Trước thực trạng trục lợi từ hoá đơn (HÐ), Cục Thuế tỉnh Cà Mau đã tổ chức thực hiện kiểm tra định kỳ, tần suất lớn để nhận diện dấu hiệu vi phạm, kịp thời phát hiện, kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn các hành vi mua bán, sử dụng HÐ, chứng từ không hợp pháp, gian lận, trốn thuế.
Ngăn chặn gian lận
Ðã qua, nhiều công ty được thành lập nhưng không hoạt động, mà để bán khống HÐ. Thường gặp các trường hợp: HÐ bán lẻ hàng hoá nhưng không đúng đối tượng mua hàng; HÐ không ghi đầy đủ các chỉ tiêu, không theo thứ tự quy định; HÐ đầu vào do đơn vị bán xác định sai thuế suất; HÐ hết giá trị sử dụng; bán lẻ hàng hoá với số lượng lớn nhưng không xuất HÐ, không kê khai thuế; không lập HÐ cho bảng kê bán lẻ hoặc lập bảng kê bán lẻ không đúng quy định; mua bán HÐ, lập HÐ nhưng không đúng nghiệp vụ phát sinh... Thực chất, các doanh nghiệp (DN) này được lập ra để mua, bán HÐ bất hợp pháp.
Ông Châu Vĩnh Thuận, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Cà Mau, nhấn mạnh: "Những DN mới thành lập, không có tài sản, không có hàng hoá, nhưng lại có doanh thu đột biến thì Cục Thuế sẽ tiến hành đối chiếu, kiểm tra ngay và phối hợp với ngành công an để điều tra, xác minh. Ðồng thời, đơn vị rà soát, lập kế hoạch kiểm tra để đối chiếu, xác định việc kê khai với doanh số thực có đúng không, từ đó điều chỉnh kịp thời, hạn chế tối đa việc gian lận về doanh thu, không xuất HÐ theo quy định".
Tranh: Minh Tấn
Theo ông Nguyễn Thanh Tòng, Phó trưởng phòng Thanh tra - Kiểm tra 2, Cục Thuế tỉnh Cà Mau: "Sở dĩ dạng DN này dễ dàng hoành hành, một phần là hiện nay thủ tục thành lập công ty rất đơn giản, đăng ký kinh doanh Online nhanh gọn, dễ dàng, cũng không cần xác minh vốn kinh doanh, tài sản... vì vậy rất khó kiểm soát được số lượng công ty đăng ký nhưng không hoạt động”. Ðiều này tạo kẽ hở cho các đối tượng thành lập DN chỉ để mua bán HÐ, không cần giao dịch thực tế.
Theo Cục Thuế tỉnh Cà Mau, hầu hết các DN này thời gian hoạt động rất ngắn và không có hoạt động kinh doanh thực tế, không nhà kho, bến bãi, phương tiện sản xuất hay nhân công lao động. Qua kiểm tra, các DN bị nghi vấn đều không hoạt động tại địa chỉ đăng ký, cũng như không liên lạc được với người đại diện theo pháp luật.
Hoạt động mua HÐ trái phép diễn ra rầm rộ, một phần là chế tài chưa đủ mạnh, cùng với đó là trách nhiệm của người dân, DN khi thực hiện giao dịch, mua bán. Chưa kể đến việc để DN tự kê khai, tự chịu trách nhiệm cũng khiến cho các đối tượng mua bán HÐ dễ bề hoạt động, bởi không bị cơ quan chức năng kiểm tra, kiểm soát như trước.
Tăng cường kiểm soát, xử lý
Vừa qua, Tổng cục Thuế phối hợp với các cơ quan chức năng rà soát và phát hiện 524 DN bán HÐ không hợp pháp, HÐ khống (đây là hành vi bị nghiêm cấm, quy định tại khoản 7, Ðiều 6, Luật Quản lý thuế). Hình thức vi phạm của đối tượng là sử dụng chứng minh thư/căn cước công dân giả để thành lập mới hoặc mua lại DN ngừng hoạt động nhằm bán HÐ không hợp pháp cho các DN, làm giảm nghĩa vụ thuế đối với ngân sách Nhà nước.
Hiện nay, điểm chung của các đối tượng này là dùng chiêu trò thành lập DN, hoạt động chỉ một thời gian ngắn, không nhằm hoạt động sản xuất kinh doanh mà hướng đến việc mua, bán và sử dụng HÐ để chiếm đoạt tiền thuế của Nhà nước. Ðối với địa bàn tỉnh Cà Mau, ông Nguyễn Thanh Tòng cho biết, Cục Thuế tỉnh Cà Mau đã kiểm tra, rà soát và chưa ghi nhận trường hợp nào có dấu hiệu mua bán HÐ trái phép.
“Thực tế, với trình độ quản lý và sự phát triển mạnh của công nghệ hiện đại như hiện nay thì HÐ điện tử có thể lưu vết toàn bộ dữ liệu của người mua, người bán nên trường hợp người mua, người bán có hành vi mua, bán HÐ không hợp pháp sẽ bị phát hiện và xử lý theo quy định pháp luật. Bên cạnh đó, nhằm phòng ngừa từ sớm, từ xa việc xuất khống HÐ điện tử, ngành thuế sẽ có cảnh báo tới người nộp thuế về sự bất thường hoặc đột biến so với hoạt động kinh doanh thông thường trong việc sử dụng HÐ, ngay khi người nộp thuế thực hiện xuất HД, ông Nguyễn Thanh Tòng thông tin thêm.
HÐ điện tử có mã của cơ quan thuế được khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế, đảm bảo quy định tại Ðiều 11, Nghị định 123/2020 có các nội dung: Tên, địa chỉ, mã số thuế người bán, thông tin người mua nếu người mua yêu cầu (mã số định danh cá nhân hoặc mã số thuế); tên hàng hoá, dịch vụ, đơn giá, số lượng, giá thanh toán. Trường hợp tổ chức, doanh nghiệp nộp thuế theo phương pháp khấu trừ phải ghi rõ giá bán chưa thuế giá trị gia tăng (VAT), thuế suất thuế VAT, tiền thuế VAT, tổng tiền thanh toán có thuế VAT thời điểm lập HÐ. |
Cục Thuế tỉnh Cà Mau sẽ tăng cường kiểm soát, giám sát và nhanh chóng hoàn thiện hệ thống HÐ điện tử cho toàn DN trong tỉnh, đặc biệt, tập trung vào ứng dụng xác minh HÐ. Tiếp tục bổ sung, khai thác triệt để các công cụ, ứng dụng cảnh báo, phân tích dữ liệu, truy xuất, phát hiện các trường hợp có dấu hiệu rủi ro cao về HÐ.
Theo ông Châu Vĩnh Thuận, bản chất của mua bán HÐ khống là bán hàng không có hàng hoá kèm theo, có nghĩa là mua bán chứng từ có giá giả. Ðể ngăn chặn tình trạng này, đơn vị thường xuyên phối hợp với Công an tỉnh Cà Mau điều tra, xử lý các DN có dấu hiệu vi phạm pháp luật về HÐ. Truy vết, xử lý DN mua HÐ và xử lý triệt để tình trạng bao che cho những hành vi vi phạm pháp luật trong sử dụng HÐ. Khi thấy có dấu hiệu rủi ro, nhân viên thuế sẽ yêu cầu DN giải trình và kiểm tra đột xuất để ngăn chặn ngay. Cục Thuế tỉnh Cà Mau đã gửi cảnh báo đến người dân, cơ sở kinh doanh, đơn vị hành chính sự nghiệp, cần phải tránh xa các hành vi vi phạm pháp luật trong sử dụng HÐ.
Hồng Phượng - Việt Mỹ