(CMO) Thành lập từ tháng 9/2020, Tổ hợp tác (THT) trồng nha đam ấp Tân Ðức, xã Tân Ðức không ngừng phát triển, mở rộng quy mô đất canh tác nha đam trong vùng, là địa chỉ cung ứng thực phẩm sạch đầy tiềm năng trên quê hương Ðầm Dơi.
Cái tên "Cô Ba Gần" được THT thống nhất đặt cho thương hiệu nha đam cũng là một cái duyên. Ðược biết, Ba Gần là tên gọi thân thương về người con gái thứ ba của chị Phương (Dương Thị Hồng Phương, Tổ trưởng THT). Chính Ba Gần là người gợi ý cho mẹ trồng, nhân rộng nha đam để làm kinh tế. Tuy mới học lớp 8, nhưng Ba Gần có khiếu buôn bán, cũng là người hướng dẫn mẹ đăng tải hình ảnh sản phẩm và bán sản phẩm trên mạng xã hội.
Ðể dễ dàng vận chuyển xa, sản phẩm được hút chân không với quy cách gói 1 kg. |
Sản phẩm được xã Tân Ðức chọn tham gia chương trình OCOP. Ðây là điều kiện để thương hiệu nha đam Cô Ba Gần tiến xa hơn trong thời gian tới. |
Nha đam được THT trồng là giống Việt Nam, so với các giống khác thì cây dễ trồng, dễ chăm sóc, rút ngắn thời gian thu hoạch. Bên cạnh đó, cây có thể chịu nóng, hạn, bẹ nha đam có kích thước lớn, bình quân cứ 3-5 bẹ sẽ đạt trọng lượng 1 kg, chỉ cần trồng qua một đợt ban đầu là có thể thu hoạch lâu dài, thời gian thu hoạch kéo dài từ 5-8 năm.
Nha đam sau gần 1 năm trồng sẽ cho thu hoạch kéo dài nhiều năm. |
Hiện nay, THT cung ứng 2 loại sản phẩm từ nha đam, một là nha đam thành phẩm đóng gói được hút chân không, hai là nước nha đam đóng chai. Tất cả quy trình từ nguyên liệu đến chế biến, đóng gói ra thành phẩm đều được thực hiện tại chỗ. Bên cạnh đó, nhằm đa dạng các sản phẩm, THT còn sản xuất thêm chả tôm thành phẩm, nguồn nguyên liệu được thu mua tại các hộ chị em phụ nữ trên địa bàn.
Chị Dương Thị Hồng Phương, Tổ trưởng THT trồng nha đam ấp Tân Ðức, xã Tân Ðức, cho biết: “THT có 19 thành viên, trong đó 8 hộ tham gia trồng nha đam, hiện tại các hộ mở rộng diện tích, tăng nguồn nguyên liệu nhằm đáp ứng các đơn đặt hàng. Thường những tháng hạn sản lượng bán ra sẽ nhiều hơn tháng mưa, nếu tính bình quân mỗi ngày sản xuất dao động từ 30-40 kg. Hiện nha đam thành phẩm được bán với giá sỉ 30.000 đồng/kg, lẻ 40.000 đồng/kg. Riêng nước nha đam đóng chai thì 10.000 đồng/chai. Người mua chỉ chế biến theo ý thích, không cần sơ chế lại”.
Ðể đáp ứng các đơn hàng lớn, nhiều hộ gia đình mở rộng diện tích trồng nha đam. |
Từ loại cây được trồng như vị thuốc, tạo cảnh quan thiên nhiên, với sự linh hoạt, sáng tạo trong việc định hướng thị trường đã giúp nhiều hộ có nguồn thu nhập ổn định, địa phương có thêm vùng nguyên liệu tại chỗ, tạo hướng đi đầy triển vọng trong tương lai.
Hiện nha đam Cô Ba Gần được xã Tân Ðức lựa chọn là mô hình tiêu biểu tham gia chương trình OCOP. Ðể chuẩn bị hoàn thiện các tiêu chí cũng như đáp ứng đơn hàng lớn, chị Phương tiến hành nhân rộng số lượng nha đam trong THT lên 7.000 cây và thu mua thêm của các hộ trong vùng.
Bên cạnh đó, sẽ cải tiến bao bì sản phẩm theo mẫu mã hiện đại vừa tiện lợi, vừa có thể di chuyển xa, đáy bao bì trụ vững nhằm giới thiệu, trưng bày sản phẩm đẹp mắt hơn.
Các khâu từ sản xuất, sơ chế, đóng gói bao bì đều thực hiện tại chỗ. |
Báo Cà Mau giới thiệu đến bạn đọc quy trình thu hoạch và sơ chế nha đam tại THT trồng nha đam Tân Ðức./.
Ngô Nhi thực hiện