ĐT: 0939.923988
Thứ ba, 5-12-23 18:09:50

Mùa chim bói trái

Báo Cà Mau

Trời đã vào thu. Như mọi khi thì giờ này ba mẹ con Cu Tí đang dầm mình trong tiết trời thu mát rượi bóng cây nhà ngoại.

Xứ cây trái vùng châu thổ Cửu Long cũng chia mỗi năm làm hai mùa mưa - nắng. Cách phân biệt xuân, hạ, thu, đông là do nhiều lẽ ở một số ít gia đình. Gọi bằng mùa rõ rệt còn ý nghĩa gắn với những vụ mùa của đồng lúa: đông xuân, hè thu... và cả mùa cây ăn trái, ứng với phương ngôn “mùa nào rau nấy”.

Thu năm nay, ba mẹ con Cu Tí đã mong chờ lâu lắm từ khi Tí đã quen dần với thời tiết mưa nắng thất thường xứ Mũi. Còn nhớ 3 năm trước, vào dịp nghỉ hè ba mẹ con Tí cũng tay xách nách mang về quê ngoại. Khoảng cách địa lý chỉ 200 cây số nhưng thời tiết quê ngoại khác hẳn xứ Mũi. Ở đó luôn dìu dịu mát và rợp bóng cây. Còn quê nội xứ Mũi thì những cơn mưa thốc nước; gió giật; bão dông, sóng biển rì rào. Bởi vậy nên quê nội Tí cây trái chỉ tươi tốt vào mùa mưa và khi tiết trời chớm trở bấc sang xuân.

Với chị em Tí, quê ngoại là thiên đường của các loại trái cây: cam, bưởi, xoài, măng cụt, bòn bon, chôm chôm, sầu riêng... Mỗi lần nghe mẹ kể thôi Tí cũng đã nghe vị trái cây tươi, ngọt, mát lành nơi đầu lưỡi.

Khu vườn nhà ngoại trồng đủ loại trái cây, đảm bảo mùa nào thức ấy. Sầu riêng tuy trái nhỏ bằng cái nón kết của Tí, nhưng ông ngoại vẫn giữ. Vì giống sầu riêng này được nhân ra và truyền lại từ thời của cố. Quan niệm của ngoại là giữ giống sầu nguyên bản để mỗi mùa trái chín, thưởng thức vị ngọt lịm, mùi thơm ngát, cơm sầu bùi dẻo không thể lẫn vào loại cây vườn ở nơi nào. Tới mùa sầu ra trái thì đừng dại gì mà đứng xung quanh gốc cây nếu không muốn “lỗ mũi ăn trầu, cái đầu thoa thuốc”.

Trẻ thơ thoả thích với những trải nghiệm thú vị bên vườn cây trái của ngoại. (Ảnh chụp tháng 1/2021).

Ngoại toàn ăn sầu rụng, vì thân sầu cây nào cũng cao chót vót qua khỏi đọt dừa, ông ngoại thì tóc đã bạc phơ không còn leo cây hái trái được. Sầu chín cây, rụng từ trên cao tít, nhưng nhờ vỏ dày nên lỡ rơi trúng gốc cây thì cũng trầy xước hoặc bung một phần để lộ ra túm múi vàng thơm nức mũi. Nơi khu mộ của cố, ông ngoại trồng thêm nhiều loại cây: bưởi bung, dừa xiêm, vú sữa, để khi con cháu tề tựu càng cảm thấy vui vầy, sung túc.

Nhà ngoại nằm lọt thỏm giữa vườn cây. Ngoại kê liếp trồng cả vườn không để kinh doanh mua bán mà để con cháu về thăm, dịp nào, mùa nào cũng có trái chín, cũng được trèo hái thoả thích. Vậy đó mà thi thoảng Tí lại nghe bà ngoại cằn nhằn ông trồng toàn cây tạp, không có giá trị kinh tế, trong khi vườn nhà người ta trồng phát mê, bán chợ thấy ham. Tí để ý vườn nhà ngoại, ngoài sầu riêng già còn có vài gốc nhãn long đã lão, da cây ửng màu xạm nắng, xù xì, trông kham khổ, chân chất như kiếp đời nhà nông.

Mỗi mùa nhãn chín, mùi thơm phưng phức cả vườn nhà. Ðây là giống nhãn xưa, ngoại nói, giờ người ta gần như bỏ trồng giống này vì không cho giá trị kinh tế cao. Nhãn long cơm mỏng, vị ngọt ngất ngây nhưng thị hiếu người dùng nay là nhãn tiêu, cơm dày, hạt nhỏ. Vì là kỷ vật, kỷ niệm nên ông ngoại cứ vun dưỡng, tưới nước, bón phân. Hèn chi gốc cây nào cũng to bằng cái khạp da bò ở cạnh góc bếp ngoại dùng đựng gạo. Tán cây um tùm, cành cây chắc khoẻ.

Tí lại thích cây long nhãn bên hiên nhà. Mỗi lần trổ rộ bông là mùi thơm phảng phất khắp nhà. Mùa nhãn chín bói, các loài dơi, chim ăn trái cứ bay về ríu rít suốt những đêm khuya, ban trưa. Một khung cảnh quê thật tuyệt vời, chim muông sướng ca đê mê hơn khu vườn chim giữa lòng thành phố nhà Tí ở. Khi hái trái, ngoại thường bắt thang rồi đỡ Tí cùng trèo lên mái nhà. Cách này mới dễ dàng lựa chùm chín mọng, tận tay bẻ những cuống cây giòn rụm.

Về nhà ngoại, Tí còn được thoả thích hoà mình cùng 5 người anh em trang lứa với biết bao trò thú vị mà ở nhà phố quanh năm Tí không bao giờ có được. Mỗi khi ông ngoại ra vườn là cả đội quấn quýt, xuýt xoa theo sau. Bao điều mới lạ lại vang vang, thốt lên inh ỏi dưới tàn cây từ anh em Tí. Khi ấy ông ngoại là đệ nhất - bác học, cái gì ông cũng biết, ông cũng trả lời, giải thích được. Những cặp mắt hồn nhiên, tròn xoe cứ chằm chằm thán phục.

Không còn cảnh trải nghiệm nào trong đời của Tí hấp dẫn đến thế. Có ngoại - bác học, có nhãn thơm ngọt, còn có điểm nhìn xa tít từ mái nhà ra tận cánh đồng cam. Có lần bà ngoại kêu ông cưa mấy cây nhãn, cây bòn bon già cỗi quanh nhà để thay giống mới. Vừa có năng suất, vừa đỡ công bao lưới chống dơi, đỡ mỗi mùa mưa phải trèo lên mái nhà hốt lá khô. Nhưng ông nào chiều ý. Nhờ vậy mà giờ thành ra những loại cây lão độc nhất xóm.

Tuyệt hơn cả leo cây hái trái là được ông dẫn ra cánh đồng cam, men theo những mương nước mà bắt ốc. Ốc bươu trong ao nước ngọt con nào con nấy ú nu. Chỉ một buổi mà đầy cả giỏ. Rồi lại được trầm mình dưới mương vườn nước ngọt lịm, trong veo, mát lạnh. Không như nước trong vắt mà mặn chát ở quê nhà nội.

Quê ngoại nay đã thay đổi nhiều. Những đồng lúa tiếp nối mênh mông giờ phần lớn được thay bằng những cánh đồng cam trĩu quả. Mấy mẫu ruộng lúa nhà ngoại giờ cũng kê liếp thành ruộng cam sành. Cảnh này xa lạ với lời mẹ từng kể cho Tí nghe về quê ngoại: Cái thời đồng lúa rộn ràng máy tuốt, những sân lúa trải vàng dưới nắng; mùa khói đốt đồng cay xè sống mũi...  Bà ngoại đã ưng ý với cách làm vườn của ông. Giờ thì mặc sức bà chăm cả vài ngàn cây cam sành với những tán lá xanh mướt, đọt non nhuốt cứ chồi ra, cao lượt phượt đong đưa.

Ông ngoại nói, loại cây này đã và đang vực dậy ngành kinh tế hướng nông nghiệp bền vững (tam nông) ăn chắc, lời to và nhẹ công chăm hơn canh tác mỗi năm 3 vụ lúa. Cam trồng bén rễ đâm chồi là có thương lái gạ gẫm mua lại thành quả với giá cao hời, nhưng lần này tới lượt bà ngoại không chịu bán. Bà để tự chăm theo hướng dẫn của mấy chú kỹ sư cây trái, để tận hưởng tất cả các cảm giác mỗi khi cây chuyển mình thêm tán mới; ra hoa; kết trái và chăm trái non đến kỳ chín mọng.

Ba tháng mùa hè nữa trôi qua, đồng nghĩa mùa quả ngọt năm nay nhà ngoại vắng hẳn tiếng nói cười ríu rít của bầy cháu. Chị em Tí mỗi khi nhắc tới dìa quê ngoại, đứa nào cũng thèm thuồng. Ngoại quay một đoạn video cho xem mấy cây bòn bon, trái kết từng chùm, đang mùa chín bói, tụi nhỏ réo lên vì tiếc. Trái nhỏ xíu mà ăn ngọt ngất ngây, không như bòn bon mẹ mua ngoài chợ, trái to nhưng vị không đậm đà bằng. Nhớ ngoại, nhớ vườn cây, những cuộc gọi video ngày một nhiều và lâu thêm mà vẫn chưa thoả lòng.

Mới chỉ vắng một chuyến về hè mà lại thấy nôn nao. “Con nhớ ngoại, nhớ nội, khi hết dịch Covid con không biết đi về đâu trước!”, lời Tí vô tình chạm vào nỗi nhớ nhà của mẹ. Ðã 10 tháng rồi, chỉ cách ngoại 200 cây số, đường ô-tô tận cổng vậy mà chưa có dịp trở về...

 

Phong Phú

 

Ði cắm câu cua

Cây cầu dừa tuổi thơ

(CMO) Tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, người người, nhà nhà đều tuân thủ mọi nguyên tắc để đảm bảo phòng, chống dịch bệnh, thực hành “ai ở đâu ở yên đó” để góp sức chống dịch. Ðối với không ít người, đây là khoảng thời gian để sống chậm lại, dành nhiều thời gian cho gia đình hơn, và tôi cũng vậy.

Mùa chim bói trái

Lan man dịch buồn

(CMO) Thiên nhiên, thời tiết luôn thay đổi khác thường. Có những điều lạ lẫm, kỳ thú từ thời tiết, thiên nhiên… Giữa những năm 60, đất Cà Mau ban ngày nắng đổ hào quang, trưa nhìn ra ruộng vô số bóng nắng lao xao nhảy múa… Ban đêm sương mù trắng dã như đóng băng, sáng sớm ra, đi cách vài thước nhìn không thấy, không nói tên là không biết người nào… Bây giờ muốn ngắm cảnh kỳ thú sương mù như vậy, dễ gì có!

Nhớ dưa bồn bồn của má

(CMO) Trên tuyến Quốc lộ 1, ngang qua xã Tân Hưng Ðông, bồn bồn xanh bát ngát dưới ruộng, những “gian hàng” thô sơ được dựng tạm hai bên đường, chỗ được che bằng vài tấm tôn cũ, chỗ bằng cây dù vải, chỗ thì chục tàu lá dừa để chưng những keo dưa bồn bồn, những bó bồn bồn tươi roi rói vừa mới tách vỏ xong. Nhìn những người đàn ông đang ra sức nhổ bồn bồn dưới ruộng chất thành đống, vác lên mé lộ dùng dao bén chặt phăng phần ngọn, đem phần cây vào chòi cho mấy chị lột vỏ, trưng bày lên sạp hàng… gợi cho tôi nhớ biết bao kỷ niệm thời thơ ấu, về những hũ dưa bồn bồn của má…

Những tiếng rao vài dấu lặng buồn...

(CMO) Nếu có ai hỏi thanh âm nào kịp ở lại trong lòng chúng tôi, thế hệ đôi mươi vừa bước vào đời, thì câu trả lời khắc khoải nhất là… “những lời rao”. Trên mấy vùng quê cũ, hay cả trong những thành phố rộng, đâu đó vẫn còn nôn nao bởi mấy lời thương nhớ ấy. Chúng như những âm điệu riêng, thẩm thấu và nuôi lớn cái thuở hồi ức còn là chuỗi ngày đi rong giữa lòng đời rộng, của mỗi con người…

Ơ cá kho của nhà văn

(CMO) Nhà văn Lê Minh Nhựt lên Messenger nhắn cộc lốc: “Mầy ăn lòng tong kho hông? Mai tao gởi”. Đọc dòng tin nhắn mà chưa kịp tin thật là từ ông nhà văn “giang hồ vặt”.

Cây đèn “Ta Đăng”

Chị gái

(CMO) Là con thứ 7 trong gia đình, sau còn thêm đứa em gái út là tôi, nhà đông con nên chị ít được cha mẹ chăm lo chu đáo. Chị là người sống tình cảm, rất biết quan tâm đến mọi người, chị biết nỗi nhọc nhằn trên vai mẹ, nên ở cái tuổi lên 8, 9 chị đã biết phụ giúp làm những việc nội trợ: trông em, nấu cơm, giặt đồ, chẻ củi, xách cặn nuôi heo… Chuyện gì khả năng làm được chị đều làm, để cha mẹ có thêm thời gian kiếm tiền trang trải cuộc sống gia đình.

Giải trí ngày xưa

(CMO) Ngay từ buổi bình minh của xã hội loài người, bên cạnh những nhu cầu cơ bản là ăn, mặc, ở và duy trì nòi giống, thì nhu cầu giải trí là một phần không thể thiếu, nếu không nói là rất quan trọng. Vậy khi chưa có Internet, chưa có những loại hình giải trí hiện đại như bây giờ, người xưa tìm kiếm niềm vui để bồi bổ tinh thần bằng cách nào? Ðó chẳng phải là câu hỏi quá thú vị, khi mà trong bối cảnh giãn cách xã hội, chúng ta bỗng trở nên chán chường với màn hình ti-vi và điện thoại thông minh, tâm trí bỗng trở nên ù lì, năng lượng tích cực dường như bay đâu mất.