(CMO) Được tách xã từ năm 2006, Biển Bạch khi ấy tỷ lệ hộ nghèo gần như cao nhất huyện Thới Bình. Thế nên, khi bắt đầu xây dựng nông thôn mới (NTM), địa phương đã gặp phải muôn vàn khó khăn.
7 năm trôi qua kể từ khi thực hiện chương trình xây dựng NTM, đến nay Biển Bạch đã đạt 11/19 tiêu chí. Từ 25% hộ nghèo toàn xã, đến nay giảm còn 8,1%, tương đương 134 hộ; cận nghèo còn 118 hộ, chiếm 7,1%. Tuy nhiên, để đạt chuẩn NTM trong năm 2018 theo lộ trình của huyện đề ra, với Biển Bạch vẫn còn nhiều thách thức.
Một trong những cái khó nhất của xã phải kể đến là tiêu chí giao thông. Hiện nay, toàn xã có 7,5 km lộ được bê-tông hoá, đảm bảo ô-tô đi lại, chiếm 14,5%, so với quy định vẫn còn thiếu 5,5%. Ngoài một số tuyến đang cần vốn xây mới thì các tuyến đường trước đây đưa vào sử dụng đến nay đã hư hỏng nặng. Đặc biệt, vẫn còn tồn tại khá nhiều tuyến đường chưa có lộ, bà con phải đi lại bằng phương tiện thuỷ.
Kinh 500 thuộc Ấp 18 và một phần của Ấp 11 cùng ấp Thanh Tùng dài khoảng 10 km có tới hơn 40 hộ dân sinh sống phải chịu chung cảnh không điện, không đường, không nước sạch. Với họ, cuộc sống bên ngoài dường như tách biệt.
Chị Mai Ánh Hồng, Ấp 18, người sống lâu năm trên tuyến kinh này, than thở: “Về đây cũng gần 16 năm rồi, đường đi lại không có, nước thì phèn, không chăn nuôi gì được hết, muốn làm ăn gì cũng khó. Trước đây phải đi đổi từng thùng nước, giờ khoan được cây nước, lóng phèn xài đỡ. Điện thì mấy hộ đầu kinh như tôi mới kéo chia hơi nổi, mấy hộ phía trong đành chịu”.
Chị Mai Ánh Hồng sống hơn 16 năm ở tuyến Kinh 500, xã Biển Bạch. Chị nói, khu vực này nước bơm lên lóng phèn lâu ngày mới xài được. |
Chỉ cách điểm trường gần nhất hơn 1 km nhưng do lộ làng chưa có khiến con đường đến trường của em Lê Kim Hoài, con chị Hồng cũng trở nên gian nan. 4 năm đến trường là ngần ấy năm chị đi học cùng con.
Chị Hồng cho biết: “Mấy năm trước cứ con bé đi học là tôi đi theo rồi đợi rước về, đi tới lui tốn kém nhiều chi phí. Giờ đỡ rồi, sáng đưa chiều rước về, tranh thủ thời gian lo việc nhà cửa”.
Ấp 18 có 574 hộ dân, trong đó còn 30 hộ nghèo, 31 hộ cận nghèo. Đặc thù địa bàn rộng nên một số nơi dân cư thưa thớt nên điện hạ thế vẫn chưa đến nơi, bà con phải chấp nhận chuyện điện chia hơi.
Phó Ban nhân dân Ấp 18 Lê Tuyết Phượng cho biết: “Điều kiện sống của ấp còn nhiều khó khăn, nhất là tuyến Kinh 500, bà con phải kéo điện nhờ bên Khánh Thuận nên dây điện cũng chằng chịch dữ lắm. Dân cư lại thưa, mấy trăm thước mới có cái nhà, mà đa số là hộ nghèo nên dù Nhà nước với dân cùng làm thì người ta cũng chưa có điều kiện làm”.
Ngoài ra, mặc dù tỷ lệ hộ nghèo toàn xã đến nay đã giảm đáng kể nhưng đời sống người dân chủ yếu dựa vào 1 vụ lúa, 1 vụ tôm, năng suất lại không cao, do đó, để giảm 4,1% hộ nghèo trong năm để đạt chuẩn khi chưa có mô hình kinh tế nào đem lại hiệu quả cao, bền vững là chuyện vô vàn khó khăn.
Phó bí thư Đảng uỷ xã Biển Bạch Trần Văn Tuấn cho biết: “Trước đây địa phương có xây dựng mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến năng suất cao, nuôi dê, động vật hoang dã nhưng hiệu quả chỉ mức tương đối. Sắp tới sẽ đưa về một số dự án nuôi trồng khác để tạo điều kiện cho bà con có thu nhập cao, cải thiện cuộc sống”.
Xã Biển Bạch có 5 ấp thì có 1 ấp nằm trong diện đặc biệt khó khăn. Thu nhập bình quân đầu người theo quy định năm 2018 là 41 triệu đồng, nhưng hiện tại chỉ đạt khoảng 25 triệu đồng. Bên cạnh đó, toàn xã Biển Bạch hiện có 4 điểm trường học nhưng chỉ mới có 1 trường đạt chuẩn quốc gia, vì vậy cần xây dựng thêm 2 điểm trường đạt chuẩn quốc gia nữa mới đạt được tiêu chí này. Tuy nhiên, tiêu chí trường học đòi hỏi nguồn vốn đầu tư cao và cần vận động xã hội hoá nhiều.
Để Biển Bạch về đích NTM đúng lộ trình, đòi hỏi sự nỗ lực không ngừng của toàn đảng bộ và Nhân dân, sự linh hoạt trong các giải pháp thực hiện tiêu chí NTM, sự đầu tư hỗ trợ tích cực từ các ban, ngành và nhà hảo tâm; hơn hết là ý thức, sự đồng lòng của chính người dân địa phương./.
Hồng Nhung