(CMO) Bộ NN&PTNT vừa thống nhất để Cà Mau tổ chức lồng ghép Diễn đàn Kết nối sản phẩm OCOP vùng Đồng bằng sông Cửu Long vào sự kiện Festival Tôm tỉnh Cà Mau năm 2023, đồng thời giao Cục Thuỷ sản làm đầu mối, góp phần nâng tầm con tôm Việt, tạo sức hút đầu tư và quảng bá du lịch cho Cà Mau.
Theo UBND tỉnh, việc lòng ghép này là nhằm tập trung nguồn lực thực hiện, đảm bảo mang lại kết quả thiết thực và hạn chế việc tổ chức nhiều sự kiện có tính chất tương đồng trong năm.
Việc tổ chức Festival Tôm tại Cà Mau được dự kiến tổ chức vào dịp cuối năm nay, là dịp để các nhà đầu tư, khách du lịch tìm hiểu về nghề nuôi và năng lực chế biến tôm xuất khẩu - ngành hàng chủ lực của tỉnh. Hiện, các sản phẩm được chế biến từ con tôm trở thành mặt hàng OCOP đặc sắc của địa phương, nổi tiếng cả nước, là sản phẩm quà tặng hấp dẫn, như bánh phồng tôm, tôm khô…
Cà Mau có diện tích nuôi tôm sinh thái dưới tán rừng ngập mặn khá lớn và mang tính đặc trưng, trở thành lợi thế, sứ mệnh thương hiệu tôm Việt Nam. Việc tổ chức Festival Tôm tại Cà Mau khẳng định vai trò và giá trị của nghề nuôi tôm, con tôm địa phương trong tổng thể cả nước và thị trường thế giới.
Việc tổ chức Festival Tôm tại Cà Mau đã được Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo tại Công văn số 2890/VPCP-NN ngày 27/3/2017, Công văn số 7508/VPCP-NN ngày 18/7/2017 và Công văn số 1526/VPCP-NN ngày 12/02/2018. Theo đó, giao UBND tỉnh Cà Mau chủ động làm việc với bộ, ngành, địa phương, tổ chức liên quan xác định các nội dung liên quan đến tổ chức Festival Tôm, đảm bảo theo đúng thẩm quyền, hiệu quả, tiết kiệm. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, nhất là do tập trung ứng phó với tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, đến nay Cà Mau mới đủ điều kiện tổ chức Festival Tôm.
Cà Mau được biết đến là địa phương có sản lượng khai thác và nuôi trồng, năng lực và công nghệ chế biến, xuất khẩu tôm đứng đầu cả nước. Trong đó, tôm sinh thái dưới tán rừng ngập mặn, với diện tích trên 50.000 ha tại 2 huyện: Năm Căn, Ngọc Hiển được xem là đặc trưng, lợi thế tạo dựng nên thương hiệu con tôm Cà Mau nói riêng và Việt Nam nói chung trên thị trường thế giới khi đến nay đã đạt được nhiều chứng nhận uy tín của quốc tế.
Cùng với đó, có khoảng 300.000 ha nuôi tôm trên đất trồng lúa đạt tiêu chuẩn sạch, sinh thái, mang lại sự tin dùng cho chế biến xuất khẩu, tăng lợi thế cạnh tranh trên thương trường, nâng cao thu nhập và đời sống của người nuôi tôm…/.
Trần Nguyên