ĐT: 0939.923988
Thứ tư, 16-4-25 21:36:04
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Mùa vui cải tùa xại

Báo Cà Mau Trong mâm cơm ngày Tết của người phương Nam, bên cạnh nồi thịt kho trứng, sắc dưa hấu đỏ thì vị dưa cải tùa xại là món ăn không thể thiếu vắng. Hương vị độc đáo, dễ biến tấu thành nhiều món, giải ngán cho những ngày ê hề thịt cá, nhiều lợi ích cho sức khoẻ, dưa cải tùa xại còn mang cả hồn cốt, phong vị Tết đặc trưng của vùng đất, con người miền đất mới.

Những ngày cận tết Ất Tỵ, chúng tôi về xã Khánh Bình, huyện Trần Văn Thời, nơi trồng cải tùa xại (còn gọi là cải bẹ dưa) vang tiếng lâu đời nhất của Cà Mau. Ông Lê Minh Toàn, Chủ tịch UBND xã, thông tin: “Năm nay, diện tích trồng cải tùa xại của bà con có phần giảm hơn mọi năm, chỉ hơn 6,4 ha. Nhưng nói gì thì nói, nhiều bà con vẫn thuỷ chung với cây cải tùa xại, bởi đó không chỉ là nguồn huê lợi kha khá dịp Tết mà còn là nết đất, tính người, niềm tự hào của Khánh Bình suốt bao nhiêu năm qua”.

Năm nay thời tiết thuận lợi, cải tùa xại phát triển tốt, hứa hẹn mùa màng bội thu.

Năm nay thời tiết thuận lợi, cải tùa xại phát triển tốt, hứa hẹn mùa màng bội thu.

Chuyện cây cải tùa xại gắn bó với đồng đất và người nông dân Khánh Bình thì nhiều người biết, nhưng dễ mấy ai tường tận. Tìm gặp lão nông Trần Văn Tư, ấp Rạch Bào, nay đã 77 tuổi, ông kể: “Tôi quê ở Cần Thơ, về đây lập nghiệp, cũng là một trong những người đầu tiên trồng cải tùa xại ở vùng đất này cách đây hơn 40 năm. Thấy hiệu quả, nhiều bà con trồng theo, dần dần cây cải tùa xại trở thành giống rau màu chủ lực mùa cận Tết của địa phương”.

Ban đầu, nhiều người phải làm giàn cao để trồng cải tùa xại, nhưng ông Tư quả quyết: “Chất đất ở đây rất hạp với cây cải tùa xại. Tôi mạnh dạn trồng cải trên rẫy đất và cho năng suất, chất lượng cải rất tốt, từ đó bà con làm theo”. Suốt hơn 40 năm qua, ông Tư vẫn gắn bó thuỷ chung với cây cải tùa xại, không chỉ vì gia đình ông dựa vào sinh kế duy nhất là nghề trồng rẫy, mà ông còn mang cả sự hàm ơn và tự hào lớn lao về sản vật này. “Phải khẳng định là chất lượng cây cải tùa xại ở Khánh Bình vượt trội so với nơi khác. Cải tùa xại ở đây khi làm dưa thì giòn thơm, không có hậu đắng, nhẫn. Cải tùa xại vùng này không chỉ ngon miệng mà còn đẹp mắt về mẫu mã, kích cỡ. Ðặc biệt là cái tâm của bà con trồng cải luôn ý thức để bảo đảm sự an toàn, sức khoẻ cho người ăn. Thế nên, bao nhiêu năm qua, khó có nơi đâu gầy dựng được danh tiếng như cải tùa xại xứ này”, ông Tư bộc bạch.

Lão nông Trần Văn Tư, một trong những người đầu tiên trồng cải tùa xại ở Khánh Bình, khẳng định: "Chừng nào ngày Tết còn món dưa cải thì bà con Khánh Bình vẫn còn trồng cải tùa xại, vậy đó!".

Lão nông Trần Văn Tư, một trong những người đầu tiên trồng cải tùa xại ở Khánh Bình, khẳng định: "Chừng nào ngày Tết còn món dưa cải thì bà con Khánh Bình vẫn còn trồng cải tùa xại, vậy đó!".

Lời của ông Tư khiến người nghe không thể không tin. Bởi gia đình ông chỉ có 3 công đất, trong đó diện tích trồng rẫy chỉ vỏn vẹn 1.000 m2. Từ thửa đất khiêm tốn ấy, ông Tư nuôi nấng vẹn tròn cho đàn con 5 đứa trưởng thành, cơ ngơi gia đình ổn định, mà công lao lớn nhất, như lời ông là “nhờ cải tùa xại”. Vốn tính siêng năng, ông Tư quần quật trồng rẫy mùa này nối vụ khác, mỗi mùa một loại, nhưng mùa đón Tết thì nhất định là trồng cải tùa xại, bất di bất dịch. Lão nông tâm tình: “Trồng cải tùa xại coi dễ mà khó, nắm vững kỹ thuật, kinh nghiệm thì khả năng lớn là thắng lợi. Như thửa đất của tôi, trồng trúng cũng phải thu về 6 tấn, năm nào dở cũng hơn 3 tấn mỗi mùa. Tính hết chi phí, giáp Tết mà có khoản thu mười mấy, hai mươi triệu thì ấm lòng lắm chớ”.

Ông Thái Hữu Luỹ, ấp Rạch Bào, có hơn 30 năm kinh nghiệm trồng cải tùa xại, cho biết: “Trồng cải tùa xại, công cực ở khâu chăm sóc, rồi phải có kỹ thuật, kinh nghiệm mới kết quả. Nếu 1 công ruộng lời chỉ 4-5 triệu đồng/vụ, thì lợi nhuận trồng cải tùa xại phải gấp 4, 5 lần trồng lúa. Vụ mùa trồng cải khoảng hơn 2 tháng, trong đó có 20 ngày bầu hột giống, cấy xuống rẫy khoảng 1 tháng 20 ngày là tới lứa thu hoạch. Mùa cải thu hoạch đúng dịp giáp Tết, bà con có thêm chi phí sắm sửa ăn Tết hoặc tích luỹ cho kinh tế gia đình trong năm mới, nên phấn khởi lắm”.

Khi tôi thắc mắc, sao bà con Khánh Bình mình trồng cải ngon mà không làm dưa để bán, ông Luỹ cười ngất: “Như nhà tôi, mỗi vụ thu hoạch có khi cả chục tấn cải thì làm dưa sao nổi. Cũng có bà con trồng cải làm dưa nghịch vụ, nhưng vất vả lắm, thôi thì mình trồng cải ngon làm nguyên liệu để bán cho mọi người làm dưa ăn Tết, coi như góp chút tấm lòng, công sức cho cái Tết của mọi nhà đều đầy đủ, sung túc, ngon lành, vậy là vui rồi”.

Cải tùa xại, sản vật đầy tự hào của đồng đất Khánh Bình suốt mấy chục năm qua. (Ảnh: Ông Thái Hữu Luỹ chăm sóc vụ cải tùa xại sắp đến ngày thu hoạch dịp cận Tết Ất Tỵ 2025).

Cải tùa xại, sản vật đầy tự hào của đồng đất Khánh Bình suốt mấy chục năm qua. (Ảnh: Ông Thái Hữu Luỹ chăm sóc vụ cải tùa xại sắp đến ngày thu hoạch dịp cận Tết Ất Tỵ 2025).

Mấy năm nay, thời tiết thay đổi, rồi chuyện đầu ra cho nông sản chưa ổn định khiến nghề trồng cải tùa xại ở Khánh Bình cũng lắm thăng trầm. Ông Mai Thanh Khen, Phó chủ tịch Hội Nông dân xã, chia sẻ: “Gần đây thời tiết thất thường, dịch bệnh diễn biến phức tạp khiến năng suất cải tùa xại giảm, có vụ bà con chịu nhiều thiệt hại. Thêm phần giá cải tùa xại mùa cao điểm cận Tết cũng trồi sụt khó đoán, lợi nhuận của bà con vì thế cũng bị ảnh hưởng”.

Tại xã Khánh Bình, ngoài ấp Rạch Bào, một số ấp khác từng là vùng có diện tích trồng cải tùa xại lớn, như Ấp 1/5, Ấp 19/5, ấp Phạm Kiệt, ấp Ông Bích. Dù một số người đã chuyển đổi sang giống cây trồng khác nhưng nhiều người vẫn rất tâm huyết với cải tùa xại. Như lời khẳng định của ông Tư: “Chừng nào ngày Tết còn món dưa cải thì bà con Khánh Bình vẫn còn trồng cải tùa xại, vậy đó!”.

Ði trên đồng đất Khánh Bình những ngày này, cải tùa xại vẫn ngời sắc xanh mướt mắt, ước hẹn mùa màng bội thu. Cải tùa xại với người nông dân nơi đây vẫn là niềm tự hào riêng có, mối nhân duyên chung thuỷ ân tình và vẹn giữ nét duyên quê. Ðâu đây vấn vương hương Tết thật gần...

 

Ghi chép của Phạm Quốc Rin

 

Cựu chiến binh Ngô Văn Xuyên gương mẫu phát triển kinh tế

Không trông chờ, ỷ lại vào các chế độ, chính sách của Nhà nước và sự trợ giúp của địa phương, với bản chất của anh Bộ đội Cụ Hồ, cựu chiến binh Ngô Văn Xuyên (72 tuổi, Ấp 2, xã Tắc Vân) luôn siêng năng, cần cù, tích cực trong lao động, thực hiện nhiều mô hình kinh tế có hiệu quả để tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình.

Gỡ khó, tạo đột phá cho kinh tế lâm nghiệp

Thời gian qua, rừng và đất lâm nghiệp không chỉ góp phần tạo việc làm, cải thiện sinh kế, giảm nghèo, mà còn mang lại giá trị trong nghiên cứu khoa học, bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ môi trường sinh thái để phát triển bền vững. Tuy nhiên hiện nay, kinh tế lâm nghiệp vẫn chưa được phát huy xứng tầm với tiềm năng, do vẫn còn những điểm nghẽn.

Mùa chụp đìa

Vào mùa hạn, khi những cánh đồng nhấp nhô rơm rạ, các con kênh khô nước cũng là lúc vào mùa chụp đìa. Ở xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời, mùa này là lúc bà con nô nức cùng nhau vần công để chụp đìa, chia cá. Dân ở xứ cá đồng cũng vui lây vì có thêm thu nhập lúc nông nhàn.

Hợp tác xã “Cây ăn trái sạch Khánh Hưng” hướng đến môi trường kinh doanh điện tử

Ðược thành lập và đi vào hoạt động hơn 5 năm qua, Hợp tác xã (HTX) "Cây ăn trái sạch Khánh Hưng", xã Khánh Hưng, huyện Trần Văn Thời không ngừng củng cố và nâng cao chất lượng. Ðặc biệt, HTX đang hướng đến môi trường kinh doanh điện tử, nhằm quảng bá sản phẩm và bắt nhịp với quá trình chuyển đổi số.

Sản xuất con giống - Phát triển nghề nuôi thuỷ sản

Giống thuỷ sản là đối tượng phục vụ nghề nuôi thuỷ sản, giúp tăng thu nhập cho nông dân. Tuy nhiên, thời gian qua, do môi trường nước ô nhiễm cùng với việc khai thác, đánh bắt theo cách huỷ diệt đã làm cho giống loài thuỷ sản ở môi trường tự nhiên gần như cạn kiệt.

Triển vọng nuôi cá tra thương phẩm

Hiện nay, nhiều hộ ở vùng ven TP Cà Mau thực hiện mô hình nuôi cá tra khá hiệu quả, mang lại nguồn thu nhập ổn định. Khác với quy mô công nghiệp như ở các tỉnh trong khu vực, mô hình nuôi cá tra ở đây khá đơn giản, ít tốn chi phí, được xem là hướng đi triển vọng cho nông dân.

Ðổi mới để nuôi tôm hiệu quả

Ðầm Dơi là huyện có diện tích nuôi trồng thuỷ sản lớn nhất tỉnh với hơn 62.000 ha, tuy nhiên, do nhiều yếu tố tác động nên đã ảnh hưởng đến sản xuất của người dân. Vì vậy, thời gian qua, nông dân trong huyện đã đổi mới, sáng tạo và thành công với nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, trong đó có không ít mô hình là sáng kiến mới, cách làm hay, đã và đang được huyện nhân rộng.

Tạo động lực bứt phá cho ngành tôm

Ngành tôm - ngành kinh tế mũi nhọn, tiếp tục giữ vai trò chủ lực đóng góp cho phát triển kinh tế tỉnh, đóng góp 49% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp năm 2024, ước đạt 7.476 tỷ đồng. Không chỉ mang lại nguồn thu lớn, góp phần đưa Cà Mau vươn tầm trên bản đồ thuỷ sản Việt Nam và thế giới, ngành tôm còn tạo sinh kế bền vững cho hàng trăm ngàn hộ dân, thúc đẩy mô hình hợp tác, liên kết sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ.

Về xứ rừng bắt cá làm khô

Vùng đất ven biển Tây nói chung, rừng ngập mặn Mũi Cà Mau nói riêng có hệ sinh thái phong phú. Ðặc biệt, xứ này có nhiều hải sản sinh sống, phổ biến nhất là loài giáp xác, tôm, cá... Ngư dân đánh bắt, chế biến nhiều món ăn dân dã hấp dẫn, đặc biệt là các món khô: cá chét, cá đối, cá cơm...

Doanh nghiệp, người nuôi cùng bắt tay thúc đẩy đột phá ngành hàng tôm

Đó là mong muốn của Phó bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thành Ngại tại Hội nghị trực tuyến triển khai kế hoạch phát triển sản xuất đột phá ngành hàng tôm vào sáng nay (22/3). Đồng chủ trì hội nghị có Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử, Phó giám đốc phụ trách Sở Nông nghiệp và Môi trường Châu Công Bằng cùng hơn 280 đại biểu là đại diện các doanh nghiệp lĩnh vực ngân hàng; các tổ chức phi chính phủ, các nhà đầu tư, doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ thuỷ sản và người nuôi tôm trên địa bàn tỉnh.