ĐT: 0939.923988
Thứ ba, 9-7-24 02:55:50
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Hồi sinh “rừng vàng, biển bạc” - Bài 3: Hồi chuông cảnh báo

Báo Cà Mau Nguồn lợi thuỷ sản suy giảm đến lằn ranh “báo động đỏ” là thực trạng nhức nhối, bức thiết với Cà Mau. Ðó không chỉ là sự suy giảm thuần tuý về mặt tài nguyên mà còn kéo theo những hệ luỵ khôn lường, to lớn đối với thực tại và tương lai phát triển của tỉnh nhà. Có hàng loạt nguyên nhân được chỉ ra, nhưng sâu xa nhất vẫn là tâm thế hành xử của con người với thiên nhiên. “Rừng vàng, biển bạc” ở Cà Mau đang bị tổn thương bởi sự vô tâm, thờ ơ của chính con người.

Thực tế báo động

Tại cuộc họp tổng kết tình hình thực hiện các nhiệm vụ chính trị của tỉnh Cà Mau năm 2023, đồng chí Nguyễn Tiến Hải, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Ðảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HÐND tỉnh, ray rứt: “Tình trạng khai thác theo kiểu tận diệt, huỷ diệt là nguyên nhân chính dẫn đến sự suy giảm, cạn kiệt nguồn lợi thuỷ sản. Xung điện, kích điện, thậm chí là chất độc, chất nổ để khai thác thuỷ sản mau nhất, nhiều nhất, lợi nhuận nhất thì cá tôm nào còn được”.

Xã Khánh Hội, huyện U Minh hiện có trên 400 phương tiện khai thác thuỷ sản ven bờ. Ở cửa biển Sông Ðốc có trên 300 phương tiện hoạt động với hình thức chiều ra biển, sáng vào bờ.

Tại cửa biển Khánh Hội, huyện U Minh, những ngày biển êm, nhiều phương tiện thuỷ nội địa khai thác ven bờ, làm ảnh hưởng nguồn lợi thuỷ sản.

Ông Châu Minh Ðảm, Chủ tịch UBND xã Khánh Hội, cho biết: “Không chỉ phương tiện trên địa bàn hoạt động mà nhiều phương tiện của các tỉnh lân cận như Kiên Giang, cũng về vùng biển của tỉnh Cà Mau đánh bắt. Nhiều phương tiện dùng lưới giã cào để cào thuỷ sản ở mé, nếu phương tiện nào có công suất và phương tiện được nâng cấp lớn hơn thì ra hơi xa dùng lú bát quái để đánh bắt, thậm chí dùng xung điện trang bị cho lưới đánh bắt”... Những vấn đề này đã được báo cáo, đề xuất, kiến nghị nhưng đây không phải một sớm một chiều giải quyết được".

Lý giải về tình trạng các phương tiện này có thể “lọt” ra biển dưới sự giám sát nghiêm ngặt của lực lượng chức năng, ông Ðảm thông tin: “Thực tế, Cà Mau có rất nhiều cửa sông thông ra biển nên lực lượng chức năng rất khó kiểm soát. Lợi dụng kẽ hở đó, nhiều phương tiện lén lút ra biển khai thác”. Ðáng quan ngại hơn, hầu hết những hộ dùng phương tiện này có công suất nhỏ, ẩn chứa nhiều nguy cơ tai nạn. Mưu sinh thúc bách, nhiều người bất chấp, mạo hiểm cả tính mạng của mình.

Theo ông Ðảm, số lượng phương tiện khai thác trên biển ngày càng nhiều, nhất là các hình thức đánh bắt ven biển theo kiểu tận thu. “Những năm gần đây, Khánh Hội xuất hiện quá nhiều phương tiện khai thác ven bờ với hình thức cào. Chính hình thức khai thác này làm cạn kiệt nguồn lợi thuỷ sản, bởi chúng vào bờ sinh sản”, ông Ðảm cho biết thêm.

Ông Hồ Hoàng Chương, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ngọc Hiển, thông tin: “Các hình thức đánh bắt như hàng đáy, lú bát quái, cào xung điện hết sức nguy hại cho nguồn lợi thuỷ sản. Năm 2023, Ngọc Hiển phát hiện, xử lý 34 trường hợp vi phạm quy định khai thác. Nguồn lợi ngày càng cạn kiệt thì các hình thức đánh bắt theo kiểu tận diệt, huỷ diệt càng biến tướng và diễn biến phức tạp hơn”.

UBND tỉnh Cà Mau đã chỉ đạo các địa phương vận động, tuyên truyền ngư dân đánh bắt theo mùa, nhưng thực tế ngư dân ra biển khai thác quanh năm. Cũng chưa có giải pháp, chế tài đủ mạnh, đủ sức răn đe với những đối tượng vi phạm. Theo đó, tình trạng khai thác theo những hình thức huỷ diệt, tận diệt vẫn đang diễn biến vô cùng phức tạp.

Các phương tiện thuỷ nội địa cải hoán, nâng cấp lên để có thể ra xa hơn để hoạt động khai thác và đánh bắt được nhiều sản lượng hơn.

Vì cái lợi trước mắt

Tại vùng ngọt hoá Cà Mau, các hình thức khai thác tận diệt, huỷ diệt nguồn lợi cá đồng cũng vô cùng bức xúc. Ông Ngô Thanh Phong, Chủ tịch UBND xã Khánh An, huyện U Minh, cho biết: “Từ đầu năm đến nay, địa phương đã phát hiện, xử lý 10 trường hợp dùng xiệt điện để đánh bắt cá đồng. Hiện nay, các đối tượng vi phạm ngày càng táo bạo, dùng xiệt điện công suất lớn đánh bắt cá ở những trục sông lớn. Khi bị phát hiện, đối tượng bỏ chạy bằng vỏ lãi công suất lớn, thậm chí có hành vi chống đối gây nguy hiểm cho lực lượng làm nhiệm vụ”.

Ông Trần Rô Y, Chủ tịch Hội Nông dân xã Khánh Thuận, huyện U Minh, chia sẻ: “Cá đồng ít, bà con truyền tai nhau cách dùng kích điện, xiệt điện để bắt cá. Nguy hiểm nhất là những đối tượng chuyên nghiệp dùng cách đánh bắt này để làm sinh kế. Không còn một loài cá tôm nào sống sót được, nếu sống thì không thể phát triển, sinh sản, thế nên nguồn lợi cá đồng tự nhiên theo đó ngày càng kiệt quệ”.

Bà Trần Hồng Ửng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện U Minh, trăn trở: “Chính người dân đang tự huỷ diệt môi trường sinh sống của cá đồng thông qua những hình thức đánh bắt huỷ diệt, tận diệt. Ðiều trăn trở là các hình thức đánh bắt bằng xung điện lại có tốc độ lây lan quá nhanh, trở thành thói quen bắt cá của nhiều người”.

Ông Huỳnh Trung Kiên, ấp An Phú, xã Khánh An, huyện U Minh, bộc bạch: “Con cá đồng suy giảm, mùa cá đồng bây giờ đâu còn nữa. Người ta bắt từ cá nhỏ đến cá lớn, dùng đủ mọi cách để bắt, không quan tâm đến chuyện giữ gìn, bảo vệ. Hậu quả thì hiển hiện rồi, bây giờ muốn có cá chỉ có cách nuôi, cá ngoài tự nhiên coi như cạn kiệt thiệt rồi”.

Bắt cá bằng nơm theo kiểu truyền thống của nông dân xã Khánh An, huyện U Minh là góp phần bảo vệ nguồn lợi cá đồng thiên nhiên.

Những ngày hội cá ở phía biển, mùa cá đồng oằn quang gánh vùng ngọt hoá ở Cà Mau giờ đã thành quá khứ, khó mà tìm lại. Hồi chuông cảnh báo đã điểm từ lâu, cách cư xử thô bạo của con người với thiên nhiên đang trả giá bằng những mất mát lớn lao và đắt đỏ. Ðó không phải là chuyện của con cá, con tôm, mà còn là câu hỏi day dứt cần được gióng lên thật mạnh mẽ; cần những hành động, giải pháp quyết liệt, hiệu quả để gìn giữ hồn cốt, phong vị và cả tương lai của mảnh đất Cà Mau với “rừng vàng, biển bạc” như đã từng hiện hữu.


Trên địa bàn tỉnh Cà Mau hiện có trên 2.547 phương tiện tàu cá dưới 15 m khai thác thuỷ sản ở vùng biển ven bờ, với các nghề khai thác chủ yếu là lưới vây, lưới kéo, lưới rê, câu, lồng bẫy. Ðặc biệt, có một lượng lớn phương tiện thuỷ nội địa hoạt động khai thác thuỷ sản ven bờ với hình thức tận diệt làm ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn lợi thuỷ sản, nhất là vào mùa sinh sản.

Từ năm 2005 đến tháng 9/2023, lực lượng chức năng chuyên ngành nông nghiệp đã phát hiện 1.220 trường hợp vi phạm, tịch thu 132 bình ắc quy, 1.137 kích điện, hơn 4.450 m dây điện..., xử phạt vi phạm hành chính, nộp ngân sách hơn 5,7 tỷ đồng. Ngoài ra, lực lượng bộ đội biên phòng, công an trong tỉnh còn phát hiện, bắt giữ và tịch thu tang vật gần 2 ngàn trường hợp sử dụng xung điện khai thác thuỷ sản cả trên biển và trong nội đồng. Riêng năm 2023, toàn tỉnh phát hiện 181 vụ khai thác thuỷ sản bằng xung điện trái phép.


 

Kim Cương - Hải Nguyên

Bài 4: Không thể chần chừ

 

Trường nội trú Cà Mau - Ninh Bình: Những ký ức không phai

Cuối tháng 3/1972, ở đây chưa có mưa, còn là mùa hạn. Thầy Lê Châu, Hiệu trưởng và thầy Năm Thuật, Hiệu phó Trường Nội trú Cà Mau - Ninh Bình, khoá 3, đến Xóm Dừa, Ấp 6A. Cô Mười Mỳ là Bí thư Chi bộ xã Quách Văn Phẩm “B”, huyện Tư Kháng (huyện Ðầm Dơi ngày nay). Các thầy tìm chỗ để cất trường học và chọn vườn cô Út Ngươn để đặt lớp học. Xa ngoài kia, chọn vườn Biện Ðài, Lung Chim và 1 điểm nữa ở Thanh Tùng.

Chuyện chữ “T” của Nhà báo Trần Ngọc Hy

Nhà báo Trần Ngọc Hy, người Cà Mau, tham gia kháng chiến chống Pháp ở tỉnh Bạc Liêu xưa. Ông viết chuyện vui chữ “T” đăng báo “RÙM”, tức rừng U Minh - tờ báo tường nội bộ cơ quan Uỷ ban Kháng chiến Hành chính Nam Bộ, đóng ở Chiến khu U Minh trên đất Cà Mau thời 9 năm kháng Pháp, khoảng 1949-1950.

Báo Minh Hải - Niềm tự hào chưa cạn tỏ

Báo Minh Hải là tiền thân của Báo Bạc Liêu, Cà Mau ngày nay. Hơn 20 năm hoạt động, tờ báo này đã trở thành chiếc nôi rèn luyện cho thế hệ báo chí sau ngày thống nhất đất nước. Từ đây, đã có nhiều nhà báo trưởng thành, trở thành cán bộ lãnh đạo của báo chí, văn học nghệ thuật 2 tỉnh và Trung ương, nhiều nhà báo trở thành những tài danh báo chí, văn chương. Hướng tới kỷ niệm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6, chúng tôi trân trọng giới thiệu tâm tình của một nhà báo, nhà văn, người đã sống trọn vẹn suốt thời gian măng sét Báo Minh Hải tồn tại trong lòng độc giả, cùng bạn đọc hôm nay.

Ðể vùng quê… trắng hộ nghèo - Bài cuối: Ðiểm sáng xoá nghèo

Trên cơ sở trợ lực từ nhiều chương trình, chính sách, sự chung tay góp sức của cộng đồng; các cấp uỷ đảng, chính quyền trên địa bàn tỉnh đã sâu sát trong dân, nắm chặt hoàn cảnh hộ nghèo để triển khai đồng loạt biện pháp hỗ trợ phù hợp, hiệu quả; đồng thời giúp người nghèo thay đổi nếp nghĩ, cách làm, khơi gợi ý chí phấn đấu thoát nghèo, hướng đến tương lai tốt đẹp hơn.

Ðể vùng quê… trắng hộ nghèo - Bài 2: Không để người nghèo bị bỏ lại phía sau

Cùng với triển khai đồng bộ các chương trình mục tiêu quốc gia, Cà Mau thực hiện tốt phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”. Phong trào đã lan toả giá trị nhân văn trong cộng đồng, tạo động lực, niềm tin để hộ nghèo, người gặp hoạn nạn sớm ổn định cuộc sống, giúp các địa phương hiện thực hoá mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Ðể vùng quê… trắng hộ nghèo

Cùng với phục hồi và tăng trưởng kinh tế, Cà Mau luôn đặt mục tiêu giảm nghèo là ưu tiên hàng đầu. Bằng những giải pháp đồng bộ, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, ý thức vươn lên của hộ nghèo, cuối năm 2023 Cà Mau còn 1,6% hộ nghèo (giảm 2.507 hộ nghèo), 1,56% hộ cận nghèo (giảm 922 hộ). Ðặc biệt, tỉnh có 170 ấp, khóm và 5 xã, phường, thị trấn xoá trắng hộ nghèo. Ðó là những điểm sáng, lan toả kinh nghiệm, cách làm hay và là động lực trong hành trình giảm nghèo bền vững của tỉnh.

Ðảng tăng cường sức mạnh, dân đồng thuận làm theo - Bài cuối: Phải thật sự gần dân, sát cơ sở

Đến thời điểm này, có thể khẳng định chủ trương trước đây của Huyện uỷ Phú Tân về cải tạo vườn tạp, trồng hoa màu, mang lại hiệu quả kinh tế hộ; hay như việc tận dụng trồng cây xanh ven sông để ngăn chặn sạt lở... đã mang lại kết quả đáng tự hào, được Nhân dân trong huyện tích cực hưởng ứng tham gia, lan toả. Nhìn từ Phú Tân, các địa phương khác có điều kiện tương tự, học tập làm theo và cũng đạt kết quả đáng phấn khởi. Bài học rút ra là cái gì mang lại lợi ích thiết thực vì việc chung sẽ được người dân tích cực đồng lòng chung tay, góp sức.

Ðảng tăng cường sức mạnh, dân đồng thuận làm theo - Bài 2: ...Ðến chỉ thị cấp bách

Trước những biến đổi khó lường của thời tiết, ngày 16/2/2024, Huyện uỷ Trần Văn Thời đã ban hành Chỉ thị số 09-CT/HU (Chỉ thị 09) về tăng cường các biện pháp ứng phó, khắc phục hậu quả do hạn hán gây ra, nhằm huy động sức mạnh cả hệ thống chính trị để ứng phó, giảm thiểu tác động. Ông Nguyễn Minh Nhứt, Bí thư Huyện uỷ Trần Văn Thời, cho biết, Chỉ thị 09 ban hành phù hợp thực tiễn, tạo được sự đồng thuận, tham gia tích cực của các tầng lớp Nhân dân, tạo chuyển biến trong nhận thức, hành động của từng cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên... vì việc chung.

Ðảng tăng cường sức mạnh, dân đồng thuận làm theo

Trong quá trình chỉ đạo, điều hành bộ máy chính trị của Ðảng và Nhà nước, có những việc cần định hướng với tầm nhìn chiến lược dài hơi, có quá trình thực hiện mang tính giai đoạn; có những việc mang tính cấp bách, cần tập trung xử lý ngay, dứt điểm trong thời khắc nhất định. Song, tất cả đều hướng đến mục tiêu là nhằm lan toả chủ trương hợp lòng dân, sát thực tế, được cụ thể hoá đi vào đời sống Nhân dân, nâng cao nhận thức đúng đắn để cùng chung tay thực hiện nhiệm vụ chính trị với quyết tâm cao nhất vì sự an toàn, phát triển nhanh và bền vững của xã hội… Ðảng tăng cường sức mạnh, dân tin tưởng làm theo sẽ tạo nên nội lực vững chãi, vượt qua mọi khó khăn, thách thức.

Biển có vững, bờ mới yên - Bài cuối: Quân - dân nghĩa tình

“Trường Sa vì Tổ quốc”, “Cả nước vì Trường Sa”, những tiếng hô đồng thanh vang vọng giữa trùng khơi khi tàu rời cảng Trường Sa đã nói lên phần nào sự gắn bó máu thịt của tình quân - dân. Nghĩa tình ấy chính là sức mạnh để Trường Sa, vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, luôn luôn vững vàng nơi đầu sóng ngọn gió.