Bên cánh đồng lúa xanh thẳm, lão nông Ngô Văn Việt, Ấp 19/5, xã Khánh Bình, huyện Trần Văn Thời, khoe: “Năm nay là năm đầu tiên người dân nơi đây sản xuất được 3 vụ lúa trong năm và đây là năm nông dân sản xuất lúa bán với giá cao nhất, trên 9 ngàn đồng/kg. Với giá lúa hiện tại, sau khi trừ chi phí, người dân còn lợi nhuận từ 25-30 triệu đồng/ha.
Thành công nối tiếp thành công
Theo ông Việt, trước đây đồng đất Cà Mau được biết đến là vùng đất độc canh vụ lúa mùa, năng suất thấp, cái nghèo luôn quẩn quanh. Nhận diện từ những khó khăn đó, Ðảng và Nhà nước đề ra hàng loạt cơ chế, chính sách đầu tư cho nông dân, nông nghiệp, nông thôn. Bên cạnh đó, sự lao động cần mẫn, miệt mài của người dân đã đánh thức tiềm lực của ngành nông nghiệp. Hôm nay, vẫn là vùng đất đó nhưng trù phú hơn xưa nhờ người dân tích cực áp dụng khoa học - công nghệ, chuyển đổi cơ cấu giống, từ 1 vụ lúa lên 2 vụ, rồi 3 vụ, năng suất không ngừng tăng. Thành quả này không chỉ đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, mà còn góp phần cùng cả nước đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới.
Cùng chung niềm vui với nhiều lão nông vùng ngọt hoá, hiện nay bà con nông dân vùng chuyển dịch bắt tay vào thu hoạch vụ lúa trên đất nuôi tôm. Anh Nguyễn Thái Nguyên, ấp Rạch Lăng, xã Lợi An, huyện Trần Văn Thời phấn khởi: "Năm nay giá lúa trên thị trường cao hơn so với cùng kỳ khoảng 3 ngàn đồng/kg. Với tín hiệu vui này, hy vọng sang năm mới giá lúa tiếp tục ổn định để bà con an tâm sản xuất, làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương".
Công ty Thuận Xương (Phường 7, TP Cà Mau) cung cấp cho khách hàng trong và ngoài tỉnh khoảng 400 tấn gạo/tháng.
Ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết, từ khi Ðề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh được triển khai, tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành nông nghiệp đạt trên 4,7%/năm; giá trị kim ngạch xuất khẩu hằng năm đạt từ 1,2-1,3 tỷ USD, hiệu quả sản xuất trên một đơn vị diện tích đất không ngừng tăng theo. Ngành nông nghiệp thật sự là trụ đỡ của nền kinh tế tỉnh nhà.
Không dừng lại đó, Cà Mau từng bước quy hoạch phát triển sản xuất gắn với chuỗi liên kết, dần hình thành các vùng sản xuất nguyên liệu tập trung quy mô lớn, chuyên canh nông sản chủ lực (tôm, lúa gạo) gắn với liên kết tiêu thụ theo chuỗi giá trị nông sản. Trên địa bàn tỉnh có 26 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo với 11 doanh nghiệp, 18 hợp tác xã. Ngoài 50.000 ha lúa sản xuất theo hướng an toàn, toàn tỉnh có trên 6.687 ha lúa hữu cơ, VietGAP, đạt tiêu chuẩn quốc tế như NOP, EU và JAS…
Nâng tầm nông sản
Năm 2023 được xem là năm được mùa của ngành lúa gạo Việt Nam. Xuất khẩu gạo cả nước thu về 4,41 tỷ USD trong 11 tháng đầu năm 2023, tăng 36% so cùng kỳ năm trước. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu gạo năm 2023 dự báo lập đỉnh trên 4,7 tỷ USD. Ðây là con số cao nhất, từ khi gạo Việt Nam tham gia thị trường thế giới.
Kỹ sư Nguyễn Trần Thức, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, cho biết: “Gạo ST25 của Việt Nam lần thứ 2 đạt danh hiệu gạo ngon nhất thế giới. Trước đó, vào năm 2019, gạo ST25 của Việt Nam cũng đạt được danh hiệu này. Giống lúa ST25 là giống lúa đặc sản, sinh trưởng và phát triển tốt trên vùng đất phèn, mặn, thích hợp cho sản xuất xen canh 1 vụ lúa, 1 vụ tôm trên đồng đất Cà Mau”.
Vụ lúa - tôm năm 2023, toàn tỉnh xuống giống được trên 39.696 ha, tăng 8,1% so kế hoạch, tăng 4,7% so cùng kỳ; trong đó có trên 10.000 ha lúa ST24 và ST25. Ảnh: NHẬT MINH
Cũng theo ông Thức, xét về điều kiện địa lý, thổ nhưỡng, gạo ST24 và ST25 sản xuất trên vùng đất Cà Mau rất ngon. Ðiều đó đòi hỏi chúng ta phải có chiến lược dài hạn cho cây lúa, từ việc quy hoạch ổn định diện tích đất trồng lúa, thực hiện các quy trình trồng lúa chất lượng cao, đến nâng cao giá trị gia tăng cho hạt gạo và mở rộng thị trường xuất khẩu. Phải bảo đảm lợi nhuận, nâng cao mức sống cho người trồng lúa để tạo động lực giữ đất ruộng và sản xuất lúa.
Theo kế hoạch, đến năm 2025 Cà Mau có 25.000 ha, đến năm 2030 tăng lên 30.000 ha đất trồng lúa, đây là cơ hội rất lớn cho ngành lúa gạo. Sẽ không còn sản xuất manh mún, nhỏ lẻ nữa, xu hướng là tập trung thành vùng rộng lớn để phát triển đồng bộ, tạo ra sản phẩm chất lượng cao, tạo nên hệ sinh thái ổn định, bền vững.
Tỉnh đề ra mục tiêu đến năm 2025 tốc độ tăng trưởng GRDP ngành nông nghiệp đạt 5%/năm; ngư, nông, lâm nghiệp chiếm tỷ trọng 28,7% trong cơ cấu kinh tế. Ảnh: NHẬT MINH
Thực tế cho thấy, trục kinh tế nông nghiệp của tỉnh đang dần xoay chuyển theo chiều hướng phù hợp, không chỉ chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi mà các mô hình sản xuất được định hình lại theo từng vùng, bảo đảm tính hài hoà, phù hợp với điều kiện sản xuất vốn có của từng địa phương./.
Trung Đỉnh