(CMO) Tiên phong sáng tạo, biến ý tưởng thành hiện thực trong việc tìm ra nguồn nguyên liệu mới cho mặt hàng đan đát thủ công mỹ nghệ xuất khẩu, chị Dương Thị Bé Tư (sinh năm 1983, đảng viên, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ Ấp 9, xã Thới Bình, huyện Thới Bình) đã tạo sinh kế với thu nhập ổn định cho chị em phụ nữ nông thôn, góp phần vào công tác giảm nghèo của địa phương.
Chị Dương Thị Bé Tư - người biến ý tưởng thành hiện thực, tạo sinh kế mới cho phụ nữ nông thôn Cà Mau.
Chị Bé Tư cho biết, trước đây chị và nhiều phụ nữ địa phương làm gia công mặt hàng đan đát cây lục bình cho một đầu mối ở Kiên Giang, nhưng nguồn nguyên liệu không có sẵn tại địa phương, phải đi mua ở các tỉnh khác nên giá thành cao, không có lãi nhiều. Rồi chị suy nghĩ, quê mình có cây năn tượng bao la, mọc hoang rất nhiều trong vuông tôm, nếu thay thế được cây lục bình thì sẽ lãi to. Và thế là chị bắt tay thử nghiệm làm một số mặt hàng đan đát mỹ nghệ từ năn tượng, như: nón, cặp, bình hoa, rổ đựng trái cây... Nhận thấy sản phẩm rất bền chắc và mang tính thẩm mỹ cao hơn cả sản phẩm từ lục bình, chị chào hàng thử vài nơi và rất được ưa chuộng, sản phẩm làm ra tới đâu bán hết đến đó.
Cây năn tượng rất quen thuộc đối với người Cà Mau. Bà con thường trồng nó nhiều trong vuông nuôi tôm để làm cho mát đầm và có chỗ cho tôm trú ngụ.
Còn theo khoa học, cây năn tượng thuộc họ lác, có tên là Scirpus Littoralis Schrad, là loại cây hoang mọc tự nhiên trong các đầm lầy ven biển, có thân tròn bằng đầu đũa ăn, chiều cao khoảng 1,6 m. Cây có chức năng lọc mặn, cải tạo ao tôm, điều hòa nhiệt độ trong nước, gây tảo, tạo thức ăn tự nhiên cho tôm nếu được trồng với mật độ thích hợp. Nhưng khi mật độ dày quá, nó sẽ chiếm nhiều diện tích mặt nước, gây hại cho con tôm, nên người dân phải chặt bỏ bớt. Đây chính là nguồn nguyên liệu dồi dào cho sản xuất mặt hàng thủ công mỹ nghệ của chị Bé Tư mà từ trước đến nay ở địa phương chưa ai nghĩ tới.
Cây năn tượng (tên khoa học là Scirpus Littoralis Schrad) được người dân trồng rất nhiều trong vuông tôm, đây là nguồn nguyên liệu dồi dào cho sản xuất mặt hàng đan đát thủ công mỹ nghệ.
Cảnh thu hoạch năn tượng trong vuông nuôi tôm. Bước đầu người dân cho các thành viên Tổ đan đát Tân Hương Bình của chị Bé Tư thu hoạch miễn phí, nên đã giảm được chi phí đầu vào.
Cây năn tượng sau khi thu hoạch được phơi khô dưới ánh nắng mặt trời để ổn định màu sắc và tăng độ dẻo - dai, tạo nên sự hoàn hảo cho mặt hàng thủ công mỹ nghệ.
Ngày 10/3/2021, chị Bé Tư thành lập Tổ đan đát thủ công mỹ nghệ Tân Hương Bình, quy tụ 25 chị em phụ nữ địa phương làm thành viên và đích thân hướng dẫn từ cách thu hoạch năn tượng, phơi khô cho đến cách đan sản phẩm. Sau khi lành nghề, các thành viên trong tổ tiếp tục truyền nghề cho phụ nữ ở các địa phương lân cận.
Hiện nay, Tổ đan đát Tân Hương Bình của chị Bé Tư tạo được khoảng 10 mặt hàng, trong đó mặt hàng rổ đựng trái cây đã được xuất sang Mỹ thông qua một công ty đầu mối ở Sóc Trăng. Và dự kiến trong năm 2023 chị sẽ nâng lên thành Hợp tác xã để được hưởng ưu đãi và dễ trong khâu tiêu thụ sản phẩm hơn.
Chị Bé Tư (người đứng) hướng dẫn kỹ thuật đan sản phẩm cho chị em phụ nữ trong tổ. Sau khi lành nghề, các thành viên trong tổ tiếp tục hướng dẫn kỹ thuật cho chị em phụ nữ ở các địa phương lân cận.
Tổ đan đát thủ công mỹ nghệ Tân Hương Bình đã tạo được gần 10 mặt hàng, trong đó rổ đựng trái cây là hot nhất và là sản phẩm chủ lực để xuất sang Mỹ.
Mỗi thành viên lành nghề có thể làm được từ 30-50 sản phẩm/tuần, thu nhập từ 3-5 triệu đồng.
Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ chủ lực của Tổ đan đát Tân Hương Bình từ cây năn tượng được thị trường ưa chuộng.
Từ một người làm công, nhưng với sự sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, chị Dương Thị Bé Tư đã vươn lên làm chủ và tạo sinh kế mới cho phụ nữ nông thôn, chị xứng đáng là phụ nữ “2 giỏi”, tấm gương tiêu biểu trong phong trào “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, một thủ lĩnh của phụ nữ địa phương trong công tác giảm nghèo, một đảng viên gần dân, gắn bó với dân./.
Nguyễn Bình Lam Khuê