Thời kỳ hội nhập và phát triển mạnh mẽ của Việt Nam, phụ nữ không chỉ đóng góp vào các hoạt động gia đình mà còn trở thành lực lượng quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Tại tỉnh Cà Mau, phong trào phụ nữ khởi nghiệp đang ngày càng phát triển, với những sáng tạo và nỗ lực mạnh mẽ, phụ nữ nơi đây đang khẳng định vai trò trong thúc đẩy kinh tế địa phương.
- Phụ nữ đồng hành phát triển kinh tế tập thể
- Ðồng hành cùng phụ nữ kinh doanh thời 4.0
- Phụ nữ Khánh Bình Đông đoàn kết phát triển kinh tế
- Phụ nữ tự tin khởi nghiệp, tham gia chương trình "Mỗi xã một sản phẩm"
Bà Nguyễn Thị Ngọc Thuý, Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Cà Mau, cho biết: "Thời gian qua, tỉnh đã thực hiện nhiều chủ trương và chính sách hỗ trợ phụ nữ tham gia khởi nghiệp, phát triển các mô hình kinh tế, đặc biệt là khuyến khích phụ nữ tham gia Cuộc thi Khởi nghiệp tỉnh Cà Mau 2024 (CamaUP'24) và các hoạt động vinh danh doanh nghiệp, doanh nhân. Các chương trình này đã tạo động lực cho nhiều phụ nữ mạnh dạn khởi nghiệp, phát triển các sản phẩm từ nguồn tài nguyên bản địa, tạo ra giá trị mới cho nền kinh tế địa phương".
Các cấp hội phụ nữ trong tỉnh luôn nỗ lực đồng hành với chị em trong việc phát triển sản phẩm, khởi nghiệp và tham gia các chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đồng thời kết nối các nguồn lực từ tổ chức Hội, các ngành liên quan và các cơ quan chuyên môn để hỗ trợ tốt nhất cho phụ nữ khởi nghiệp.
Sản phẩm tinh bột nghệ xà cừ Cà Mau của HTX Nhật Huy thường xuyên trưng bày, giới thiệu tại các hội nghị, hội chợ trong và ngoài tỉnh.
Những tấm gương khởi nghiệp
Khởi nghiệp từ củ nghệ với sản phẩm được sản xuất thành bột nghệ, tinh bột nghệ xà cừ; năm 2022, chị Lâm Hằng Ni thành lập Hợp tác xã (HTX) Nhật Huy tại xã Khánh Bình, huyện Trần Văn Thời, với 8 thành viên. Với sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương, Hội LHPN xã, phụ nữ huyện, hiện sản phẩm tinh bột nghệ xà cừ Cà Mau của HTX đã đạt OCOP 3 sao.
Chị Lâm Hằng Ni vừa đoạt giải Ba chung kết cấp vùng khu vực miền Nam và giải Khuyến khích chung kết toàn quốc trong cuộc thi Dự án Khởi nghiệp phát triển kinh tế chuyển đổi xanh 2024, do Hội LHPN Việt Nam tổ chức.
Chị Lâm Hằng Ni chia sẻ: "Khi mới thành lập HTX, tôi cũng gặp nhiều khó khăn trong quản lý, sản phẩm tiêu thụ ít, từ khi tôi đạt giải tại Cuộc thi Dự án Khởi nghiệp phát triển kinh tế chuyển đổi xanh, sản phẩm tinh bột nghệ xà cừ Cà Mau của tôi được nhiều người biết hơn, sản lượng tiêu thụ tăng nhiều. Hiện tôi có gần 3 ha đất trồng nghệ và ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với 10 hộ ở địa phương. Ngoài ra, HTX cũng đã giải quyết việc làm cho 10 phụ nữ ở địa phương. Hiện ngoài tinh bột nghệ, HTX sản xuất thêm mứt nghệ, tuy sản phẩm mới sản xuất được vài tháng nhưng được nhiều khách hàng ưa chuộng".
Chị Mã Thị Thêm, Giám đốc HTX Huy Thịnh tại xã Tân Duyệt, huyện Ðầm Dơi, cũng là tấm gương phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo. Chị Thêm bắt đầu bằng việc chế biến sản phẩm từ tôm, cá của địa phương như: khô cá, chả cá và mắm tôm. Với sự kiên trì và sáng tạo, HTX của chị ngày càng hoạt động ổn định, sản lượng tiêu thụ tăng dần qua từng ngày. Thu nhập của các thành viên trung bình khoảng 3-4 triệu đồng/người/tháng, những tháng gần Tết, tăng lên 5-6 triệu đồng.
Chị Mã Thị Thêm chia sẻ: "Mặc dù khi mới khởi nghiệp gặp không ít khó khăn về tuyên truyền và tiêu thụ sản phẩm, nhưng nhờ vào các lớp tập huấn do phụ nữ tổ chức và sự trợ lực từ các nguồn vốn hỗ trợ, các sản phẩm của HTX ngày càng khẳng định thương hiệu. HTX hiện nay đã có 5 sản phẩm đạt OCOP 3 sao cấp huyện".
Tạo môi trường phát triển
Dù đạt được nhiều thành công, phụ nữ Cà Mau vẫn đối mặt với không ít thách thức trong quá trình khởi nghiệp. Bà Nguyễn Thị Ngọc Thuý chia sẻ: "Mặc dù có sự phát triển mạnh mẽ của phong trào khởi nghiệp, nhưng phụ nữ ở vùng nông thôn vẫn gặp nhiều khó khăn. Quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, thiếu sự tiếp cận với công nghệ, chuyển đổi số và sản phẩm còn thiếu sự đa dạng. Ðặc biệt, nguồn vốn để đầu tư phát triển cũng như sự thiếu thốn về cơ sở hạ tầng và kênh tiêu thụ ổn định là những vấn đề lớn đối với các doanh nghiệp nhỏ, hộ kinh doanh của phụ nữ".
Bên cạnh đó, sự chuyển đổi mạnh mẽ của công nghệ 4.0, thiên tai, dịch bệnh và biến đổi khí hậu cũng đã tạo ra không ít khó khăn đối với phụ nữ khởi nghiệp trong các lĩnh vực nông nghiệp và thuỷ sản, nơi mà việc áp dụng các phương thức kinh doanh truyền thống vẫn còn rất phổ biến.
Mặc dù gặp không ít khó khăn, nhưng các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp dành cho phụ nữ vẫn đang được các cấp, các ngành trong tỉnh tích cực triển khai.
Trong năm 2025, mục tiêu là tiếp tục nâng cao hiểu biết của phụ nữ về các chính sách, pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi để chị em tiếp cận các cơ hội kinh doanh mới, sáng tạo và phát triển các sản phẩm mang đậm dấu ấn văn hoá, tài nguyên bản địa.
Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Thuý, tỉnh sẽ đẩy mạnh hỗ trợ phụ nữ thông qua các dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp, các chương trình đào tạo về chuyển đổi số, tiếp cận công nghệ và xây dựng mạng lưới kết nối giữa các nhà đầu tư và các doanh nghiệp khởi nghiệp của phụ nữ. Những chính sách này sẽ tạo ra môi trường thuận lợi cho phụ nữ phát triển kinh tế và góp phần vào mục tiêu Quốc gia về phát triển doanh nghiệp và bình đẳng giới.
Với sự sáng tạo, năng động và dám nghĩ, dám làm, phụ nữ Cà Mau đang từng bước khẳng định vị thế trong phát triển kinh tế. Những tấm gương khởi nghiệp thành công như chị Lâm Hằng Ni hay chị Mã Thị Thêm không chỉ truyền cảm hứng cho các chị em khác mà còn đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế của địa phương. Bằng nỗ lực không ngừng, phụ nữ Cà Mau đang tạo dựng tương lai đầy hứa hẹn, góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế địa phương./.
Hồng Phượng