Trong xã hội ngày nay, giảm nghèo không còn là chuyện đủ ăn, đủ mặc, mà chuyển qua hình thái mới, là ăn ngon và mặc đẹp. Ðiều này đòi hỏi mọi gia đình, hoàn cảnh, trong nỗ lực phấn đấu giảm nghèo cần phải tự đổi mới mình. Ðổi mới từ tư duy đến cách làm, thích ứng với xu thế phát triển chung để tạo ra lợi nhuận. Từ đó trở thành nhân tố quan trọng trong công cuộc kiến thiết, xây dựng quê hương, đất nước.
Thay đổi để phát triển
Theo đánh giá của ngành chức năng, qua 3 năm thực hiện chương trình giảm nghèo, cũng như triển khai và thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh (2021-2023), nhìn chung đạt hiệu quả thiết thực, diện mạo nông thôn thay đổi, hiện đại, tiến bộ hơn, đời sống người dân từng bước được cải thiện.
Năm 2021 toàn tỉnh có hơn 9.600 hộ nghèo, chiếm 3,14%; cận nghèo hơn 6.900 hộ, chiếm 2,27%. Sau gần 3 năm tập trung nguồn lực hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh, đến nay, theo kết quả rà soát sơ bộ năm 2023, toàn tỉnh chỉ còn khoảng hơn 4.700 hộ nghèo, chiếm 1,56%; cận nghèo hơn 4.800 hộ, chiếm 1,59%.
Thực tiễn cho thấy, để hướng đến mục tiêu giảm nghèo bền vững, mỗi hộ dân cần có sự thay đổi để thích ứng. Ở tỉnh Cà Mau, hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn thường tập trung ở khu vực nông thôn, làm nông nghiệp, làm thuê theo thời vụ là chủ yếu. Ngày nay, sản xuất nông nghiệp đã bước sang giai đoạn mới, là cơ chế thị trường. Chính vì thế trong canh tác cũng cần có sự thay đổi để phù hợp.
Nông dân dần tiếp cận công nghệ cao trong sản xuất. (Ảnh chụp mô trình trồng rau thuỷ canh của ông Phạm Văn Biển, Phường 8, TP Cà Mau).
Ông Nguyễn Hữu Ánh (66 tuổi, xã Tân Thành, TP Cà Mau) là gương mặt khá quen trong giới nuôi cá tại Cà Mau. Vua cá chình là cái tên nhiều người đặt cho ông. Ông Ánh cũng là người từng có chuỗi ngày nghèo khó, song với ý chí, nghị lực, hơn hết là biết cách tự thay đổi đã trở thành người thành đạt như hôm nay.
Những ngày đầu với tư liệu sản xuất ít ỏi, đến nay ông đã có hơn 7 ha đất, tập trung vào việc nuôi cá chình, thu nhập mỗi năm hơn 2 tỷ đồng. Ông Ánh chia sẻ, kinh nghiệm của bản thân trong làm nông là phải có sự thay đổi. Nếu như cứ tập trung vào trồng lúa thì sẽ khó phát triển.
"Tôi thay đổi từ hình thức sản xuất, cách nuôi, cách tiếp cận thông tin. Cũng như trước đây, muốn học hỏi kinh nghiệm phải lặn lội đến nơi nhờ người hỗ trợ. Còn bây giờ chỉ cần có thiết bị thông minh, kết nối mạng là có thể tra cứu bất cứ thông tin gì mình muốn. Xã hội phát triển, mình phải thay đổi để bắt kịp xu thế", ông Ánh trải lòng.
Không những có nền tảng công nghệ số phát triển, mà trình độ khoa học, kỹ thuật cũng phát triển, tiến bộ không ngừng. Nó được xem là bàn đạp để phát triển kinh tế. Chính vì thế, để phát triển kinh tế gia đình, tư liệu sản xuất không chưa đủ, cần phải nắm bắt khoa học, kỹ thuật, vận dụng sáng tạo vào sản xuất mới là điều quan trọng.
Ông Lê Văn Hận (Ấp 3, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời) chia sẻ: "Làm kinh tế nông nghiệp ngày nay không thể canh tác theo lối xưa cũ, cần phải áp dụng những tiến bộ khoa học, sử dụng máy móc thay sức lao động con người để làm việc. Mặc dù chi phí có nhiều hơn so với lao động thủ công, nhưng giá trị mang lại lớn, không chỉ lợi nhuận mà điều quan trọng là sức khoẻ người canh tác được đảm bảo".
Ông Lê Chí Tâm, Bí thư Ðảng uỷ xã Tân Phú, huyện Thới Bình, cho biết: "Thời gian qua, địa phương luôn chú trọng công tác giảm nghèo, xem đây là nhiệm vụ xuyên suốt. Không chỉ giảm nghèo mà giảm nghèo bền vững là mục tiêu quan trọng mà địa phương hướng đến. Ngoài những chính sách hỗ trợ, hộ có tư liệu sản xuất ít cũng phải tiếp cận tiến bộ khoa học - kỹ thuật thông qua các lớp tập huấn. Cùng với đó là tạo điều kiện cho những hộ này tham gia các hợp tác xã, tổ hợp tác tại địa phương để nâng đỡ, hỗ trợ nhau cùng phát triển, cũng như tạo ra những sản phẩm nông nghiệp có đầu ra ổn định, định hướng xuất khẩu ra thị trường lớn".
Xác định vai trò điều tiết của nhà nước
Giảm nghèo bền vững luôn là nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt, không thể để người dân tái nghèo. Vấn đề này được cụ thể hoá trong các chương trình hành động, được Ðảng và Nhà nước ta xác định tầm nhìn đến năm 2025. Trong đó đòi hỏi vai trò điều tiết của Nhà nước.
Bà Nguyễn Thu Tư, Phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Cà Mau, chia sẻ: "Bước sang giai đoạn giảm nghèo 2021-2025, Chính phủ đã ban hành chuẩn nghèo cho giai đoạn mới. Do đó, việc rà soát, điều tra, phân tích, đánh giá chuẩn nghèo hằng năm cần phải có sự chỉ đạo quyết liệt của cấp uỷ, chính quyền địa phương; sự vào cuộc của các sở, ban, ngành trong việc đánh giá thực chất hộ nghèo trên địa bàn tỉnh. Từ đó, xác định được mục tiêu, chỉ tiêu, giải pháp cho công tác giảm nghèo giai đoạn tiếp theo".
Theo đánh giá ngành chức năng, xây dựng sự liên kết để tạo ra sản phẩm nông nghiệp có sức cạnh tranh là hình thức sản xuất mang tính bền vững.
Cùng với đó, quan tâm hỗ trợ sinh kế, triển khai hiệu quả các mô hình phát triển sản xuất cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Chú trọng hình thành chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp cho nông dân. Quan tâm hỗ trợ, đầu tư vốn, khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, tạo ra thị trường tiêu thụ nông sản cho người dân.
Theo bà Nguyễn Thu Tư, trong công tác này cần thực hiện hiệu quả các chính sách về giáo dục, đào tạo, dạy nghề, nâng cao dân trí là nền tảng của sự phát triển. Ðây là giải pháp căn cơ nhất, đảm bảo tính bền vững. Vì thực tế khi người dân có kiến thức, có nhận thức thì họ sẽ biết cách tính toán làm ăn, có kế hoạch sản xuất, nuôi trồng trên mảnh vườn, thửa ruộng của mình một cách hiệu quả nhất.
Ðịa phương phải chú trọng đầu tư công trình thiết yếu hỗ trợ sản xuất và đời sống dân sinh. Vì thực tế, để phát triển nền nông nghiệp hàng hoá thì nhất thiết phải có mạng lưới giao thông, thuỷ lợi, tạo điều kiện thông thương, đưa nông sản của bà con tiếp cận thị trường...
Ông Lưu Văn Vĩnh, Phó trưởng ban Dân vận Tỉnh uỷ Cà Mau, cho biết: "Mặc dù đã qua, công tác giảm nghèo hằng năm đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch, nhưng từng lúc tính bền vững chưa cao, bởi một bộ phận người dân mới thoát nghèo còn thiếu vốn sản xuất, thiếu việc làm hoặc việc làm chưa ổn định, bệnh tật, đông con, không có lao động... Mặt khác, dù dịch Covid-9 đã được kiểm soát nhưng hậu quả để lại vô cùng nặng nề, các hoạt động sản xuất trì trệ, lao động bị mất việc hoặc tìm được việc làm nhưng thu nhập thấp và không ổn định, nhất là tại các xã khó khăn vùng bãi ngang, ven biển".
Nhìn nhận thực tế khó khăn tại địa phương, tỉnh Cà Mau đã xác định những phương hướng, nhóm nhiệm vụ quan trọng thực hiện đến cuối năm 2025. Trong đó, phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều đến cuối năm 2025 còn không quá 1%.
Ông Lưu Văn Vĩnh cho biết thêm: "Ðể thực hiện mục tiêu này, địa phương xác định việc cần phải quan tâm thực hiện là tăng cường hiệu quả quản lý Nhà nước, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và người dân về thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững. Cũng như có những rà soát cụ thể để nắm tình hình một cách sâu sát nhất. Trong công tác này, tỉnh Cà Mau cần cân đối nguồn lực từ ngân sách Nhà nước, huy động và sử dụng nguồn lực từ các doanh nghiệp, sự đóng góp của Nhân dân, nguồn lực của chính người nghèo... để từ đó đầu tư, hỗ trợ phát triển phù hợp. Ðồng thời, Uỷ ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội sẽ hỗ trợ, giúp đỡ hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo bằng những giải pháp phù hợp và thiết thực với quyết tâm cao nhất".
Cùng với sự phát triển của xã hội, chuẩn nghèo đa chiều mới hiện nay không chỉ chú ý đến thu nhập mà bao hàm cả việc tiếp cận các dịch vụ tiện ích, hiện đại của người dân. Mong rằng, với tầm nhìn, những giải pháp đồng bộ, tỉnh Cà Mau sẽ tiếp tục ghi nhận những tín hiệu tích cực hơn nữa từ công tác giảm nghèo bền vững trong thời gian tới, hiện thực hoá mục tiêu giảm nghèo bền vững là đích đến của xã hội phồn vinh./.
Kim Cương - Lam Khánh - Văn Ðum