ĐT: 0939.923988
Thứ bảy, 19-4-25 08:57:50
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Dương Cầm - Cô gái trẻ đam mê kịch nói

Báo Cà Mau Với những khán giả yêu thích kịch tại Cà Mau, ắt hẳn không còn xa lạ với cái tên Dương Cầm và những vai diễn ấn tượng của cô. Bằng tình yêu cháy bỏng dành cho bộ môn nghệ thuật kịch nói, Dương Cầm đã góp phần đưa kịch đến gần hơn với khán giả Cà Mau.

Dương Cầm tên thật là Nguyễn Ngọc Cầm (sinh năm 1991), quê xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình, sinh ra trong một gia đình công chức và không có ai tham gia nghệ thuật. Những câu hát ru của mẹ, những câu chuyện kể của bà thời thơ ấu đã giúp hình thành trong cô gái nhỏ trí tưởng tượng phong phú. Lớn lên, được tiếp xúc nhiều với phim ảnh, cải lương, kịch nói, Cầm luôn ước ao mình cũng được hoá thân vào những nhân vật được xem, để có thể trải nghiệm hết những cung bậc cảm xúc của từng nhân vật.

Thế nhưng, con đường thực hiện mơ ước không hề dễ dàng. Ðam mê ngày nào dần bị cuốn đi bởi những lo toan của cuộc sống thường nhật. Ra trường, Dương Cầm có 2 tấm bằng, về quản lý thư viện và thuế, vào công tác ở bưu điện tại quê nhà xã Hồ Thị Kỷ. Tưởng rằng ước mơ thuở nhỏ sẽ không thể thực hiện, cho đến khi Cầm gặp được những người bạn cùng chí hướng.

Dương Cầm, cô nhân viên bưu điện đam mê diễn xuất. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Dương Cầm chia sẻ: “Tôi từng có thời gian tham gia diễn xuất trong các quảng cáo trên truyền hình ở TP Hồ Chí Minh và tình cờ quen Hoàng Phúc, một bạn trẻ ở Cà Mau cũng đam mê diễn xuất. Tôi từng tham gia một vài vở diễn cùng Phúc và nhóm kịch của bạn ấy ở Cà Mau. Cũng từ cơ duyên này, tôi gặp được rất nhiều người bạn yêu nghệ thuật, từ đó tiếp thêm cho tôi động lực để tiếp tục "cháy" với đam mê”.

Không qua trường lớp đào tạo bài bản về diễn xuất hay kịch nói, Dương Cầm tự trau dồi kiến thức qua YouTube, tìm tài liệu trên Internet, xem nhiều vở diễn của các cô chú diễn viên gạo cội và cả những bạn trẻ có diễn xuất tốt, sau đó chắt lọc và tự định hình nên lối diễn của chính mình.

Cầm có thể hoá thân vào nhiều nhân vật, từ trẻ cho đến già, từ cô gái chân quê, hay vai mợ cả độc ác trong xã hội phong kiến, cho đến vai Mẹ Việt Nam anh hùng kiên trung, bất khuất. Mỗi khi nhận được vai diễn, Cầm sẽ tự phân tích bằng cách đặt mình vào nhân vật, mường tượng ra diễn biến tâm lý, hành động, lời nói và nhờ góp ý thêm từ những anh chị diễn viên có kinh nghiệm để diễn tốt nhất.

“Bản thân tôi xác định theo đuổi đam mê nghiêm túc và chuyên nghiệp, tôi phải luyện tập cách giữ hơi thở làm sao để có thể đứng thoại hàng giờ mà không quá mệt, cột hơi vững thì tiếng nói mới rõ ràng, truyền cảm. Tôi cũng tập sửa cách phát âm theo phương ngữ thành phát âm chuẩn phổ thông để khán giả dễ nghe hơn. Có những ngày sau khi nhận vai, tôi đứng trước gương tập diễn. Phân cảnh đó thì ánh mắt nhân vật phải diễn thế nào, khóc cười ra sao, chuyển động tay chân, dáng thế nào cho đẹp. Thậm chí tập cả cái nhếch môi sao cho thật “đời”, để khán giả cảm nhận được nhân vật”, Cầm tâm sự.

Hoạ sĩ Lê Thọ, chủ quán cà phê Nhiệt Ðới (TP Cà Mau), địa chỉ quen thuộc của những người yêu nghệ thuật tại Cà Mau, cũng là địa điểm biểu diễn thường xuyên của Dương Cầm và các bạn diễn, nhận xét: “Tôi là khán giả thân thuộc theo dõi nhiều vở diễn của Cầm. Bạn ấy có niềm đam mê rất lớn đối với kịch, có cách nắm bắt tâm lý nhân vật rất tốt. Khi xem bạn ấy hoá thân vào từng nhân vật, tôi dường như cảm nhận được sự chân thật từng niềm vui, nỗi buồn của nhân vật, tưởng chừng như Cầm chính là nhân vật trong vở diễn ấy”.

Bên cạnh những vai diễn trong các vở kịch được chuyển thể từ các vở cải lương nổi tiếng như: "Ðời cô Lựu", "Trà hoa nữ", "Tấm lòng của biển", Dương Cầm tự mày mò học viết kịch bản. Từ tiểu phẩm ngắn nhận được đánh giá tốt của giới chuyên môn, giờ đây Cầm đã có thể viết những vở kịch của riêng mình: vở kịch ngắn “Cánh thiệp đầu xuân” đã diễn phục vụ tại chùa Kim Sơn (Phường 6, TP Cà Mau); vở nhạc kịch “Hoà bình anh sẽ về với em” đang được tập luyện và sẽ biểu diễn vào lễ kỷ niệm 79 năm Cách mạng Tháng Tám thành công, vào ngày 19/8 tới đây.

Kịch nói là bộ môn nghệ thuật không xa lạ với người dân Việt Nam. Tuy nhiên, ở Cà Mau, việc tiếp xúc với kịch nói chủ yếu chỉ qua truyền hình, Internet. Cà Mau cũng chưa có sân khấu kịch chuyên nghiệp để người yêu thích bộ môn nghệ thuật này thưởng thức. Hiện tại, những đêm diễn kịch của Dương Cầm và ê kíp thường chỉ ở các quán cà phê có không gian thiên về hoài cổ, nghệ thuật phù hợp với kịch.

Dương Cầm và nhóm bạn từng ngày thực hiện mong ước tạo được sân chơi và kết nối những bạn trẻ yêu nghệ thuật nói chung, cũng như kịch nói riêng, đưa kịch đến gần hơn với khán giả Cà Mau.

Vai diễn Mẹ Việt Nam anh hùng trong chương trình “Bức thư gửi lại người đang sống”. (Ảnh nhân vật cung cấp).

Những vở kịch mà Dương Cầm cùng những người bạn đã, đang và sẽ thực hiện không chỉ tiếp cận được đối tượng lớn tuổi, tái hiện phần ký ức của họ khi chuyển thể các vở cải lương kinh điển sang kịch nói, mà còn giúp thế hệ trẻ có cái nhìn sâu sắc hơn về kịch nói, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị bộ môn nghệ thuật truyền thống này. Qua đó giúp các bạn trẻ định hình và theo đuổi đam mê diễn xuất.

Cô gái với dáng người nhỏ nhắn nhưng đầy tâm huyết, trong từng ánh mắt, cử chỉ đều toát lên tình yêu dành cho nghệ thuật, kịch nói. Tuy những sân khấu mà Dương Cầm tham gia diễn xuất chưa thực sự chuyên nghiệp, nhưng với cô, được thực hiện ước mơ từ nhỏ đã là hạnh phúc. Thỉnh thoảng được khán giả xem kịch nhớ đến và nhắc về vai diễn cũng đủ để cô có thêm động lực tiếp tục đam mê.

“Kịch là phần không thể thiếu trong cuộc sống của tôi. Với những diễn viên không chuyên như tôi hay những bạn trẻ đam mê nghệ thuật, không nhất thiết phải được diễn ở những sân khấu lớn, mà ở bất cứ đâu, chỉ cần được hoá thân vào nhân vật, được sống cùng đam mê, đều có thể toả sáng theo cách riêng của mình”, Dương Cầm chia sẻ./.

 

Vân Anh

 

Tài sản vô giá cho hậu thế

Trở lại năm 2012, khi UNESCO công nhận tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại, niềm vui ấy, sự tự hào lớn lao ấy lan toả khắp cả đất nước Việt Nam. Bởi một lẽ đơn giản, đâu đâu trên mảnh đất hình chữ S này, Vua Hùng cũng được Nhân dân thành kính khói hương.

Thăng hoa cùng nhiếp ảnh

Chàng trai trẻ Cà Mau toả sáng trong giới thời trang

Sinh ra và lớn lên ở huyện U Minh, trong một gia đình khá khó khăn, Huỳnh Ngọc Huấn từ nhỏ đã quyết tâm học tập để mang đến cuộc sống tốt hơn cho cha mẹ. Ðam mê ngành học thời trang, nhưng hiểu điều kiện gia đình không đủ lực để hỗ trợ mình, bởi quá trình học ngành này rất tốn kém, Huấn chuyển sang thi ngành thiết kế nội thất của Ðại học Kiến trúc TP Hồ Chí Minh (Cơ sở Cần Thơ). Huấn kể: “Tôi thi đậu vào trường. Cha mẹ nghe tin con trai đậu đại học thì mừng hơn bắt được vàng, khoe khắp nơi. Nhưng niềm đam mê lại thúc giục tôi rẽ sang lối đi khác”.

Văn hoá truyền thống - Hành trang trưởng thành của giới trẻ

Văn hoá tín ngưỡng từ lâu đã trở thành một phần quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân Cà Mau. Tỉnh có nhiều lễ hội mang đậm bản sắc văn hoá tín ngưỡng địa phương được tổ chức hằng năm như: Lễ hội Nghinh Ông Sông Ðốc, Lễ tế Thần Nông, Lễ vía Bà Thiên Hậu... Không chỉ là nơi gửi gắm tâm linh của người lớn tuổi, các lễ hội này còn thu hút đông đảo các bạn trẻ tham dự.

“Con Rồng cháu Tiên” tri ân Quốc Tổ

“Con Rồng cháu Tiên” là chủ đề hoạt cảnh sân khấu được Đoàn cải lương Hương Tràm biểu diễn tại Lễ tri ân Quốc Tổ Lạc Long Quân, sẽ diễn ra lúc 8 giờ, ngày 3/4 (6/3 âm lịch), tại Đền thờ Lạc Long Quân, Khu Du lịch Mũi Cà Mau.

Trao giải cuộc thi mỹ thuật truyền thống tỉnh Cà Mau năm 2025

Chiều nay (28/3) tại Hội Văn học - Nghệ thuật (VHNT) tỉnh Cà Mau, Ban tổ chức Cuộc thi Mỹ thuật truyền thống tỉnh Cà Mau lần thứ X năm 2025 tổ chức trao giải và triển lãm.

CÀ MAU THÊM GẦN

Ta sẽ về quê bằng đường cao tốc Để thấy Cà Mau giờ đã thêm gần Đường mới mở trải dài thẳng tắp Mùi nhựa thơm pha mùi nắng đồng bằng

Ra mắt “Không gian nghệ thuật – Điểm sinh hoạt các câu lạc bộ”

Tối 24/3, Bảo tàng tỉnh Cà Mau phối hợp cùng Trung tâm Văn hoá tỉnh và Công ty TNHH MTV Mười Ngọt tổ chức buổi ra mắt “Không gian nghệ thuật - Điểm sinh hoạt các câu lạc bộ”.

Giải nhất thuộc về tác giả Lại Lâm Tùng với tác phẩm "Nhìn ra Hòn Khoai"

Cuộc thi và Triển lãm Mỹ thuật truyền thống tỉnh Cà Mau lần thứ X năm 2025 khuyến khích các tác giả thể hiện những thành tựu trên các lĩnh vực kinh tế, văn hoá - xã hội, quốc phòng, an ninh của tỉnh; chương trình xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; những nét văn hoá, lịch sử truyền thống của vùng đất và con người Cà Mau…

Trưng bày chuyên đề "Ninh Bình - Dấu ấn vùng đất cổ"

Hoạt động trưng bày được khai mạc vào sáng ngày 24/3, tại Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh (Phường 1, TP Cà Mau), do Bảo tàng tỉnh Cà Mau phối hợp Bảo tàng tỉnh Ninh Bình tổ chức.