Trải qua nhiều thăng trầm, vùng đất Nông trường Quốc doanh Sông Ðốc (huyện Trần Văn Thời) ngày nào nay đã thay da đổi thịt. Người dân khai phá vùng kinh tế mới nay có cuộc sống sung túc.
- Nhộn nhịp Cảng cá Sông Ðốc
- Sông Ðốc nỗ lực xây dựng đô thị sinh thái, hiện đại
- Sông Đốc sẵn sàng cho sự kiện 70 năm tập kết ra Bắc (1954-2024)
- Độc đáo thả diều nghệ thuật nơi phố biển Sông Đốc
- Khai mạc Hội chợ Thương mại - Tiêu dùng ở thị trấn Sông Đốc
Cùng với nhiều địa phương trong cả nước, tỉnh Minh Hải (nay là Cà Mau và Bạc Liêu) trải qua tổn thất nặng nề của chiến tranh, phải từng bước khắc phục hậu quả sau ngày thống nhất đất nước. Khi đó, Nhà nước chủ trương xây dựng các vùng kinh tế mới theo hướng mô hình canh tác nông nghiệp nông trường, hợp tác xã, điển hình như: Nông trường Minh Hà, Sông Trẹm, 402 và Nông trường Quốc doanh Sông Ðốc... Các phong trào khai hoang phục hoá, mở rộng diện tích lúa nước, trồng rau màu và các chiến dịch làm thuỷ lợi phục vụ sản xuất diễn ra sôi nổi trong toàn tỉnh.
Tuy nhiên, đất vùng kinh tế mới hoang hoá, người dân đi khai khẩn thiếu thốn trăm bề. Ông Nguyễn Trọng Ðộ, ngụ Khóm 11, thị trấn Sông Ðốc, nhớ lại: “Năm 1978, chúng tôi được Nhà nước đưa vào xây dựng vùng kinh tế mới Minh Hải. Chúng tôi trực tiếp đến Sông Ðốc, lúc này toàn là rừng, không có gì ngoài cây ráng, mắm, chà là... Là thanh niên từ miền Bắc vào, chưa biết rừng rú ra sao, nên khi vào đây, tôi gặp khó khăn, thiếu thốn trăm bề. Thế nhưng, khó cỡ nào cũng cố gắng bám trụ, sống dần dà cùng với tập thể rồi cũng quen”.
Ông Nguyễn Văn Nam, ngụ Khóm 9, thị trấn Sông Ðốc, chia sẻ: “Lúc tôi mới vào đây, Sông Ðốc toàn rừng là rừng, hoang vu lắm, người này cách người kia 50 m là không thấy nhau, chỉ nghe tiếng. Muỗi nhiều, nước không có, chỉ có rau rừng, cuộc sống rất cực khổ. Thế nhưng, chúng tôi là những thanh niên đầy nhiệt huyết, theo tiếng gọi của Ðảng và Nhà nước đi xây dựng vùng kinh tế mới, nên quyết tâm vượt qua khó khăn, trở ngại, tiếp tục xây dựng vùng đất này”.
Gia đình ông Nguyễn Văn Nam quây quần, hạnh phúc trong ngôi nhà khang trang, kinh tế ổn định.
Nhờ chủ trương, chỉ đạo đúng đắn của Ðảng và Nhà nước, công tác định canh, định cư, khai hoang, xây dựng vùng kinh tế mới dần đi vào ổn định, sản xuất phát triển, đời sống Nhân dân được cải thiện, góp phần vào thành tựu chung của tỉnh, mở ra hướng đi quan trọng trong tăng cường lực lượng lao động, khai thác tiềm năng đất đai và từng bước phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn.
Thời kỳ này, Cà Mau thực hiện đường lối đổi mới, chuyển từ nền kinh tế tập trung bao cấp sang nền kinh tế nhiều thành phần, hoạt động theo cơ chế thị trường. Ðường lối đổi mới của Ðảng nhanh chóng được sự hưởng ứng rộng rãi của quần chúng Nhân dân, khơi dậy tiềm năng và sức sáng tạo của các loại hình kinh tế để phát triển sản xuất, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động, tăng sản phẩm cho xã hội.
Ông Nguyễn Trọng Ðộ bày tỏ tấc lòng về nơi được xem là quê hương thứ hai: “Lúc bấy giờ chúng tôi không dám mơ đến điều kiện cuộc sống như hiện giờ. Ðiện, đường, trường, trạm... không dám nghĩ tới luôn. Thế nhưng, khi cuộc sống đổi thay từng ngày thì chúng tôi càng thấy gắn bó, yêu mảnh đất này nhiều hơn”.
Sau mấy chục năm lao động, tích luỹ, ông Nguyễn Trọng Ðộ đã xây dựng cơ ngơi khang trang. Ðiều ông tự hào nhất là 4 người con đều trưởng thành và có cuộc sống ổn định. Con gái lớn là giáo viên, 3 con trai chuyên kinh doanh mặt hàng thuỷ sản ở xứ biển Sông Ðốc.
Ông Nguyễn Trọng Ðộ kiên quyết bám trụ tại vùng kinh tế mới Nông trường Quốc doanh Sông Ðốc xưa.
Ông Nguyễn Văn Nam sở hữu 4 ha đất nuôi tôm cùng với 1 cửa hàng bách hoá tự chọn nằm tại vị trí đắc địa của thị trấn Sông Ðốc, kinh tế gia đình phát triển, nhà cửa kiên cố, các con ông đều đã xây dựng gia đình riêng và có công việc ổn định.
Ông Nguyễn Ðình Triểu, Phó chủ tịch UBND thị trấn Sông Ðốc, cho biết: “Nông trường Quốc doanh Sông Ðốc trước đây rất hoang sơ. Vào khoảng năm 1978, có trên 730 hộ dân, phần lớn là người dân ở tỉnh Hà Nam Ninh (nay là Hà Nam, Nam Ðịnh và Ninh Bình) vào khai phá vùng đất mới. Hiện nay, nơi này đã được quy hoạch hạ tầng tương đối đồng bộ, cuộc sống người dân sung túc hơn xưa rất nhiều. Người dân Hà Nam Ninh ở vùng đất này đã góp công sức lớn trong phát triển kinh tế - xã hội của thị trấn Sông Ðốc”.
Ngày 10/12/2023, UBND tỉnh Cà Mau tổ chức thông xe cầu sông Ông Ðốc, kết nối thông suốt trục đường ven biển Tây với trục đường Ðông - Tây của tỉnh Cà Mau, hình thành nên hệ thống giao thông liên hoàn và kết nối với đường ven biển của các tỉnh lân cận. Sông Ðốc nay đã khoác áo mới, từ cửa biển với vài ba làng chài nhỏ thưa thớt trở thành thị trấn biển sầm uất, với diện tích tự nhiên hơn 2.900 ha, dân số trên 67 ngàn người.
Cầu sông Ông Ðốc hình thành nên hệ thống giao thông liên hoàn, tạo điều kiện để đô thị biển Sông Ðốc càng thêm phát triển.
Nhờ có vị trí địa lý thuận lợi và tiềm năng kinh tế biển dồi dào, Sông Ðốc thu hút hơn 2.100 công ty, xí nghiệp, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh và 7 chi nhánh ngân hàng hoạt động. Gần 2 ngàn phương tiện khai thác, đánh bắt thuỷ sản, với hơn 20 ngàn ngư dân thường xuyên ra vào cửa biển làm ăn, mua bán, bình quân sản lượng hơn 10 ngàn tấn thuỷ sản/năm. Với lợi thế nghề khai thác biển truyền thống, Sông Ðốc trở thành cửa biển sầm uất và sôi động bậc nhất khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Cửa biển Sông Ðốc là một trong những cửa biển sầm uất và sôi động bậc nhất khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Diện mạo tươi sáng của thị trấn biển Sông Ðốc hiện nay có sự đóng góp không nhỏ của những người con vùng quê Hà Nam Ninh tham gia khai phá vùng kinh tế mới. Ðể rồi, nơi đây đã trở thành quê hương thứ hai, không chỉ họ, các thế hệ con cháu tiếp tục chung tay góp sức xây dựng quê hương Sông Ðốc ngày thêm giàu đẹp./.
Lê Chí