ĐT: 0939.923988
Thứ bảy, 23-11-24 06:02:31
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

"Mẹ Út"

Báo Cà Mau (CMO) Tôi nghĩ không ai quy định cách xưng hô, nhưng sao các em đều gọi cán bộ, nhân viên ở Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh bằng cha, mẹ? Song, khi tường tận hoàn cảnh, hầu như các em khi vào đây đã không còn nhận được sự yêu thương, quan tâm từ người thân. Trung tâm chính là nhà. Những người nuôi dưỡng, dạy bảo, lo cho tương lai các em chẳng khác gì cha, mẹ.

Mang nặng đẻ đau, người phụ nữ trở thành mẹ đó là lẽ hiển nhiên. Song, có những người làm mẹ theo duyên số vẫn đong đầy yêu thương, buộc ràng lòng mình trách nhiệm thay đổi số phận cho bao trẻ bất hạnh, yếu thế trong xã hội. Người mà tôi muốn nói đến bằng sự quý mến, cảm phục là chị Trần Thị Út, Trưởng phòng Nuôi dưỡng trẻ giáo dục định hướng, Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh. Ngót 10 năm ở mái nhà này, chị Út lấy tình yêu thương để chở che, xoa dịu nỗi đau, để các em tự tin, nghị lực bước vào đời.

Mẹ Út cùng các con ôn bài, chuẩn bị cho kỳ thi cuối năm. (Ảnh chụp ngày 28/4/2021).

Làm “mẹ” từ buổi thực tập…

Tôi thường đến Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh, ngoài công việc, thì mang ít bánh kẹo, quần áo cũ của mấy đứa con cho các bé ở đây. Trò chuyện cùng chị, tôi càng cảm nhận sâu sắc giá trị của cuộc sống, cho đi là hạnh phúc! Chị huyên thuyên khoe chuyện học hành của các con. Thằng Linh vừa tốt nghiệp Cao đẳng Công nghệ thông tin đang chờ việc. Thằng Nhờ năm sau ra trường ngành Công nghệ ô-tô. Thằng Duy đang ôn luyện để thi THPT, cũng chọn ngành Công nghệ ô-tô như anh nó… Còn nhỏ Thảo Ngọc, đứa hay quấy phá đã chịu đi học lại, chịu để tóc dài coi cũng đẹp gái lắm! Lần theo mạch cảm xúc, tôi liền hỏi về cơ duyên chị đến với nghề làm… mẹ.

Năm 2010, khi đang học năm cuối lớp Ðại học Xã hội học do tỉnh phối hợp với Trường Ðại học Mở TP Hồ Chí Minh tổ chức tại Cà Mau, chị Út cùng các bạn có chuyến thực tập tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh. Lần đầu tiên biết đến nơi này, chạm phải những ánh mắt hồn nhiên, khát khao của các trẻ khuyết tật, mồ côi, chị dâng trào xúc động. Không lâu sau, chị làm đơn xin chuyển công tác về trung tâm, ai nấy ngỡ ngàng trước quyết định của chị.

Chị Út trưởng thành từ cơ sở, tham gia công tác địa phương khi còn rất trẻ, mới 22 tuổi đã là Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Trần Thới (huyện Cái Nước), rồi làm Bí thư Xã đoàn. Là cán bộ trẻ, năng động lại có năng lực, chị được điều động giữ nhiệm vụ Uỷ viên Thường trực Uỷ ban MTTQ Việt Nam huyện Cái Nước. Con đường chính trị tưởng chừng rộng mở đối với chị, song chị lại chọn hướng rẽ theo sự mách bảo của trái tim.

Là duyên nên mọi việc cứ như sắp đặt. Lúc bấy giờ tổ chức có ý định cho chị học lớp Xây dựng Ðảng, nhưng chị từ chối, lại chọn ngành Xã hội học, cái ngành mới mẻ lúc bấy giờ, rồi tìm đến với nghề làm… mẹ ở tuổi 37, khi bản thân vẫn chưa kết hôn, chưa từng có kinh nghiệm coi sóc trẻ.

Rời quê, trung tâm là nhà của chị. Chị làm việc và ở khu tập thể dành cho cán bộ, nhân viên. Mỗi lần có trẻ được mang vào trung tâm, lòng chị lại quặn thắt. Cảm thương và gắn chặt hơn với bao số phận kém may mắn. Có những trẻ còn đỏ hỏn, trẻ bị khuyết tật bị bỏ rơi; những cuộc chia tay của người lớn hay cha mẹ mất trở thành phận mồ côi… Chị Út càng thấy trách nhiệm nặng nề, làm sao để trẻ mạnh khoẻ lớn khôn và trở thành người hữu dụng!

Thay đổi số phận bằng tình yêu thương

Giờ chị đã là mẹ của hơn 50 mảnh đời. Trong đó có 26 trẻ đang học chữ, học nghề, còn lại trẻ khuyết tật và trẻ nhỏ. Các trẻ khuyết tật và trẻ nhỏ được "mẹ Út" cùng cán bộ, nhân viên chia theo ca, thay phiên nhau chăm sóc chu đáo từng miếng ăn, giấc ngủ. Chị hay chia sẻ trên trang cá nhân Zalo, Facebook của mình hình ảnh con nhỏ nở nụ cười ngây thơ, niềm vui của con khi được sắm quần áo mới, được đưa đi khu vui chơi, đi uống cà phê cùng mẹ…  Tôi thật sự khó tin nếu chỉ nghe người khác kể về chị, nhưng tôi bị thuyết phục khi nhìn những việc chị làm cho bọn trẻ bao năm qua.

Có lần tôi vừa đến phòng làm việc của chị Út, đã thấy ổ điện, giấy tờ lộn xộn, còn chị ngồi buồn so. Lát sau chị mang chuyện trải lòng. Thiếu vắng tình thương khiến nhiều trẻ tự ti, mang tâm lý mặc cảm, sống khép kín hoặc nổi loạn, lầm lì. Việc chúng nổi cáu đập phá đồ đạc khi bị la rầy, trách phạt là không thể tránh khỏi. Tôi nghĩ bụng, nhà mình có 2 đứa con đôi lúc còn mệt mỏi vì tụi nhỏ phá phách, không nghe lời, đằng này chị có đến mấy chục đứa con, xuất thân từ những gia đình, hoàn cảnh khác nhau, thì làm sao tránh khỏi căng thẳng, áp lực. “Con cái mỗi đứa mỗi tính, không khuyên được cách này thì mình tìm cách khác, để tụi nhỏ hiểu và nghe lời”, chị tâm tình. Ðiều này tôi hết sức đồng tình cùng chị, bởi dạy con không phải là chuyện áp đặt mà cho con hiểu được đúng, sai. 

Nghe chị tâm sự những vui buồn trong công việc, chia sẻ bao tính toán tương lai cho các con, tôi thấy chị không khác đấng sinh thành dành hết tình yêu thương cho các con, luôn lo lắng, dõi theo… Các con chịu đến trường, hoà nhập cùng bạn bè, đối với chị là niềm vui khôn xiết. Nhắc đến chuyện thằng Nhờ (Nguyễn Văn Nhờ) sắp tốt nghiệp Cao đẳng Công nghệ ô-tô, chị cười hạnh phúc, bao ký ức ùa về. Hồi chuyển cấp lên lớp 10, thằng Nhờ đòi nghỉ học, bỏ nhà đi. Chị rối lắm không biết cách nào, đành làm liều viết lá thư tay gửi đến nhà trường, trình bày hoàn cảnh của Nhờ, mong thầy cô quan tâm hơn, yêu thương hơn để nó có động lực học tiếp. Hiểu được lòng chị, Ban Giám hiệu kêu Nhờ lên an ủi, chia sẻ, nhưng nó nhất quyết lên xe đi. Ngang qua trung tâm, nó nhớ mẹ Út. Nó nghĩ đến lá thư mẹ viết cho cô. Nó nhảy xuống xe, chạy về sà vào lòng mẹ. Giờ thằng Nhờ định đi làm ở TP Hồ Chí Minh, "mẹ Út" lại lo lắng đủ điều…

Ðứa nào không học chữ được, "mẹ Út" tranh thủ cho học nghề để các con thêm niềm tin, sau này ra xã hội có thể tự nuôi sống bản thân. Tôi nhớ mấy năm trước các em được trung tâm cho học nghề làm nhang, làm tranh đính đá, bọn trẻ chú tâm học rất nhanh, làm ra sản phẩm đẹp và có thu nhập, tuy nhiên, duy trì không lâu vì đầu ra không ổn định. Ðó cũng là nỗi trăn trở của mẹ Út, làm sao trang bị cho các con có nghề phù hợp và kiếm sống được từ nghề mình học. Chị chia sẻ, mình đang liên hệ cho các con học nghề đan giỏ quà, sẽ ký kết với nơi tiêu thụ để các con có công việc làm lâu dài.

Các con của "mẹ Út" ham học lắm, Chí Cường mới 14 tuổi, xin mẹ đi học sửa xe. Thương con siêng năng, nhưng còn ít tuổi, chị sắp xếp công việc để con được vui. Chị xin dụng cụ rửa xe cho con tập tành rửa xe của cán bộ, nhân viên trong trung tâm, để dành tiền vài năm nữa học nghề, mở tiệm. Thằng Cường khoái chí gật đầu lia lịa.

Chuyện "mẹ Út" dành tiền tích luỹ cho các con mình, đến nay có đứa gửi tiết kiệm gần 20 triệu đồng, khiến tôi thầm nể phục, mấy ai làm được như chị. Tên từng đứa được chị ghi lên cái túi nhỏ, mỗi khi có nhà hảo tâm đến cho tiền, chị đều trích lại một phần bỏ vào. Cứ thế số tiền được cộng dần lên. Chị giải thích cho con hiểu, tiền này dành khi ra trường đi làm, con có chi phí thuê trọ, sắm sửa vật dụng hay có thể mua xe. Hay khi các con ra làm nghề gì thì cần có vốn liếng mua sắm vật liệu, trang trải cuộc sống… Còn chị giờ bắt đầu lo làm sui, cũng tích góp tiền lương hàng tháng, để có của hồi môn cho con trong ngày trọng đại đời mình, để con khỏi tủi thân.

Mấy hôm nay chị bận rộn hơn vì các con sắp bước vào mùa thi cuối học kỳ, chị chạy lăng xăng nhắc đứa này làm bài, đứa kia đi học đúng giờ. Rồi bao chuyện kế tiếp nữa được chị sắp sẵn trong đầu, nào là tổ chức sinh nhật chung cho con vào ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6, các hoạt động hè lành mạnh để con vui chơi, lo sắm sửa quần áo, sách vở cho năm học mới... Công việc cứ thế lặp đi lặp lại hàng năm vậy mà chị vẫn lo toan sợ làm không tròn, không tốt. Tôi hiểu vì sao khi nhắc đến hạnh phúc riêng, chị đều bảo không có tâm trí nghĩ đến. Quỹ thời gian của mình chị dành hết lo cho các con. Nhìn con lớn khôn, thành tài, lòng chị đong đầy hạnh phúc!

Giữa bộn bề bon chen của cuộc sống, lòng người trở nên ấm áp, bao dung hơn khi yêu thương lan toả. Xin mượn lời của Chủ tịch UBND tỉnh Lê Quân chia sẻ trong lần đến thăm Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh, thay lời kết: “Không chỉ là làm vì nhiệm vụ mà tôi cảm nhận rằng, mỗi người nơi đây thực sự có tình yêu thương lớn lao và cái tâm nhân hậu. Có như vậy mới đủ sức đổi thay những phận đời kém may mắn!”./.

 

Mộng Thường

 

Vũ Minh Hiển: Sự chắt lọc từ trái tim

Vũ Minh Hiển sinh năm 1981, là nhiếp ảnh gia tự do tại Hà Nội. Mang trong mình niềm đam mê nhiếp ảnh từ thuở thiếu thời, anh quyết định từ bỏ công việc ổn định tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai để theo đuổi tiếng gọi nghệ thuật.

Dịu dàng cảm xúc

Tác giả Nguyễn Thị Thu Cúc sinh năm 1963, công tác tại Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự Thật. Nghỉ hưu năm 2018, chị tham gia nhiếp ảnh, hiện sinh hoạt tại Cung Văn hoá hữu nghị Việt - Xô, Hà Nội.

Nét đẹp Tây Nguyên

Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Trần Hữu Hạt sinh năm 1955, tại Ðắk Lắk. Trước đây kinh doanh, khi đến tuổi được nghỉ ngơi, anh mua máy ảnh chụp lưu niệm trong những chuyến du lịch đó đây.

Xê dịch cùng nhiếp ảnh

Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Nguyễn Tuấn Anh sinh ra và lớn lên tại Hải Phòng, thành viên Câu lạc bộ Ảnh Báo chí Hải Phòng, hội viên Hội Nhiếp ảnh Hải Phòng, hội viên Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam. Hiện anh công tác tại Công ty Cổ phần bia Tây Âu - Hải Phòng.

Cảm nhận cuộc sống tích cực hơn

Quê tỉnh Bình Ðịnh, hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Bình Ðịnh, nhưng do trước đây từng có thời gian dài công tác tại Ðà Nẵng, vì làm việc xa nên anh chọn nhiếp ảnh như một thú vui giúp khuây khoả nỗi nhớ nhà, giải toả căng thẳng trong công việc cũng như cuộc sống. Anh là NSNA Trần Hưng Ðạo, sinh năm 1988.

“Tình sen”

Vốn có tình yêu mãnh liệt với hoa sen và từ lâu đã ấp ủ dự định chuyên tâm vào các tác phẩm sen nghệ thuật - chủ đề mang đến sự thư thái, bình yên, NSNA Hoàng Bích Vân vừa tổ chức thành công triển lãm cá nhân đầu tay, với chủ đề “Tình sen”.

Bình yên Phố Cổ

Sinh năm 1985, hội viên Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật TP Ðà Nẵng, là nhiếp ảnh gia tự do tại TP Hội An, Cường Art đoạt nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế: “Du xuân”, giải Nhất cuộc thi ảnh do Câu lạc bộ Nhiếp ảnh Ðà Nẵng tổ chức năm 2016; “Tưởng nhớ”, giải Nhất cuộc thi sáng tác ảnh nhanh trong vòng 24 giờ tại Liên hoan Nhiếp ảnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên năm 2016. “Ngôn ngữ nghề” là 1 trong 10 tác phẩm đại diện cho Việt Nam tham dự FIAP World Cup lần thứ 33 tại Hàn Quốc năm 2016.

Nắng gió Tây Nguyên

Dấn thân sáng tác ảnh nghệ thuật từ năm 2018, trong quá trình rong ruổi với đam mê, Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Dương Hoài An nhận được sự giúp đỡ của các anh chị trong Chi hội Nhiếp ảnh tỉnh Ðắk Lắk và bạn bè nhiếp ảnh mọi miền đất nước. Chủ đề yêu thích của anh là văn hoá, cuộc sống, cảnh đẹp mọi miền, đặc biệt là về vùng đất Tây Nguyên.

Khi sắc màu "dạo chơi"

Tác giả Phạm Thị Quỳnh Nga tốt nghiệp Ðại học Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh năm 1994. Chị là hoạ sĩ, nhiếp ảnh gia tự do, hiện tại chị gắn bó với công việc thiết kế thời trang công nghiệp tại TP Hồ Chí Minh.

Quà tặng cuộc sống từ những chuyến đi

Theo nghề ảnh dịch vụ khoảng 20 năm, bước vào đam mê ANT với thể loại ảnh phong cảnh và đời thường từ năm 2016, sáng tác nhiều, nhưng tác giả Ðỗ Trường Vinh cho biết “vẫn chưa có tác phẩm tâm đắc, vì còn quá nhiều khoảnh khắc đẹp cho ngày mai bấm máy”.