(CMO) Muốn phát triển nhanh, bền vững, đặc biệt là thu hút đầu tư lớn thì nền hành chính phải có sự đổi mới, cải cách theo hướng tinh gọn, minh bạch, hiệu quả, phù hợp thời đại phát triển, hội nhập. Tại kỳ họp thứ 12 HĐND tỉnh khoá VIII (tháng 6/2015), khi được tín nhiệm bầu giữ chức danh Chủ tịch UBND tỉnh, trong bài phát biểu ra mắt với vai trò người đứng đầu chính quyền của tỉnh Cà Mau, ông Nguyễn Tiến Hải đã hạ quyết tâm thực hiện cải cách hành chính (CCHC), thu hút đầu tư. Năm 2017 là năm thứ 2 tỉnh chọn CCHC là một trong những khâu đột phá, tạo điều kiện thuận lợi để người dân và doanh nghiệp phát triển. “Cây lành” CCHC đã sinh quả ngọt sau 1 năm chỉ đạo quyết liệt.
Nhân dịp năm mới, phóng viên Báo Cà Mau có dịp trò chuyện cùng Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải về những thành tựu nổi bật trong lĩnh vực CCHC 1 năm qua.
Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải tặng biểu trưng cho ông Lê Hoàng Phước, Giám đốc VNPT Cà Mau, nhân ngày Doanh nhân Việt Nam năm 2017. Ảnh: MAI THANH LIÊM |
- Vấn đề nêu cao vai trò và trách nhiệm người đứng đầu luôn được ông nhắc đến trong chỉ đạo, điều hành cả hệ thống chính quyền tại các phiên họp thường kỳ hằng tháng của UBND tỉnh cũng như các cuộc họp liên quan trong hệ thống chính quyền, các cuộc làm việc ở cơ sở… Yêu cầu này đã thật sự chuyển biến chưa, cần khắc phục điều gì, thưa đồng chí?
Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải: Người đứng đầu là người nắm quyền và giữ vai trò quyết định chất lượng, hiệu quả hoạt động và phát triển của cơ quan, đơn vị, địa phương. Tinh thần trách nhiệm, năng lực công tác, ý thức trước nhiệm vụ được giao của người đứng đầu có tác dụng thúc đẩy và tạo động lực cho cơ quan, đơn vị.
Thời gian qua, vai trò và trách nhiệm người đứng đầu của nhiều cơ quan, đơn vị trong tỉnh thật sự chuyển biến tích cực; đề cao và phát huy trách nhiệm cá nhân trước tập thể, phấn đấu là đầu tàu, gương mẫu về phẩm chất, lối sống, tác phong công tác và tác phong sinh hoạt, thể hiện rõ năng lực trong lãnh đạo, điều hành.
Tuy nhiên, vẫn còn một số trường hợp người đứng đầu có những hạn chế, yếu kém cần phải khắc phục. Điều này thể hiện rõ như: làm việc theo lối mòn, chậm đổi mới, ít sáng tạo trong việc đề ra chủ trương, định hướng hoạt động của cơ quan, đơn vị. Một số trường hợp bảo thủ, quen làm việc theo cách cũ, không sử dụng được thiết bị điện tử hiện đại vào công việc, thậm chí giảm ý chí phấn đấu. Một bộ phận lười nghiên cứu, học hỏi, cập nhật thông tin, không đánh giá sát, đúng tình hình, yêu cầu, điều kiện thực tế làm cơ sở chỉ đạo, tham mưu, đề xuất. Vẫn còn cán bộ chưa thể hiện được tính tiên phong, gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao; thiếu chủ động, sáng tạo trong công việc, còn dựa dẫm vào tập thể, cấp trên (phân công, giao việc gì thì làm việc đó). Sử dụng phương tiện, tài sản công, giờ làm việc cho việc riêng. Quản lý, điều hành còn tuỳ tiện, cảm tính, nể nang, thiếu công tâm, chưa thực hiện tốt quy chế dân chủ. Giải quyết công việc tuỳ tiện, cảm tính, thiếu tính nguyên tắc, không theo đúng quy định, bỏ sót hoặc tự thêm, bớt quy trình, thủ tục, điều kiện, thành phần… Công tác đánh giá cán bộ, công chức, viên chức đã qua còn hình thức, thiếu thực chất, chưa khuyến khích được người có năng lực, nhiệt tình, không tinh giản được người hạn chế, yếu kém.
- Một nội dung quan trọng không kém là đạo đức và cái tâm của người cán bộ trong xử lý các vấn đề còn tồn lại, bất cập, những việc cần làm ngay. Đã qua tỉnh chỉ đạo vấn đề này như thế nào, thưa đồng chí?
Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải: Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Có tài phải có đức. Có tài không có đức, tham ô, hủ hoá có hại cho nước. Có đức không có tài như ông bụt ngồi trong chùa, không giúp ích gì được ai”. Con người là nhân tố quyết định, thế nên việc thường xuyên giáo dục, nâng cao đạo đức, ý thức trách nhiệm, tinh thần phục vụ Nhân dân của cán bộ, công chức là hết sức cần thiết.
Thời gian qua, tỉnh đã đẩy mạnh thực hiện công tác CCHC, cùng với đó đặc biệt quan tâm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức của tỉnh, vì vậy đã có sự chuyển biến tích cực về tác phong, đạo đức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức. Thay đổi căn bản về nhận thức, từ quan niệm giúp đỡ người dân, doanh nghiệp nay được xác định là trách nhiệm phục vụ người dân, doanh nghiệp. Giải quyết thủ tục hành chính, các yêu cầu dịch vụ của người dân, doanh nghiệp ngày càng nhanh chóng, thuận lợi. Các phản ánh, kiến nghị liên quan đến hành vi, ứng xử, tác phong của cán bộ, công chức ngày càng giảm.
Môi trường làm việc dân chủ, thân thiện tại Trung tâm Giải quyết TTHC tỉnh Cà Mau. Ảnh: HỒNG PHƯỢNG |
Trong xử lý các vấn đề bất cập, tồn tại, tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành chủ động nghiên cứu, tìm giải pháp để kịp thời khắc phục ngay hoặc kiến nghị, đề xuất cấp thẩm quyền xem xét, xử lý. Trong quá trình giải quyết phải thường xuyên lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân, doanh nghiệp để vừa có sự đồng cảm, chia sẻ với những khó khăn, vướng mắc, vừa nắm chắc tình hình để có biện pháp giải quyết kịp thời. Thường xuyên gặp gỡ, đối thoại với người dân, doanh nghiệp để lắng nghe, nắm bắt những tồn tại, bất cập trong quản lý, trong các quy định hành chính và có giải pháp khắc phục, xử lý, tạo sự gần gũi, đồng cảm, chia sẻ giữa người dân, doanh nghiệp với cơ quan Nhà nước.
Nhìn chung, các cấp, các ngành đã thực hiện tốt chỉ đạo này. Việc giải quyết các vấn đề bất cập, vướng mắc, bức xúc của người dân có nhiều tiến bộ, hầu hết đều được xem xét ở nhiều khía cạnh, góc độ khác nhau để phân tích, đánh giá và đưa ra giải pháp phù hợp.
- Với quan điểm đổi mới, kiến tạo nhằm xây dựng nền hành chính liêm chính, tỉnh Cà Mau đã có những điểm sáng gì, thưa đồng chí?
Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải: Nền hành chính kiến tạo là nền hành chính lấy Nhân dân, doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh phát triển, phát huy dân chủ, đảm bảo quyền dân chủ của Nhân dân, giải quyết công việc năng động, sáng tạo gắn liền với tăng cường kỷ luật, kỷ cương, chấp hành pháp luật.
Trên quan điểm và quyết tâm này, tỉnh Cà Mau đã tập trung thực hiện và thật sự có những điểm sáng đáng trân trọng. Đó là thành lập Trung tâm Giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh và thực hiện điểm mô hình Một cửa hiện đại tại TP Cà Mau, huyện Cái Nước, huyện Năm Căn, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ người dân, doanh nghiệp khi thực hiện các giao dịch về thủ tục hành chính. 100% cơ quan hành chính tiến hành rà soát và công bố rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính trung bình từ 20-30%, riêng tại TP Cà Mau có thủ tục rút ngắn đến 70%. Rà soát toàn bộ thủ tục hành chính liên thông, lập quy trình các bước, xác định cụ thể trách nhiệm, nội dung công việc và thời hạn giải quyết của từng cơ quan, đơn vị. Trước đây người dân, doanh nghiệp phải đến nhiều cơ quan, thì nay chỉ cần nộp hồ sơ một lần tại một cơ quan hoặc nộp hồ sơ qua môi trường mạng và kết quả được chuyển đến tận nhà.
Ngoài ra, trình độ chuyên môn, tác phong, thái độ làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyển biến tích cực, đặc biệt là công chức bộ phận tiếp nhận và trả kết quả. UBND tỉnh, các ngành, địa phương chủ động gặp gỡ, đối thoại với người dân, doanh nghiệp để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc (nếu có).
Công tác CCHC được đẩy mạnh đã góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan hành chính Nhà nước của tỉnh, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.
- Xin cảm ơn đồng chí!
Ngọc Huệ