(CMO) Mai Lộc sinh năm 1966, quê TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà, là hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Khánh Hoà (năm 2005), hội viên Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam (năm 2008).
Mai Lộc (phải) và Jame Natchway (nhiếp ảnh gia người Mỹ, phóng viên chiến trường nổi tiếng thế giới), trong dịp dự liên hoan ảnh quốc tế tổ chức tại Na Uy. |
Lần đầu tiên trò chuyện với Nghệ sĩ nhiếp ảnh Mai Lộc qua điện thoại, tôi cảm nhận được sự chân tình, ấm áp; đọc nhiều bài viết, xem phim do Ðài PT-TH Khánh Hoà thực hiện về anh, tôi “rối” thực sự. Có quá nhiều thông tin hay về anh! Nhưng rồi đọc kỹ, xem các tư liệu nắm được, đọng lại sau tất cả trong tôi là sự cảm phục bởi nghị lực tự vượt lên chính mình, ý chí vươn lên trong mọi hoàn cảnh gian khó của anh. Và tôi cũng hiểu sâu sắc thêm rằng, phía sau một bức ảnh đẹp đến với công chúng là bao nhọc nhằn, bao giọt mồ hôi đã đổ của những nghệ sĩ nhiếp ảnh như anh.
Từ một người lao động tự do, đạp xích lô, làm đủ nghề để mưu sinh, nhờ sự trợ giúp của những tấm lòng tốt từ bên kia đại dương, quan trọng hơn cả là nỗ lực của bản thân, đã đưa anh chạm tới những chân trời mơ ước. Quả không sai khi có bài viết nói rằng “Chuyện đời của anh kỳ diệu như cổ tích”.
Sau những giờ đạp xích lô, tối đến, anh tranh thủ ghé trung tâm học tiếng Anh. Chịu khó, lúc nào cũng mang theo sách vở trong thùng xe xích lô, nhờ chút vốn ngoại ngữ đó giúp anh có thêm nhiều khách nước ngoài. Tốt bụng, luôn sẵn lòng chỉ đường cho khách lạ, tháng 3/1995 cơ duyên đã đưa anh gặp và làm quen với vợ chồng người Na Uy du lịch đến Nha Trang, là ông bà Gunnar Simonsen và Eva Mellquist Wenchen (người mà sau này anh nhận là cha mẹ nuôi). Họ đã giúp đỡ anh rất nhiều, trong đó có chiếc máy ảnh Canon sử dụng bằng năng lượng và 21 cuốn phim, cùng nhiều quà tặng nhân ngày cưới vào năm 1997. Năm 1998, biết trước là mình sẽ mất do một căn bạo bệnh, ông Gunnar Simonsen đã chống gậy đến ngân hàng gửi cho Mai Lộc 6.000 đô la. Với số tiền đó, Mai Lộc trang trải cho gia đình, mua chiếc xe máy Win 100 để hành nghề chạy xe ôm. Cuộc đời anh thực sự chuyển sang một trang mới, với nghề hướng dẫn viên du lịch, đưa khách đi tham quan các danh thắng trong tỉnh, rồi lập tour đường dài đi tỉnh…
Anh luôn mang đến sự thú vị, hài lòng với trải nghiệm tuyệt vời cho những vị khách đi cùng trong tour du lịch chụp ảnh. Nhờ sự nhiệt tình, vốn sống từ anh, khả năng nói tiếng Anh giúp khách hiểu thêm về văn hoá vùng miền, phong tục nơi đến, đặc biệt khách yêu nhiếp ảnh sẽ chụp được những bức ảnh sinh động nhờ sự nhiệt thành trợ giúp từ anh.
Kết hợp trong những chuyến đi, anh dùng đến chiếc máy ảnh quà tặng ghi lại hình ảnh những nơi đặt chân đến, rồi rửa ảnh tặng khách, tặng mẹ nuôi. Những bức ảnh anh tặng, bà đem gửi triển lãm tại Na Uy. Nhờ đó, năm 2006, anh được Ban tổ chức Liên hoan ảnh nghệ thuật quốc tế tổ chức tại Na Uy mời tham gia. Phòng triển lãm ảnh với tên gọi “Trái tim tôi thuộc về Việt Nam”, đã mang lại cho người xem nhiều tình cảm đẹp về đất nước, con người Việt Nam.
Kỷ niệm đẹp nhất của anh là được mời tham dự Liên hoan và triển lãm ảnh quốc tế, hai lần được đến đất nước Na Uy (năm 2006 và 2015), một lần đến Phần Lan (năm 2011). Nhắc đến anh, nhiều hãng truyền thông của Na Uy lúc đó đánh giá: “Từ một chiếc máy ảnh - quà tặng ngày cưới, đã sản sinh ra một nghệ sĩ nhiếp ảnh tài ba”.
Do đặc thù công việc, đi nhiều, mảng đề tài mà anh yêu thích là đời thường, văn hoá vùng miền, phong cảnh và chân dung con người trên khắp mọi miền đất nước. “Tôi luôn nghĩ về ân tình, sự kỳ vọng mà ba mẹ nuôi đã dành cho tôi. Họ đã cho tôi tình yêu, trái tim ấm áp, tiếp cho tôi năng lượng tích cực để tôi có được hôm nay. Cảm ơn nhiếp ảnh đã đưa Mai Lộc đến với những chân trời mơ ước và mãi tiếp bước trên con đường nghệ thuật”, Mai Lộc chia sẻ.
Theo đuổi ảnh nghệ thuật từ năm 2001 đến nay, Nghệ sĩ nhiếp ảnh Mai Lộc có bộ sưu tập thành tích không nhỏ qua các cuộc thi. Bài viết “Từ anh xích lô đến nhà nhiếp ảnh” (báo Tuổi trẻ), có đoạn: “Ðêm trao giải cuộc thi ảnh “Chiếc nón quê hương” tối 15/9, Mai Lộc đi từ ngỡ ngàng đến hạnh phúc khi biết bức ảnh “Nắng sớm” của mình vượt qua hơn 3.000 bức ảnh để đoạt giải Nhất” (cuộc thi do Công ty Ðiền Quân tổ chức năm 2012).
Tác phẩm “Thưởng thức”, Huy chương Bạc cuộc thi ảnh quốc tế tổ chức tại Serbia năm 2015; “Hoài niệm”, triển lãm tại cuộc thi ảnh quốc tế tổ chức tại Việt Nam do FIAP bảo trợ năm 2017; “Ngôn ngữ không lời”, bằng danh dự cuộc thi ảnh quốc tế tai Canada, năm 2017; “Vũ khúc trên sông”, Huy chương Ðồng FIAP cuộc thi ảnh quốc tế năm 2019; “Hoạ sĩ trên không”, giải Ðồng hạng cuộc thi The Ashahi Shimbun năm 2017, Huy chương Ðồng cuộc thi ảnh quốc tế tại Trung Quốc; “Ðường về bản”, triển lãm tại cuộc thi ảnh quốc tế tổ chức tại Việt Nam do FIAP bảo trợ năm 2019…
Hiện nay, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên quá trình sáng tác cũng như công việc của anh ảnh hưởng nhiều. Trước mắt, anh cho biết: “Sẽ gom góp những tác phẩm sáng tác trước đây trên khắp mọi miền đất nước, từ Cà Mau đến tận Lũng Cú xa xôi để giới thiệu với bạn bè khắp nơi trên thế giới, theo khả năng của mình, như lời giới thiệu và lời mời bạn bè năm châu hãy một lần đến thăm đất nước mình, khi dịch bệnh qua đi; để mình có cơ hội đưa bạn bè đi khắp mọi miền đất nước, sáng tác những tác phẩm đẹp về đất nước, con người Việt Nam”.
(Ảnh trong bài do nhân vật cung cấp)
Nắng sớm. |
Vũ khúc trên sông. |
Ngôn ngữ không lời. |
Ðường về bản. |
Vĩnh Xuân