(CMO) Ngoan cường, anh dũng trong thời chiến, đến thời bình ông lại ra sức tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, cùng địa phương ngày một đi lên. Dù chiến tranh đã lùi xa, nhưng nhắc lại, ký ức vẫn như nguyên vẹn, ở đó có niềm tin, có tình đồng đội, đồng chí và hơn hết là cái nghĩa của người Việt Nam, không ngại gian khổ lên đường giúp bạn trong thời khốn khó. Câu chuyện của ông Nguyễn Văn Chà, thương binh 2/4, ngụ Ấp 10, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh, mang đến cảm xúc rất riêng, về người may mắn trở về từ thời chiến.
Ông Nguyễn Văn Chà năm nay 59 tuổi, quê xã Lương Thế Trân, huyện Cái Nước. Xuất ngũ, ông cùng vợ về Ấp 10, xã Nguyễn Phích sinh sống và “bám rễ” ở đây cho đến nay. Cao dong dỏng, dù phải chống nạng nhưng ông rất lẹ làng, giỏi giang, làm được những việc mà người lành lặn có khi chưa làm được. Tính tình chất phác, đúng chuẩn dân miền Tây sông nước, hay nói vui, pha trò nên ở đâu có ông là ở đó xôm tụ, vui vẻ. Bà con chòm xóm quý mến thường gọi ông là Sáu Chà hay “Chà Cụt”.
Dù khiếm khuyết một bên chân nhưng ông Chà vẫn miệt mài lao động sản xuất. |
Kể về quá khứ, kể về thời chiến, qua câu chuyện của ông cho thấy, dù trong chiến tranh ác liệt, phải rời quê đi giúp bạn nhưng chàng thanh niên trượng nghĩa tuổi đôi mươi năm ấy vẫn rất lạc quan. Có lẽ điều đó giúp ông sống, chiến đấu và trở về.
Năm 1984, ông Chà theo lệnh nhập ngũ và qua chiến trường Campuchia chiến đấu giúp nước bạn chống lại chế độ diệt chủng Khmer đỏ. Nhà đông anh em, mẹ mất sớm, lớn lên đi bộ đội, những ngày tháng được huấn luyện trên thao trường, ông thấm nhuần câu nói “Ðổ mồ hôi đỡ đổ máu”, nên quyết tâm tôi luyện, học tập trong quân ngũ.
“Ði giúp bạn mà cũng tự giúp mình”, ông lên đường sang Campuchia theo diện bộ đội tình nguyện của Việt Nam, lúc ấy gia nhập vào Tiểu đoàn Công binh, thuộc Sư đoàn F330 D14. Ông giữ chức trung đội trưởng, nhiệm vụ gài mìn mở đường và làm lộ thông đường. Năm 1987, trong một lần mở đường gỡ mìn, ông vĩnh viễn gửi lại chân trái nơi xứ bạn, như một chiến tích vẻ vang, hào hùng.
Dù mất một chân, thương tích 2/4, nhưng ông không bi quan vì cảm thấy mình vẫn may mắn khi được trở về đoàn tụ với người thân, về lại với quê hương, xứ sở. Ông trầm ngâm: “Tôi không buồn vì ít nhất tôi còn được trở về, trong khi nhiều đồng hương, đồng đội phải nằm lại...”.
Năm 1988 xuất ngũ, anh thanh niên năm nào chững chạc hơn, mạnh mẽ hơn, về giữ hàng đáy tại huyện Ðầm Dơi và tại đây ông đã gặp được người kết nghĩa trăm năm, bà Nguyễn Thị Hương.
Những năm 1990, Nhà nước có chính sách ưu tiên cho thương binh có hoàn cảnh khó khăn nhận đất canh tác, sau thời gian suy nghĩ, ông và vợ khăn gói về Ấp 10, xã Nguyễn Phích, của cải ra riêng lúc này được 2 cái chén, 2 đôi đũa, một cái sạp không lành lặn và 7 ha đất rừng được cấp.
Xã Nguyễn Phích lúc bấy giờ còn hoang sơ, trên thì sậy cỏ mọc không thấy mặt người, “trước phát sau lên”, nước nhiễm phèn nặng đục đỏ ngầu cả con kênh, chưa có lộ, mỏm đất cao nhấp nhô như muốn thử thách lòng người.
Sau thời gian thử trồng, cải tạo canh tác, nhưng nghèo vẫn hoàn nghèo, nhiều đêm suy nghĩ, ông cũng muốn rời đi, đã có người ngỏ ý mua lại đất với giá 2 chỉ vàng, bằng cả “gia tài” thời bấy giờ của ông. “Thật sự là lúc đó buông xuôi rồi, tính rời đi về quê, nhưng để có cơ ngơi như ngày nay phải nói thiệt một câu là khen bả (vợ ông Chà), tôi bàn với bả, bả nói một câu tôi nhớ suốt đời, số nghèo đi đâu cũng nghèo à ông ơi. Nghĩ vậy tôi ở lại, quyết chí làm ăn, phải sống và sống được ở nơi này”, ông Chà quyết tâm.
Từ ngày đó, ông làm đủ thứ nghề, trong đó có nghề mua ngọn tràm về hầm than bán. Nhưng nghề giúp ông phất lên phải kể đến cây chuối. Từ ngày Nhà nước cho xáng cuốc mở kênh, đắp lộ, thông cống, 7 ha đất năm nào một phần trồng keo lai, một phần trồng chuối. Từ từ cải tạo nên đất nay không chỉ trồng được cây ăn trái, nuôi cá đồng mà còn trồng hoa, cây kiểng tô điểm ngôi nhà cũng như tô vẽ cho cuộc đời ông thêm những gam màu tươi sáng.
Lộ mở thông thương đã thẳng lối, ông Chà bàn với vợ mở một tiệm tạp hoá nho nhỏ bán đủ thứ vật dụng, trước dùng trong nhà, sau là kiếm ít tiền chợ, tiền điện, sinh hoạt, coi như lấy ngắn nuôi dài.
Nhờ siêng năng, hay làm, ông Chà kết thân với bà con chòm xóm, đổi công giúp nhau sản xuất. Ông Tạ Văn Cáo (65 tuổi) ở cùng ấp, chia sẻ: “Ổng hiền và dễ tính lắm, còn khoản siêng năng thì khỏi nói, có một chân thôi, vậy mà làm công chuyện đố ai làm lại. Sống chan hoà nên xóm giềng quý nhau lắm, có việc gì vui, làm ra đồng tiền là rủ nhau cùng làm”.
Kinh tế ổn định, từ vùng đất nhiễm phèn nặng mà nay qua đôi bàn tay của “Chà Cụt”, mảnh đất ngày nào nay thu lợi hơn trăm triệu đồng mỗi năm. Năm 2015, với sự giúp sức của Mhà nước, mạnh thường quân, ông Chà được hỗ trợ 60 triệu đồng, cùng mớ vốn tích luỹ, xây được căn nhà tình nghĩa tươm tất.
Giờ đây, trong ngôi nhà yêu thương, có cháu con xúm xít, ông đã có thể an nhàn hưởng trái ngọt gieo bao năm qua. Bằng nghị lực phi thường, bằng mồ hôi công sức, ý chí mãnh liệt vươn lên thoát nghèo, ông Nguyễn Văn Chà xứng đáng là tấm gương thương binh tàn nhưng không phế, khiến nhiều người thán phục./.
Yến Nhi