Tiêm phòng vắc xin là một trong những giải pháp hữu hiệu để phòng tránh dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm. Thế nhưng, sau hơn nửa năm đưa vào sử dụng đại trà, vắc xin tả heo châu Phi vẫn chưa đến tay người dân.
Theo báo cáo nhanh của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã xảy ra 16 ổ dịch tả heo châu Phi tại 13 xã và thị trấn của 5 huyện, gồm xã Tam Giang (huyện Năm Căn); xã Phú Mỹ, Nguyễn Việt Khái (huyện Phú Tân); xã Khánh Bình, Khánh Bình Tây, Khánh Bình Tây Bắc, Khánh Hải, Trần Hợi và thị trấn Trần Văn Thời (huyện Trần Văn Thời); xã Trí Phải, Tân Bằng, thị trấn Thới Bình (huyện Thới Bình); xã Khánh Thuận (huyện U Minh). Tổng số heo mắc bệnh và tiêu huỷ 472 con, trọng lượng 27.842 kg; hiện nay còn 10 ổ dịch tả heo châu Phi chưa qua 21 ngày.
Trước tình hình dịch tả heo châu Phi liên tiếp xảy ra, người chăn nuôi luôn ý thức sát trùng chuồng trại.
Bà Huỳnh Thị Ái Xuyên, Phó trưởng phòng Quản lý dịch bệnh, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, nhận định: Hiện nay, tình hình dịch tả heo châu Phi trên địa bàn tỉnh đang diễn biến phức tạp, vi rút dịch tả heo châu Phi là vi rút độc lực cao, có thể tồn tại trong môi trường thời gian dài, nguy cơ dịch bệnh bùng phát và lan rộng trong thời gian tới là rất cao (do chăn nuôi nông hộ vẫn chiếm tỷ lệ lớn, điều kiện chưa đảm bảo các yêu cầu chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh). Ðặc biệt, khoảng 60% sản lượng thịt gia súc, gia cầm nhập tỉnh nhưng công tác vận chuyển, mua bán, giết mổ gia súc, gia cầm thời gian qua chưa thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch bệnh.
Sau hơn 100 năm xuất hiện, hiện nay dịch tả heo châu Phi vẫn chưa có thuốc đặc trị, do vậy tiêm phòng vắc xin là giải pháp phòng bệnh hiệu quả nhất. Theo bà Huỳnh Thị Ái Xuyên, hiện nay, trên thị trường có 2 loại vắc xin phòng bệnh dịch tả heo châu Phi là NAVET-ASFVAC của Công ty Cổ phần Thuốc thú y Trung ương NAVETCO và AVAC ASF LIVE của Công ty Cổ phần AVAC Việt Nam sản xuất đã được cấp giấy chứng nhận lưu hành thương mại trên phạm vi cả nước.
Theo bà Huỳnh Thị Ái Xuyên, tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh Cà Mau chưa có doanh nghiệp nào đăng ký đặt mua vắc xin phòng chống dịch tả heo châu Phi về cung ứng cho người chăn nuôi trong tỉnh. Một mặt do giá vắc xin còn cao, vắc xin NAVET-ASFVAC của Công ty Cổ phần Thuốc thú y Trung ương NAVETCO trên 35 ngàn đồng/liều/con; còn vắc xin AVAC ASF LIVE của Công ty Cổ phần AVAC Việt Nam giá trên 60 ngàn đồng/liều/con, nhưng chỉ tiêm phòng được cho đàn heo thịt, còn heo nái và heo đực giống chưa tiêm phòng được. Vì vậy, người chăn nuôi còn e dè, chưa tin tưởng thật sự vào tính hiệu quả của vắc xin. Còn về phía ngành, chỉ đang có kế hoạch tham mưu UBND tỉnh xuất kinh phí phòng, chống dịch bệnh đặt mua vắc xin tiêm cho heo trong vùng dịch; trong khi đó, người chăn nuôi nhỏ lẻ không thể tự đặt mua vắc xin vì số lượng ít, lại gặp khó trong khâu bảo quản và vận chuyển vắc xin.
Anh Trần Văn Tâm, một hộ nuôi heo, cho biết: "Với giá mỗi liều vắc xin khoảng 35 ngàn đồng, giá chưa đầy 1 kg heo hơi, người nuôi sẵn sàng mua. Nhưng cái chính là mua ở đâu, từ Cà Mau phải chạy lên Bạc Liêu, Sóc Trăng để mua mấy liều vắc xin tả heo châu Phi thì quá bất tiện. Vì vậy, gia đình tôi vẫn chưa tiêm phòng vắc xin cho đàn heo; cũng vì thế mà nỗi lo dịch bệnh luôn rình rập".
Ông P.V.H, một chủ cửa hàng kinh doanh mua bán thuốc thú y - thuỷ sản, tại Phường 2, TP Cà Mau, cho biết, mỗi ngày có hàng chục khách hàng và người chăn nuôi đến tìm mua vắc xin phòng tả heo châu Phi, nhưng cửa hàng không có để bán. Ðây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến dịch tả heo châu Phi tái bùng phát và lây lan nhanh như hiện nay.
Ðể chủ động phòng, chống bệnh dịch tả heo châu Phi và sử dụng vắc xin dịch tả heo châu Phi an toàn, hiệu quả, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã có Văn bản số 4870/ BNN-TY đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các sở, ngành, chính quyền các cấp tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống bệnh theo đúng tinh thần chỉ đạo tại các văn bản của Ðảng, Nhà nước, quy định của Luật Thú y; các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thú y và xem xét, quyết định việc sử dụng vắc xin dịch tả heo châu Phi.
Với loại bệnh nguy hiểm như dịch tả heo châu Phi, hiện chưa có thuốc đặc trị, thì vắc xin là giải pháp phòng bệnh hiệu quả nhất hiện nay. Chủ trương đã có, nhưng khâu thực hiện đang còn nhiều bất cập, vì vậy dịch bệnh liên tiếp xảy ra, gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh./.
Trung Ðỉnh