ĐT: 0939.923988
Thứ bảy, 27-7-24 11:05:21
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Khi nhà nông bám đất

Báo Cà Mau (CMO) Ăn nên làm ra ngay trên mảnh đất quê hương là điều mà tất cả nhà nông đều mong mỏi. Không khuất phục trước những khó khăn trong quá khứ và hiện tại, trên đồng đất ấy nhiều mô hình kinh tế đã để lại dấu ấn phát triển cùng địa phương đi lên từng ngày, truyền cảm hứng khởi nghiệp cho biết bao thế hệ trẻ.

Dáng người nhỏ, trầm tĩnh, ít nói nhưng anh Trần Văn Tài, ngụ ấp Tắc Thủ, xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình, là người tạo ra nhiều mô hình kinh tế mang giá trị cao, là một trong những địa chỉ tin cậy để thương lái, nông dân trong vùng tìm đến để mua giống, hoặc mua đi bán lại kiếm lời.

Anh Tài chia sẻ: “Ðam mê lớn của tôi là chăn nuôi, từng nuôi qua rất nhiều loại, như gà, vịt, kỳ đà, cá sấu... Tuy nhiên, sau thời gian dài thử nghiệm, do chưa có kinh nghiệm nên đa phần đều thất bại hoặc vì không được giá nên ngưng. Kinh tế chính dựa vào làm ruộng cũng không khởi sắc, tôi làm lại từ đầu, chọn những vật nuôi đơn giản các công đoạn chăm sóc mà vẫn cho giá cao”.

Các vật nuôi trên đều có điểm chung là giống ban đầu đều bắt đầu từ số lượng ít, từ hai, hoặc bốn con như nuôi cảnh, nuôi lấy kinh nghiệm. Bất ngờ sau thời gian nuôi chơi mà ăn thiệt đã giúp số lượng bầy đàn tăng lên từng ngày, không chỉ bán thương phẩm mà còn nhân giống thành công, anh Tài dần lấy lại niềm tin và tiếp tục mở rộng quy mô chăn nuôi theo hướng gia đình. Mỗi năm anh sẽ tìm hiểu và đưa vào thử nghiệm thêm một vật nuôi mới.

Lựa chọn trong số vật nuôi cho nguồn thu ổn định và nuôi có thâm niên là rắn ri voi và ri cá, tận dụng diện tích nhà trước ít sử dụng, anh cải tạo lại không gian và xây bảy hồ nuôi. Ban đầu anh cũng thử nuôi trong nhiều môi trường khác như thau, xô, chậu… tuy nhiên rắn chậm lớn, tốn công chăm sóc mà không hiệu quả.

Hiện tại lứa rắn trưởng thành, rắn bố mẹ có thể sinh sản trên 100 con. Rắn nuôi sau 1,5-2 năm có thể xuất chuồng. Rắn ri voi thịt được thu mua với giá dao động từ 500-600 ngàn đồng/kg, riêng ri cá có giá 250 ngàn đồng/kg. Với nguồn giống chất lượng, tỷ lệ hao hụt ít, vào thời kỳ rắn sinh sản, tất cả con giống đều được đặt mua trước. Rắn con mới nở có giá 55 ngàn đồng/con. Còn nuôi từ hai tuần sẽ tăng từ 80-100 ngàn đồng/con.

“Khi bắt đầu những vật nuôi mới, tiêu chí tôi chọn luôn hội tụ các điều kiện sau: vật nuôi dễ chăm sóc, thời gian nuôi nhàn nhưng ổn định, thị trường tiêu thụ dễ dàng, giá cả ít bấp bênh và nguồn lãi tương đối. Từng bấp bênh nhiều lần với cá bống tượng, cá sấu nhưng tôi không từ bỏ hẳn mà chọn cách thay đổi môi trường nuôi, phương pháp nuôi, tích luỹ kinh nghiệm và áp dụng khoa học - kỹ thuật”, anh Tài bộc bạch.

Gần đây, anh Tài cũng trải nghiệm vật nuôi mới là con dúi, thuộc loài động vật gặm nhắm có giá trị kinh tế khá cao, chỉ mới xuất hiện trong vài năm trở lại đây. Khu vực nuôi dúi được thiết kế kín, tương đối rộng để dúi có thể tự do hoạt động. Thức ăn của chúng là tre, mía, bắp... Từ cặp dúi bố mẹ ban đầu, nay đã sinh sản thêm hai cá thể dúi con phát triển tốt.

Sau nhiều lần chọn vật nuôi chưa phù hợp để phát triển kinh tế, thay vì từ bỏ, anh Tài quyết tâm trụ lại quê hương với tiêu chí làm nhỏ, đi chậm nhưng chắc. (Trong ảnh: Gần đây anh Tài thử sức và nhân giống thành công con dúi, một vật nuôi mang giá trị cao ít hộ biết đến).

Từ những mô hình trên, sau khi trừ hết chi phí, mỗi năm anh Tài tích luỹ trên 100 triệu đồng. Ðối với nhà nông, đây là con số lý tưởng đáng ao ước. Không chỉ tạo công ăn việc làm cho bản thân lâu dài mà anh Tài sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm lẫn con giống chất lượng, tạo hướng đi mới cho những hộ quan tâm, mong muốn phát triển theo hướng nhỏ, chậm nhưng chắc chắn.

Gắn bó với con cá bống tượng nhiều năm qua, đây là mô hình mà hộ gia đình ông Lê Trường Giang, ấp Xóm Lớn, xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình, chọn song hành duy trì với mô hình lúa - tôm. Nơi đây vốn là vùng đất không mấy thuận lợi cho canh tác nông nghiệp, ông Giang đã tiêu tốn rất nhiều chi phí để cải tạo đất. Từ năm 1997 đến nay, kinh tế chính gia đình chủ yếu dựa vào 3 ha đất làm một vụ lúa và một vụ tôm, thu nhập tương đối khá.

Không bằng lòng với thành quả đã có, ông tiếp tục tìm nhiều vật nuôi có giá trị kinh tế cao. Nhận thấy cá bống tượng có giá cao, đầu ra tương đối thuận lợi nên ông dành hơn một công tầm lớn để nuôi cá. Ban đầu do chưa có nhiều kinh nghiệm nên cá chậm lớn. Không nản chí, ông tìm hiểu thêm kiến thức từ mạng xã hội, mỗi đợt có lớp tập huấn ông đều hăng hái tham gia, rồi tranh thủ đi thực tế tại những hộ nuôi thành công.

Ðến nay, dù điều kiện nước và chất đất chưa được như mong muốn, nhưng ở địa phương, ông Giang là một trong số ít hộ duy trì được mô hình nuôi cá bống tượng sau nhiều đợt giá cá tuột dốc và ảnh hưởng từ dịch Covid-19. Mỗi vụ sau hơn một năm nuôi cá đạt trọng lượng từ 700 g - 1 kg sẽ xuất ra thị trường. Vụ vừa rồi với mật độ hơn 1.000 con, ông thu trên 200 triệu đồng.

“Nuôi hay trồng con gì đều khó lường trước được những rủi ro. Không chỉ có cá bống tượng mà ngay cả lúa gạo, tôm, cua, trái cây cũng lao đao nhiều phen vì thị trường bỏ nhà nông. Nên khi đầu tư mô hình kinh tế nào cũng nên tìm hiểu kỹ càng, nhất là xem vật chủ có phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu vùng, làm từ nhỏ đến quy mô. Tiêu chí của tôi là ăn chắc mặc bền”, ông Giang trần tình.

Nhớ lại tình cảnh khoảng thời gian dài giá cá bống tượng tuột giá, cá loại 1 lái chỉ mua với giá hơn 200 ngàn đồng/kg, trong khi đó chi phí thức ăn hàng ngày cho cá đều phải tốn, nhiều hộ phải sang hầm cá, hoặc bán rẻ, không thì nuôi cầm chừng bằng cách không dám cho cá ăn nhiều.

“Trong định hướng canh tác, tôi luôn ưu liên các phương án an toàn, bền vững và ít phiêu lưu. Ðơn cử như nhiều hộ trong vùng chọn nuôi tôm công nghiệp để bứt phá về kinh tế thì tôi bền bỉ theo phương pháp quảng canh, lợi nhuận tuy không nhiều nhưng đảm bảo được hệ sinh cho đất lâu dài”, ông Giang chia sẻ.

Ông Giang đánh giá, nhiều năm trở lại đây, việc trồng lúa của gia đình không hiệu quả, do các hộ chưa đồng loạt khi sạ, gặt. Thêm đó chim, chuột phá hoại gây thất thoát số lượng nhiều. "Tuy nhiên, vì chọn nuôi tôm, cua và xác định đây là hướng đi chính nên dù không thu lợi được từ cánh đồng lúa, không gặt được nhưng vẫn phải sạ, thay vì tốn chi phí mua thức ăn thì tận dụng gốc rạ lúa làm nguồn thức ăn dự trữ tự nhiên cho con tôm, hạn chế dịch bệnh", ông cho biết.

Ðiểm đáng quý ở ông Giang, với cương vị là bí thư chi bộ, trưởng ấp, khi tự ông thử nghiệm các mô hình kinh tế thành công, sẽ trực tiếp đến vận động các hộ nghèo, cận nghèo cùng làm, thậm chí cung cấp con giống nếu cần, nhờ vậy mà tỷ lệ hộ vươn lên thoát nghèo, có công ăn việc làm ổn định của địa phương tăng dần từng năm.

Ðiểm mấu chốt đưa đến thành công hiện tại cho những mô hình trên là áp dụng khoa học kỹ thuật hiện đại, tiết kiệm không gian diện tích, vật nuôi kết hợp hài hoà, lấy ngắn nuôi dài, quan trọng nhất là người nuôi chịu khó học hỏi, mạnh dạn đi tiên phong, dám thử thách và không ngại thất bại để tiến đến thành công, chỉ khi chấp nhận bám đất thì cơ hội mới thực sự đến cho những ai bền chí./.

 

Ngô Nhi

 

Nâng giá trị con cá phi

Từ chỗ không có nhiều giá trị kinh tế, hiện nay, cá phi được chế biến thành đặc sản, món ngon không thể bỏ qua khi đến Cà Mau. Ðể nâng tầm sản vật, Hợp tác xã (HTX) khô - mắm Minh Quách (ấp Bờ Ðập, xã Trần Phán, huyện Ðầm Dơi) sản xuất nhiều sản phẩm giá trị gia tăng từ cá phi. Sau nhiều nỗ lực, đến nay, các sản phẩm của HTX không chỉ mở rộng thị trường cũng như sản lượng tiêu thụ, mà còn sẵn sàng gia nhập vào sân chơi OCOP.

Giá gạo ổn định, giá vàng tăng

Thông tin từ Sở Tài chính, từ ngày 17-23/7/2024 giá gạo ổn định trở lại. Theo đó, lúa loại khô được các thương lái thu mua phổ biến ở mức giá 7.000-9.000 đồng/kg tuỳ thuộc vào chủng loại, chất lượng. Giá gạo tẻ thường tại TP Cà Mau là 17.500 đồng/kg, bình quân trong tỉnh là 18.407 đồng/kg.

Khởi nghiệp tại quê nhà

Tận dụng diện tích trong nhà, anh Trần Minh Ðăng (Ấp 2, xã Tân Lộc, huyện Thới Bình) khởi nghiệp thành công với mô hình nuôi rắn ri tượng. Không chỉ mở ra hướng đi mới cho gia đình, đây cũng là nguồn thu nhập giúp anh Ðăng vươn lên trong cuộc sống.

Nhiều diện tích lúa hè thu bị ngập úng do mưa

Hơn một tuần qua, do ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới, trên địa bàn tỉnh Cà Mau nói chung, vùng ngọt hoá huyện Trần Văn Thời nói riêng đã hứng chịu những cơn mưa lớn kéo dài khiến gần 570 ha lúa hè thu bị ngập úng, gây thiệt hại nặng nề cho bà con nông dân.

Khá giả nhờ cách làm mới

Dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn thử nghiệm nhiều mô hình kinh tế, nhiều hộ dân có nguồn thu nhập tốt, cải thiện đáng kể đời sống.

Giá vàng ổn định so với tuần trước

Theo báo cáo của Sở Tài chính, trên địa bàn thành phố Cà Mau, giá bán ra vàng SJC 99,99% ổn định so với tuần trước, vàng SJC 99,99% tại cửa hàng SJC Chi nhánh Cà Mau: 7.698.000 đ/chỉ.

Cầu nối lan toả tín dụng chính sách

Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) là ngân hàng duy nhất thực hiện uỷ thác vốn tín dụng chính sách cho các tổ chức chính trị - xã hội. Nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa ngân hàng và các hội, đoàn thể, đặc biệt là thông qua các tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV), thời gian qua nguồn vốn tín dụng chính sách đến với người dân kịp thời, thuận lợi, hiệu quả.

Phát huy lợi thế ngành nghề nông thôn

"Phát huy tiềm năng của khu vực nông thôn, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập người dân, góp phần tôn tạo, giữ gìn, phát huy ngành nghề truyền thống gắn với phát triển kinh tế hiện đại" là một trong những mục tiêu trong Chiến lược phát triển ngành nghề nông thôn tỉnh Cà Mau đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Nông sản sạch luôn có đầu ra

Nhằm liên kết, đa dạng hoá các sản phẩm nông sản sạch và ổn định đầu ra, ấp Thị Tường, xã Hoà Mỹ, huyện Cái Nước đã thành lập tổ hợp tác (THT) xây dựng mô hình trồng màu. Việc thực hiện mô hình này vừa hạn chế cỏ dại, vừa có nguồn thực phẩm cải thiện bữa ăn hằng ngày và mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân.

“Quỹ Tình thương” đồng hành cùng phụ nữ

Thành lập với mục đích hỗ trợ, đồng hành cùng phụ nữ trong đời sống kinh tế, “Quỹ Tình thương” đã tạo động lực cho nhiều chị em xã Biển Bạch Ðông, huyện Thới Bình, mạnh dạn phát triển kinh tế, vươn lên ổn định cuộc sống.