(CMO) Với mục tiêu quản lý tàu cá không để vi phạm vùng biển nước ngoài, đồng thời ứng cứu kịp thời khi có tai nạn trên biển xảy ra, nhất là mùa mưa bão, công tác lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá được cho là có ý nghĩa thiết thực đối với hoạt động khai thác đánh bắt thuỷ hải sản hiện nay. Tuy nhiên, việc lắp đặt thiết bị bước đầu cho thấy nhiều kẽ hở cần có biện pháp quản lý chặt chẽ hơn trong thời gian tới.
Phó chi cục trưởng chi cục Thuỷ sản Cà Mau Nguyễn Việt Triều cho biết: “Cà Mau là tỉnh đầu tiên trên cả nước thực hiện thí điểm gắn thiết bị giám sát hành trình (thiết bị VMS). Mặc dù quy định, hướng dẫn từ Trung ương đến nay chưa thật sự rõ ràng, cụ thể nhưng địa phương vẫn quyết liệt triển khai, trên tinh thần vừa thực hiện, vừa rút kinh nghiệm, do vậy khó tránh khỏi những khó khăn, trở ngại”.
Mất kết nối, vấn đề nổi cộm hiện nay
Được biết, sau hơn 1 năm triển khai thực hiện Kế hoạch số 72/KH-UBND ngày 6/7/2018 của UBND tỉnh về lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá, qua khảo sát có 1.651 tàu cá thuộc diện lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá (tàu có chiều dài từ 15 m trở lên). Tính đến cuối tháng 7/2019, toàn tỉnh đã lắp đặt được 605 tàu, đạt 36,6% trên tổng số tàu bắt buộc. Đây là kết quả của sự nỗ lực, phối hợp của nhiều đơn vị, địa phương thời gian qua.
Tuy nhiên, sau một thời gian đi vào thực hiện đã đặt ra nhiều vấn đề cấp thiết trong việc gắn thiết bị VMS. Theo đó, ngoài việc nhiều ngư dân nhận thức chưa sâu, ngại chi phí cao, chưa đồng tình với việc lắp đặt thì vấn đề mất kết nối dữ liệu của các tàu cá sau khi gắn thiết bị cũng được đặt ra. Thực tế theo thống kê, trong số 605 tàu cá được gắn thiết bị, có tới 132 tàu cá mất tín hiệu, gây gián đoạn hành trình tàu cá.
Ông Triều cho biết thêm: “Đơn vị đã thống kê danh sách những tàu bị mất kết nối, chi cục cũng đã tiến hành phân loại thành 3 loại mất kết nối: Không đóng phí, không rõ nguyên nhân và do dân cố tình ngắt kết nối. Tuy nhiên, số liệu này thay đổi thường xuyên, có một số thiết bị chỉ mất kết nối một vài giờ. Các nhà mạng nên sử dụng cách thức để chứng minh cụ thể nguyên nhân của những vấn đề này”.
Chủ tàu cá Trần Văn Triều, Ấp 3, xã Khánh Hội, huyện U Minh phản ánh về thiết bị giám sát hành trình bị lỗi, mất kết nối. |
Về vấn đề mất kết nối do các chủ tàu không đóng phí vệ tinh hàng tháng, nên nhà cung cấp dịch vụ tự ngắt. Đại diện nhà mạng Viettel (1 trong 3 đơn vị đang cung cấp thiết bị VMS cho tàu cá) xác nhận: “Đơn vị chưa hề ngắt kết nối đối với thiết bị tàu cá nào khi chưa đóng phí”.
Cần quản lý chặt, thiết bị chuẩn
Theo đó, ngư dân ở nhiều địa phương cũng đặt nghi vấn về chất lượng thiết bị. Hoạt động nghề thu mua thuỷ sản ở cửa biển Khánh Hội mấy chục năm nay với 3 tàu cá công suất 350 CV, ông Trần Văn Triều, Ấp 3, xã Khánh Hội, huyện U Minh, trần tình: “Bây giờ không còn nhiều tàu cá liều lĩnh ra vùng biển nước ngoài như trước đây nữa. Vì ai cũng biết tài sản mình lớn, vốn liếng mỗi chuyến ra khơi rất nhiều, nếu phát hiện vi phạm sẽ bị phạt rất nặng. Mùa mưa bão diễn biến bất thường, nhờ nó mình dễ nhận tín hiệu gọi tàu vào khi cần thiết để đảm bảo an toàn cho người lẫn phương tiện. Tuy nhiên, trong 3 chiếc (công suất khoảng 350 CV) sau khi gắn thiết bị VMS đến nay đã có 1 chiếc bị lỗi, không nhận được tín hiệu, nhà mạng đã xuống gỡ thiết bị đem đi và đang chờ sửa chữa”.
Tương tự, chủ tàu cá Nguyễn Văn Kỉnh, thị trấn Cái Đôi Vàm, huyện Phú Tân, cũng bức xúc: “Tôi đã gắn thiết bị VMS gần 1 năm nay, đa số các tàu của tôi đều đánh bắt xa bờ nên việc gắn thiết bị giúp tôi khi ở nhà vẫn kiểm soát hành trình tàu cá tốt. Tuy nhiên, hiện nay thiết bị thường xuyên bị ngắt kết nối, không kiểm soát được, tôi đã báo với đơn vị nhà mạng nhưng vẫn chưa ổn”.
Ngoài vấn đề mất kết nối tàu cá, hiện nhiều phương tiện chưa tuân thủ việc gắn thiết bị giám sát hành trình. |
Xác nhận vấn đề này, Phó chủ tịch UBND xã Khánh Hội Châu Minh Đảm cho biết: “Địa phương đã ghi nhận một số ý kiến yêu cầu của bà con ngư dân là hiện nay một số thiết bị bị lỗi do quá trình lắp đặt, vận hành. UBND tỉnh cũng chỉ đạo kỳ quyết trong niêm phong bấm chì để thiết bị không bị chuyển đi nơi khác. Ngoài ra, từng đơn vị cung cấp nhà mạng phải đảm bảo thiết bị hoàn chỉnh, từ khâu lắp đặt, hướng dẫn đến vận hành. Đồng thời, đề nghị các nhà mạng phải cam kết chất lượng, tính năng thiết bị đảm bảo cho người dân”.
Ngoài ra, vấn đề đáng lo ngại hơn của việc mất kết nối chính là một số phương tiện tự tìm cách ngắt kết nối để ngành chức năng không thể theo dõi tàu khi hoạt động ngoại tuyến. Họ dùng các vật liệu bằng nhôm che chắn sóng đối với thiết bị giám sát hành trình để qua mắt các đơn vị quản lý, không thể theo dõi hành trình của tàu.
Đại uý Nguyễn Thanh Hải, Phó đồn trưởng đồn Biên phòng Khánh Hội, cho biết: “Các nhà mạng cam kết không mất sóng nhưng trên thực tế mất sóng rất nhiều, về vấn đề này gây khó khăn xử lý vi phạm hành chính. Bởi khi đơn vị đã phát hiện một số phương tiện vi phạm vùng biển Thái Lan, các chủ tàu cá lại đổ lỗi cho nhà mạng mất sóng, không cảnh báo. Còn phía nhà mạng thì xác nhận rằng thiết bị vẫn hoạt động bình thường và do ngư dân cố tình ngắt kết nối”.
Chỉ đạo vấn đề này, tại hội nghị sơ kết 1 năm thực hiện Kế hoạch số 72/KH-UBND ngày 6/7/2018 của UBND tỉnh về lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá vào cuối tháng 7 vừa qua, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử đề nghị các nhà mạng cần hướng dẫn cho các cơ quan chức năng phân loại nguyên nhân mất kết nối và cung cấp thông tin mất kết nối của thiết bị cho ngư dân. Nghiên cứu bằng các biện pháp kỹ thuật tình trạng ăng ten bị che chắn để qua mắt cơ quan chức năng nhằm quản lý chặt chẽ tàu cá khai thác thuỷ sản, đem lại kết quả cao nhất cho việc lắp đặt thiết bị tàu cá./.
Theo đánh giá của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài vẫn còn. Thông qua hệ thống giám sát đã phát hiện 66 trường hợp vi phạm vùng biển nước ngoài, đã xử phạt hơn 2 tỷ đồng đối với những phương tiện này. Bộ đội Biên phòng luôn theo dõi 24/24, kịp thời nhắc nhở, cảnh báo những phương tiện vi phạm, xử lý nghiêm những phương tiện cố tình vi phạm. |
Hồng Nhung