ĐT: 0939.923988
Thứ tư, 16-10-24 08:13:24
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Gỡ khó cho mô hình nuôi sò

Báo Cà Mau Hiện nay, tỉnh Cà Mau có khoảng 7.500 ha nuôi sò huyết, sản lượng hằng năm đạt trên 6.500 tấn. Sản phẩm sò huyết từ lâu rất được thị trường trong nước và một số nước ưa chuộng; giá sò huyết thương phẩm luôn duy trì ở mức cao và mang lại tỷ suất lợi nhuận cho người nuôi luôn đạt trên 50% tổng vốn đầu tư.

Từ những năm 2010, mô hình nuôi sò huyết đã bắt đầu xuất hiện rải rác ở một số xã thuộc các huyện: Năm Căn, Ngọc Hiển, Phú Tân, Cái Nước, Ðầm Dơi. Người dân thả nuôi trong vuông tôm hoặc tận dụng diện tích mặt nước các con kênh, rạch, nhiều phù sa để bao ví nuôi, mang lại hiệu quả kinh tế khá, góp phần tăng thêm thu nhập cho gia đình.

Hiện nay, một số hộ dân trên địa bàn các huyện: Cái Nước, Ðầm Dơi, Năm Căn ương dèo sò giống tại địa phương, để sò giống thích nghi điều kiện nguồn nước, môi trường và bán giống cho bà con, giúp nuôi đạt hiệu quả. (Ảnh chụp tại ấp Bào Hầm, xã Quách Phẩm, huyện Ðầm Dơi).

Ông Trương Việt Bắc, ấp Tấn Ngọc Ðông, xã Ngọc Chánh, huyện Ðầm Dơi, cho biết: "Tôi nuôi sò trong vuông tôm hơn 3 năm nay. Ðầu năm 2022, tôi thả nuôi 300 ký sò giống, nuôi lan ra vuông tôm, tổng diện tích trên 4 ha, cuối năm 2022 thu lãi khoảng 100 triệu đồng, tiếp tục thu hoạch cho đến nay. Hiện nay sò thương phẩm giá thấp hơn so mọi năm, dao động 80-110 ngàn đồng/kg, giảm 20-30 ngàn đồng/kg so mọi năm. Nếu sò huyết giá ổn định thì người nuôi có lợi nhuận cao".

Anh Nguyễn Văn Thơ, ấp Cái Keo, xã Quách Phẩm, huyện Ðầm Dơi, rất phấn khởi khi gia đình nuôi thử nghiệm vụ sò huyết đầu tiên cho thu nhập đáng kể. Anh nuôi thử nghiệm 1 triệu con sò cám, ương 3 giai đoạn trên diện tích 24 công. Cuối tháng 9 vừa qua, anh bắt đầu thu tỉa sò lớn, dự kiến đạt trên 2 tấn, trừ chi phí dự kiến lãi khoảng 200 triệu đồng.

 Anh Nguyễn Văn Thơ (thứ 3 từ phải sang, người cười), ấp Cái Keo, xã Quách Phẩm, huyện Đầm Dơi phấn khởi khi nuôi thử nghiệm 1 triệu con sò cám, ươm 3 giai đoạn trên diện tích 24 công và đã thành công sau 10 tháng nuôi. Dự kiến thu trên 2 tấn, trừ chi phí dự kiến lãi khoảng 200 triệu đồng.

Bên cạnh thuận lợi về điều kiện tự nhiên, kỹ thuật nuôi nông dân tích luỹ được, theo đánh giá của ngành chức năng và người dân trực tiếp thực hiện, nuôi sò huyết vẫn còn gặp một số khó khăn, hạn chế nhất định. Theo đó, con giống chưa đáp ứng về số lượng và chất lượng; chủ yếu nuôi theo hình thức quảng canh; về tổ chức sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa xây dựng vùng nuôi quy mô lớn, tập trung; giá sản phẩm đầu ra chưa ổn định; sản phẩm chủ yếu là tươi sống, chưa qua chế biến; thị trường đầu ra sản phẩm còn nhỏ hẹp, chủ yếu là xuất khẩu theo đường tiểu ngạch; việc tiếp cận vốn còn gặp khó khăn.

Anh Võ Công Danh, Tổ trưởng Tổ hợp tác (THT) nuôi sò Tiến Phát (ấp Mỹ Ðiền, xã Ðông Hưng, huyện Cái Nước), cho biết, THT sò huyết Tiến Phát, thành lập năm 2008, với 9 thành viên. THT duy trì hoạt động hiệu quả trong nhiều năm liền. Tuy nhiên, điều mà các thành viên lo lắng nhất hiện nay là giá sò thương phẩm không ổn định, nguồn giống tại chỗ chưa đáp ứng được nhu cầu, môi trường nước ngày càng ô nhiễm sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả nuôi. Cùng với đó, vẫn chưa đa dạng được sản phẩm từ con sò huyết, để góp phần nâng cao giá trị con sò.

"Ðể tạo ra nguồn giống tại chỗ, phù hợp với nguồn nước, thích nghi tốt với điều kiện tự nhiên tại địa phương, góp phần nâng cao hiệu quả nuôi, THT đang tính đến việc phối hợp các ngành có liên quan, chuyển giao kỹ thuật ương giống, sản xuất giống, cung cấp giống tại địa phương, giúp bà con giảm chi phí, kiểm soát được đầu vào con giống, đạt tỷ lệ sống cao, nâng cao năng suất sò thương phẩm", anh Danh cho biết.

Ông Châu Công Bằng, Phó giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết, thời gian qua, Tỉnh uỷ và UBND tỉnh chỉ đạo ngành nông nghiệp khẩn trương xây dựng đề án phát triển sản phẩm sò huyết trên địa bàn tỉnh Cà Mau đến năm 2030. Ðề án đã được phê duyệt, Sở NN&PTNT tổ chức hội thảo, lắng nghe ý kiến chia sẻ của người dân, đại diện các THT, hợp tác xã nuôi sò thương phẩm trên địa bàn tỉnh và doanh nghiệp về những khó khăn, vướng mắc, chia sẻ những kinh nghiệm hay và đề xuất kiến nghị. Từ đó, góp phần tháo gỡ khó khăn, hướng tới khai thác hiệu quả, hợp lý tiềm năng, lợi thế, thúc đẩy mô hình nuôi sò huyết phát triển ổn định và bền vững./.

 

Loan Phương

 

Phủ xanh đất lâm phần

Màu xanh của hoa kiểng, cây trái trên đất vườn nhà ông Sầm Văn Chùm đã lấn át màu nâu đỏ đặc trưng của vùng đất phèn nặng Ấp 4, xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời.

Trí Lực đổi thay nhờ công nghệ

Xã Trí Lực (huyện Thới Bình) nay có nhiều thay đổi về kinh tế, an ninh xã hội ổn định nhờ mạnh dạn áp dụng nhiều phương pháp canh tác và công nghệ số.

Còn sức khoẻ là còn lao động

“Còn sức khoẻ là còn lao động, còn trí tuệ là còn cống hiến”, hội viên người cao tuổi (NCT) trên địa bàn TP Cà Mau vẫn hăng say lao động sản xuất, kinh doanh, nâng cao chất lượng cuộc sống, đóng góp tích cực cho kinh tế của địa phương. Ðiển hình như một số hội viên NCT ở xã Lý Văn Lâm, TP Cà Mau.

Tận dụng vườn tạp trồng lúa sạch

Thay vì tận dụng bờ bao vuông tôm và phần đất trống quanh nhà trồng rau màu để tăng thu nhập, hiện nhiều hộ tại ấp Trần Ðộ, xã Thạnh Phú có cách làm sáng tạo, đó là chuyển đổi sang trồng lúa sạch 2 vụ/năm, phục vụ nhu cầu đời sống hằng ngày cho gia đình. Mô hình này đang được chính quyền địa phương vận động bà con nông dân nhân rộng.

Diện tích xuống giống vụ lúa - tôm vượt xa so kế hoạch

Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến hết ngày 1/10/2024, bà con vùng sản xuất lúa - tôm đã giống giống đươc  42.936 ha, tăng 15,73% so kế hoach, tăng 9,83% so cùng kỳ. Theo nhận định của ngành chuyên môn, diện tích xuống giống sẽ còn tiếp tục tăng cao trong những ngày tới.

Kỳ vọng vụ lúa - tôm

Vụ lúa trên đất nuôi tôm năm nay, toàn huyện Trần Văn Thời xuống giống được hơn 3.340 ha, vượt chỉ tiêu so với kế hoạch đề ra. Hiện tại, trà lúa đang phát triển tốt, nông dân rất phấn khởi và đặt nhiều kỳ vọng vào vụ mùa.

Giải pháp tái tạo nguồn lợi cá đồng

Theo các lão nông, với địa thế và thiên nhiên ưu đãi, vùng đất rừng U Minh Hạ xưa kia nổi danh nguồn lợi cá đồng. Tuy nhiên, hiện nay nguồn lợi này ngày càng suy giảm mạnh do tác động của con người. Ðể tái tạo nguồn lợi cá đồng, không còn cách nào khác là mở rộng diện tích nuôi, giảm khai thác tự nhiên.

Ngọc Hiển - Nuôi tôm sinh thái gắn ngành hàng chủ lực

Tại tỉnh Cà Mau, mô hình nuôi tôm sinh thái được hình thành và phát triển từ trước năm 2000. Khi chất lượng tôm sinh thái của tỉnh được thị trường đánh giá cao, nhiều doanh nghiệp chế biến thuỷ sản đã phối hợp với các đơn vị quản lý rừng đầu tư, xây dựng vùng nuôi tôm theo chứng nhận sinh thái, hữu cơ quốc tế, phổ biến nhất là hình thức nuôi tôm dưới tán rừng. Hiện, tỉnh có gần 40.000 ha nuôi tôm sinh thái dưới tán rừng, tập trung nhiều nhất ở huyện Ngọc Hiển với gần 23.000 ha; trong đó có khoảng 20.000 ha diện tích tôm được chứng nhận theo các tiêu chuẩn quốc tế.

Nỗi lo dịch bệnh trên cá kèo

Những năm qua, việc tận dụng diện tích các ao, đầm tôm công nghiệp bỏ trống nuôi cá kèo đã mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân huyện Ðầm Dơi. Thêm nữa, vào cuối năm 2023, nhất là thời điểm tết Nguyên đán, giá cá kèo thương phẩm tăng cao nên bà con mở rộng diện tích nuôi. Tuy nhiên, vụ nuôi cá kèo năm nay gặp nhiều khó khăn, cùng với dịch bệnh gây thất thoát lớn cho hộ nuôi.

Bảo vệ lúa mới gieo sạ

Trước tình hình thời tiết thường xuyên có mưa lớn kéo dài như hiện nay, nông dân vùng sản xuất lúa - tôm trên địa bàn huyện Cái Nước chủ động phòng, chống ngập úng cục bộ, bảo vệ an toàn diện tích lúa mới gieo sạ trên đất nuôi tôm.