ĐT: 0939.923988
Thứ sáu, 20-9-24 13:53:01
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Hạnh phúc nhỏ nhoi

Báo Cà Mau (CMO) Chiều muộn, cái bụng không chịu nghe lời cứ sôi lên từng chập một. Dắt xe vội vã từ toà soạn ra về, một thằng bé con đứng nép vào cây bằng lăng bên đường nhìn tôi đăm đăm. Giật mình ngó lại, đôi mắt của thằng bé con vẫn không rời khỏi tôi. Tôi tiến lại gần nó, bỏ bụng đang đói cồn cào.

- Tìm ai ở đây vậy nhóc?

Thằng nhóc nhìn tôi cười, nó dúi vào tay tôi một bọc trái cây, vài chục bánh ít. Giọng nó lí nhí:

- Má biểu em mang lên cho anh ăn lấy thảo.

Như hiểu được thái độ ngạc nhiên, có chút hoang mang của tôi, thằng bé cởi nón, móc trong túi tờ báo cũ được xếp gọn gàng đưa về phía tôi: 

- Anh còn nhớ người anh viết trong đây không?

Tôi mở tờ báo ra xem, những con chữ quen thuộc cứ dọc ngang trong đầu mình. Hàng ngày tôi phải đối diện với biết bao nhiêu là chữ nghĩa, biết bao nhiêu gương mặt người khác nhau. Hết lấy tin rồi lại viết bài, hết phỏng vấn người này rồi lại đến người kia. Có khi bâng quơ trên một đoạn đường nào đó, nhìn cột cây số mới biết mình đi lạc một đoạn đường rất xa. Tôi xoa đầu thằng bé:

- Ờ nhớ, anh viết mà sao không nhớ được.

- Dạ, má em gởi lời thăm anh. Má nói mắc ở nhà lo cho con Lũng nên không lên đây được.

Tôi nhìn thằng bé tan vào dòng xe tất bật của buổi tan tầm. Tờ báo thằng bé đã cầm đi rồi nhưng sao hình ảnh của nó như còn ở lại nơi này. Một mẫu tin nhỏ nằm nép trong trang báo chằng chịt chữ với hình ảnh cô bé bị bệnh tim bẩm sinh, người ngợm gầy gò, hốc hác. Riêng chỉ có nụ cười vẫn sáng và đẹp đến lạ lùng. Dường như bệnh tật chẳng thể làm em gục ngã. Tôi vẫn còn ám ảnh câu nói của em lúc viết những dòng trên báo “lúc em lên cơn đau tim cũng không đau bằng lúc nhìn thấy má em khóc lo cho em”. Tôi nhớ căn nhà nhỏ nằm cạnh bờ sông, có vài đám lục bình trôi tím biếc. Em ngồi trong nhà nhìn đám bạn chơi đùa, tắm sông ríu rít mà tiếc đầm đìa. Em nói, nếu em có trái tim đập những nhịp đập bình thường, em sẽ tha hồ cùng đám bạn chơi trò cút bắt, tắm sông. Hay cô giáo và các bạn trong lớp không phải sợ đến xanh mặt mỗi khi thấy em mệt mỏi trong người.

Ngày tin về em được đi trên báo, mẹ em gọi điện cảm ơn dù thời điểm đó, bà chưa nhận được bất kỳ sự giúp đỡ nào. Khi viết những dòng về em, tôi chỉ mong muốn em sẽ có cuộc đời bình thường như bao đứa trẻ khác, chỉ mong em sẽ nhận được thật nhiều yêu thương của các mạnh thường quân. Bẵng đi một thời gian vì cuộc sống, công việc cứ cuốn con người ta đi mải miết. Em và hàng trăm nhân vật tôi đã viết nằm lại đâu đó trong tờ báo nơi góc phòng. Những cuộc đi qua nhau luôn giữ lại trong con người ta ít nhiều ký ức và em cũng mang đến cho tôi rất nhiều động lực để làm nghề. Nhận món quà quê của gia đình em mà lòng thấy ấm áp đến lạ kỳ. Tự dưng cơn đói bụng chẳng còn đủ sức làm mình bực dọc, tắt đường kẹt xe và những tiếng còi réo nhau inh ỏi cũng chẳng làm tôi khó chịu đi chút nào. Hoá ra, con người ta vẫn luôn nhớ về nhau bằng cách này hay cách khác. Thằng bé con nói, con Lũng giờ đã lành hẳn, tim nó đập ngon lành và má nó cũng chẳng còn phải tất bật chạy về nhà thăm chừng mỗi khi bỏ dở việc làm. Ba nó trên trời chắc sẽ cười khi nhìn thấy nó khoẻ mạnh, hồn nhiên như những ngày ba nó còn sống.

Minh hoạ: Minh Tấn

***

Con Lũng được mổ tim bẩm sinh bằng số tiền các mạnh thường quân quyên góp và từ chương trình “Trái tim cho em”. Thằng nhóc nói, hôm con Lũng ra viện, má nó mừng đến khóc. Đêm nào đốt nhang trên bàn thờ ba, má nó cũng cầu trời phù hộ cho những người đã giúp đỡ má con nó vượt qua khó khăn. 

Gió từ ngoài mé sông cũng bớt lạnh hơn khi được che chắn bằng mấy tấm tôn rắn chắc. Cầm cái bánh ít lên ăn mà thấy lòng mình vui đến lạ. Tự dưng có giây phút yếu lòng, nước mắt lại chực chờ rơi xuống. Việc chọn lựa nghề báo đối với tôi chẳng có gì đặc biệt, tôi chẳng hề đặt ra sứ mệnh gì cho bản thân mình. Để khi đến với nghề, tôi mới thấy trách nhiệm của mình không chỉ giúp đỡ những người yếu thế, phản ánh đúng sự thật mà nó còn là việc lan toả lòng tốt đến với mọi người, sự sẻ chia mới mang đến cho con người ta hạnh phúc.

Ngồi lại với căn phòng bộn bề giấy bút, tôi lật giở lại từng trang báo mình đã viết. Bài báo đầu tiên như vẫn còn vẹn nguyên xúc cảm ban đầu. Từng trang báo có thể mờ đi nhưng cái tình trong những dòng chữ như vẫn hoàn thành sứ mệnh của mình. Những nhân vật như sống dậy trong tôi, hiện ra trước mặt tôi với lời tâm tình rất thật. Ở đó có ông nông dân chân đất cần cù trên cánh đồng nước mặn miệt mài bám trụ lại với quê hương, ở đó có chị bán vé số nhặt được của rơi mang trả lại người đã mất bằng câu nói gọn khô “làm ra đồng tiền cực lắm. Người ta mất chắc xót của lắm”, hay ở bãi đất xa xôi nào đó có ông già chèo đò đưa rước học sinh qua sông mà chẳng hề lấy tiền. Những con người đó như bên tôi suốt dọc đường đi, ngồi lại với căn phòng này thủ thỉ những câu chuyện đời.

Những áp lực của cuộc sống, công việc dường như được bỏ lại phía sau. Hạnh phúc của người làm báo là được đi, được viết. Hơn tất thảy những lời khen, những tờ giấy chứng nhận, việc được người khác nhớ, được ăn cái bánh quê, được nhận lời cảm ơn... đủ thấy mình thật sự có ích. 

***

Không mất quá nhiều thời gian để nhớ đường đến nhà con Lũng. Xe chạy qua những cánh đồng xanh rì, thoảng nghe mùi hương lúa mới. Hàng cây bên đường xanh mát cả một khoảng trời quê. Chiều ở quê bình yên đến lạ. Tôi dừng xe trước đám con nít tắm sông móc sình chọi nhau. Lẫn trong đám trẻ con lấm lem bùn đất, có một dáng hình quen lắm. Tiếng cười trong vắt rộn rã cả một khúc sông. Thằng bé con lần trước, nhác thấy tôi đã ríu rít mừng, nó định gọi con Lũng lên bờ mà tôi lắc đầu nguầy nguậy. Tôi muốn được nhìn thấy nó vui cười, hồn nhiên như những đứa trẻ bình thường khác. Má con Lũng nhìn thấy tôi nước mắt lại ngắn dài. Bà kéo vạt áo lau nước mắt, nói không biết bao nhiêu lời cảm ơn. Tôi nhìn bà cười:

- Ơn nghĩa gì dì. Đó là việc con nên làm mà.

Được tận mắt nhìn thấy mọi sự thay đổi trong nhà, tôi càng thấy lòng mình rung rinh những niềm vui khôn tả. Thằng nhóc con bắt con gà nấu cháo, má con Lũng cứ nắm lấy tay tôi không rời “ở lại ăn cháo rồi hả về nghen chú”. Con Lũng nhảy cẫng lên lúc nó nhìn thấy tôi, nước rơi ướt cả nền nhà. Má con Lũng nhấp nhỏm:

- Coi chừng, bệnh mới hết đó.

Con Lũng nói giờ nó được xem như người bình thường, chẳng còn phải bị canh chừng mọi lúc mọi nơi. Nó được chơi những trò mà mình thích. Thằng nhóc con nhổ lông gà dưới sàn lãn, lâu lâu lại nói với lên mỗi lúc con Lũng quên chi tiết nào đó chưa kể. Má con Lũng dường như vẫn chưa hết nghẹn ngào. Lâu lâu tôi lại thấy bà ngó lên bàn thờ nói gì đó mà tôi nghe không rõ.

Cả nhà con Lũng cứ tranh nhau gắp thức ăn bỏ vào chén cho tôi. Từng tiếng nói cười cứ vang vọng trong căn nhà nhỏ.

Xe chạy một đoạn khá xa mà tôi vẫn thấy cái vẫy tay chào tạm biệt. Tiếng nói cười của gia đình con Lũng cứ âm vọng bên tai. Đoạn đường về thênh thang lộng gió. Nghĩ, trên bàn viết của mình cần đặt thêm một cây xanh hay một nụ cười của ai đó…./.

Truyện ngắn của Huỳnh Thị Kim Cương

Mùi Tết của má

Hăm tám Tết, Nhiên phi như bay từ Sài Gòn về nhà, sau hồi bịn rịn cho có với mấy đứa bạn cùng trọ, cùng “bị” về quê trễ như mình.

Về quê với má

(CMO) Mấy năm dịch giã bó gối, chồn chân, vợ chồng tôi quyết định Tết năm nay làm một chuyến du xuân đổi gió cho đã thèm. Tất nhiên, tụi nhỏ cũng giơ hết tay chân đồng ý. Ðịa điểm, lịch trình, thuê xe, kinh phí chuẩn bị sẵn sàng. Tôi và vợ điện thoại về quê cho nội, ngoại hay. Thế là háo hức lên đường.

Bên hồ đá trong xanh

Tạm biệt Sài Gòn

Còn chồi sẽ lên cây...

Ðám cưới phòng 13

Trường xưa

Phục tùng mệnh lệnh

Duyên phận

Sài Gòn mùa yêu thương