(CMO) Thực hiện Nghị quyết 03 của Huyện uỷ Phú Tân về vận động cán bộ, đảng viên, Nhân dân tận dụng đất trồng rau màu, cây ăn trái cải thiện bữa ăn và tăng thu nhập; nhiều nông dân ở huyện Phú Tân quan tâm khôi phục vườn dừa cho hiệu quả khá.
Trồng dừa trên đất mặn không khó, nhưng để cây phát triển tốt và cho trái ngọt là vấn đề khó đối với bà con nông dân. Sau nhiều năm kinh nghiệm, một số bà con thực hiện mô hình nuôi cá nước ngọt kết hợp trồng dừa trên đất mặn cho kết quả tốt. Một khi giữ ngọt tốt, cây sẽ ít thấm mặn trong mùa nắng và cho năng suất cao, nước ngọt hơn. Tuy nhiên, để làm được mô hình này, bà con nông dân phải có sự kiên trì trong việc giữ ngọt. Hơn nữa, cây dừa ít nhất 3 năm trở lên mới có thể cho trái và thu hoạch được.
Ông Trần Văn Chúng, ấp Hiệp Thành, xã Việt Thắng, thực hiện việc giữ ngọt trồng dừa kết hợp nuôi cá mấy năm nay.
Mỗi cây dừa trên đất mặn của ông Trần Văn Chúng cho từ 50-100 trái/năm. |
Ông Chúng trồng hơn 30 cây dừa trên bờ ao nuôi cá nước ngọt. Dừa phát triển tốt và cho trái năng suất khá cao. Theo ông Chúng, khó khăn trong việc trồng dừa là khâu ngọt hoá ban đầu. Còn lại thì chủ yếu là chăm sóc để thu hoạch, nhưng cần phải chọn giống dừa phù hợp vùng mặn và cho trái khá.
"Trồng dừa rất khoẻ, năm đầu thì mần cỏ rác, sau đó nó lớn che phủ, rễ bám vào đất rồi không còn cỏ. Thông thường cũng ít bón phân, chủ yếu là chăm sóc dọn bẹ, dọn ủ, tránh để chuột phá hoại trái", ông Trần Văn Chúng cho biết thêm.
Với vườn dừa nhỏ hơn 3.000 m2 kết hợp rau màu, cá nước ngọt, gia đình ông Chúng rất thoải mái trong việc sử dụng cây trái, hoa màu, cá nước ngọt, đặc biệt là nước dừa do tự mình sản xuất.
Theo đó, ông Chúng hằng năm cũng bán dừa giống từ 15 triệu đồng trở lên. Bình quân mỗi cây dừa cho thu nhập hơn 500.000 đồng. Không chỉ vậy, gia đình cũng thoải mái trong việc sử dụng nước dừa thường xuyên do dừa cho trái quanh năm.
Từ sau chuyển dịch, rất ít bà con trong huyện Phú Tân giữ được nguyên vẹn vườn dừa. Một phần do nước mặn xâm nhập, một phần do bọ cánh cứng, dừa lâu năm cằn cỗi không cho năng suất. Chính vì vậy, sau nhiều năm nuôi tôm, đất đai cằn cỗi, nhiều bà con muốn trở lại với vườn cây, ao cá kết hợp đa cây, con để tăng thu nhập. Từ đó, màu xanh của cây dừa đã bắt đầu trở lại trên đồng đất Phú Tân. Điều này có được phần lớn từ Nghị quyết 03 của Huyện uỷ Phú Tân về phát động trồng hoa màu, cây ăn trái tăng thu nhập.
Ông Tô Ngọc Đẹp, ấp Đất Sét, xã Phú Thuận cũng hình thành được vườn dừa xanh mát trên vùng đất mặn. Ông cho biết, khi chuyển dịch thì phá bỏ hết dừa. Giờ Nhà nước phát động trồng cây, trồng rau gia đình đã làm theo.
"Trồng dừa cho có môi trường trong lành, mát mẻ lại có cái cho con cháu ăn, uống đảm bảo vệ sinh thực phẩm", ông Đẹp chia sẻ.
Từng bước khôi phục vườn dừa cũng như các loại cây ăn trái kết hợp nuôi thuỷ sản ngọt trên đất mặn là hướng đi đúng của một số bà con nông dân hiện nay. Điều này chẳng những góp phần tăng thu nhập mà còn đa dạng hoá cây trồng, vật nuôi hướng đến sản xuất bền vững, bảo vệ môi trường trong điều kiện biến đổi khí hậu như hiện nay./.
Quốc Hiệp