Thời gian qua, tại nhiều điểm trường trên địa bàn tỉnh đã tổ chức các buổi talkshow xoay quanh các đề tài liên quan đến đối tượng học sinh, sinh viên trên mạng xã hội; các phiên toà giả định... nhằm giúp cảnh báo và cung cấp kiến thức pháp luật cho học sinh, sinh viên.
- Trao giải cuộc thi viết “Tìm hiểu pháp luật về căn cước, định danh và xác thực điện tử của Việt Nam”
- Phát động học sinh, sinh viên nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật về an toàn giao thông
- Giáo dục pháp luật qua phiên toà giả định
- Trợ giúp pháp lý - từng bước khẳng định vai trò, vị trí trong đời sống pháp luật
Chỉ trong tháng 10, mô hình Phiên toà giả định đã diễn ra tại nhiều nơi, từ thành phố đến huyện, xã, thu hút hàng trăm học sinh, sinh viên đến từ các trường cao đẳng, đại học, trung tâm giáo dục thường xuyên và THPT tham gia.
Ðiển hình như trong Phiên toà giả định diễn ra tại Phân hiệu Trường Ðại học Bình Dương tại Cà Mau do các đơn vị: Chi đoàn Toà án Nhân dân tỉnh, Chi đoàn Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh, Ban Thanh niên Công an tỉnh, phối hợp thực hiện. Câu chuyện có thật về một vụ án ma tuý trong giới sinh viên, học sinh được tái hiện thành buổi xét xử vô cùng chân thật khiến người xem phải suy ngẫm. Thông qua câu chuyện tại mô hình phiên toà, ban tổ chức đã lồng ghép tuyên truyền pháp luật, cảnh tỉnh đối tượng học sinh, sinh viên tránh mắc bẫy của các đối tượng xấu trong việc mua bán, tàng trữ ma tuý và các chất kích thích.
Một phiên toà giả định khác cũng sinh động không kém, diễn ra tại Trường THPT Thái Thanh Hoà, do Ban Thường vụ Huyện đoàn Ðầm Dơi chỉ đạo Chi đoàn Toà án Nhân dân huyện phối hợp với Chi đoàn Thi hành án - Viện Kiểm sát Nhân dân huyện tổ chức. Tham dự có đại diện lãnh đạo Toà án Nhân dân huyện, toàn thể thầy cô giáo và hơn 700 học sinh. Những năm gần đây, tệ nạn ma tuý trên địa bàn huyện Ðầm Dơi tiếp tục diễn biến phức tạp, đối tượng gia tăng chính là giới trẻ. Phiên toà giả định đưa ra xét xử là vụ án tàng trữ trái phép chất ma tuý liên quan đến người chưa thành niên phạm tội, bị cáo là một học sinh đang còn ngồi trên ghế nhà trường, được sân khấu hoá thu hút người xem.
Song song đó, lồng ghép trong các phiên toà giả định còn có phần hỏi - đáp từ ban tổ chức và các bạn học sinh, sinh viên, giúp các em nâng cao kiến thức pháp luật và xử lý tình huống trong cuộc sống. Các em học sinh, sinh viên vô cùng hào hứng, tích cực trả lời các câu hỏi để tiếp thu nhiều kiến thức thực tiễn hơn.
Phần giao lưu của sinh viên và báo cáo viên rất sôi nổi.
Bạn Lê Chí Nguyên, lớp Công nghệ thông tin khoá 15, Trường Cao đẳng Cộng đồng Cà Mau, cho biết: “Các bạn trẻ như em vẫn còn thiếu nhiều kỹ năng xử lý tình huống khi gặp đối tượng xấu dụ dỗ, từ đó rơi vào những chiếc bẫy tinh vi, dẫn đến vi phạm pháp luật. Các phiên toà giả định như thế này giúp chúng em hiểu biết về luật pháp và đề phòng những cám dỗ trong cuộc sống. Em nghĩ mô hình này cần được diễn ra nhiều hơn nữa”.
Chị Quách Thị Thu Thảo, Phó bí thư phụ trách Ðoàn khối Dân Chính Ðảng, chia sẻ: “Chúng tôi hy vọng qua các hoạt động tuyên truyền như thế này, các em học sinh, sinh viên có cái nhìn sâu sắc, toàn diện hơn về tác hại của ma tuý đối với bản thân, gia đình và xã hội”.
Không chỉ có mô hình Phiên toà giả định, tại nhiều trường cao đẳng, đại học... trên địa bàn tỉnh còn tổ chức khá nhiều buổi talkshow với sự tham dự của những khách mời có kiến thức về pháp luật để giáo dục và mở rộng vốn sống, cũng như cách ứng xử của học sinh, sinh viên trên môi trường mạng xã hội.
Tiêu biểu như Ðoàn trường Cao đẳng Cộng đồng Cà Mau với talkshow: Nhận diện và đấu tranh với nguy cơ “cách mạng màu”, chiến lược “diễn biễn hoà bình” và vấn đề an ninh mạng trong học sinh, sinh viên. Giao lưu cùng các bạn học sinh, sinh viên trong buổi talkshow, là Báo cáo viên, Thượng uý Lương Văn Bình đã cung cấp thông tin cơ bản về các quy định của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chủ trương của Ðoàn Thanh niên về an ninh mạng và ứng xử văn minh trên không gian mạng. Bên cạnh đó, các bạn trẻ có thêm kiến thức để nhận diện âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các thế lực thù địch về: “cách mạng màu”, chiến lược “diễn biến hoà bình”... Từ đó, góp phần xây dựng môi trường mạng an toàn, lành mạnh cho đoàn viên, thanh niên.
Sinh viên Trường Cao đẳng Cộng đồng Cà Mau đồng loạt mở màn hình điện thoại có hình cờ Tổ quốc và hát vang ca khúc “Tuổi trẻ thế hệ Bác Hồ” ở phần kết buổi talkshow.
Thượng uý Lương Văn Bình cho biết, "cách mạng màu" và an ninh mạng không phải là vấn đề mới trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, để hiểu và nắm rõ bản chất, mục đích của vấn đề này thì đa phần các bạn đoàn viên còn mơ hồ, chưa hiểu rõ, chưa nắm chắc, một bộ phận giới trẻ còn khá chủ quan. Qua công tác tuyên truyền góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các bạn, khơi dậy tinh thần tuổi trẻ, tình yêu Tổ quốc và khát vọng cống hiến, xây dựng đất nước.
Trước những âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch trong giai đoạn hiện nay, đặc biệt là vấn đề lợi dụng “cách mạng màu” và mạng xã hội để thực hiện các hành vi chống phá đất nước, việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền sẽ góp phần giúp thanh niên nâng cao sức chiến đấu, hình thành bản lĩnh chính trị, lập trường tư tưởng kiên định, vững vàng, sẵn sàng phát huy tốt tinh thần “đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên”./.
Lam Khánh