(CMO) Đó là chỉ đạo của Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử tại hội nghị trực tuyến giới thiệu và vận hành phần mềm “Nông nghiệp Cà Mau”, vừa được UBND tỉnh tổ chức sáng ngày 13/5.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.
Theo ông Châu Công Bằng, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phần mềm “Nông nghiệp Cà Mau” được xây dựng theo mô hình tổng thể, thiết kế trên 2 nền tảng Android và iOS, hoạt động được trên hầu hết các điện thoại thông minh, máy tính bảng (Tablet), iPad,… phục vụ cho người dân cập nhật các văn bản pháp luật, chính sách hỗ trợ cho nông dân, các chỉ đạo nhanh từ cơ quan chức năng.
Cung cấp thông tin, dữ liệu trên tất cả các lĩnh vực của ngành: thuỷ sản, trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thuỷ lợi, phát triển nông thôn, giống cây trồng, vật nuôi và thông tin về giá cả, thị trường; hướng dẫn các quy trình, kỹ thuật sản xuất; giới thiệu các mô hình sản xuất có hiệu quả cao trên các lĩnh vực; thông tin cảnh báo về thời tiết, môi trường, dịch bệnh, phòng chống thiên tai và cung cấp hệ thống dữ liệu của ngành Nông nghiệp để phục vụ cho công tác chỉ đạo sản xuất.
Các đại biểu đóng góp nhằm hoàn thiện phần mềm để đáp ứng nhu cầu sản xuất của người dân.
Ngoài ra, phần mềm “Nông nghiệp Cà Mau” còn giúp người dân phản ánh nhanh cho lãnh đạo ngành tình hình dịch bệnh, sạt lở, thiên tai, xâm nhập mặn. Giúp các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và người dân có thể đưa các sản phẩm OCOP tiêu biểu của mình lên hệ thống “thông tin giao dịch nông sản” để quảng bá sản phẩm trong và ngoài tỉnh.
Cũng theo ông Bằng, qua gần 2 năm vận hành thử nghiệm, phần mềm luôn được nâng cấp để đáp ứng nhu cầu của sản xuất thực tế tại địa phương. Hiện, tất cả các thông tin dữ liệu trên các lĩnh vực của ngành đều được cập nhật, bổ sung liên tục.
Khi đưa vào vận hành chính thức, phần mềm “Nông nghiệp Cà Mau” được kỳ vọng mang lại nhiều mặt tích cực trong thông tin quản lý lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh.
Bên cạnh đó, với hệ thống số liệu chuẩn hoá, sẽ làm cơ sở phục vụ cho các nghiên cứu khoa học, mang đến những khả năng dự báo, đáp ứng với tình hình phát triển chung, phù hợp với xu hướng phát triển nông nghiệp 4.0.
Phần mềm “Nông nghiệp Cà Mau” sẽ cập nhật thông tin trên tất cả các lĩnh vực của ngành đến với người dân.
Tuy nhiên, đây là phần mềm còn mới, lượng cài đặt phần mềm chưa cao, nên lượng truy cập còn thấp, hầu như còn xa lạ với nhiều người dân.
Để phần mềm thật sự là một phương tiện, công cụ không thể thiếu trong chỉ đạo, điều hành sản xuất, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử yêu cầu, trước tiên mỗi công chức, viên chức và người lao động trong ngành cần có sự hiểu biết, để giới thiệu rộng rãi trong Nhân dân biết, khai thác và sử dụng phần mềm hiệu quả nhất. Nhất là bộ phận cán bộ khuyến nông, nhân viên trực tiếp giải quyết thủ tục hành chính, có thể trực tiếp giúp người dân cài đặt, hướng dẫn sử dụng để nhiều người biết đến.
Ngoài phần mềm “Nông nghiệp Cà Mau”, Phó chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành tiếp tục nghiên cứu thực hiện công cuộc số hoá về ngành mình, thúc đẩy nhiệm vụ số hoá đạt hiệu quả cao hơn trong thời gian tới./.
Trung Đỉnh