Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), tình hình hạn hán, xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh đang ở mức độ gay gắt và kéo dài. Ðiều này đã và đang ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của người dân, nhất là vấn đề thiếu nước sinh hoạt. Tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có hơn 3.740 hộ gia đình bị thiếu và không chủ động được nguồn nước dùng trong sinh hoạt.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu nước là do trên địa bàn tỉnh chủ yếu sử dụng nước mưa và nước ngầm, không có nguồn nước ngọt thay thế và bổ sung vào mùa khô hạn. Ðiều đáng nói, có nhiều địa phương nguồn nước ngầm không thể sử dụng được do nhiễm phèn, nhiễm mặn...
Thêm vào đó, trên địa bàn tỉnh có rất nhiều công trình cấp nước tập trung được xây dựng từ những năm 1998 đến 2013 (hơn 200 công trình), qua nhiều năm sử dụng đã hư hỏng, xuống cấp đáng báo động, không còn an toàn và không đủ nước phục vụ cho người dân. Ðể giải quyết thực trạng này, cần phải có nguồn kinh phí rất lớn để đầu tư đồng bộ, trọng điểm, mang tính kết nối, từng bước thay thế các công trình cũ, xoá bỏ dần số giếng khoan nhỏ lẻ, hình thành cơ bản hạ tầng nước sạch tập trung ở khu vực nông thôn.
Xã Trần Hợi đang thực hiện việc nối các ống dẫn nước cho người dân.
Ông Lê Công Nguyên, Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn, cho biết: “Sở NN&PTNT đã có báo cáo với UBND tỉnh về các giải pháp hỗ trợ mang tính kịp thời cho người dân. Ðó là, mở rộng, kéo dài các đường ống cấp nước sinh hoạt từ các công trình cấp nước hiện có; thiết lập các điểm cấp nước tập trung; rà soát những hộ đặc biệt khó khăn để hỗ trợ những dụng cụ trữ nước. Tuỳ theo điều kiện thực tế của địa phương và khu vực dân cư sinh sống để chọn phương pháp phù hợp, hiệu quả và tiết kiệm nhất. Vùng khó khăn nhất về nước sinh hoạt hiện nay là khu vực ngọt hoá của các huyện: Trần Văn Thời, U Minh, Thới Bình; nhất là các xã: Biển Bạch, Trần Hợi, Khánh Bình Ðông, Khánh Bình Tây Bắc”.
Ðể góp phần giải bài toán thiếu nước sinh hoạt, Sở NN&PTNT đã đề xuất cấp nước khẩn cấp theo nhóm. Căn cứ theo hiện trạng, điều kiện và đặc điểm sinh sống của các nhóm dân cư. Ðối với nhóm 1 là đối tượng dân cư sinh sống thưa thớt, phân tán (1.344 hộ), sẽ được cấp phát 1 bồn nhựa loại 1 m3 để trữ nước cho đối tượng đặc biệt khó khăn, không có dụng cụ trữ nước, cần sự hỗ trợ (có sổ/chứng nhận) là 758 hộ, kinh phí ước tính 1.600 triệu đồng. Số hộ còn lại cần thiết lập 46 điểm cấp nước tập trung cho người dân sử dụng tại các xã: Khánh Bình Tây Bắc, Khánh Bình Tây, Khánh Bình Ðông, Trần Hợi (huyện Trần Văn Thời); xã Biển Bạch (huyện Thới Bình); xã Việt Thắng, Nguyễn Việt Khái (huyện Phú Tân); xã Ðất Mới, Lâm Hải (huyện Năm Căn); xã Trần Thới (huyện Cái Nước), kinh phí ước tính 2.300 triệu đồng (mỗi điểm khoảng 50 triệu đồng).
Ðối với nhóm 2 là nhóm sinh sống gần công trình cấp nước tập trung nhưng chưa tiếp cận được nước nối mạng (997 hộ), giải pháp đặt ra là mở rộng mạng đường ống cho 6 công trình cấp nước tập trung, tổng chiều dài tuyến ống khoảng 83,5 km, kinh phí ước tính 35.300 triệu đồng.
Cuối cùng là nhóm 3 và nhóm 4 thuộc nhóm đối tượng sinh sống ở khu vực có hệ thống nước nối mạng bị xuống cấp, không cung cấp đủ nước sinh hoạt và nhóm đối tượng sinh hoạt tập trung chưa có công trình cấp nước (2.442 hộ), giải pháp trước mắt là đề nghị đơn vị cấp nước chủ động cấp nước luân phiên (cấp theo tuyến, theo giờ) để đảm bảo cho người dân có nước sử dụng. Còn về lâu dài, khi được bố trí nguồn vốn phù hợp thì thực hiện để khắc phục tình hình thiếu cấp, sửa chữa, đấu nối hoà mạng và xây dựng mới... để khắc phục tình trạng thiếu nước tại các công trình.
Ông Nguyên cho biết thêm: "Chúng tôi đã tham mưu Sở NN&PTNT, đang vận động thêm các nhà cung cấp thiết bị ống nước, bồn nước hỗ trợ. Bước đầu họ đã ghi nhận, khi tỉnh có đề xuất cụ thể thì họ sẽ cân đối khả năng nguồn lực để hỗ trợ. Trước mắt, có 2 doanh nghiệp đã ghi nhận và hứa sẽ đồng hành cùng tỉnh khắc phục tình trạng thiếu nước cho người dân".
"Còn về chiến lược lâu dài, Cà Mau chỉ khai thác được nguồn nước dưới đất để sử dụng cho mục đích sinh hoạt. Tuy nhiên, nguồn nước này là hữu hạn nên khai thác đến một lúc nào đó cũng sẽ cạn dần. Do đó, để xử lý tình trạng này mang tính chiến lược thì Cà Mau cũng cần nguồn nước thay thế nguồn nước dưới đất để đảm bảo sử dụng, sinh hoạt an toàn, bền vững cho người dân”, ông Nguyên chia sẻ./.
Lam Khánh