(CMO) Nâng niu 2 bằng khen cả giải Nhất và giải Khuyến khích vừa đạt được tại cuộc thi "Sáng tác lời mới 20 bài bản tổ đờn ca tài tử Nam Bộ năm 2020" do Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Kiên Giang tổ chức, tác giả Huỳnh Phương Thuý (sinh năm 1967, xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình) không giấu được niềm vui cùng sự bất ngờ khi vượt qua 45 tác giả với 190 tác phẩm dự thi khu vực ĐBSCL và đạt kết quả rất đáng tự hào.
Điều làm chị xúc động hơn hết là sau hơn 30 năm gác lại đam mê, ngày trở lại liên tiếp nở những bông hoa nghề thật đẹp. "Ngày trẻ công tác tại Phòng Văn hoá huyện Thới Bình, cũng sáng tác, cũng hát ca say sưa lắm. Nhưng từ năm 1985 đành dừng lại, lui về phía sau để tròn bổn phận với gia đình. Ngót mấy mươi năm, mỗi lần gặp tôi, Soạn giả Minh Đăng động viên quay trở lại với nghề sáng tác. Niềm đam mê như từng bước được khơi lại, rồi chính thức cầm bút gần 2 năm nay...", chị từ tốn bộc bạch.
Tác giả Huỳnh Phương Thuý không giấu được niềm vui bên bằng khen vừa nhận được từ cuộc thi Sáng tác lời mới 20 bài bản tổ đờn ca tài tử Nam Bộ năm 2020” do Hội VHNT tỉnh Kiên Giang tổ chức. |
Sau những lần gửi cộng tác với Đài Phát thanh - Truyền hình Cà Mau những bài bản tài tử, vọng cổ như cách để thử sức mình, tại cuộc thi "Sáng tác văn học, nghệ thuật, báo chí chủ đề Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2018" do Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Cà Mau tổ chức, với bài vọng cổ "Chung một niềm vui" đã mang về cho chị giải A như lời tái ngộ ấn tượng với nghệ thuật ở tuổi ngũ tuần.
Nhận được nhiều lời động viên, khen ngợi, chị tiếp tục trau dồi vốn lòng bản tài tử, nghiên cứu cách đặt để ca từ sao cho mới, mang tính hình tượng, có giá trị nghệ thuật cao. Không sáng tác ồ ạt mà mỗi tác phẩm đặt bút viết lời đều được tác giả Phương Thuý gửi vào đó sự chắt lọc, tâm huyết và cả tình yêu chân phương với nghệ thuật.
Nghe tin Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Kiên Giang tổ chức cuộc thi "Sáng tác lời mới 20 bài bản tổ đờn ca tài tử Nam Bộ năm 2020", chị quyết định tham gia dự thi, vừa muốn thử sức, vừa là dịp để bày tỏ tình yêu với vùng đất này. Kết quả 2 trong số 3 tác phẩm dự thi đều đoạt giải cao: giải Nhất với "Nỗi đau thầm lặng" (16 câu Giang nam) và giải Khuyến khích với "Gương người liệt nữ" (Nam ai 31 câu). Trong đó "Nỗi đau thầm lặng" viết về nỗi đau của người Mẹ Việt Nam anh hùng có chồng và 3 người con liệt sĩ, chỉ với 16 câu Giang nam đã khắc hoạ được nỗi đau của người mẹ góp vào đời những đứa con anh hùng đã đi vào huyền thoại. "Gương người liệt nữ" viết theo thể điệu Nam ai 31 câu ca ngợi hình ảnh kiên cường, bất khuất của chị Sứ - bông hoa bất tử của xứ sở Hòn Đất, Kiên Giang, đề tài này không mới nhưng qua cách đặt để của Phương Thuý đã làm cho bài bản mềm mại, không ca ngợi một cách sa đà mà cứ nhẹ nhàng như câu chuyện được kể lại về tấm gương của người liệt nữ thuở nào.
Soạn giả Minh Đăng bày tỏ: "Vượt qua 45 tác giả với 190 tác phẩm dự thi khu vực ĐBSCL, 2 tác phẩm này đã góp phần đem lại tự hào cho tỉnh nhà. Tuy chỉ mới trở lại với nghề nhưng Phương Thuý đã có nhiều cố gắng và luôn nghiêm túc với ngòi bút của mình...".
Từ tốn, hiền lành, khiêm cung..., đó là ấn tượng của bất kỳ ai mỗi khi có dịp trò chuyện với tác giả Phương Thuý, cách sống này được chị chọn trong suốt thời gian dài. Phương châm "chậm mà chắc" luôn được chị dặn lòng, sáng tác với chị bây giờ không phải là nghề để kiếm sống mà nơi này là mảnh đất đẹp để dành cho những quan sát, lắng nghe, chắt lọc rồi lắng lòng.
"Ngày nhận giải, trực tiếp ngồi dưới khán phòng nghe nghệ sĩ trình bày tác phẩm của mình, lòng hạnh phúc và hãnh diện lắm. Tôi nhớ tới những lời dạy của thầy mình - Soạn giả Trọng Nguyễn, hạt mầm nghệ thuật khi được chăm chút bằng mồ hôi và nước mắt thì sẽ nhận lại những trái ngọt, lửa nghề bừng lên. Mặc dù đã lớn tuổi, nghề viết bắt đầu trễ nhưng không vì thế vơi lửa, mà càng cố gắng hơn nữa, tới khi nào không còn sức cầm bút, không còn khả năng rung động với những đề tài nữa mới thôi...". Khẽ nở nụ cười, lời hứa cho sự gắn bó với nghề của tác giả Phương Thuý chợt tự tin đến lạ./.
Minh Hoàng Phúc