(CMO) Có quan điểm cho rằng, nên đọc tác phẩm mới xuất bản để biết được tinh thần, suy nghĩ và cuộc sống của thế hệ hôm nay đang diễn biến như thế nào. Nhưng ngược lại, vẫn còn rất nhiều bạn đọc tìm lại tác phẩm văn chương kinh điển. Vì sao? Bởi lẽ điều quan trọng nhất không phải tác phẩm ấy, quyển sách ấy được viết khi nào hoặc xuất bản khi nào mà là thông điệp mà người viết chuyển tải đến bạn đọc. “Chó hoang Dingo hay là câu chuyện mối tình đầu” (NXB Hội Nhà văn, Lê Ngọc Mai dịch) là một tác phẩm như thế.
"Và ở đó, ở cái phương xa không nhìn thấy được, hiện lên trước mắt các em một miền đất khác, miền đất huyền ảo, một vùng sáng trải dài". Giản dị và nên thơ, “Chó hoang Dingo hay là Câu chuyện mối tình đầu” của Rumvim Phraerman từ lâu đã trở thành một tuyệt tác kinh điển của văn học thiếu nhi Nga. Tác phẩm làm lay động bao trái tim bạn đọc, những ai đã, đang và sẽ bước qua khúc quanh của cuộc đời, khi tuổi thơ từ giã họ.
![]() |
Tác phẩm kể về Tanhia. Ở một thành phương Bắc xa xôi của nước Nga, Tanhia sống cùng mẹ. Lúc nào bên cạnh Tanhia cũng có Phinca, người bạn thuở thiếu thời trung hậu, dũng cảm và vô cùng ngưỡng mộ cô. Một ngày kia bố Tanhia trở về, cùng người vợ mới và cậu con trai nuôi - mọi kịch tính của câu chuyện bắt đầu âm ỉ từ đây, để cuối cùng cháy bùng thành ngọn lửa...
Gần như toàn bộ quãng đời của mình Tanhia sống không có bóng dáng người bố khi bố và mẹ chia tay lúc Tanhia chỉ mới 8 tháng tuổi. Thế nhưng, cái cảnh được trùng phùng sau bao nhiêu năm trời đằng đẵng quả thật là một cảnh tượng vừa vui mừng nhưng cũng vừa xót xa bởi cô bé ấy với tâm hồn nhạy cảm đã luôn day dứt trong lòng suy nghĩ: bố cô đã ở đâu và có nghĩ đến đứa con gái trong bao năm dài đó? Tanhia ganh tỵ với Colia - thằng con trai bằng tuổi cô bé, không phải là con ruột của bố cô, vậy mà lại được ở bên bố cô nhiều hơn, được là một phần của cái gia đình mà bố cô đã xây dựng với người vợ kế.
Không biết tình yêu mà Tanhia dành cho Colia bắt đầu từ lúc nào, có phải từ chính cái cảm giác ganh tỵ dành cho cậu trai ấy hay không? Hay tình yêu ấy bắt nguồn từ khoảnh khắc Tanhia tặng bó hoa xaranca cho một cậu bé bị sốt rét được người ta chuyển trên cáng từ tàu xuống đất liền mà không biết rằng đó chính là Colia? Hay bắt nguồn từ lần Colia khen Tanhia có đôi mắt đẹp; cô bé mơ màng ngắm chính đôi mắt của mình trong gương ở trường, để rồi làm đổ tung toé những lọ mực, khiến mực dây đầy tay. Hay lần Colia tặng Tanhia con cá nuôi trong bể kiếng nhân dịp đầu năm mới, cô bé thích lắm nhưng vẫn kêu bà vú nuôi đem rán cá đi với mục đích chọc giận anh chàng...
Mọi thứ hoà quyện vào nhau, trong tâm tư của một cô bé đang đứng trước ngưỡng cửa trưởng thành, đang ở “buổi sáng của cuộc đời” như cảm xúc của Nhà văn Rumvim Phraerman khi ông viết tác phẩm này: “… cũng như nhiều nhà văn khác, tôi đã bị cái tình cảm thức dậy trong thời kỳ “buổi sáng của cuộc đời” này lôi cuốn từ lâu. Tôi đã nghĩ về cuốn truyện trong những năm đầy lo âu trước chiến tranh. Tôi muốn chuẩn bị tâm hồn của những bạn trẻ cùng thời với tôi trước những thử thách của cuộc đời trong tương lai, muốn kể cho họ một điều gì đó đẹp đẽ, rằng trong cuộc đời có biết bao nhiêu cái đẹp tuyệt vời mà vì nó ta có thể cần phải hy sinh…”.
Cuối cùng thì, ai rồi cũng phải lớn, mùa đông rồi cũng phải qua đi để nhường chỗ cho mùa xuân. Nhưng những ấn tượng về mối tình đầu thì vẫn còn đó: “Như bông tuyết đầu mùa dịu nhẹ sớm tan, để lại giọt nước trong vắt trên lòng bàn tay, những cảm xúc thuần khiết, lẫn lộn buồn vui của tuổi 15 dẫu qua đi, nhưng vĩnh viễn còn đó trong tâm hồn nỗi bâng khuâng như có làn gió buốt trong lành vừa bay đến từ một vùng biển xa khắc nghiệt và tuyệt đẹp"./.
Minh Trí