Hiện nay, thời tiết bắt đầu chuyển mùa, một số nơi xuất hiện mưa, tạo điều kiện cho mầm bệnh phát triển, đặc biệt là bệnh sốt xuất huyết (SXH). Do đó, ngành y tế đang tăng cường kiểm tra, đôn đốc các cơ sở y tế chủ động các giải pháp phòng, chống dịch bệnh.
- Duy trì 100% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế
- Phòng bệnh tiêu hoá và hô hấp ở trẻ nhỏ
Hằng năm, cứ bước vào mùa mưa, bệnh SXH lại gia tăng. Nếu người dân lơ là, không chủ động thực hiện các biện pháp diệt lăng lăng, diệt muỗi thì nguy cơ bệnh SXH sẽ gia tăng và bùng phát.
Dụng cụ chứa nước có rất nhiều lăng quăng và muỗi tại một hộ dân.
Bác sĩ Nguyễn Quan Phú, Phó giám đốc Phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Cà Mau, cho biết: “Muỗi đẻ trứng ở những nơi có nước đọng như trong các dụng cụ chứa nước sinh hoạt gia đình, các vật dụng xung quanh nhà; từ 2-3 ngày sẽ phát triển thành lăng quăng và thành muỗi. Do đó, cần thường xuyên kiểm tra, đậy kín các dụng cụ chứa nước; thả cá bảy màu để diệt lăng quăng; loại bỏ các vật dụng, phế thải, lật úp các dụng cụ chứa nước để không cho muỗi đẻ trứng; phòng tránh muỗi cắn và tích cực phối hợp với ngành y tế trong các chiến dịch diệt lăng quăng, diệt muỗi”.
Ðể chủ động kiểm soát bệnh SXH, Sở Y tế tổ chức 2 đoàn đến kiểm tra, đôn đốc trung tâm y tế các huyện, thành phố triển khai các biện pháp phòng, chống dịch. Trong đó, nhân rộng các mô hình phòng, chống SXH trong thời gian qua, đồng thời tập trung tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp phòng bệnh tại các hộ gia đình.
Ðoàn kiểm tra công tác diệt lăng quăng, diệt muỗi tại huyện Cái Nước.
Bác sĩ Hồng Mùng Hai, Phó giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phú Tân, cho biết: “Ðược sự chỉ đạo của Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, trước khi bước vào mùa mưa, chúng tôi đã tăng cường đến các xã, thị trấn kiểm tra công tác phòng, chống dịch; tăng cường các giải pháp diệt lăng quăng hiệu quả trong thời gian qua như: nhân rộng mô hình nuôi cá bảy màu trong Nhân dân để thả vào các dụng cụ chứa nước, tuyên truyền nâng cao ý thức phòng bệnh tại các hộ gia đình”.
Mặc dù đã được tuyên truyền, hướng dẫn các giải pháp phòng chống dịch bệnh, nhưng một bộ phận người dân vẫn còn lơ là, chưa thường xuyên thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng, diệt muỗi. Qua kiểm tra thực tế ở một số hộ dân cho thấy, những vật dụng chứa nước có lăng quăng xung quanh nhà còn rất nhiều, đây là nguyên nhân làm cho dịch bệnh gia tăng và khó kiểm soát.
Vật dụng, phế thải xung quanh nhà là nơi để muỗi sinh sản khi mưa xuống.
Bác sĩ Trần Quang Khoá, Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Cà Mau, cho biết: “Hiện nay bước vào mùa mưa, tạo điều kiện cho dịch bệnh phát triển, do đó chúng tôi chỉ đạo các cơ sở y tế quan tâm, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, phát hiện sớm ổ dịch và xử lý triệt để, không để dịch bệnh lây lan. Ðối với các cơ sở khám, chữa bệnh cũng chuẩn bị sẵn sàng cơ số thuốc, hoá chất, dịch truyền để tiếp nhận điều trị. Dù số ca mắc SXH có giảm hơn so với cùng kỳ; nhưng số ca mắc bệnh nặng gia tăng. Chính vì vậy, cần quan tâm phòng, chống dịch hiệu quả. Ngoài ra, chỉ đạo ngành y tế các địa phương tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân các biện pháp phòng bệnh, đặc biệt là theo dõi, khi phát hiện bệnh, phải đến ngay cơ sở y tế để được điều trị kịp thời, tránh trường hợp diễn biến nặng”.
Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận hơn 220 ca mắc SXH, tập trung nhiều ở TP Cà Mau, huyện Cái Nước, Trần Văn Thời... Mầm bệnh SXH đã tồn tại trong cộng đồng, số ca mắc xảy ra rải rác ở tất cả các địa phương, khi điều kiện thuận lợi, mầm bệnh sẽ phát triển và bùng phát bất cứ lúc nào. Vì vậy, chủ động triển khai các biện pháp phòng bệnh SXH ngay thời điểm này là rất quan trọng./.
Minh Khang