(CMO) Mục tiêu chương trình phát triển đô thị của TP Cà Mau đến năm 2025, theo Quyết định số 2210/QÐ-UBND ngày 22/12/2016 đã xác định cụ thể từng nhiệm vụ cũng như chỉ tiêu chủ yếu trong lộ trình triển khai các khu vực phát triển đô thị. Theo đó, chương trình xác định đến năm 2020 tỷ lệ đô thị hoá đạt 73,3%; diện tích sàn nhà ở đô thị bình quân đạt 24,9 m2 sàn/người; tỷ lệ nhà kiên cố, khá kiên cố và bán kiên cố đạt khoảng 85%.
Ðến cuối năm 2020, khi báo cáo vấn đề thực trạng nhà ở cho người thu nhập thấp, ông Dư Minh Hùng, Giám đốc Sở Xây dựng, cho biết: Ðến cuối năm 2020, toàn tỉnh chưa có một dự án nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp nào được triển khai.
Hiện Cà Mau còn khoảng 43% người thu nhập thấp có nhu cầu nhà ở xã hội tại các đô thị (nhất là ở TP Cà Mau), theo đó có trên 4.200 hộ dân nghèo thành thị cần nhu cầu nhà ở.
Thiếu nhà nghiêm trọng
Theo kết quả điều tra dân số và nhà ở tỉnh Cà Mau năm 2019, dân số toàn tỉnh đạt 1.194.476 người, trong đó khu vực đô thị hơn 270.000 người, khu vực nông thôn trên 920.000 người; diện tích nhà ở bình quân trên đầu người đạt 21,1 m2/người, khu vực đô thị đạt 21,3 m2/người. Quyết định số 2210/QÐ-UBND, ngày 22/12/2016 của UBND tỉnh phê duyệt Chương trình phát triển đô thị TP Cà Mau đến năm 2025, xác định đến năm 2020 diện tích sàn nhà ở đô thị bình quân đạt 24,9 m2/người.
Khu nhà ở cán bộ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh (Phường 5, TP Cà Mau). Ảnh: QUỐC BÌNH |
Trong khi đó, chỉ tính riêng nhà ở cho người thu nhập thấp tại khu vực đô thị, đến nay tỉnh chỉ mới có 2 khu với 272 căn là nhà ở xã hội kết hợp giải quyết đất ở cho cán bộ, viên chức thuộc Trường Chính trị tỉnh (toạ lạc tại Phường 9) và nhà ở dành cho cán bộ, chiến sĩ thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh (toạ lạc tại Phường 5). Song, khi triển khai, nhiều dư luận rất bất bình liệu các đối tượng ở 2 đơn vị này có thuộc diện thu nhập thấp?
Khu nhà ở xã hội 56 căn kết hợp giải quyết đất ở cho cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Cà Mau tại Khóm 4, Phường 9, TP Cà Mau. Ảnh: QUỐC BÌNH |
Nếu cho rằng vấn đề nhà ở cho người thu nhập thấp như hiện trạng do thiếu đất là không hoàn toàn thuyết phục. Bởi, Cà Mau hiện có 17 dự án nhà ở thương mại đang triển khai, gồm 6 dự án nhà ở thương mại, 8 dự án đất nền thương mại và 3 dự án nhà ở, đất nền thương mại.
Theo Nghị định số 100/2015 về phát triển và quản lý nhà ở xã hội, mỗi dự án, chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở thương mại, dự án đầu tư phát triển đô thị đó có trách nhiệm trực tiếp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên quỹ đất 20% của dự án.
Thiếu trong nền tảng thừa
Như vậy, đồng nghĩa với 17 dự án hiện hữu thì trên địa bàn tỉnh ít nhiều cũng còn trên 30 ha (300.000 m2) được quy hoạch xây dựng nhà ở cho người có thu nhập thấp. Song, Giám đốc Sở Xây dựng Dư Minh Hùng nhận định: “Các nhà đầu tư không mặn mà, bởi không muốn trở thành nhà đầu tư thứ cấp”.
Một sự thật đau lòng suốt hơn 20 năm qua đó là quỹ đất 20% dành để phát triển nhà ở xã hội tại nhiều dự án ở địa bàn TP Cà Mau đang “mất hút”. Với lý do đơn thuần “Nhà đầu tư không muốn trở thành nhà đầu tư thứ cấp”. Lý do thiếu thuyết phục của sự yếu kém trong quản lý ấy vô tình đẩy hàng ngàn người nghèo và cán bộ, công chức, viên chức thu nhập thấp lao vào cảnh “mơ nhà” trong tuyệt vọng của nguyện ước an cư lạc nghiệp.
Hiện nay, giá nhà ở tại đô thị TP Cà Mau lại liên tục tăng cao, mà nguồn cung nhà ở xã hội thì ngày càng hạn hẹp. Ðơn cử, khu đô thị Hoàng Tâm là một trong những dự án nhà ở hình thành sớm nhất ở Cà Mau. Có lúc giá bất động sản của khu vực này chạm đáy thuộc diện thấp nhất thành phố, nhưng cũng không dưới 300 triệu đồng/căn nhà vào năm 2015. Từ năm 2018, khi hạ tầng khu dân cư đô thị này dần hoàn thiện thì giá nhà, đất liên tục tăng, dao động trên 780-900 triệu đồng/căn (7,8-9 triệu đồng/m2); nền đất vì thế cũng tăng theo từ trên 7 triệu đồng/m2.
Các dự án nhà ở của Công ty Phát triển nhà Minh Hải cũng đang nhích dần về phía 1 tỷ đồng/căn nhà từ việc sang bán lại giữa các hộ dân. Trong khi đó, thời gian năm 2020 vừa qua, hàng loạt dự án dân cư thương mại, như Minh Thắng, Licogi, Happy Home lần lượt rao bán giá đất nền từ 10 triệu đồng/m2 trở lên tuỳ theo kích thước và trục, tuyến của con đường. Với mức giá này, một viên chức, người lao động mức lương 6 triệu đồng/tháng khó lòng sở hữu, mặc dù vốn mua nhà được nhiều ngân hàng hỗ trợ vay từ 15-20 năm.
Khi cung yếu hơn cầu thì vấn đề tăng giá, đội giá, thậm chí chấp nhận rủi ro trong đầu tư xây dựng nhà ở sai quy hoạch để phục vụ mục đích an cư khó tránh khỏi. Ðây cũng là hệ luỵ rất lớn dẫn đến hàng trăm hẻm tự phát, hàng ngàn ngôi nhà trái phép mọc lên ở giữa lòng TP Cà Mau trong hơn 10 năm trở lại đây.
Theo thống kê của Sở Xây dựng và UBND TP Cà Mau, hiện toàn tỉnh có 1.825 căn nhà xây dựng tại 424 hẻm tự phát. Vấn đề hẻm tự phát và nhà trái phép được xác định hình thành trong vỏn vẹn 11 năm, từ sau tách tỉnh năm 1997 đến năm 2008. Trong đó, nổi cộm nhất trong 2 năm 2016 và 2018, giai đoạn này, toàn tỉnh đã hình thành mới 17 hẻm. Theo nhận định của HÐND tỉnh tại Chương trình Phát triển nhà ở tỉnh Cà Mau đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, tất cả các hẻm tự phát nêu trên đều thực hiện phân lô, bán nền và xây dựng nhà sai quy định (vì hẻm và nhà đều xây dựng trên đất nông nghiệp).
Nguyên nhân được xác định là do hầu hết những hộ dân có hoàn cảnh khó khăn, hộ dân không có nhà ở và hộ dân bị giải toả trắng của các dự án trên địa bàn TP Cà Mau (dự án chợ nổi Phường 7, dự án Nâng cấp đô thị TP Cà Mau). Song, các ngành cũng đã thẳng thắn nhận định, do công tác quản lý trật tự xây dựng từng lúc còn chưa chặt chẽ./.
Bài 2: GIẢI “CƠN KHÁT”
Phong Phú