ĐT: 0939.923988
Thứ sáu, 25-7-25 11:24:28
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Khả quan công cuộc giảm nghèo của xứ rừng

Báo Cà Mau U Minh là địa phương vùng rừng, ven biển. Tuy nhiên, bằng sự cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, cải tạo đất tốt, cùng với việc đầu tư dần hoàn thiện về hạ tầng từ đê biển đến hệ thống thuỷ lợi nội đồng, đến nay đời sống của người dân huyện từng bước thay đổi, công cuộc giảm nghèo của địa phương có nhiều tiến bộ.

Ông Huỳnh Minh Nguyên, Chủ tịch UBND huyện, cho biết, đến nay toàn huyện còn 723 hộ nghèo, chiếm 2,74% (giảm 515 hộ, giảm 1,95% so với đầu năm 2024), vượt 62,5% so với chỉ tiêu tỉnh giao, vượt 30% so với nghị quyết HÐND huyện; hộ cận nghèo còn 380 hộ, chiếm 1,44% (giảm 46 hộ, giảm 0,17%). Toàn huyện không còn hộ gia đình chính sách nghèo, cận nghèo; 16 ấp không còn hộ nghèo; thị trấn U Minh không còn hộ nghèo.

Ðồng bộ, hiệu quả các giải pháp

Chủ tịch UBND huyện U Minh cho biết, mục tiêu chung trong công tác giảm nghèo của địa phương được triển khai thực hiện đồng bộ, kịp thời, có hiệu quả các giải pháp giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện. Huyện quan tâm và luôn tập trung cho công tác tuyên truyền, vận động, phát huy hiệu quả các phong trào, cuộc vận động chung tay vì người nghèo “không để ai bỏ lại phía sau” nhằm giúp đỡ, hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều. Trong đó, ưu tiên địa bàn có tỷ lệ hộ nghèo cao, số hộ nghèo nhiều, địa bàn có nhiều hộ đăng ký thoát nghèo. Tập trung nguồn lực hỗ trợ hộ nghèo là thân nhân người có công, hộ nghèo có người đang hưởng bảo trợ xã hội, hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số. Tạo cơ hội cho hộ nghèo, hộ cận nghèo có điều kiện để phát triển, đa dạng hoá sinh kế các mô hình sản xuất, tăng thu nhập để vượt qua nghèo, vươn lên khá giàu.

Từ điều kiện tự nhiên, cùng với tổ chức sản xuất thích ứng đã hình thành những mô hình hiệu quả. (Trong ảnh: Thu hoạch tôm nuôi kết hợp trên đất trồng lúa tại hộ ông Lý Văn Khanh, Ấp 10, xã Khánh An).Từ điều kiện tự nhiên, cùng với tổ chức sản xuất thích ứng đã hình thành những mô hình hiệu quả. (Trong ảnh: Thu hoạch tôm nuôi kết hợp trên đất trồng lúa tại hộ ông Lý Văn Khanh, Ấp 10, xã Khánh An).

Nhìn lại công tác giảm nghèo năm 2024 trên địa bàn huyện cho thấy có sự chung tay, đóng góp tích cực từ các tổ chức xã hội, các cá nhân, nhà hảo tâm, mạnh thường quân ủng hộ tiền xây dựng cầu, lộ và nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn trong cuộc sống. Cụ thể, trong năm, địa phương vận động các mạnh thường quân, nhà hảo tâm với số tiền và hiện vật hơn 17 tỷ đồng, xây dựng 138 căn nhà Ðại đoàn kết; hỗ trợ xây dựng 35 cây cầu bê tông...

Bà Lê Ánh Hồng, Trưởng ban Dân vận Huyện uỷ, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam huyện, cho biết, xã Khánh Thuận được chọn là địa phương thực hiện Tết Quân dân năm 2025, theo đó đã tiếp nhận được trên 6,6 tỷ đồng cho các hoạt động an sinh xã hội trên địa bàn. “Qua nắm thông tin, Tết Quân dân tại xã Khánh Thuận năm nay, địa phương sẽ được hưởng lợi trên 40 tỷ đồng cho các hoạt động an sinh xã hội, xây dựng nhà ở, hạ tầng giao thông, góp phần rất lớn cho công tác giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn vùng rừng vốn còn nhiều khó khăn”, bà Lê Ánh Hồng vui mừng thông tin.

Với mục tiêu năm 2025 là tỷ lệ hộ nghèo giảm 0,9% trở lên, ông Huỳnh Minh Nguyên cho biết, địa phương tập trung cho việc tăng cường chỉ đạo các ngành chức năng tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân về công tác giảm nghèo, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên của cấp uỷ, chính quyền và các ngành, đoàn thể. Ðồng thời, tuyên truyền vận động người dân với tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách, phát huy sự quan tâm giúp đỡ của dòng họ, thân tộc, nêu cao ý thức tự lực tự cường, không trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước và xã hội mà tự thân phấn đấu vươn lên thoát nghèo.

Hướng tới giảm nghèo bền vững

Trên thực tế công tác giảm nghèo năm 2024 cho thấy, đa số hộ nghèo có cố gắng tự tìm tòi, học tập kinh nghiệm trong lao động, sản xuất, chủ động tìm việc làm, phấn đấu vươn lên thoát nghèo. Tuy nhiên, hộ nghèo hay hộ vừa thoát nghèo thông qua các mô hình sản xuất còn nhiều rủi ro, chưa mang tính đột phá, vững chắc.

Ông Ðoàn Việt Khoa, Bí thư Huyện uỷ U Minh, cho rằng, địa phương có nhiều lợi thế về tiềm năng từ điều kiện tự nhiên, song, ngoài việc còn hạn chế về hạ tầng giao thông thì tư duy sản xuất của người dân, kể cả một bộ phận cán bộ chưa có nhiều chuyển biến rõ nét, vẫn còn theo kiểu phát triển kinh tế hộ, nhỏ lẻ, manh mún; chưa mạnh dạn, chưa dám làm lớn, chưa chấp nhận rủi ro. Khi bắt đầu sản xuất, dù đã biết đầu ra sản phẩm khó khăn, nhưng chuyện tập hợp lại để cùng làm lớn, có đầu ra ổn định hơn thì chưa đồng thuận; có chính sách về nguồn vốn nhưng ngán ngại làm ăn lớn, vẫn theo kiểu có nhiêu làm nhiêu.

Khảo sát kinh tế hộ được cho là hiệu quả trên địa bàn xã Khánh An vừa qua, trong chuyến về làm việc tại huyện U Minh, Phó bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Nguyễn Ðức Hiển chỉ rõ, tuy thu nhập có tăng, đáng phấn khởi, nhưng chưa mang tính bền vững; chưa khai thác và tận dụng hết tiềm năng và lợi thế tự nhiên thì không thể tạo đột phá. Muốn người dân tập hợp lại cùng làm ăn lớn, việc này thuộc về trách nhiệm tổ chức của chính quyền. “Cần có chính sách nào thúc đẩy liên kết sản xuất, làm ra sao... thì chính quyền phải vào cuộc, chung tay với người dân. Qua khảo sát, tôi thấy nhà nhà trồng bồn bồn, ai đến mua thì mới đi hái và phụ phẩm đổ đống, rất phí phạm”, đồng chí Nguyễn Ðức Hiển trăn trở.

Mô hình trồng bồn bồn kết hợp nuôi cá đồng của hộ ông Nguyễn Hữu Hạnh, Ấp 14, xã Khánh An, thuộc Dự án “Nuôi cá đồng gắn với bảo vệ nguồn lợi”, cho kết quả bước đầu.Mô hình trồng bồn bồn kết hợp nuôi cá đồng của hộ ông Nguyễn Hữu Hạnh, Ấp 14, xã Khánh An, thuộc Dự án “Nuôi cá đồng gắn với bảo vệ nguồn lợi”, cho kết quả bước đầu.

Phát huy kết quả đạt được, nhìn nhận thực tế còn tồn tại, ông Huỳnh Minh Nguyên cho biết, năm 2025, địa phương tăng cường hơn nữa công tác phối hợp, kết nối với các đơn vị có liên quan nhằm tạo việc làm cho người lao động trên địa bàn huyện; khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế và phát huy nguồn lực lao động ở địa phương vào tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội, tạo nguồn thu nhập ổn định, bền vững, góp phần giảm nghèo, giảm tỷ lệ thất nghiệp, nâng cao chất lượng cuộc sống. Phát triển du lịch sinh thái cộng đồng, vườn cây ăn trái; phát triển, nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động của hợp tác xã; đẩy mạnh phát triển kinh tế tư nhân; thực hiện tốt chính sách tín dụng ưu đãi vay vốn tạo việc làm, góp phần thu hút lao động tham gia làm việc tại chỗ.

“Công tác giảm nghèo phải thật sự mang tính bền vững và tạo được sự đột phá để những hộ thoát nghèo vươn lên làm giàu, dẫn dắt để cùng nhau phát triển. Và, không gì khác hơn là sản xuất phải ổn định, phát triển kinh tế tập thể từ khai thác tiềm năng, lợi thế tại chỗ”, ông Huỳnh Minh Nguyên chia sẻ./.

 

Trần Nguyên

 

Bất cập quản lý thiết bị bay không người lái

Những năm gần đây, drone hay còn gọi là máy bay không người lái trở thành công cụ hỗ trợ đắc lực cho nông dân trong sản xuất nông nghiệp, tuy nhiên cũng đặt ra không ít thách thức cho công tác quản lý. 

Mô hình tiền triệu giữa lòng đô thị hóa

Không chỉ là vùng đất ven đô đang đô thị hoá nhanh chóng, phường Lý Văn Lâm (TP Cà Mau cũ) còn nổi bật với những mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả. Trong đó, trồng dưa hấu trái vụ đang mở ra hướng đi mới, giúp nông dân nâng cao thu nhập, thích ứng linh hoạt với thị trường và biến đất trống thành đất sinh lời.

Xanh những mùa rau màu, ấm những mái nhà

Mùa bắp ngọt trên đất Phước Long

Từ trung tâm tỉnh Cà Mau, men theo tuyến Quản lộ Phụng Hiệp, qua cầu Hoà Bình, thuộc ấp Mỹ I, xã Phước Long là đến xứ sở của bắp. Những ngày này, trên vùng đất ngọt hóa ấy, bắp đang vào vụ rộ. Những cánh đồng trải dài ngút mắt, xanh non đang “phất cờ” ngậm sữa, chuẩn bị cho một mùa thu hoạch trĩu quả.

Khởi đầu tiềm năng bán tín chỉ carbon 

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng phức tạp, việc trồng, bảo vệ và phát triển rừng bền vững không chỉ là trách nhiệm mà còn là cơ hội để doanh nghiệp tạo ra giá trị mới từ việc bán tín chỉ carbon. Với diện tích rừng rộng lớn, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ (Công ty U Minh Hạ) đang có lợi thế rất lớn để tham gia vào thị trường này. 

Rau má được mùa

Khoảng 2 tuần nay, rau má tại các khu vực trồng rau màu của xã Vĩnh Thanh, tỉnh Cà Mau đang được thương lái thu mua với giá từ 16-18 ngàn đồng/kg. Với mức giá này, nông dân rất phấn khởi vì sản xuất có lợi nhuận khá cao.

Cà Mau trước bài toán bảo tồn đa dạng sinh học 

Là tỉnh cực Nam của Tổ quốc, Cà Mau sở hữu những đặc điểm riêng biệt với các hệ sinh thái nước ngọt độc đáo. Nổi bật là hệ sinh thái rừng tràm trên đất than bùn tại Vườn Quốc gia U Minh Hạ và các vùng ngọt hoá nhân tạo. Thế nhưng, việc bảo vệ đa dạng sinh học (ĐDSH) khu vực này đã và đang đối diện với nhiều thách thức. 

Mùa dọn kèo ong giữa rừng U Minh

Mùa mưa đến cũng là lúc những người dân gác kèo ong ở vùng lâm phần rừng tràm U Minh tất bật vào vụ dọn kèo, để chuẩn bị đón mùa ong mới. Ở vùng đất mà rừng tràm bạt ngàn như Ấp 13, xã Khánh An, nghề Gác kèo ong không chỉ là sinh kế mà còn là nếp nghề truyền đời, gắn bó với bao thế hệ.

Nông dân lãi thấp vụ lúa hè thu

Hiện nay, nông dân ở xã Ninh Quới đang bước vào giai đoạn thu hoạch vụ lúa hè thu sớm. Tuy nhiên, niềm vui ngày mùa không trọn vẹn khi giá lúa giảm, năng suất không cao, trong khi giá vật tư đầu vào lại tăng mạnh. Ðiều này khiến lợi nhuận của nông dân sau một mùa vụ chăm sóc vất vả chỉ ở mức thấp, thậm chí một số hộ chỉ hoà vốn.

Tái sinh rừng phòng hộ 

Với trên 300 km chiều dài bờ biển, tỉnh Cà Mau sở hữu tiềm năng kinh tế biển rất lớn. Những bãi bồi ven biển mang theo phù sa trù phú, dần hình thành không gian phát triển rộng lớn trong tương lai.