Trần Thới là xã cửa ngõ phía Nam của huyện Cái Nước, được ghép từ họ và tên của 2 Liệt sĩ Trần Văn Út và Dương Văn Thới gắn với chiến công oanh liệt trong trận chống càn thời kháng Pháp ở địa danh Cái Muối. Ông Lê Văn Vũ, Chủ tịch UBND xã Trần Thới, cho biết: “Năm 2020, xã Trần Thới về đích nông thôn mới, đó là sự vui mừng, tự hào và được kết tinh từ truyền thống cách mạng vẻ vang, sức mạnh đoàn kết, ý chí vươn lên, và quan trọng nhất chính là ý Ðảng - lòng Dân nơi đây luôn được giữ gìn, vun đắp, phát huy cao độ”.
Dân hiến kế, sạt lở phải chịu thua
Ông Phan Trường Hận, Trưởng ấp Mỹ Hoà, xã Trần Thới, đã mở đầu câu chuyện của ấp nhà bằng sự sôi nổi, nhiệt huyết, cùng lời khẳng định: “Khó cỡ nào khó, mà dân chịu, dân liệu, dân làm thì khó mấy cũng xong”. Ông Hận kể, cách đây chưa lâu, tuyến dân cư ven sông Lộ Xe diễn ra tình trạng sạt lở trầm trọng, đe doạ an toàn cuộc sống và thiệt hại tài sản của người dân. Trong hoàn cảnh nguồn lực đầu tư của địa phương có hạn, tình hình cấp bách, lãnh đạo xã, cán bộ ấp đau đáu suy tính để tìm ra biện pháp giải quyết.
Ông Lê Văn Vũ chia sẻ: “Phải tìm cách để bảo vệ cuộc sống của bà con, đó là nhiệm vụ cấp thiết. Nếu làm kè chắn kiên cố thì vướng về nguồn lực đầu tư, chỉ còn phương án huy động sức dân vào công việc này và phải phù hợp với khả năng, điều kiện thực tế”. Sau khi tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm ở các nơi khác, lãnh đạo xã Trần Thới đề ra chủ trương vận động bà con Mỹ Hoà thực hiện và nhân rộng mô hình “kè mềm” bằng cây mắm với phương châm “tự lực, tự cường”.
Người dân hiến kế, sạt lở chịu thua, diện mạo nông thôn ngày càng tươi đẹp.
Công việc chống sạt lở khởi đầu với nhiều khó khăn. Ông Hận chia sẻ: “Mô hình “kè mềm” bằng cây mắm nói vậy chớ không dễ làm. Trước hết phải làm hàng rào bằng cây gỗ vòng ngoài để bao ví, bảo vệ cây mắm bên trong, từng bước tạo bãi giữ đất. Ngặt một điều cây mắm con đem về cấy xuống thì đa phần chết hết. Chết lại trồng, trồng lại chết, cứ loay hoay mãi mà sạt lở thì ngày càng lấn tới”.
Chính lúc này, sức dân đã phát huy vai trò. Ông Hận hào hứng: “Trong lúc khó khăn đó, những cô chú lớn tuổi với kinh nghiệm và hiểu biết về cây mắm đã hiến kế cho cán bộ. Muốn cây mắm bám rễ, phát triển thì trước tiên phải giữ được trái mắm nảy chồi. Cũng là kè cây bên ngoài, nhưng bên trong bố trí thêm những lớp lưới để giữ trái mắm, theo đó, rễ mắm cắm đất, bám đất và phát triển nhanh đến bất ngờ”.
Chỉ trong thời gian ngắn, hơn 3 km tuyến dân cư ven sông Lộ Xe đã phủ kín kè mắm xanh tốt, không chỉ cải thiện được tình trạng sạt lở mà đất còn lấn thêm theo chân rễ mắm vững chãi, có đoạn đã thành rừng. Ông Phạm Văn Sơn, người dân cố cựu ở Mỹ Hoà, bộc bạch: “Cán bộ gần gũi, chịu lắng nghe, chịu học hỏi từ bà con; còn bà con thì chung sức, chung lòng cho công việc chung, lợi ích chung. Cách làm kè như thế này lợi nhiều mặt, về cả tiền bạc, cả thời gian, công sức, mà quan trọng là có hiệu quả lâu dài để chống sạt lở”.
Nhân lên sức mạnh ý Ðảng - lòng dân
Ông Phạm Văn Sơn là hộ dân đã hiến 500 m2 đất của gia đình, góp công, góp sức để xây dựng trụ sở sinh hoạt của ấp Mỹ Hoà vào năm 2000. Ðây chỉ là một trong nhiều nghĩa cử tốt đẹp thể hiện tấm lòng, đóng góp của bà con đối với những công việc chung của quê hương, luôn luôn là điểm tựa, niềm tự hào để Mỹ Hoà vươn lên trở thành điểm sáng về sự phát triển của xã Trần Thới.
Trụ sở sinh hoạt ấp Mỹ Hoà khang trang, tươm tất, được xây cất trên diện tích đất người dân hiến và sự góp công, góp của của bà con.
Ông Hồ Hoàng Lân, Bí thư Chi bộ ấp Mỹ Hoà, cho biết: “Toàn ấp có 166 hộ, hiện đã không còn hộ nghèo. Sự đồng thuận, ủng hộ, đóng góp của bà con đối với sự phát triển của ấp là hết sức quan trọng. Như tuyến lộ 3 m ven sông Lộ Xe, để đẩy nhanh việc đầu tư xây dựng, ấp chủ trương vận động người dân đối ứng 30% vốn, người dân hết sức đồng thuận mà không chờ đợi việc được đầu tư 100%. Rồi hơn 2 km tuyến “Thắp sáng đường quê” cũng ở tuyến này, bà con cũng sẵn sàng đóng góp kinh phí làm trụ đèn, góp phần bảo đảm an toàn, an ninh trật tự, mỹ quan trên địa bàn. Trụ sở ấp khang trang hiện nay (xây dựng mới năm 2017-PV) vốn đầu tư hơn 200 triệu đồng, thì bà con đã đóng góp 100 triệu đồng, chưa kể ngày công tham gia xây dựng”.
"Kè mềm" bằng cây mắm đẩy lùi sạt lở là niềm tự hào của ấp Mỹ Hoà, xã Trần Thới. (Ảnh: Đoạn kè mắm trước nhà của ông Hồ Hoàng Lân, Bí thư Chi bộ ấp Mỹ Hoà. Ông Lân tâm tình: "Công việc gì cũng vậy, cán bộ, đảng viên phải làm gương, làm trước để người dân thấy, tin tưởng, nghe theo, làm theo").
Khi trao đổi về cách vận động, thuyết phục bà con, những cán bộ ấp Mỹ Hoà tâm tình rằng: “Thì cán bộ, đảng viên làm trước, làm có kết quả thật sự, bà con nhìn thấy, tin tưởng, nghe theo, làm theo. Ở ấp, trước khi phát động bà con vệ sinh, chỉnh trang diện mạo làng xóm, thì gia đình của cán bộ, đảng viên phải làm trước 1 tuần. Cán bộ, đảng viên cũng phải đi đầu trong lao động sản xuất, phát triển kinh tế, có như vậy thì khi triển khai các mặt công tác mới đủ sức thuyết phục”.
13 đảng viên của Chi bộ ấp Mỹ Hoà quán triệt sâu sắc tinh thần “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, từ trong lời ăn, tiếng nói, nếp sống, tác phong công tác đều phải gương mẫu, đi đầu. Ðảng viên Phạm Văn Hội chia sẻ: “Tôi được phân công làm Tổ trưởng Tổ hoà giải của ấp, mà muốn làm tốt vai trò này thì bản thân mình phải có tiếng nói, uy tín với bà con. Công tác vận động, hoà giải ở cơ sở muôn hình vạn trạng, nhưng cái cốt lõi vẫn là ở bản thân cán bộ. Cán bộ mà được dân tin, dân quý, dân ủng hộ thì công việc gì cũng thuận lợi”.
Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, Nhân dân là cội nguồn sức mạnh của dân tộc, của sự nghiệp cách mạng - một sức mạnh lớn lao, vô địch: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu/ Khó vạn lần dân liệu cũng xong”. “Ðược lòng dân thì việc gì cũng làm được, trái ý dân thì chạy ngược chạy xuôi”, đó là lời nhắc nhở của Bác Hồ về việc gìn giữ giềng mối lòng dân. Soi chiếu từ thực tiễn tại ấp Mỹ Hoà, xã Trần Thới, lời dạy của Người càng thêm sáng rõ: Mọi công việc dù lớn, dù nhỏ thì việc giữ gìn giềng mối lòng dân, sự gắn bó bền chặt, keo sơn giữa ý Ðảng - lòng Dân vẫn là nền tảng của mọi nền tảng để dẫn đến thành công./.
Phạm Quốc Rin