Theo quy định tại Khoản 1, Ðiều 4, Thông tư 05/VBHN-BTC ngày 9/2/2015 của Bộ Tài chính, “diện tích nuôi trồng thuỷ sản phải có xác nhận của chính quyền cấp xã, cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành và các đơn vị liên quan làm căn cứ thanh toán hỗ trợ...". Theo điều kiện này thì Cà Mau sẽ không có hộ dân nào được nhận hỗ trợ thiệt hại. Ðây là bài học đắt giá cho cả người dân lẫn chính quyền địa phương trong quản lý sản xuất.
Theo quy định tại Khoản 1, Ðiều 4, Thông tư 05/VBHN-BTC ngày 9/2/2015 của Bộ Tài chính, “diện tích nuôi trồng thuỷ sản phải có xác nhận của chính quyền cấp xã, cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành và các đơn vị liên quan làm căn cứ thanh toán hỗ trợ...". Theo điều kiện này thì Cà Mau sẽ không có hộ dân nào được nhận hỗ trợ thiệt hại. Ðây là bài học đắt giá cho cả người dân lẫn chính quyền địa phương trong quản lý sản xuất.
Theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, việc xem xét, hỗ trợ thiệt hại của hộ dân phải đảm bảo điều kiện theo quy định tại Thông tư số 05/VBHN-BTC ngày 9/2/2015 của Bộ Tài chính. Tuy nhiên, hầu hết người dân Cà Mau không có “đăng ký kê khai sản xuất ban đầu” theo đúng quy định, nên trong thực tế việc xem xét, hỗ trợ cho đối tượng bị thiệt hại do thiên tai gặp nhiều khó khăn.
Nông dân Lữ Văn Cách, Ấp 1, xã Tắc Vân, bị thiệt hại nặng nề từ hạn mặn vừa qua nhưng không đủ điều kiện để được nhận hỗ trợ. |
Ðể rộng đường cho người dân được nhận hỗ trợ, tỉnh Cà Mau thống nhất nếu hộ dân không “đăng ký kê khai sản xuất ban đầu” thì phải có chứng từ khác chứng minh đã có sản xuất như: hoá đơn, chứng từ mua giống, mua thức ăn; có sự giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể ở cơ sở và công khai, minh bạch trong Nhân dân. Nếu các hộ dân sản xuất không thực hiện đúng lịch thời vụ được công bố, không tuân thủ đúng quy hoạch được cấp thẩm quyền phê duyệt, thì không xem xét hỗ trợ thiệt hại.
Trên tinh thần này, từ ngày 6-9/7 và ngày 14/7, Sở NN&PTNT đã thành lập 3 tổ công tác và 6 tổ thẩm định (có Sở Tài chính cùng tham gia) để thẩm định 5 huyện có diện tích thiệt hại theo báo cáo là đủ điều kiện để nhận hỗ trợ thiệt hại. Qua thẩm định văn bản và trực tiếp xuống địa bàn, đoàn thẩm định đã có báo cáo kết quả gửi về UBND tỉnh để xin ý kiến chỉ đạo.
Theo kết quả rà soát, báo cáo của Sở NN&PTNT, tổng số hộ nuôi thuỷ sản bị thiệt hại là 125.827 hộ; tổng diện tích bị thiệt hại là 158.111,908 ha. Diện tích thuỷ sản đủ điều kiện hỗ trợ (theo báo cáo các huyện, thành phố) là 24.381,557 ha và số tiền đề nghị hỗ trợ trên 62 tỷ đồng. Tuy nhiên, qua thẩm định của các tổ và đoàn công tác của Sở NN&PTNT (có sự tham gia của Sở Tài chính) thì toàn tỉnh không có hộ nào đủ điều kiện để nhận hỗ trợ thiệt hại.
Ða số các huyện vướng ở chỗ: hộ dân không có kê khai sản xuất ban đầu với UBND cấp xã; một số hộ có hoá đơn, giấy chứng nhận kiểm dịch bị tẩy xoá, sửa ngày, tháng hoặc số lượng giống không phù hợp so với số lượng giống thả nuôi trong bảng kê khai thiệt hại… Qua kiểm tra, xem xét phân tích của tổ thẩm định, xét thấy thủ tục không hợp lệ.
Riêng huyện Cái Nước hiện đang xin ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh vì tổ thẩm định nhận thấy có nhiều sai sót trong quá trình điều tra thiệt hại (một số xã trên địa bàn huyện đã vận động người dân đăng ký sản xuất sau khi đã thiệt hại; các giấy tờ có dấu hiệu chính quyền địa phương hướng dẫn phục hồi lại thủ tục, sai sự thật nên không đủ điều kiện để nhận hỗ trợ).
Ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: “Mặc dù nông dân Cà Mau phải nếm quả đắng trong lần thiệt hại này, tuy vậy, đây là bài học cho tất cả chúng ta trong sản xuất những vụ mùa tiếp theo”.
Là bài học cho tất cả chúng ta, do bởi từ trước đến nay nông dân trong tỉnh chưa từng được hướng dẫn đăng ký sản xuất với chính quyền địa phương ngay từ đầu vụ. Và bài học cho nông dân, bởi đa phần trong số họ chỉ “mua đứt bán đoạn” con giống để thả, không có thói quen sử dụng hoá đơn trong các lần mua bán con giống. Và giải pháp trong lúc này là tỉnh vẫn kiên quyết không hỗ trợ thiệt hại nếu không đủ các điều kiện đã đặt ra.
Song song đó, Sở NN&PTNT cũng kiến nghị UBND tỉnh nên ban hành văn bản để các địa phương thực hiện việc đăng ký sản xuất đối với vụ nuôi năm 2016 này. Ngoài ra, các địa phương tích cực tuyên truyền sâu rộng trong người dân về ý thức sử dụng hoá đơn trong mua bán, trao đổi hàng hoá để những vụ mùa sau nông dân không còn “ngậm quả đắng” như đợt thiệt hại này./.
Bài và ảnh: Ngọc Huệ