Vùng đất địa đầu cực Nam của Tổ quốc đang đứng trước một cơ hội phát triển mang tính lịch sử, việc sáp nhập 2 tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu không chỉ là sự thay đổi về địa giới hành chính mà còn kiến tạo một không gian phát triển rộng lớn, hài hoà và bền vững. Tỉnh Cà Mau (mới) hứa hẹn trở thành một vùng kinh tế đa dạng, với các trụ cột vững chắc như nông nghiệp, công nghiệp, năng lượng tái tạo, du lịch và đặc biệt là kinh tế biển.
Nhân dân tin tưởng và kỳ vọng
Lịch sử hành chính của vùng đất Cà Mau và Bạc Liêu chứng kiến nhiều thay đổi. Giai đoạn 1976-1996, Bạc Liêu và Cà Mau từng được sáp nhập thành tỉnh Minh Hải để phù hợp với điều kiện hành chính và phát triển kinh tế. Ðến ngày 1/1/1997, tỉnh Minh Hải lại được chia tách thành 2 tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau, tạo điều kiện để mỗi địa phương phát huy tiềm năng và lợi thế riêng.
Gần 30 năm sau ngày chia tách, một chương mới trong lịch sử phát triển của Cà Mau và Bạc Liêu lại được viết nên. Ngày 12/4/2025, tại Hội nghị lần thứ 11 khoá XIII, Ban Chấp hành Trung ương Ðảng đã ban hành Nghị quyết 60-NQ/TW, quyết định sáp nhập tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu, tái lập một đơn vị hành chính cấp tỉnh thống nhất với tên gọi Cà Mau, và trung tâm hành chính sẽ đặt tại TP Cà Mau hiện nay.
Trung tâm hành chính của tỉnh Cà Mau (mới) sẽ đặt tại TP Cà Mau hiện nay.
Ðề án sắp xếp tỉnh Bạc Liêu và tỉnh Cà Mau được HÐND 2 tỉnh vừa thông qua, hiện đã trình Trung ương xem xét. Theo đó, tỉnh Cà Mau sau sáp nhập sẽ sở hữu một tiềm lực đáng nể với tổng diện tích tự nhiên gần 8.000 km², dân số hơn 2,6 triệu người và 64 đơn vị hành chính (55 xã và 9 phường). Ðáng chú ý, trong 64 đơn vị hành chính (ÐVHC) cấp xã sau sắp xếp, không có ÐVHC nào mang số thứ tự hoặc ghép từ chỉ hướng Ðông, Tây, Nam, Bắc; ÐVHC là tên nhân vật lịch sử được điều chỉnh cả họ lẫn tên chứ không viết tắt, như: xã Phan Ngọc Hiển (trước đây là Ngọc Hiển), Quách Văn Phẩm (trước đây Quách Phẩm)...
Ðồng chí Phạm Thành Ngại, Phó bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, nhấn mạnh, tỉnh thực hiện song hành 2 nhiệm vụ vừa sắp xếp ÐVHC cấp tỉnh, vừa sắp xếp ÐVHC cấp xã. Ðây là công việc rất hệ trọng, khối lượng công việc lớn. Sự ủng hộ gần như tuyệt đối từ cộng đồng dân cư 2 tỉnh đã tạo nền tảng vững chắc cho quyết định mang tính bước ngoặt này. Gần 99,2% cử tri của Cà Mau và Bạc Liêu tham gia ý kiến đã đồng thuận với chủ trương sáp nhập, cho thấy sự tin tưởng và kỳ vọng vào những thay đổi tích cực.
Tỉnh Bạc Liêu, tỉnh Cà Mau có điều kiện tự nhiên và kinh tế - xã hội tương đồng, mỗi tỉnh có lợi thế riêng có thể bổ sung để mở rộng không gian phát triển; có sự gắn kết chặt chẽ về cộng đồng dân cư, vị trí địa lý, lịch sử hình thành ÐVHC; có hệ thống giao thông đường bộ, đường thuỷ phát triển đồng bộ, đáp ứng tốt nhu cầu phát triển ngày càng cao; là điều kiện để tỉnh Cà Mau sau hợp nhất vươn lên trở thành một trung tâm kinh tế - xã hội năng động và có vị thế quan trọng trong khu vực và cả nước.
Trung tâm kinh tế - xã hội năng động và thịnh vượng
Tỉnh Bạc Liêu và tỉnh Cà Mau hợp nhất sẽ mở rộng không gian phát triển, tạo điều kiện cho quy hoạch và đầu tư đồng bộ hơn; tạo ra các vùng kinh tế quy mô lớn hơn, tăng cường năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư tốt hơn, khai thác và phát huy tối đa tiềm năng lợi thế sẵn có của các địa phương để phát triển, như kinh tế hội tụ đầy đủ các ngành, lĩnh vực trọng điểm (nông nghiệp, công nghiệp, phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, du lịch, kinh tế biển và hạ tầng đồng bộ), từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn diện.
Ðặc biệt là phát triển kinh tế biển, với chiều dài bờ biển 310 km và vùng biển rộng lớn khoảng 120.000 km2, là một trong những "vựa thuỷ sản" lớn nhất cả nước. Nông nghiệp tuần hoàn, hữu cơ, theo mô hình kinh tế lớn (diện tích canh tác lúa khoảng 312.000 ha; diện tích nuôi trồng thuỷ sản khoảng 450.900 ha, sản lượng tôm tiếp tục dẫn đầu cả nước với khoảng 566 ngàn tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 2,48 tỷ USD), đảm bảo nguồn nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm, tránh tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, tự phát, thiếu quy hoạch. Xúc tiến thu hút các dự án về năng lượng sạch như: điện gió, điện mặt trời, các dự án hydroxanh, amoniac xanh từ nguồn điện năng lượng tái tạo... hướng tới xuất khẩu điện.
Tỉnh Cà Mau (mới) có diện tích nuôi thuỷ sản khoảng 450.900 ha, sản lượng tôm tiếp tục dẫn đầu cả nước với khoảng 566 ngàn tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 2,48 tỷ USD.
Sức mạnh tổng hợp sẽ được phát huy, khi tỉnh tập trung nguồn lực để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, nhất là hệ thống giao thông kết nối được bổ sung đầu tư đồng bộ, thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội của ÐVHC mới. Theo đó, sẽ hình thành hệ thống kết cấu hạ tầng tương đối toàn diện, hiện đại, đồng bộ, đảm bảo tính kết nối cao như: sân bay (Cảng Hàng không Cà Mau); đường cao tốc (cả trục dọc gồm cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, cao tốc Cà Mau - Ðất Mũi và trục ngang cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu); đường quốc lộ (Quốc lộ 1, Quốc lộ 63, Quản lộ - Phụng Hiệp, đường Hồ Chí Minh, đường Nam Sông Hậu, đường Hành lang ven biển phía Nam); đường ven biển (đi qua địa phận Bạc Liêu và Cà Mau); cảng biển (Hòn Khoai và cầu đường kết nối đảo Hòn Khoai); đầu tư hạ tầng nhằm phát huy lợi thế các trung tâm kinh tế biển của tỉnh như: Gành Hào, Sông Ðốc, Cái Ðôi Vàm, Khánh Hội...
Không chỉ tạo thế và lực cho phát triển kinh tế, việc hợp nhất còn mang lại những lợi ích về mặt xã hội, giúp giảm bớt sự phân hoá và chênh lệch phát triển giữa các vùng về mức sống, thu nhập và cơ hội phát triển; chất lượng các dịch vụ công được nâng cao góp phần phục vụ Nhân dân được tốt hơn, như: giáo dục và y tế được đầu tư tốt hơn; công tác đảm bảo an sinh xã hội được chú trọng; hạ tầng nông thôn sẽ được bổ sung đầu tư đồng bộ; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá địa phương được toàn diện; đồng thời, thúc đẩy phát triển du lịch và các hoạt động giao lưu văn hoá giữa các khu vực, góp phần cải thiện đời sống toàn diện của người dân.
Hiện nay, 2 địa phương khẩn trương chuẩn bị các điều kiện cần thiết, để tỉnh Cà Mau (mới) sẽ chính thức ra mắt sau khi nghị quyết của Quốc hội có hiệu lực. Các công tác sắp xếp bộ máy, nhân sự và giải quyết các vấn đề liên quan sẽ được thực hiện một cách bài bản, đảm bảo sự ổn định và phát triển bền vững cho tỉnh trong tương lai. Người dân và doanh nghiệp sẽ được tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình chuyển đổi các thủ tục hành chính.
Ðồng chí Nguyễn Hồ Hải, Bí thư Tỉnh uỷ Cà Mau, nhấn mạnh: “Việc hợp nhất 2 tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau là đúng với chủ trương của Ðảng, phù hợp với thực tiễn địa phương, đáp ứng yêu cầu, mục tiêu, tổ chức hợp lý các ÐVHC, góp phần giảm số lượng ÐVHC, số người làm việc trong cơ quan, tổ chức của hệ thống chính trị ở địa phương, giảm chi ngân sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của Nhân dân”.
Với sự đồng lòng, quyết tâm và những tiềm năng sẵn có, tỉnh Cà Mau (mới) hứa hẹn sẽ tạo nên một bước đột phá mạnh mẽ, trở thành một trung tâm kinh tế - xã hội năng động và thịnh vượng ở vùng Ðồng bằng sông Cửu Long.
Mộng Thường