(CMO) Các ban quản lý rừng và công ty lâm nghiệp là chủ rừng, tức là đơn vị sự nghiệp chứ không phải đơn vị quản lý Nhà nước. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều chủ rừng đã làm thay việc này của cơ quan quản lý Nhà nước. Điều này thể hiện rõ trong việc quy định chủ phương tiện phải đăng ký khi vào hoạt động hay cả trong đấu thầu khi khai thác lâm sản.
Trở lại câu chuyện sên vét ao đầm, bên cạnh phát sinh thêm nhiều thủ tục trong quá trình nạo vét, các chủ rừng còn đưa ra quy định: xáng cuốc phải đăng ký hoạt động với các chủ rừng và phải được chủ rừng cho phép mới được vào hoạt động.
Không có căn cứ nào hết
Theo đó, để vào lâm phần hoạt động, chủ xáng phải cung cấp cho chủ rừng rất nhiều giấy tờ, như giấy phép kinh doanh, thuế môn bài, số tài khoản ngân hàng… “Trên thực tế, tình trạng chủ xáng phải đăng ký với chủ rừng là có và việc đăng ký này nhằm phục vụ tốt hơn công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, quy định này là có căn cứ pháp luật, mặc dù hiện nay chưa có quy định nào về thủ tục đăng ký của phương tiện cơ giới khi vào hoạt động trong lâm phần”, Phó giám đốc Sở NN&PTNT Trần Văn Thức thừa nhận.
Mặc dù biết hiện nay chưa có quy định nào về thủ tục đăng ký của phương tiện cơ giới khi vào hoạt động trong lâm phần, ông Thức viện dẫn một số quy định khác có liên quan về quyền hạn, nghĩa vụ của chủ rừng được Nhà nước giao rừng, cho thuê rừng; các quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với các hoạt động đưa phương tiện cơ giới trái phép vào lâm phần để làm căn cứ. Cụ thể như: Luật Lâm nghiệp năm 2017 quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động lâm nghiệp; Nghị định 157/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính về quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản; Nghị định 135/2005… “Do vậy, việc chủ phương tiện cơ giới phải đăng ký hoạt động với chủ rừng (ban quản lý rừng phòng hộ và công ty lâm nghiệp) là đúng quy định”, ông Thức một lần nữa khẳng định.
Tuy nhiên, ngược lại với khẳng định này, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Trần Ngọc Diệp cho rằng, đúng là Luật Lâm nghiệp quy định chung về các hành vi nghiêm cấm trong hoạt động lâm nghiệp, nhưng chủ rừng không phải chủ thể có quyền xử lý hành vi vi phạm này; hay như Nghị định 157/2013 quy định về xử phạt hành chính trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng cũng là chính quyền các cấp chứ không phải ban quản lý rừng. Còn Nghị định 135/2005 quy định, chủ rừng phải chịu trách nhiệm với cơ quan Nhà nước chứ không phải có thẩm quyền xử lý. Ngoài ra, thực tế còn xảy ra tình trạng hộ dân nộp đơn xin nạo vét cho chủ phương tiện xáng và chủ xáng nộp cho ban quản lý rừng... càng không có căn cứ.
Hiện nay, giá cây đước giảm, lại không có thương lái thu mua, gây khó khăn không nhỏ cho người dân nhận rừng đước. |
Không chỉ vậy, qua tìm hiểu thực tế cho thấy, các chủ rừng còn yêu cầu chủ phương tiện xuất trình giấy phép kinh doanh, thuế môn bài, thuế, tài khoản… không có trong quy định. Rõ ràng, để quản lý phương tiện cơ giới vào hoạt động trong lâm phần hiện nay vẫn còn nhiều giải pháp hữu hiệu và đúng quy định hơn. Đơn cử như chủ rừng có thể phối hợp với chính quyền các cấp, cụ thể là UBND xã trong quản lý hoạt động của phương tiện cơ giới khi vào hoạt động trong lâm phần. Còn như đã qua, ban quản lý cấp phép cho xáng hoạt động trong lâm phần là vô lý. Bởi như vậy đơn vị sự nghiệp đã làm thay nhiệm vụ của cơ quan quản lý Nhà nước. Nếu có đăng ký thì chủ xáng đăng ký với chính quyền địa phương chứ không phải chủ rừng.
Xét về khía cạnh khác, các ban quản lý hiện nay có thẩm quyền và nghĩa vụ giống như hộ cá nhân được Nhà nước giao rừng, cho thuê rừng; tuy nhiên, đây là trường hợp chủ rừng đặc biệt do có phát sinh hoạt động giao khoán. Từ đó có sự ràng buộc với bên nhận khoán, tuy nhiên, ràng buộc này là theo hợp đồng dân sự giữa 2 bên chứ không phải thực hiện thẩm quyền theo chức năng được Nhà nước giao. Nói một cách nôm na, thẩm quyền của chủ rừng là thẩm quyền trên hợp đồng chứ không có thẩm quyền quản lý Nhà nước, thẩm quyền quản lý Nhà nước ở đây thuộc về lực lượng kiểm lâm và chính quyền địa phương.
Đấu giá lâm sản sai thẩm quyền
Không chỉ dừng lại ở đó, thời gian qua, hoạt động bán đấu giá trong khai thác lâm sản có rất nhiều vấn đề bất hợp lý cần khắc phục ngay. Việc xác định ai là chủ rừng để lựa chọn phương thức bán lâm sản vẫn còn nhiều ý kiến không giống nhau. Có người cho rằng, do tỷ lệ ăn chia hiện nay người dân được hưởng từ 70-80%, thậm chí có nơi lên đến 95% giá trị, như vậy chủ rừng chính là người dân nhận khoán. Còn có người cho rằng, chủ rừng là tổ chức, đơn vị và cá nhân được Nhà nước giao rừng, cho thuê rừng, tức được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp sổ đỏ.
Rất khó đưa cơ giới vào nạo vét ao đầm, khiến nhiều hộ dân trễ lịch thời vụ khi sản xuất kết hợp. |
Với 2 nhận định trên, việc xác định chủ rừng là người được cấp sổ đỏ là đúng với các quy định của pháp luật hiện hành. Như vậy, đã là tài sản công phải tiến hành bán đấu giá là đúng với quy định. Tuy nhiên, quá trình bán đấu giá thời gian qua không đúng theo trình tự thủ tục quy định. Theo quy định, tài sản công khi đấu giá bắt buộc phải có cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền xử lý tài sản đó. Cụ thể, phải thông qua hội đồng bán đấu giá của tỉnh và huyện. Thậm chí có điều, khoản quy định rất rõ ràng, tài sản là đất đai, trụ sở cơ quan, xe cộ… và tài sản khác có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên khi xử lý phải được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt, còn dưới mức này phải do UBND cấp huyện và Sở Tài chính. Trong khi đó, toàn bộ các đợt bán đấu giá rừng đã qua đều không có phê quyệt kết quả đấu giá, mà chỉ thông báo kết quả đấu giá thành. Như vậy, việc tổ chức bán đấu giá thời gian qua sai thẩm quyền.
Thực tế còn phát sinh thêm tình trạng, sau khi bán đấu giá thành công, người trúng thầu mua rừng phải tiếp tục thực hiện thêm một bước, là thương lượng lại giá với dân vì dân tiếp tục nâng giá lên. Đây là việc làm không có trong quy định nào, cho thấy hoạt động bán đấu giá không có ý nghĩa.
Còn nếu xét về góc độ ăn chia, tỷ lệ người dân hiện hưởng rất cao, 70-80%, có nơi lên đến 95%, như vậy có được xác định là tài sản công hay không. Nếu không phải là tài sản công thì căn cứ pháp lý nào để bán đấu giá, trong khi Điều 16, Nghị định 135/2005 nêu rõ: Trong giao khoán sản phẩm gỗ khai thác, bên nhận khoán thanh toán cho bên giao khoán tương ứng với giá trị cây giống, dịch vụ, công lao động đã đầu tư, phần còn lại bên nhận khoán được hưởng nhưng phải bán cho bên giao khoán theo giá thoả thuận giữa 2 bên tại thời điểm khai thác. Trường hợp bên giao khoán không mua thì bên nhận khoán được tự do tiêu thụ.
Quy định là vậy, nhưng trên thực tế chưa hộ dân nào mua lại được sản phẩm cây rừng sau khi bán đấu giá không thành. Từ đó, kéo dài chu kỳ trồng rừng khiến người nhận khoán gặp khó khăn về kinh tế cũng như trong tổ chức sản xuất kết hợp dưới tán rừng./.
Nguyễn Phú
Bài 3: Cần ngay hướng mở linh hoạt