Hiện nay, thực trạng học sinh chưa đủ điều kiện tham gia giao thông diễn ra phổ biến tại các điểm trường trên địa bàn tỉnh. Ðể giải quyết thực trạng này, ngoài sự phối hợp đồng bộ giữa phụ huynh học sinh (PHHS) và nhà trường thì vấn đề quan trọng nhất vẫn là sự giám sát, quản lý chặt con em mình ngay từ gia đình của PHHS, người giám hộ, trong đó có việc không giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
- Phát động học sinh, sinh viên nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật về an toàn giao thông
- Cao điểm xử lý học sinh vi phạm Luật Giao thông đường bộ
Đã qua, hễ có đợt ra quân của lực lượng làm nhiệm vụ là phát hiện vi phạm trường hợp học sinh chưa đủ điều kiện điều khiển xe máy tham gia giao thông, trong đó các lỗi chủ yếu là không đủ tuổi, điều kiện điều khiển xe máy tham gia giao thông; không đội nón bảo hiểm; lạng lách, đi sai làn đường... Nguyên nhân xuất phát từ sự chủ quan, buông lỏng quản lý của một bộ phận PHHS, người giám hộ đối với việc tham gia giao thông của con em mình.
Hiện nay học sinh sử dụng xe máy đến trường khá phổ biến.
Mặc dù vậy, vẫn có nhiều phụ huynh nhận thức được các nguy cơ và hậu quả tiềm tàng từ việc giao xe cho con em khi chưa đủ điều kiện. Ông Nguyễn Hoàng Phương, xã Lý Văn Lâm, TP Cà Mau, có con đang học lớp 12, Trường THPT Hồ Thị Kỷ, cho biết: “Thật sự muốn mua xe máy dưới 50cc cho con nhưng tôi quyết định chưa mua vì lo trong quá trình lưu thông có những tình huống bất ngờ, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn xảy ra, sợ con chưa có kỹ năng phòng tránh”.
Chị Dương Hồng Ánh, Phường 2, TP Cà Mau, chia sẻ: “Con tôi đang học lớp 10, chắc tới năm lớp 12 cho cháu tập làm quen với xe máy điện, nhưng khi đó cũng phải kèm cháu chạy trên đường từ nhà tới trường trong 1, 2 tháng đầu, khi nào thấy tay lái cháu vững mới có thể giao xe. Bởi hiện giờ, tôi thấy không ít cháu lái xe mà chạy nhanh, rồi sang đường, đi qua ngã tư... không quan sát, thấy nguy hiểm lắm”. Ðây cũng là suy nghĩ của nhiều PHHS, vẫn không an tâm khi giao xe cho con em mình khi tham gia giao thông.
Ðể phụ huynh thấu hiểu cũng như đánh động đến nhận thức của đại bộ phận phụ huynh, cần sự vào cuộc quyết liệt, sự phối hợp chặt từ phía nhà trường và PHHS. Từ đó, nâng cao nhận thức, ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, ngăn chặn tình trạng giao xe cho người chưa đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
Theo đó, hầu hết các điểm trường ngay từ đầu năm học đã nhắc nhở, tuyên truyền đến toàn thể phụ huynh về việc chấp hành luật giao thông, chú trọng nhấn mạnh việc không giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
Các lực lượng chức năng vẫn thường xuyên tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm đối với quy định giao xe cho người chưa đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
Thầy Lê Trung Ðảm, Phó hiệu trưởng Trường THPT Hồ Thị Kỷ, nhấn mạnh: “Nhà trường đẩy mạnh việc tuyên truyền cho học sinh, đặc biệt đối với PHHS tại các buổi họp PHHS, là kiên quyết không giao xe cho con em mình khi chưa đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Ðồng thời, yêu cầu phụ huynh giám sát chặt vấn đề này, nếu vi phạm không chỉ ảnh hưởng đến vấn đề thi đua của nhà trường, của lớp mà còn ảnh hưởng đến quá trình rèn luyện, học tập của các em. Thời gian tới, nhà trường sẽ tập trung tuyên truyền mạnh, phối hợp giám sát chặt với PHHS, người giám hộ về thực hiện các quy định của pháp luật liên quan đến độ tuổi và điều kiện sử dụng xe máy, quyết tâm không để xảy ra vi phạm liên quan đến việc giao xe cho người chưa đủ điều kiện tham gia giao thông”.
Ông Nguyễn Thanh Bằng, Chánh văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh, cho biết, thời gian tới, Ban An toàn giao thông tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động phối hợp tuyên truyền với các sở, ban, ngành, các địa phương, đảm bảo an toàn giao thông cho đối tượng học sinh, tổ chức các hoạt động truyền thông về kế hoạch hành động “Không giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông”. Bên cạnh đó, theo dõi, đôn đốc công tác kiểm tra, tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm về giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông của các lực lượng chức năng trên toàn tỉnh; đồng thời tổ chức tổng kết, đánh giá và báo cáo kết quả theo quy định.
Bên cạnh việc phát huy vai trò, trách nhiệm của lãnh đạo nhà trường, thầy cô giáo và cha mẹ, người giám hộ học sinh, rất cần sự phối hợp vào cuộc quyết liệt của các cơ quan quản lý Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, các cấp chính quyền cơ sở trong công tác chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, tuần tra kiểm soát, nhắc nhở và xử lý vi phạm, từ đó góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông nói chung, tai nạn giao thông liên quan đến học sinh nói riêng trong phạm vi toàn tỉnh./.
Lê Chí