trong sản xuất, làm tăng năng suất cây trồng, vật nuôi; định hướng chung sản xuất cho HTX hoạt động tốt hơn”.
Những năm gần đây, với yêu cầu tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, kinh tế HTX có bước phát triển mới về số lượng, hiệu quả, hoạt động được nâng cao bởi đủ các loại hình dịch vụ thúc đẩy sản xuất, kinh doanh ở khu vực nông thôn.
Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Thới Bình Nguyễn Hoàng Lâm cho biết: “Chúng tôi tiếp tục tuyên truyền Luật HTX năm 2012, tuyên truyền Luật HTX kiểu mới, mô hình liên kết ở địa phương, trong và ngoài tỉnh để bao tiêu sản phẩm, tổ chức đào tạo, bổ sung nguồn nhân lực cho HTX, đồng thời củng cố những HTX yếu kém để nâng cao năng lực cho các HTX hoạt động tốt hơn trong thời gian tới”./.
Minh Phong