ĐT: 0939.923988
Thứ bảy, 21-9-24 07:25:20
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Ðón Tết giữa trùng khơi

Báo Cà Mau Đêm ba mươi Tết. Trời tối đen như mực. Chiếc tàu sắt mang ký hiệu SAR413 phom phom trên sóng cả hướng về Mũi Cà Mau. Từng đợt sóng cao nghều nghệu mang theo những cột nước trắng xoá như đang chực chờ nhấn chìm con tàu. Lá cờ đỏ sao vàng năm cánh trên nóc ca-bin bị gió thổi mạnh tạo thành âm thanh nghe phần phật liên hồi. Chiếc tàu bị hất tung lên cao rồi lại bị dìm xuống cuối chân sóng rồi lại tung lên cao như một pha làm trò tung hứng trong các đoàn xiếc.

* (Kính tặng các thuỷ thủ công tác trên tàu cứu hộ SAR413)

Đêm ba mươi Tết. Trời tối đen như mực. Chiếc tàu sắt mang ký hiệu SAR413 phom phom trên sóng cả hướng về Mũi Cà Mau. Từng đợt sóng cao nghều nghệu mang theo những cột nước trắng xoá như đang chực chờ nhấn chìm con tàu. Lá cờ đỏ sao vàng năm cánh trên nóc ca-bin bị gió thổi mạnh tạo thành âm thanh nghe phần phật liên hồi. Chiếc tàu bị hất tung lên cao rồi lại bị dìm xuống cuối chân sóng rồi lại tung lên cao như một pha làm trò tung hứng trong các đoàn xiếc.

Hai mươi thuỷ thủ của tàu đều vào vị trí làm việc của mình với đầu óc thật căng thẳng, khẩn trương. Không khí im lặng bao trùm cả tàu. Chỉ còn thấy những đôi mắt đăm chiêu nhìn trên la bàn với những tín hiệu xanh, đỏ nhấp nháy liên hồi. Chiếc bàn ăn đã sẵn sàng đón giao thừa với lỉnh kỉnh bánh tét, bánh phồng, mứt gừng, mứt chuối từ đất liền gởi ra kèm với nồi thịt heo kho “rệu” cùng trứng vịt và mấy chai rượu nếp than nhưng không ai để tâm đến nữa. Nhiệm vụ đêm nay là phải cứu hộ cho bằng được 8 thuyền viên trên tàu đánh cá ở Cà Mau bị sóng nhận chìm đang trôi dạt trên biển Ðông.

Ôm chặt chiếc vô-lăng với đôi tay bóng ngời vì nắng gió, thuyền phó Năng nói rất to, vừa lo lắng nhưng cũng vừa dí dỏm:

- Gió đang mạnh dần. Nguy hiểm và “căng ta lông” lắm đây. Lớ quớ là… làm mồi cho cá mập đầu năm.

- Số tàu này hổng có duyên ăn Tết với người ta. Hễ tới giao thừa thì y như rằng có tàu đang gặp nạn. Vậy là “xong phim”. Xong nhiệm vụ về tới nhà thì hết Tết. Vợ con cằn nhằn cửi nhửi te tua tơi tả thì im re cho xong chuyện. Tại cái nghiệp phải chịu thôi - tiếng thuyền trưởng Tâm nhỏ nhẹ.

Ở buồng máy, Quang ngồi trực với tâm trạng ngổn ngang. Không buồn sao được, bởi mới hôm qua anh còn hứa đưa người vợ sắp cưới của mình đi coi bắn pháo bông và hái lộc đầu năm ở ngôi chùa đầu hẻm. Cô ấy đã chuẩn bị bộ áo dài “mốt” nhất để chụp ảnh lưu niệm với Quang. Vậy mà sáng nay anh cùng đồng đội được lệnh lên đường làm nhiệm vụ. Quang gọi điện thoại cho cô xin lỗi đủ điều:

- Em thông cảm. Anh có muốn vậy đâu. Nhiệm vụ mà. Lính cứu hộ thì có giờ có giấc gì đâu. Xong chuyện anh về sẽ đưa em đi chơi “bù”. Muốn gì anh cũng chịu.

- Tui hổng cần. Anh đi luôn cũng được - sau câu nói ấy là động tác tắt máy vội vàng, giận dỗi.

Bên trên boong tàu, mười bảy thuỷ thủ đã trong tư thế sẵn sàng. Ðêm trừ tịch, họ không ngủ. Những đôi mắt thăm thẳm xoáy sâu vào lòng đại dương mênh mông, thi thoảng lại nuối tiếc thoáng nhìn về phía đất liền với niềm khát khao cháy bỏng. Chuyện thường thôi mà. Ai lại không chạnh lòng khi xuân về Tết đến lại vắng mặt ở gia đình, nhất là trong đêm giao thừa. Tâm chợt nhìn thật lâu khuôn mặt của mười tám thuỷ thủ thuộc quyền. Trẻ nhất 20 tuổi, lớn nhất cũng chỉ 30. Họ còn trẻ quá so với cái tuổi 50 của anh và thuyền phó Năng. Và tất nhiên việc chịu đựng sự trống vắng người thân trong những ngày lênh đênh trên biển sẽ không bền bỉ như anh.

Ðây thằng Sơn Bến Tre ca vọng cổ thiệt mùi như Nghệ sĩ cải lương Trọng Hữu; thằng Xuân Trà Vinh ăn khoẻ như voi, mỗi bữa nó làm tuốt tuồn tuột tới sáu chén cơm đầy ắp; thằng Khoa gốc người Khmer Châu Ðốc đen thui đen thít, nói chuyện cà lăm làm cả tàu cười muốn lộn ruột; thằng Ơn Gò Công hễ rảnh rỗi là viết thơ cho bạn gái với nụ cười lãng nhách vô duyên “chết âm đức”; thằng Khoe quê Bạc Liêu thì ai nói gì nó cũng nhe răng ra cười. Khen nó, nó cười. Chê nó, nó cũng cười hề hề, không thèm trả lời trả vốn gì ráo. Nó còn được cả tàu phong tặng danh hiệu “đế vương” bởi nó có khả năng uống một hơi bốn xị rượu đế Gò Ðen mà vẫn đọc sách báo và đờn ghi-ta ngon ơ. Mỗi đứa một quê, mỗi thằng một tánh khí. Ðược cái mỗi khi làm nhiệm vụ thì tất cả đều là một.

- SAR413… SAR413 nghe rõ trả lời.

Tiếng từ trung tâm tìm kiếm cứu nạn vang lên dồn dập trong máy điện đàm.

- SAR413 nghe rõ.

- Tàu đã đến địa điểm tàu bị nạn chưa?

- Sắp đến rồi. Trời tối qua. Sóng lại to nhưng chúng tôi sẽ tìm mọi cách để tìm kiếm và cứu hộ người bị nạn trên tàu. Báo cáo hết.

- Rất tốt. Cố gắng lên nghe các đồng chí. Chúc vui vẻ, hạnh phúc đêm giao thừa và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của tàu. Sau vụ này tôi sẽ đãi các cậu một bữa liên hoan Tết muộn “không say không về” - tiếng đại tá chỉ huy vang lên trong máy kèm tiếng cười trêu chọc rất tươi.

Tất cả ống dòm được huy động trên cả boong tàu. Ánh sáng từ những chiếc Ra-đa quét liên tục trên mặt biển đang dậy sóng ào ạt như đang cố xua tan màn sương mù mù đang dầy đặc. Chiếc tàu chòng chành nghiêng qua nghiêng lại đang cố sức tìm kiếm trong đêm đen đầy sóng gió. Tâm ước tính hướng gió, hướng dòng chảy để phán đoán nơi tàu gặp nạn, nơi các nạn nhân sẽ trôi đi. Con tàu lại tăng tốc rẽ sang trái rồi sang phải liên tục theo mệnh lệnh của người thuyền trưởng đầy kinh nghiệm trên biển khơi.

- Kia rồi. Hình như là một người đang ôm phao trôi dạt - tiếng Tâm hồ hởi nói rất to.

Ngay lập tức tàu lao nhanh về bóng người đang trôi dật dờ trên biển với sự sống thật mong manh. Âm. Ầm. Ầm. Ba bóng người nhanh chóng phóng xuống biển sâu lạnh cóng và bơi về bóng người kia. Rất nhanh, nạn nhân được dìu vào mạn tàu và đưa ngay lên boong tàu trong tình trạng kiệt sức, tay chân tím tái, móp xộp vì đã dìm mình quá lâu trên biển. Những thuỷ thủ trên tàu thay nhau xoa bóp làm nóng nạn nhân, số khác đã chuẩn bị sẵn sàng những chén cháo nóng để nạn nhân hồi sức. Mọi động tác sơ cứu được thực hiện nhuần nhuyễn, nhanh chóng hơn bao giờ hết.

Gió lại mạnh dần lên. Tàu cứu hộ vẫn đang mở rộng phạm vi tìm kiếm nạn nhân. Những vệt đèn lại chiếu sáng rực trên mặt biển đang hung hăng giận dữ. Một… hai… ba… rồi bốn người bị nạn được tìm thấy và đưa lên boong tàu. Công việc cấp cứu, hồi sức lại được tiếp tục.

Mặt trời bắt đầu xuất hiện ở đường chân trời. Mùng một Tết đã đến. Năm nạn nhân chìm tàu đã dần tỉnh trong sự ngỡ ngàng, hạnh phúc. Bất ngờ quá vì họ không bao giờ nghĩ rằng mình còn sống trên cõi đời này khi con tàu nhỏ nhoi của họ bị sóng dữ đánh vỡ tan từng mảnh. Giữa làn ranh sinh tử, họ chỉ còn biết nguyện cầu ở một phép màu linh thiêng nào đó mang lại sự sống cho họ trong sự vô vọng. Vậy mà phép màu ấy đã đến. Ðến không từ sự cứu rỗi của một đấng siêu nhiên nào đó, mà đến từ những con người bằng xương, bằng thịt trên con tàu cứu hộ SAR413.

- Tụi tui biết ơn mấy anh nhiều lắm. Kiếp này hổng trả được cũng xin làm trâu ngựa hầu hạ các anh để đền ơn cứu mạng - một nạn nhân thều thào nói khẽ.

- Trời đất. Chuyện này nhỏ như con thỏ. Nhằm nhè gì ba cái vụ lẻ tẻ. Nhiệm vụ  cứu hộ là chuyện Nhà nước giao cho tụi tui. Ơn nghĩa gì đâu mấy anh ơi. Nè, mai mốt mạnh giỏi rồi rảnh rỗi ghé tụi tui nhậu lai rai vài xị rượu đế rồi ca vọng cổ nghe chơi - tiếng thằng Khoe “đế vương” sang sảng, rồi cười xởi lởi.

Cuộc tìm kiếm lại tiếp tục. Cả tàu ăn qua loa bữa cơm mùng một Tết thật đạm bạc và nhanh chóng. Nhiệm vụ vẫn còn trước mắt. Vẫn còn đến ba người mất tích. Con tàu lại băng băng trên biển rộng. Ðây rồi. Ba thi thể đã được tìm thấy trong tình trạng chẳng vẹn nguyên. Tâm nghe sóng mắt mình cay xè, dù anh đã hàng chục lần chứng kiến cảnh tượng này. Lực bất tòng tâm. Anh và đồng đội đã không mang họ trở về cuộc sống dù đã hết lòng, hết sức. Anh cảm thấy mình thật có lỗi với họ, với người thân của họ. Biết sao bây giờ. Họ đã sống vì biển, nay chết cũng vì biển. Một sự đánh đổi thật nghiệt ngã vô chừng.

- Các đồng chí chuẩn bị nhang thơm và mấy chén cơm cúng vái người đã khuất - tiếng thuyền trưởng Tâm thật buồn.

Trên boong tàu, ba thi hài được quấn chặt trong những mảnh vải ni-lông đặt ngay ngắn trên những chiếc kệ bằng gỗ. Những nạn nhân may mắn còn sống rưng rưng đến đốt nhang cho người đã khuất trong tâm trạng tiếc thương vô hạn. Mới vài ngày trước đây họ còn quây quần bên nhau hồ hởi trước mẻ cá thu khổng lồ ước tính bán được hàng trăm triệu đồng, họ nghĩ đến một cái Tết thật an vui, hạnh phúc hơn bao giờ hết. Vậy mà… ba người thân của họ giờ đã tan biến vào lòng biển khơi mang theo bao niềm ước vọng.

***

Phía sau boong tàu SAR413, hàng chục thuỷ thủ ngủ mê mệt như chưa từng được ngủ bao giờ. Họ đã chiến đấu với sự hung hãn của biển khơi hàng chục tiếng đồng hồ để giành giật sự sống cho năm con người may mắn, mang về đất liền ba thi thể nạn nhân vắn số cho gia đình. Tâm thấy thương đồng đội nhiều quá. Họ trẻ quá và chịu đựng hy sinh gian khổ nhiều quá. Anh chợt nghĩ, giờ này ở đất liền, vợ con anh cũng đã trông đứng trông ngồi mong anh về sum họp. Giờ này những chàng trai, cô gái nắm tay nhau ung dung đi giữa phố phường đầy cờ hoa rực rỡ. Những dòng người, xe cộ nối đuôi nhau tấp nập trên các ngả đường. Những nhà hàng, quán ăn cũng người ra kẻ vào nườm nượp. Tết mà. Còn anh và đồng đội thì đang ở giữa biển cả mênh mông, đang ngủ thật ngon lành trên boong tàu trong ngày đầu năm mới.

- SAR413 nghe rõ trả lời - tiếng gọi khẩn trương từ đất liền lại vang lên liên tục.

- SAR413 đang nghe.

- Tâm hả. Vụ Cà Mau sao rồi?

- Báo cáo đã xong. Chúng tôi đang chuyển ba thi thể nạn nhân đã chết và năm người còn sống đến Ðồn Biên phòng Cà Mau.

- Tốt. Chúc mừng anh em hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Nè, cậu cho tàu quay về ngay hướng Vũng Tàu cứu hộ gấp một chiếc tàu đánh cá mới bị chìm cách đây một tiếng. Rõ chưa?

- Báo cáo rõ. Tàu chúng tôi lập tức khởi hành. Báo cáo hết.

Tiếng còi tàu phát lên ba tiếng để đón chào năm mới rồi quay đầu tiến về hướng Vũng Tàu. Hai mươi con người lại chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc chiến đấu mới đầy cam go, gian khổ.

Tết này họ đón năm mới giữa biển khơi…

Truyện ngắn của Trần Giang

"Lửa thử vàng" - Câu chuyện truyền nhân gia tộc cải lương

Cải lương đi qua thời hoàng kim, nhưng truyền nhân các gia tộc cải lương chưa bao giờ tắt ngọn lửa đam mê và niềm khao khát viết tiếp chặng đường nghệ thuật của cha ông đã gầy dựng.

Cảm xúc dẫn lối

Từ nhỏ, Nguyễn Hoàng Giang đã yêu thích nghệ thuật. Cơ duyên đưa anh đến với nhiếp ảnh bắt đầu từ tình yêu dành cho cái đẹp và nghệ thuật. Thế nên, tuy từng có 20 năm gắn bó với Hà Nội, nhưng mảnh đất Hội An đậm chất nghệ thuật lại chính là động cơ thôi thúc, khiến anh quyết định chuyển vào nơi này định cư. Ðến nay, khi đã là chủ một công ty du lịch và sở hữu chuỗi khách sạn, nhà hàng, dù bận rộn, anh vẫn dành thời gian cho nhiếp ảnh.

Dâng hương Tổ nghiệp Sân khấu

Suốt 13 năm qua, Ngày Sân khấu Việt Nam cũng là ngày hướng về Tổ nghiệp của những người hoạt động lĩnh vực sân khấu. Ngày Giỗ Tổ là dịp để những người hoạt động trong lĩnh vực sân khấu cùng nhau nhắc nhớ về thế hệ tiền nhân đã có công sáng lập, gìn giữ loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống của dân tộc. Đồng thời cũng là cuộc họp mặt hâm nóng tình nghệ sĩ, tạo sự gắn kết, cùng động viên nhau phấn đấu để mang những cái hay, cái đẹp phục vụ công chúng.

Còn đó những cánh chim không mỏi

Nghe tôi có ý định tìm một địa điểm lý tưởng để khám phá, thưởng thức các loại hình nghệ thuật truyền thống tại mảnh đất được mệnh danh là “thành phố đáng sống”, một người anh đồng nghiệp đang công tác tại Ðài Phát thanh - Truyền hình Ðà Nẵng giới thiệu ngay Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh. Vậy rồi, qua vài lời kết nối nhiệt tình, NSƯT Trần Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát, liền đích thân mời đoàn văn nghệ sĩ Cà Mau đến xem một suất diễn trong ngày gần nhất.

Nối dài tình yêu nước bằng nghệ thuật

Nghệ thuật kết nối quá khứ và hiện tại, là phương tiện giúp gìn giữ, lưu truyền và phát huy văn hoá dân tộc. Với ý nghĩa ấy, các bạn trẻ tại Cà Mau, bằng hoạt động nghệ thuật, đã góp phần lan toả, nhân lên tình yêu quê hương, đất nước trong những người trẻ và cộng đồng.

Ấm áp chương trình nghệ thuật “Tình ca Đất Mũi”

Nhằm tôn vinh Âm nhạc Việt Nam nói chung, Âm nhạc Cà Mau nói riêng, thể hiện sự tri ân đối với các tác giả có nhiều cống hiến cho sự nghiệp âm nhạc tỉnh nhà. Tối 3/9, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh đã diễn ra Chương trình nghệ thuật chào mừng kỷ niệm lần thứ 15 Ngày Âm nhạc Việt Nam với chủ đề :“Tình ca Đất Mũi”. Chương trình do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng với Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh phối hợp tổ chức.

Sắc màu miền Tây đến với Huế

Những năm qua, mỹ thuật đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) có bước phát triển mạnh, tạo được tiếng vang trong khu vực, các vùng miền trong và cả ngoài nước. Câu lạc bộ (CLB) "Sắc màu miền Tây ART" đã có 4 cuộc triển lãm tại Hội Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh và Hà Nội từ năm 2019-2023.

Khám phá cùng nhiếp ảnh

Nghệ sĩ Nhiếp ảnh (NSNA) Lê Minh Vũ (Quyên Vũ) sinh năm 1974, tại tỉnh Tiền Giang, hiện sinh hoạt tại Hội NSNA Việt Nam, Chi hội Tiền Giang.

Sắc màu văn hoá địa phương hoà quyện trong từng bài ca, điệu múa

Đạo diễn Nguyễn Tiến Dương, Trưởng Ban giám khảo Hội diễn Nghệ thuật quần chúng tỉnh Cà Mau lần thứ IX - 2024, đánh giá, một trong những điểm nổi bật của hội diễn là những sắc màu văn hoá của địa phương hoà quyện trong các bài hát, điệu múa, càng làm tăng thêm sự hấp dẫn. So với những hội diễn trước, các đội đã có nhiều sự tiến bộ về ca, múa, âm nhạc và trang phục.

Cho chữ mùa Vu lan

Tôi gặp thầy đang cho chữ tại một góc nhỏ trong khuôn viên chùa Thiền Lâm, phường Tân Thành, TP Cà Mau, vào ngày chùa tổ chức lễ Vu lan. Mặc dù bút trên tay đang nắn nót, mắt chăm chú vào con chữ, nhưng được vài nét, khi ngẩng lên chấm mực là thầy nhanh miệng mời gọi mọi người đang đứng túm tụm gần đó: “Viết mấy câu tặng cha mẹ đi chị (cô, chú, anh, em...) ơi!”; “Lại chú cho chữ cầu sức khoẻ, học giỏi nè các con!”; “Cầu tài lộc, sức khoẻ, vạn sự như ý nè anh chị em, cô bác ơi!”... Và bao giờ sau những câu mời gọi, thầy cũng nhấn mạnh “tặng chữ hoàn toàn miễn phí” để khách khỏi đắn đo.