ĐT: 0939.923988
Thứ ba, 17-9-24 03:08:20
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Nhiều bất cập trong đào tạo nghề

Báo Cà Mau (CMO) Mang sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực trực tiếp phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trên địa bàn tỉnh Cà Mau từng bước đổi mới, đạt kết quả khả quan. Tuy nhiên, ghi nhận thực tế tại Trường Cao đẳng Nghề Việt Nam - Hàn Quốc Cà Mau cho thấy, công tác đào tạo nghề còn nhiều bất cập.

Tính đến ngày 30/11/2022, trên địa bàn tỉnh Cà Mau có 3 trường cao đẳng, 2 trung tâm GDNN, 2 cơ sở đào tạo khác có tham gia dạy nghề. 7 cơ sở này có quy mô 7.797 chỉ tiêu. Trong đó, các trường cao đẳng 1.997 chỉ tiêu, 2 trung tâm đào tạo và sát hạch lái xe 5.500 chỉ tiêu, 2 cơ sở có chức năng đào tạo thuộc doanh nghiệp là 398 chỉ tiêu.

Năm 2022, các cơ sở đã tuyển sinh, đào tạo 32.677/28.000 người, đạt 116,7% kế hoạch. Trong đó, cao đẳng, trung cấp 1.327 người; đào tạo sơ cấp 9.749 người; đào tạo dưới 3 tháng (có thời gian từ 15-30 ngày) 2.432 người; đào tạo, bồi dưỡng 19.169 người.

Lao động tìm hiểu thông tin về việc làm tại các sàn giao dịch việc làm.

Bà Nguyễn Hồng Nhung, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Việt Nam - Hàn Quốc Cà Mau, cho biết, thực hiện Quyết định số 1576/QÐ-UBND ngày 8/8/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh, trường đã tiếp nhận một số trang thiết bị phục vụ đào tạo nghề và 3 trụ sở làm việc của huyện Cái Nước, Trần Văn Thời, Năm Căn. Tuy nhiên, thiết bị đào tạo cũ kỹ, lạc hậu, cơ bản không sử dụng được nên không đáp ứng nhu cầu dạy và học.

Ghi nhận thực tế tại Cơ sở 4, 5, 6 của Trường Cao đẳng Nghề Việt Nam - Hàn Quốc Cà Mau thuộc khu vực huyện Cái Nước, Trần Văn Thời và Năm Căn, các trang thiết bị dạy và học đã hư hỏng nặng, không thể sử dụng. Một số được thanh lý và còn không ít trang thiết bị, máy móc mà các cơ sở đang loay hoay thanh lý. 

Tại Cơ sở 6 Trường Cao đẳng Nghề Việt Nam - Hàn Quốc Cà Mau, thuộc khu vực huyện Năm Căn, đơn vị trưng dụng dãy phòng để chứa máy móc, thiết bị dạy nghề đã không còn sử dụng được.

Thực hiện đề án xây dựng 5 trường cao đẳng nghề Việt Nam - Hàn Quốc (Hà Nội, Quảng Ninh, Quảng Ngãi, Bình Dương, Cà Mau) giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hàn Quốc, từ năm học 2016-2017, nhà trường được cung cấp trang thiết bị đào tạo nghề của Hàn Quốc cho 4 nghề gồm: Công nghệ ô tô, Kỹ thuật máy lạnh và Ðiều hoà không khí, Cơ điện tử, Công nghệ thông tin (ứng dụng phần mềm). Từ nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia, Trường Cao đẳng Nghề Việt Nam - Hàn Quốc Cà Mau được thụ hưởng 14 tỷ đồng cho nghề Ðiện công nghiệp và Chế biến thuỷ sản. Ðồng thời, nhà trường trích lập quỹ phát triển sự nghiệp để đầu tư thiết bị phục vụ cho công tác đào tạo của nhà trường. Cụ thể, trong 2 năm, 2021 và 2022, nhà trường đã mua sắm 11 tivi 65 inch để thay thế/bổ sung cho các máy chiếu, màn chiếu hư hỏng; mua sắm mới 25 bộ máy vi tính để thay thế/bổ sung cho các máy tính hư hỏng không còn khả năng sửa chữa. Tuy nhiên, thiết bị đào tạo hiện có chỉ đáp ứng ở mức tối thiểu cho hoạt động của nhà trường.

Cũng theo bà Nguyễn Hồng Nhung, chỉ tiêu đào tạo sơ cấp và thường xuyên năm 2022 tăng đột biến về số nghề đào tạo với 21 nghề và 3.460 chỉ tiêu học viên. Tuy nhiên, trường chỉ được cấp phép 6 nghề trình độ sơ cấp và quy mô đào tạo khoảng 700 học viên/năm. Trong khi đó, toàn trường chỉ có 55 giáo viên, riêng đào tạo chính quy cũng chưa đáp ứng đủ, nay giao chỉ tiêu lao động nông thôn quá lớn, địa bàn đào tạo rộng nên cung - cầu bất nhất đã tạo khó cho đơn vị. Ðể uyển chuyển, trường liên kết với cơ sở khác đào tạo, tuy nhiên chất lượng giáo viên thỉnh giảng còn nhiều hạn chế về trách nhiệm giảng dạy, quản lý người học và chuyên môn nghiệp vụ. Ðiều này có thế dẫn đến chất lượng đào tạo không cao.

“Bên cạnh đó, kinh phí phục vụ đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến thời điểm 20/10/2022 mới được phân bổ, từ đó ảnh hưởng rất lớn đến kế hoạch đào tạo cũng như chất lượng đào tạo do phải chạy đua với thời gian”, bà Nhung khẳng định.

Thời gian qua, việc thực hiện sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động các cơ sở GDNN đã tạo điều kiện cho các cơ sở đào tạo nghề từng bước tự chủ về tài chính. Ðổi mới chương trình đào tạo, nâng dần tính tương thích giữa chất lượng đào tạo và yêu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế. Các cơ sở đào tạo nghề sử dụng có hiệu quả hơn nguồn lực đầu tư của Nhà nước và thúc đẩy mạnh mẽ xã hội hoá đối với công tác đào tạo nghề.

Ông Nguyễn Quốc Thanh, Giám đốc Sở LÐ-TB&XH, nhìn nhận, kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị và chi cho hoạt động thường xuyên chủ yếu dựa vào nguồn ngân sách Nhà nước, trong khi nguồn lực của Cà Mau chưa dành nhiều cho đầu tư phát triển các cơ sở GDNN công lập. Mối quan hệ giữa cơ sở GDNN và doanh nghiệp còn hạn chế. Ðặc biệt, lực lượng học sinh, sinh viên tốt nghiệp còn yếu về ngoại ngữ cũng như các kỹ năng mềm, tác phong công nghiệp, khả năng làm việc theo tổ, nhóm, kỹ năng khởi nghiệp...

Nhiều cá nhân đã tự đầu tư trang thiết bị, máy móc đào tạo cũng như giải quyết việc làm nhàn rỗi cho lao động tại địa phương. (Mô hình may gia công của gia đình chị Võ Tố Quyên, ấp Tân Hiệp Lợi B, xã Tân Đức, huyện Đầm Dơi).

Về phương hướng thời gian tới, ông Nguyễn Quốc Thanh cho biết: “Tỉnh chú trọng phát triển hệ thống mạng lưới GDNN trên địa bàn tỉnh Cà Mau theo hướng đồng bộ, tập trung, tinh gọn, cơ cấu hợp lý cả về trình độ và ngành nghề đào tạo, chú trọng tạo điều kiện thuận lợi cho người học. Bên cạnh đó, gắn kết giữa cơ sở đào tạo với doanh nghiệp và thị trường lao động; đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực lao động kỹ thuật trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, góp phần phục vụ quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh”.

Qua giám sát thực tế tại các cơ sở đào tạo nghề, ông Nguyễn Phương Ðông, Trưởng ban Văn hoá - Xã hội HÐND tỉnh, kiến nghị: “UBND tỉnh sớm xem xét thực hiện việc sáp nhập, hợp nhất Trường Cao đẳng Cộng đồng Cà Mau với Trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Hàn Quốc Cà Mau để ổn định tổ chức, bộ máy, cơ sở vật chất. Trong đó, bổ sung bố trí con người, đầu tư thiết bị đào tạo và cơ sở vật chất đảm bảo đáp ứng danh mục đào tạo tối thiểu của các ngành nghề đang được cấp phép đào tạo và dự kiến ngành nghề mở rộng quy mô đào tạo của nhà trường. Bố trí kinh phí thoả đáng để sửa chữa cơ sở vật chất ở Cơ sở 4 - khu vực huyện Cái Nước, Cơ sở 5 - khu vực huyện Trần Văn Thời, Cơ sở 6 - khu vực huyện Năm Căn nhằm tránh xuống cấp, hư hỏng”./.

 

Thanh Phương

 

Kịp thời hỗ trợ tân sinh viên

Thời điểm giữa cuối tháng 8 và đầu tháng 9 là giai đoạn tân sinh viên đến nhập học tại Phân hiệu Trường Ðại học Bình Dương tại Cà Mau (Phân hiệu). Trước nhu cầu tìm phòng trọ của sinh viên tăng cao, nhiều giải pháp hỗ trợ đã được nhà trường triển khai, giúp các bạn nhanh chóng tìm được nơi ở ổn định, phù hợp.

Nuôi heo đất mua BHXH

Thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) thị trấn Năm Căn, thực hiện nhiều mô hình giúp chị em hội viên phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Gần đây nhất là mô hình "Nuôi heo đất tiết kiệm mua bảo hiểm xã hội" (BHXH). Tuy mô hình mới được thành lập nhưng cho thấy hiệu quả rõ rệt, thu hút sự hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo hội viên.

Ấm áp bữa cơm công đoàn

Thực hiện chỉ đạo của Tổng Liên đoàn Lao động (LÐLÐ) Việt Nam, các cấp công đoàn trên cả nước đã đồng loạt tổ chức các bữa cơm công đoàn, đặc biệt tập trung tại các công đoàn cơ sở (CÐCS) của các doanh nghiệp (DN) có đông người lao động (NLÐ). Qua đó, giúp đoàn viên, NLÐ yên tâm lao động sản xuất, gắn bó lâu dài và cống hiến cho sự phát triển chung của cơ quan, đơn vị, DN.

Đảm bảo quyền lợi và các chế độ bảo hiểm cho người lao động

100% NLĐ khi vào làm việc tại công ty đều được ký hợp đồng lao động và đóng đầy đủ bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN).

Nợ bảo hiểm - Cần chế tài đủ mạnh

Ông Trịnh Trung Kiên, Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh, cho biết, toàn tỉnh có 864 doanh nghiệp (DN) chậm đóng BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), với số tiền 162,692 tỷ đồng (lãi 46,467 tỷ đồng), gây tác động đến 16.302 người lao động (NLÐ).

Tập huấn năng lực nhà giáo phải sát nhu cầu thực tiễn

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội gần đây liên tục tổ chức những buổi hội giảng, tập huấn cho các nhà giáo giáo dục nghề nghiệp nhằm bắt kịp xu hướng đào tạo nghề gắn liền với nhu cầu thực tiễn của các doanh nghiệp. 

Y tế tư nhân nâng chất lượng khám chữa bệnh BHYT

Những năm qua, bảo hiểm y tế (BHYT) đã trở thành chính sách an sinh quan trọng trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Hiện nay, trên 90% dân số tại tỉnh đã tham gia BHYT, đồng nghĩa với việc nhu cầu chăm sóc sức khoẻ người dân ngày càng cao. Theo đó, nhiều cơ sở khám chữa bệnh (KCB) BHYT tư nhân ra đời, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ y tế và đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân.

Ðào tạo nghề phải gắn với giải quyết việc làm

Trong năm 2024, mục tiêu được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đặt ra là thực hiện nhiều giải pháp hiệu quả, tạo chuyển biến tích cực trong công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại địa phương.

Đào tạo nghề phù hợp đối tượng

Xác định công tác giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, huyện Cái Nước đã tập trung nhiều giải pháp phù hợp thực tế địa phương. Đặc biệt, với thế mạnh sản xuất nông nghiệp, huyện chú trọng đào tạo nghề, truyền nghề nông thôn cho nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo, để từ đó giúp họ có cơ hội phát triển kinh tế ổn định.

Giúp đồng bào tôn giáo hiểu và tham gia chính sách an sinh

Tại Toà thánh Ngọc Sắc, xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình, các vị chức sắc, chức việc vừa được tuyên truyền về chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện, bảo hiểm y tế (BHYT) hộ gia đình. Hoạt động này nằm trong chương trình phối hợp tuyên truyền, vận động chức sắc, chức việc và tín đồ tôn giáo tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình, giai đoạn 2024-2025 giữa 2 đơn vị, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQ) tỉnh và BHXH tỉnh.