(CMO) “Có lòng tin là có tất cả”, đó là khẳng định của nông dân Nguyễn Trường Đời, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Kinh Dớn, xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời. Đây là một trong số ít HTX của Cà Mau được điển hình làm ăn hiệu quả của khu vực ĐBSCL vào năm 2017. Theo ông Đời, cốt lõi của sự thành công bắt nguồn từ chữ tín và lòng tin lẫn nhau.
Thành công từ chữ tín và lòng tin
Với ông Đời, chuyện làm HTX là sự tình cờ. Vào đầu năm 2013, khi xem truyền hình ông thấy ở Đồng Tháp có HTX làm ăn rất hiệu quả. Từ đó, ông bắt đầu tìm hiểu về HTX. Ông đến gặp chính quyền địa phương, lên tỉnh gặp Chi cục Phát triển nông thôn và đi nhiều nơi khác để có cách nhìn, cách hiểu tổng thể về hoạt động HTX. Sau khi tìm hiểu, ông về địa phương vận động nhiều nông dân có chí làm ăn để cùng nhau thành lập HTX. Thế rồi HTX Dịch vụ nông nghiệp Kinh Dớn (HTX Kinh Dớn) được thành lập từ tháng 9/2014. Khi mới thành lập, HTX có 27 xã viên với diện tích đất 49,5 ha, vốn điều lệ 139 triệu đồng, không có trụ sở làm việc.
Hành trình đi đến thành công của HTX Kinh Dớn như hiện nay đã vượt qua không ít khó khăn. Bởi, ngay năm đầu thành lập, với tư cách là giám đốc, ông Đời hứa với bà con xã viên là đảm bảo mua vật tư, giống, phân bón, thuốc... đầu vào giá gốc và bán lúa đầu ra giá cao hơn thị trường. Nói thì phải giữ uy tín, từ đó ông bỏ công sức tìm đến các đại lý, công ty phân, thuốc để thuyết phục họ bán giá gốc và bán chịu 50% cho HTX. Ông tiếp tục đến các công ty thu mua lúa để đàm phán cho họ bao tiêu giá lúa ổn định có lời cho xã viên. Nhờ chịu khó, nhiệt huyết, tận tâm nên ông thành công ngay từ vụ đầu. Năm đó, bà con xã viên bán được 500 tấn lúa với giá cao hơn thương lái mua 200 đồng/kg, ai cũng phấn khởi. Đó là chữ tín đầu tiên ông Đời thực hiện với các xã viên của mình.
Tuy nhiên, bước vào thu hoạch vụ lúa năm thứ 2 (năm 2015), một số xã viên bội tín. Vì lợi ích trước mắt, họ bán lúa cho “cò” thương lái với giá cao hơn giá hợp đồng của HTX. Nhưng các thương lái này chỉ mua với số lượng nhỏ, không mua hết diện tích trong HTX. Từ đó, có xã viên tỏ ra nghi ngờ vào Ban lãnh đạo HTX. Năm đó, ông Đời nản lòng định bỏ HTX, nhưng nhờ một số xã viên đoàn kết, động viên nên ông trụ lại. Sau vụ mùa đó, ông cùng với Ban lãnh đạo HTX rút kinh nghiệm và xây dựng chiến lược mới, quán triệt xã viên làm ăn phải có trách nhiệm, giữ chữ tín, không được bội tín. Khi đã thống nhất giá bán hợp đồng với các công ty thì phải giữ lời chứ không được bán ra ngoài HTX, dù thương lái mua cao hơn. Từ đó, tạo được uy tín, lòng tin đối với các công ty bao tiêu sản xuất cho HTX.
Ông Nguyễn Trường Đời (bìa trái) chia sẻ thông tin với nhà báo. Ảnh: Nguyễn Phú |
Với tinh thần đó, HTX ngày càng tạo được uy tín và lòng tin với nhiều đối tác quan trọng, cung cấp dịch vụ vật tư sản xuất đầu vào cũng như thu mua sản phẩm đầu ra ổn định, tạo tiền đề cho HTX phát triển bền vững trong nhiều năm sau đó.
Năm 2016, HTX được Nhà nước hỗ trợ 600 triệu đồng cùng với 150 triệu đồng của HTX đối ứng đã xây dựng được trụ sở hoạt động khang trang, đầy đủ sân phơi, nhà kho, văn phòng làm việc, cửa hàng mua bán vật tư... Đồng thời, được các cơ quan quản lý của tỉnh làm cầu nối liên kết giữa HTX với các công ty, doanh nghiệp hỗ trợ vật tư sản xuất, thu mua sản phẩm trong và ngoài tỉnh. Ông Đời khoe, điều thú vị là sau khi có trụ sở, hoạt động của HTX ngày càng tạo dựng được uy tín và lòng tin với nhiều đối tác. Từ đó, vấn đề vốn đầu tư sản xuất đầu vụ không còn phải lo lắng nữa, việc đó đã được các đơn vị đối tác lo hết. Các công ty vật tư đầu vào thì bán chịu giá gốc cho xã viên, còn đơn vị bao tiêu đầu ra sản phẩm đầu tư vốn sản xuất đầu vụ cho bà con từ 2-3 triệu đồng/ha nên bà con xã viên phấn khởi, yên tâm sản xuất, giữ uy tín, trách nhiệm với HTX và các đơn vị đối tác.
Từ nền tảng đó, đến nay, HTX Kinh Dớn đã ký kết được 4 hợp đồng với các đơn vị cung cấp dịch vụ đầu vào phục vụ sản xuất lúa như: Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh, Công ty Cổ phần Phân bón và Hoá chất Cần Thơ, Tập đoàn ADAMA với giá trị hơn 2 tỷ đồng. Về tiêu thụ lúa đầu ra, HTX ký kết 7 hợp đồng với Công ty Cổ phần XNK Ngọc Quang Phát, DNTN Phúc Hải, Đại lý Thuý Hằng..., tổng trị giá gần 60 tỷ đồng. Sản phẩm lúa của xã viên trong HTX luôn được doanh nghiệp ưu đãi thu mua toàn bộ và hỗ trợ thêm 100 đồng/kg lúa tươi so với giá thị trường.
Ông Đời giới thiệu gạo chất lượng cao do HTX sản xuất được bán tại cửa hàng HTX. Ảnh: N.Phú |
Chữ tín làm nên thương hiệu
Từ thành công của HTX Dịch vụ nông nghiệp Kinh Dớn, nhiều nông dân đến xin tham gia vào HTX. Số lượng xã viên từ đó tăng lên qua từng năm, đến nay, HTX Kinh Dớn có 67 thành viên và diện tích sản xuất tăng lên 112 ha.
Đó là kết quả quá trình trăn trở, tìm tòi hướng đi bền vững cho HTX của Ban lãnh đạo nói chung và của người đứng đầu HTX nói riêng. Theo ông Đời, giá trị sản phẩm của chuỗi sản xuất trước tiên phải tính đến khâu con người, thành viên HTX. Con người ở đây trước nhất phải đoàn kết, trách nhiệm và uy tín, Ban lãnh đạo phải là những người có năng lực và nhiệt tình với công tác chăm lo cộng đồng. Đồng thời, phải tranh thủ sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước và các doanh nghiệp. Từ đó, gắn sản xuất nông nghiệp với tiêu thụ nông sản thông qua mối liên kết giữa nông dân với HTX, giữa HTX với doanh nghiệp đầu vào và đầu ra là rất cần thiết. Trong sản xuất theo chuỗi phải có sự gắn kết, doanh nghiệp phải tham gia ngay từ đầu quá trình sản xuất, tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho nông dân, giám sát thực hiện các quy trình kỹ thuật để cho ra sản phẩm đồng đều về chất lượng, an toàn thực phẩm, truy nguyên được nguồn gốc. Đó là quy trình rất quan trọng khi sản xuất hàng hoá tập trung số lượng lớn, làm ăn với các đối tác kinh tế lớn trong và ngoài nước.
Qua nhiều năm được tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, đến nay, HTX đã tự sản xuất được lúa giống cấp xác nhận phục vụ xã viên và nấm xanh trừ sâu cuốn lá, rầy nâu, giúp xã viên tiết kiệm chi phí mua thuốc bảo vệ thực vật, làm ra lúa sạch bán được giá tốt. Từ đó, lợi nhuận bình quân của xã viên tăng từ 13 triệu đồng/ha/vụ trước đây lên 18 triệu đồng/vụ/ha hiện nay.
Ông Đời dự báo, thời gian tới, nếu nông dân không tham gia sản xuất tập trung, làm ra sản phẩn hàng hoá số lượng lớn, đảm bảo được chất lượng, truy nguyên được nguồn gốc thì không những "thua trên sân nhà" mà là "chết trên sân nhà". Bởi người tiêu dùng và doanh nghiệp ngày nay yêu cầu sản phẩm phải rõ nguồn gốc, chất lượng và cung cấp cho doanh nghiệp số lượng lớn. Làm ăn kiểu manh mún, nhỏ lẻ theo kiểu cũ của nông dân sẽ khó thoát khỏi cảnh được mùa mất giá và luẩn quẩn với cái nghèo.
Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Cà Mau Đỗ Văn Sơ cho biết, HTX Dịch vụ nông nghiệp Kinh Dớn là 1 trong 15 HTX tiêu biểu của tỉnh và được điển hình HTX tiêu biểu khu vực ĐBSCL vào năm 2017. Hiện nay, HTX Kinh Dớn đã tạo được thương hiệu uy tín và lòng tin với nhiều doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh, xã viên và người dân rất yên tâm, phấn khởi tham gia sản xuất cùng HTX./.
Ông Nguyễn Trường Đời làm Giám đốc HTX Kinh Dớn từ khi thành lập đến tháng 12/2019. Đại hội các thành viên HTX đã bầu con trai ông là Nguyễn Vũ Trường (có trình độ Đại học Tài nguyên và Môi trường) làm Giám đốc. Ông Đời làm Uỷ viên Hội đồng Quản trị HTX. |
Nguyễn Danh
Bài cuối: Để kinh tế tập thể phát triển bền vững