(CMO) Tháng 6/1967, sau khi học xong lớp cứu thương, tôi được bổ sung về Đại đội 3, Tiểu đoàn U Minh II Cà Mau. Trận chiến đấu đầu tiên vào đêm 5/12/1967, tấn công vào đồn Cây Gừa thuộc xã Tân Phong, huyện Giá Rai.
Đồn Cây Gừa nằm cập Quốc lộ 1 về hướng Bắc, nơi ngã ba rạch Cây Gừa và kênh xáng Bạc Liêu giáp nhau. Địch xây dựng nơi đây đồn tam giác, mỗi cạnh khoảng 30 m và 3 góc làm tháp canh ụ chiến đấu, góc số 1 nằm cập rạch Cây Gừa, còn số 2 và số 3 nằm cặp Quốc lộ 1, chúng bố trí 1 trung đội nghĩa quân, trang bị 3 trung liên, còn lại là súng bộ binh.
Đại đội 3 chia thành 2 hướng tấn công, hướng chủ yếu vào góc số 1, hướng thứ yếu vào góc số 2. Lúc này tôi được phân công đi cùng anh Mười Nhị, Đại đội trưởng, chủ yếu để phục vụ thương binh. Đúng 24 giờ ta bí mật đưa quân vào vị trí và bắt đầu tấn công, nhanh chóng ta đã chiếm được góc số 1 và góc số 2. Sau ít phút, địch hoàn hồn phát hiện được hướng tấn công của ta, tập trung phản kích quyết liệt và đã đẩy lùi lực lượng của ta, chiếm lại góc số 1 và góc số 2, dùng hoả lực bắn vào đội hình xung phong của ta rất ác liệt.
Lần đầu tiên mặt đối mặt với địch tôi rất hốt hoảng, chỉ biết núp vào lưng anh Mười Nhị, bỗng nghe một tiếng “bực”. Hơi chùng mình xuống, anh Mười Nhị nói: “Hùng ơi, anh bị thương”. Lúc ấy tôi tìm được vết thương, nhanh chóng băng bó cho anh và được lệnh rút lui. Tất nhiên trách nhiệm của tôi là phải đưa anh Mười Nhị về tuyến sau. Năm ấy tôi vừa tròn 16 tuổi mà phải cõng anh Mười Nhị nặng trên 80 kg trong làn đạn của địch thật là quá sức. Cũng may nhờ có con rạch Cây Gừa và nước lớn chảy vào giúp tôi đưa anh Mười Nhị về đến Sở Chỉ huy Tiểu đoàn bàn giao cho y tá.
![]() |
MH: Minh Tấn |
Trong khi đó, hướng thứ yếu mất tích đồng chí Việt Quang, tôi lại được lệnh cùng 2 đồng chí trở lại tìm kiếm. Qua hàng rào gai thứ 2 thì phát hiện đồng chí Việt Quang bị thương rất nặng, nằm cách góc số 2 khoảng 15 m. Đưa 1 thương binh trong hàng rào gai ra dưới làn hoả lực của địch rất là khó khăn và nguy hiểm, nhưng cuối cùng cũng đưa được đồng chí Việt Quang về đến Sở Chỉ huy Tiểu đoàn. Sau đó, tôi được lệnh cùng với dân công đưa thương binh về ngã tư Chủ Chí, bàn giao cho đội phẫu thuật.
Khi đến kênh Cây Dương thì trời đã sáng, lúc này anh Mười Nhị rất mệt, thì thào lời cuối cùng: “Chắc anh hy sinh, em cùng đơn vị trả thù cho anh”. Sau đó anh lả đi, hơi thở yếu dần để rồi vĩnh viễn không còn thở nữa. Tôi vuốt mắt và sửa tay, chân anh cho ngay ngắn. Tôi tiếp tục chăm sóc cho đồng chí Việt Quang trong tình trạng hôn mê sâu. Lát sau anh tỉnh lại, đờ đẫn nhìn tôi với lời trăng trối: “Chắc tao không qua khỏi, sau này mày có con trai đặt tên tao để làm kỷ niệm". Rồi anh lịm dần cho đến khi đôi môi khép lại và trái tim không còn đập nữa.
Trong thời gian ngắn tôi mất đi người chỉ huy cao nhất và người bạn thân nhất, họ ra đi trong vòng tay của tôi. Không thể dằn lòng được nữa, tôi nấc lên nghẹn ngào, từ trong sâu thẳm đáy mắt, giọt nước mắt ly biệt trào tuôn, trước sự ngỡ ngàng của 2 người dân công và Nhân dân 2 bên bờ kênh. Đó là lần đầu tiên tôi khóc từ khi trưởng thành.
Đau thương lại đến gia đình anh Mười Nhị lần nữa, đứa con tiếp tục hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Về sau chị Mười Nhị được phong tặng danh hiệu cao quý “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”. Năm 2008, Hội Cựu chiến binh tỉnh xây dựng cho gia đình chị căn nhà tình nghĩa tại ấp Nhà Cũ, xã Quách Phẩm Bắc, huyện Đầm Dơi, để bù đắp cho sự mất mát quá lớn của gia đình. Riêng tôi, mãi đến năm 1979 mới thực hiện được lời trăng trối của Việt Quang là đặt tên đứa con thứ ba là Nguyễn Việt Quang. Đối với anh Mười Nhị, ngoài chuyện chiến đấu để trả thù cho anh thì tôi chưa có gì để đền đáp công ơn cứu mạng, nếu không có thân hình vạm vỡ của anh che chắn viên đạn, tôi đã trở thành người thiên cổ từ lâu./.
Nguyễn Xuân Hùng