(CMO) Trước vấn đề bức bách này, HÐND tỉnh Cà Mau dự báo đến năm 2025 nhu cầu nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp và các đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội khoảng trên 16.500 người (4.200 căn); đến năm 2030 sẽ đạt mốc trên 22.500 người có nhu cầu (trên 5.700 căn).
Khu nhà ở thương mại Happy Home đang trong quá trình xây dựng, mở rộng. Giá chào bán đến khách hàng từ 10 triệu đồng/m2 trở lên, người thu nhập thấp khó tiếp cận. Ảnh: QUỐC BÌNH |
Trong khi đó, để đáp ứng nhu cầu, ngành xây dựng tỉnh dự báo đến năm 2025 sẽ tạo nguồn cung khoảng trên dưới 1.000 căn (ít hơn nhu cầu dự báo 3.200 căn) trên địa bàn TP Cà Mau, với tổng diện tích sàn khoảng 60.000 m2. Giai đoạn 2026-2030 sẽ tạo nguồn cung 2.000 căn khác (thấp hơn nhu cầu dự báo 3.700 căn), với tổng diện tích sàn 120.000 m2. Trong đó, có 500 căn ở địa bàn thị trấn Sông Ðốc, huyện Trần Văn Thời.
HÐND đã thông qua Nghị quyết số 25 ngày 9/12/2020, cụ thể giai đoạn 2021-2025, tỉnh phấn đấu có diện tích nhà ở bình quân đầu người toàn tỉnh đạt khoảng 23 m2 sàn/người, trong đó khu vực đô thị 23,8 m2 sàn/người và khu vực nông thôn 22,6 m2 sàn/người; diện tích sàn nhà ở tối thiểu đạt 12 m2 sàn/người; phát triển mới gần 3,5 triệu m2 sàn nhà ở, nâng tổng diện tích sàn nhà ở toàn tỉnh đến năm 2025 đạt hơn 28,7 triệu m2.
Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát để kịp thời hỗ trợ về nhà ở cho các hộ gia đình người có công với cách mạng và hộ nghèo; giảm tỷ lệ nhà thiếu kiên cố và nhà đơn sơ trên địa bàn tỉnh xuống dưới 15%.
Theo đó, quỹ đất phục vụ phát triển nhà ở đến năm 2025 tỉnh cần khoảng 586 ha. Trong giai đoạn này, nguồn vốn cần để phát triển nhà ở trên 20.550 tỷ đồng.
Ðến giai đoạn 2026-2030, diện tích nhà ở bình quân đầu người toàn tỉnh đạt khoảng 25,4 m2 sàn/người; phát triển mới gần 4,8 triệu m2 sàn nhà ở, nâng tổng diện tích sàn nhà ở toàn tỉnh đến năm 2030 gần 33,5 triệu m2; giảm tỷ lệ nhà thiếu kiên cố và nhà đơn sơ trên địa bàn tỉnh xuống dưới 10%.
Theo ước tính, đến năm 2030 quỹ đất phục vụ phát triển nhà ở toàn tỉnh khoảng 969 ha; nguồn vốn cần để đầu tư xây dựng hơn 29.694 tỷ đồng. Song, nếu xem xét tổng thể lại nảy sinh những vấn đề cần tháo gỡ ngay trong nội tại của nó. Ví như, nhu cầu về nhà ở thì đối tượng, thành phần nào, sống ở khu vực nông thôn hay thành thị cũng rất cần thiết. Nhưng xem ra nhu cầu về nhà ở cho người thu nhập thấp (ở đô thị) như đã dự báo trong 5 năm, 10 năm tới cũng chỉ đạt các mốc xấp xỉ 4.200 và 5.700 căn.
Trong khi đó, dự báo tình hình nhu cầu hiện hữu về nhà ở thương mại và nền đất hiện hữu, tỉnh Cà Mau đang cần 5.000 căn nhà và nền. Trong 5 năm, 10 năm tới, nhu cầu này còn tăng mạnh hơn nữa khi dân cư biến động theo chiều hướng gia tăng dân số, như tách hộ và khả năng tích luỹ tài chính cho nhà ở. Chính vì thế, các nhà nghiên cứu và ngành chức năng tỉnh Cà Mau đã đưa ra dự báo đến 10 năm nữa, Cà Mau sẽ phải cần khoảng 20.000 căn hộ và nền nhà cho nhóm đối tượng có nhu cầu nhà ở thương mại.
Song song với các hoạch định nhu cầu, dự báo xã hội giai đoạn gần và lâu dài, tỉnh nỗ lực tranh thủ đáp ứng nhu cầu đến năm 2025 sẽ xây dựng thêm hơn 6.000 căn cho nhóm đối tượng này (vượt nhu cầu dự báo trên 1.000 căn) và giai đoạn từ năm 2026 đến 2030 sẽ xây dựng khoảng 12.000 căn (thấp hơn nhu cầu 8.000 căn).
Ngoài hai nhóm đối tượng của nhà ở thương mại và nhà ở cho người thu nhập thấp, các đối tượng hưởng chính sách xã hội tỉnh Cà Mau đã và đang rất cần quỹ đất, kinh phí để đảm bảo nhà ở cho lực lượng công nhân, người lao động ở các khu công nghiệp và nhà ở xã hội cho sinh viên cũng như các đối tượng tái định cư, hộ nghèo, nhà công vụ…
Riêng 2 nhóm đối tượng công nhân, người lao động tại khu công nghiệp, đến năm 2025 có nhu cầu 2.250 căn và tăng lên thêm 2.750 căn vào năm 2030. Nhóm sinh viên, dự báo 5 năm nữa tỉnh có 2.500 đối tượng có nhu cầu nhà ở xã hội và con số này tăng lên vào 10 năm sau là 3.000 đối tượng có nhu cầu.
Ðể đảm bảo các nhu cầu bức bách như hoạch định, trước mắt thiết nghĩ cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý đất đai, công tác quy hoạch; xem xét rà soát, bố trí, sắp xếp lại quỹ nhà đất không phù hợp quy hoạch để chuyển đổi mục đích sử dụng, nhằm đảm bảo quy hoạch, khai thác, sử dụng hợp lý với các công trình giao thông bộ. Bên cạnh đó, đã đến lúc phải thực hiện nghiêm chỉnh quy định sử dụng 20% quỹ đất ở trong các dự án nhà ở xã hội có quy mô từ 10 ha trở lên để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.
Ðừng để tình trạng thiếu trong nền tảng thừa về nhà ở, đất ở như đã diễn ra là mong mỏi không chỉ của chính người có nhu cầu mà cả cơ quan chức năng. Bởi hệ luỵ của vấn đề bức bách về nhà ở một khi “vỡ trận” thì giải quyết hậu quả rất nặng nề. Vì không những ảnh hưởng về tài chính, an ninh xã hội, kiến trúc và mỹ quan đô thị… mà còn ảnh hưởng đến các mặt đời sống, xã hội.
Với những nghiên cứu, dự báo và hoạch định năng lực đáp ứng các đối tượng cần nhà ở, tin rằng những bước đi phù hợp nhất trong thời gian tới sẽ hiện thực hoá quyết sách có lý, hợp tình./.
Phong Phú