Sau 3 tháng hoạt động thí điểm, đến ngày 1/4, mô hình một cửa điện tử tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả của xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước chính thức đi vào hoạt động, bước đầu mang lại hiệu quả, được người dân đồng tình. Ðây là bước đột phá trong công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) ở địa phương.
Sau 3 tháng hoạt động thí điểm, đến ngày 1/4, mô hình một cửa điện tử tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả của xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước chính thức đi vào hoạt động, bước đầu mang lại hiệu quả, được người dân đồng tình. Ðây là bước đột phá trong công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) ở địa phương.
Thời gian qua, công tác cải cách hành chính (CCHC) tiếp tục được đẩy mạnh, đóng góp tích cực cho sự phát triển của xã. UBND xã luôn đổi mới và nâng cao chất lượng trong công tác xây dựng văn bản một cách thiết thực, gắn với công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật với nhiệm vụ chính trị và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, nhiều năm liền hoàn thành kế hoạch đề ra. Ðặc biệt, trong năm 2016, CCHC được xem là nhiệm vụ quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ của chính quyền cấp xã.
![]() |
Người dân đến làm thủ tục tại bộ phận một cửa xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước. |
Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Phú Trần Văn Quy cho biết: "Ngay từ đầu năm, UBND xã đã chỉ đạo công chức chuyên môn chủ động xây dựng và triển khai thực hiện các văn bản về thực hiện nhiệm vụ CCHC, trong đó chú trọng các hoạt động kiểm tra công tác CCHC tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả, hằng tuần tổ chức họp bộ phận một cửa để đánh giá ưu điểm và hạn chế, khó khăn, vướng mắc để đề ra biện pháp khắc phục nhằm từng bước nâng cao chất lượng của cơ chế một cửa, đáp ứng tốt nhu cầu giải quyết TTHC của Nhân dân và doanh nghiệp".
Một trong những nét mới trong công tác CCHC thông qua mô hình một cửa điện tử chính là việc áp dụng công nghệ thông tin vào giải quyết công việc. Không chỉ tạo điều kiện để đội ngũ cán bộ, công chức ứng dụng thành thạo công nghệ tin học, mà mô hình này còn giúp người dân tìm hiểu và làm quen với cách làm mới này. Chỉ cần vài cái nhấp chuột trên máy tính, người dân có thể biết tình trạng hồ sơ của mình. Ðến nay, 100% văn bản đến được văn phòng UBND xã scan phát hành trên phần mềm VIC và chuyển đến cán bộ, công chức xử lý, vừa tiết kiệm được chi phí in ấn, cán bộ cũng kịp thời cập nhật thông tin.
Ðến xin giấy xác nhận của UBND xã để gia hạn số tiền đã vay, ông Nguyễn Thanh Nhã, ấp Trần Ðộ, cho biết: "Công chức ở xã rất nhiệt tình hỗ trợ, tôi đã nhiều lần đến làm TTHC đều hài lòng với thái độ phục vụ nơi đây".
Công chức Tư pháp - Hộ tịch Phạm Văn Thi, một trong những người đầu tiên tiếp cận mô hình "Một cửa điện tử", chia sẻ: "Lúc mới được hướng dẫn thực hiện, chúng tôi gặp không ít khó khăn, nhưng giờ đã quen với công việc. Tuy nhiên, do mô hình còn quá mới, phần lớn người dân nộp hồ sơ trực tiếp, chưa có người dân nào đăng ký tài khoản do còn e ngại, mặc dù tại bộ phận một cửa có máy tính để người dân và doanh nghiệp dùng đăng ký tài khoản, tra cứu hồ sơ, thế nhưng chưa có người dân nào sử dụng".
Hiệu quả đầu tiên từ mô hình này là giảm phiền hà cho dân, không phải mất thời gian đi lại nhiều lần khi đến giải quyết TTHC. Theo ông Trần Văn Quy, thực hiện mô hình này, cán bộ, công chức thực thi nhiệm vụ có ý thức và trách nhiệm hơn; làm việc khoa học, hiệu quả hơn. Tình trạng chậm trễ hồ sơ được khắc phục vì phải tuân thủ các bước, quy trình qua phần mềm máy vi tính có kết nối internet. Ðặc biệt là thông qua quy trình một cửa điện tử, lãnh đạo xã sẽ giám sát được hoạt động của bộ phận này.
Mặc dù mô hình "một cửa điện tử tại UBND xã Thạnh Phú bước đầu mang lại hiệu quả, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong việc giải quyết TTHC, song, do mô hình còn mới, công chức tại bộ phận một cửa cần đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn bà con từng bước áp dụng công nghệ thông tin trong việc nộp hồ sơ cũng như theo dõi hồ sơ thông qua mã vạch quét vào máy tính, từng bước hướng đến một nền hành chính hiện đại./.
Bài và ảnh: Hồng Phượng