(CMO) Trong một cuộc chuyện trò, chúng tôi được gợi ý về việc tìm thêm tư liệu để viết bài về địa danh kênh Kiểu Mẫu. Ý tưởng này dần được thôi thúc khi có người quả quyết: “Cách đây hơn 80 năm, kênh Kiểu Mẫu là nơi đầu tiên ở Cà Mau xây dựng đời sống kiểu mẫu, có dáng dấp của mô hình nông thôn mới hiện nay”.
Cùng với hiện thực, Cà Mau đang gặt hái nhiều thành tựu trong Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) với hơn 50% số xã (42/82 xã) đạt chuẩn NTM và hầu hết các xã còn lại đều ngấp nghé tiệm cận mục tiêu này. Vậy là chúng tôi làm một chuyến về kênh Kiểu Mẫu, nhắc nhớ chuyện xưa nhưng cũng gần gũi lắm với đà phát triển hôm nay…
Chuyện về kênh Kiểu Mẫu
Kênh Kiểu Mẫu giờ là địa danh thuộc xã Khánh Bình Ðông, huyện Trần Văn Thời. Ðoạn sông dài hơn 2 cây số, chảy giữa 2 ấp 12A và 12B mà trước đây gọi chung là ấp Kiểu Mẫu, sau này chia tách ra. Tên ấp không còn, nhưng địa danh Kiểu Mẫu thì vẫn là niềm tự hào, nỗi nhớ nhung của biết bao thế hệ con người. Với ông Sáu Hoa (lão thành cách mạng Huỳnh Văn Hoa, nay đã 90 tuổi) thì: “Ai nói gì nói, kênh Kiểu Mẫu vẫn là cách người ở đây gọi về nơi chôn nhau cắt rốn của mình, mãi mãi không thay đổi đâu!”.
Dòng kênh Kiểu Mẫu sau đại hạn bị tàn phá nhiều, nhưng hồn đất, tình người Kiểu Mẫu mãi là câu chuyện đẹp của xứ sở Cà Mau. |
Ông Sáu tai đã hơi nghễnh ngãng, nhưng trí tuệ còn vô cùng minh mẫn. Ông là nhân chứng sống của kênh Kiểu Mẫu trải qua bao thăng trầm thời cuộc. Theo lời ông Sáu, địa danh Kiểu Mẫu hình thành khoảng năm 1947, 1948 ngay sau khi Bác Hồ khai sinh nước nhà. Vùng đất này hoang hoá, người từ khắp nơi đổ về để sinh kế, lập nghiệp. Ðất đai được chia mỗi hộ 30 công, dựng nhà, khẩn hoang làm ruộng. Cái tên Kiểu Mẫu bắt đầu hình thành khi cách mạng phát động phong trào cho quần chúng Nhân dân ăn ở, sinh hoạt và lao động sản xuất theo một số quy định chung.
Nhánh kênh thiên tạo được lấy làm trục đối xứng, nhà dân cắt day mặt ra sông, hậu là ruộng vườn. Cửa cái của nhà bên này kênh phải đối diện với cửa cái nhà phía bên kia. Nhà chỉ cất bằng cây lá, nhưng phải tươm tất, có 3 gian, chái bếp, phía sau là chuồng trại chăn nuôi. Khi ăn cơm phải thực hiện nguyên tắc vệ sinh “2 đũa”, tức là một đôi để gắp thức ăn, một đôi để và cơm. Ðặc biệt, nhà vệ sinh phải làm kín đáo, cách xa nơi ở. Tinh thần tương thân tương ái, tình làng nghĩa xóm được thắt chặt bằng các hình thức vạn vần đổi công, có nhau lúc tối lửa tắt đèn.
Dần dà, cái tên Kiểu Mẫu được hình thành và gắn làm tên cho con kênh thiên tạo và làng xóm nơi đây. Cả đời gắn bó với kênh Kiểu Mẫu, ông Sáu tự hào: “Ở Kiểu Mẫu, qua thời kháng Pháp rồi chống Mỹ, người dân vẫn gìn giữ được nét đẹp trong ăn ở, lao động, đối nhân xử thế. Nhiều người đến đây thấy hay cũng về bắt chước làm theo. Sau này, cách mạng của mình cũng vận động nhiều nơi học tập, xây dựng làng xóm như ở Kiểu Mẫu”.
Tham gia cách mạng từ rất sớm, ông Sáu kể, vùng Khánh Bình Ðông là xã lớn, sau này mới tách ra một số xã khác, như Khánh Bình, Trần Hợi. Cũng từ lời của ông Sáu, chúng tôi biết thêm, Anh hùng LLVTND Danh Thị Tươi và Liệt sĩ Trần Hợi đều là những người con ưu tú của đất Khánh Bình Ðông. Kênh Kiểu Mẫu chỉ dài hơn 2 cây số, nhưng nếu tính số liệt sĩ qua 2 cuộc kháng chiến đã trên 20 người, nếu là hộ gốc thì đều có công lao cưu mang bộ đội, hết lòng với cách mạng.
Ông Sáu bỗng sôi nổi khi kể về thời kháng chiến vận động người dân xây dựng đời sống kiểu mẫu: “Hồi đó dân thương, dân tin bộ đội, cán bộ, nên bà con ủng hộ việc này lắm. Sẵn nếp sống đã có từ trước, nên ở kênh Kiểu Mẫu luôn đi đầu. Nói không biết có quá hay không, chớ hồi đó xây dựng đời sống mới không khí còn rộn ràng hơn, đồng thuận hơn bây giờ”. Không chỉ là ăn ở, sản xuất, đối nhân xử thế, dân Kiểu Mẫu phát động các phong trào cho con em tòng quân đi bộ đội, tăng gia sản xuất, góp gạo cho kháng chiến, xây hầm nuôi giấu cán bộ, thực hiện nguyên tắc “3 không”: không nói, không biết, không nghe để đảm bảo an toàn bí mật của cách mạng.
Kênh Kiểu Mẫu là nơi đứng chân của nhiều cơ quan, đơn vị, nhất là trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ. Ông Sáu hồi nhớ: “Hồi anh em D10 chủ lực về đây, thấy dân Kiểu Mẫu là mê lắm. Phải nói mấy “ổng” hiền khô, không dám bẻ một trái cà, trái ớt của dân. Hầu như chỉ mượn chỗ trú quân, còn không thì tuyệt đối không làm phiền bà con. Chớ ra trận, nghe D10 là tụi giặc hồn xiêu phách lạc”. Bom đạn cày xới quê hương, người Kiểu Mẫu một tấc không đi, một li không dời, quyết bám trụ nhà cửa, xóm làng. Bom dội trúng nhà, người Kiểu Mẫu lại cùng nhau dựng lên nếp nhà mới. Hai bờ sông Kiểu Mẫu, chưa bao giờ vắng đi vẻ đẹp bình yên, khuôn thước trong bất cứ hoàn cảnh nào. Ðiều kỳ diệu ấy được khơi nguồn và gìn giữ bởi ý chí và tình yêu đậm sâu với quê hương xứ sở của con người.
Dựng xây nông thôn mới
Hoà bình lập lại, dân Kiểu Mẫu cùng nhau dựng xây tương lai mới. Nghe Phó chủ tịch UBND xã Khánh Bình Ðông Cao Văn Ðạt thông tin: “Khánh Bình Ðông hiện nay cơ bản đã đạt chuẩn NTM, chỉ còn vướng tiêu chí an ninh trật tự, chắc sớm thôi sẽ được công nhận”, chúng tôi cùng chia vui với địa phương. Ông Sáu gặp cán bộ lãnh đạo xã thì gởi gắm: “Ðiều kiện bây giờ tốt hơn trước, cái chính là cán bộ mấy cháu phải gần dân hơn, nói dân nghe, làm dân tin, có vậy thì Kiểu Mẫu trước đây hay NTM bây giờ mới bền, mới tốt đẹp hết thảy”.
Ông Sáu vẫn tự hào với cây lúa ở Khánh Bình Ðông, bởi với ông Sáu, lúa gạo trước hết là cho dân không đói, sau đó là nguồn lực từng cưu mang bộ đội, cách mạng. Ông Sáu cười mà nói: “Hồi nghe Cà Mau chuyển dịch rần rần, chú lo dân mình đói chớ. Tại trước đây, nhà nhà làm ruộng, bồ ví lúa đầy mà đó đây còn người thiếu ăn. Mình bỏ hết lúa rồi, chỉ còn một phần bên Trần Văn Thời, U Minh, chú sợ… mình hết gạo ăn”. Như để giải thích thêm, ông Sáu tiếp: “Nhưng ngẫm ra, Ðảng, Nhà nước mình hay thiệt. Dân không những hết đói mà còn khá giàu lên. Tài tình thiệt. Như Kiểu Mẫu giờ đời sống 10 phần thì được 8, 9 phần rồi chớ giỡn đâu”.
Chị Trần Tuyết Lệ, con dâu út ông Sáu đang thu hoạch lứa ngò gai để giao mối. Chị Lệ bộc bạch: “Ông tía lớn tuổi rồi, nhưng luôn quan tâm tới chuyện xóm làng, chuyện đất nước. Về làm dâu xứ Kiểu Mẫu mấy chục năm, tôi mới thấy ở đây cách ăn ở, cách lao động sản xuất đều có nền nếp, quy củ và con người mình cũng ngày một tốt lên”. Ở Kiểu Mẫu, người người hăng hái lao động, xây dựng kinh tế, gìn giữ truyền thống gia đình, tình làng nghĩa xóm. Dù có đi đâu, làm gì, người ta cũng ý thức về hai chữ Kiểu Mẫu như là một giá trị thiêng liêng để tự điều chỉnh bản thân, hướng về nguồn cội.
Nền nếp gia đình, tình làng nghĩa xóm được người dân Kiểu Mẫu gìn giữ từ đời này sang đời khác. |
Dòng kênh Kiểu Mẫu bắt nước từ ngã tư So Le nối dòng về phía Khánh Bình. Nếp nhà Kiểu Mẫu xưa đã thay bằng những căn nhà bề thế, hiện đại. Qua cơn đại hạn, hai bên bờ kênh đã sụp lở nhiều, không còn được vẻ mỹ miều, bình yên như trong quá khứ. Nhưng có hề gì. Còn kênh Kiểu Mẫu, còn người Kiểu Mẫu thì tất cả đều có thể gầy dựng lại. Kênh Kiểu Mẫu đẹp từ năm nao, nay vẫn đủ sức làm say lòng người với trọn vẹn thuỷ chung và khát vọng./.
Ghi chép của Phạm Quốc Rin