(CMO) Năm nay mùa mưa đến sớm nên tạo điều kiện thuận lợi cho người dân rửa mặn cải tạo đất để thực hiện vụ lúa - tôm.
Theo kế hoạch, vụ lúa - tôm năm nay toàn tỉnh sẽ gieo cấy gần 45.000 ha lúa trên đất nuôi tôm, tập trung ở các huyện: Thới Bình, U Minh, Trần Văn Thời, Cái Nước và TP. Cà Mau. Thời gian bắt đầu gieo cấy vào cuối tháng 8, đầu tháng 9 để thu hoạch dứt điểm vào tháng 12.
Rút kinh nghiệm từ nhiều năm qua, ngành chuyên môn khuyến cáo bà con nông dân nên chọn những giống lúa thích ứng tốt với điều kiện đất nhiễm mặn và phèn như: OM 2517, OM 5954, CXT 30; lùn Kiên Giang; Cà Mau 2, ST5 và ST20. Đây là những giống lúa ngắn ngày, cứng cây, thích nghi tốt với vùng đất nhiễm phèn, mặn, đẻ nhánh tốt, hạt gạo dài, kháng sâu rầy tốt và cho năng suất cao. Ngoài những tính năng trên, việc người dân chọn các giống ngắn ngày còn nhằm chủ động ứng phó với thời tiết nắng hạn vào cuối năm.
Kỹ sư Nguyễn Văn Tranh, Phó giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết, đến thời điểm này, bà con nông dân đã gieo được 1.435 ha mạ, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước, vượt 110% so kế hoạch, tập trung nhiều ở huyện U Minh (763 ha), Thới Bình (635 ha), Trần Văn Thời (3,7 ha). Hiện nay, bà con nông dân đang bắt tay vào việc gieo cấy. Ưu điểm lớn nhất của vụ lúa trên đất nuôi tôm là không có sâu bệnh, vốn đầu tư ít nên bất kỳ nông dân nào có vuông tôm nằm sâu trong nội đồng hoặc vùng khép kín đều có thể thực hiện được.
U Minh là huyện có thế mạnh trong sản xuất lúa - tôm, năng suất lúa trên đất nuôi tôm các năm trước có nhiều nơi đạt trên 5 tấn/ha. Chính vì thế, người dân nơi đây luôn xác định vụ lúa - tôm đóng vai trò hết sức quan trọng trong sản xuất nông nghiệp. Đối với những vùng đất không gieo sạ được, huyện đang chỉ đạo bà con nông dân tập trung làm cỏ, ban, cuốc bờ vuông, sân, vườn để tiến hành gieo mạ, sẵn sàng cấy lúa vào cuối tháng 8 này.
Nông dân U Minh chuẩn bị mạ để gieo cấy lúa trên đất nuôi tôm. |
Vụ mùa năm nay, gia đình anh Nguyễn Chí Tâm, ở Ấp 13, xã Khánh Thuận thực hiện mô hình lúa - tôm trên diện tích 2,5 ha. Anh chia sẻ: “Năm nay thời tiết rất thuận lợi, mưa sớm, tạo điều kiện cho tôi rửa mặn, hiện đất của tôi có thể cấy được nhưng còn lượng mưa lớn nên mấy ngày nay tôi tiếp tục hứng nước mưa đầy vuông, xả đợt này nữa chắc độ mặn không còn bao nhiêu. Mình rửa mặn đến khi nào mạ cấy được thì cấy luôn. Năm nay thuận lợi, cấy chắc có ăn”.
Cũng là một trong những hộ tham gia thực hiện mô hình lúa - tôm, những ngày này, gia đình anh Trần Văn Triều, ở Khóm 3, thị trấn U Minh cũng đang khẩn trương cải tạo đất, chăm sóc mạ để tiến hành cấy cho kịp lịch thời vụ.
Anh Triều cho biết: "Gốc rạ sẽ giúp cải tạo nguồn nước, hút các chất hữu cơ dư thừa, tạo ra môi trường đất, nước rất thích hợp cho tôm phát triển. Ngoài ra, trong gốc rạ còn sinh ra một số loài côn trùng như: trùn trĩ làm thức ăn cho tôm, giúp tôm mau lớn nên khả năng trúng tôm rất cao. Từ khi thực hiện mô hình đến nay, năm nào cấy được lúa là vụ tôm sau tôi trúng chắc, nhờ vậy mà kinh tế gia đình ngày càng được cải thiện”.
Thực tế đã qua, mô hình sản xuất một vụ lúa trên đất nuôi tôm được đánh giá bền vững, đặc biệt là thích ứng với biến đổi khí hậu. Ngành chức năng khuyến cáo nông dân không nên chạy theo con tôm mà phải tuân thủ đúng hướng dẫn lịch thời vụ thả tôm và gieo cấy lúa. Tuy nhiên, vì lợi nhuận trước mắt từ con tôm mang lại nên nhiều nông dân thường thả nuôi nối tiếp nhiều vụ/năm, không tuân thủ theo khuyến cáo tháo xổ nước rửa mặn, phèn triệt để, từ đó dẫn đến hệ luỵ là đất bị nhiễm mặn, không thể trồng lúa được, tôm nuôi thường xuyên bị dịch bệnh dẫn đến tình trạng tôm chết kéo dài./.
Trung Đỉnh - Trần Thể