ĐT: 0939.923988
Thứ sáu, 20-9-24 06:56:39
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Những năm tháng chẳng ai sống riêng mình...

Báo Cà Mau (CMO) Từ những ngày đầu của tháng 9, cả nước đã sôi động các hoạt động kỷ niệm 60 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển. Dòng ký ức đưa tôi trở lại khung cảnh buổi sáng tháng 10/2011. Lúc đó tôi đang làm biên tập viên cho báo Cà Mau thì được chú Nguyễn Bé - Tổng biên tập Báo Cà Mau (nay là Phó chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam) điều động: “Ngày mai có đoàn của chú Khưu Ngọc Bảy vào thăm Vàm Lũng, con đi chung để nói chuyện với mấy chú, mấy cô cho vui, rồi viết được gì thì viết. Mày mà đi chuyến này coi như mập nghe con (ý là có nhiều đề tài để viết - NV)”. Ðó cũng chính là cơ duyên để tôi quen với Ðại tá, Nhà thơ Khưu Ngọc Bảy và các thành viên của Ðoàn tàu Không số với những nhân vật chỉ nghe tiếng chứ chưa biết mặt, như ông Ngô Văn Tân - người 2 lần từ chối danh hiệu anh hùng, và rất nhiều anh hùng thầm lặng viết nên huyền thoại về đường Hồ Chí Minh trên biển.

Chân dung Ðại tá Khưu Ngọc Bảy. Ký hoạ: MINH TẤN

Năm 2011, kỷ niệm 50 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển, chương trình cấp quốc gia như thường lệ tổ chức tại Hải Phòng. Bên cạnh đó, các tỉnh như Phú Yên, Ðà Nẵng, Cần Thơ, Bến Tre… tổ chức hết sức long trọng, và Cà Mau là một điểm cầu truyền hình quan trọng được tổ chức vào tối 23/10 tại TP Cà Mau. Ðối với các cựu chiến binh của Ðoàn tàu Không số, dù địa phương nào tổ chức, họ vẫn phải về bến Vàm Lũng (nay là Khu Di tích lịch sử Bến Vàm Lũng, thuộc thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau) để tri ân đồng đội và ôn lại kỷ niệm xưa. Vàm Lũng - một bến cảng lạ thường nằm ẩn mình bí mật giữa cánh rừng ngập mặn đại ngàn, nơi chót cùng của bán đảo Cà Mau và cũng là điểm đến xa nhất của những con tàu không số đã làm nên huyền thoại đường Hồ Chí Minh trên biển.

Ðồng Khởi 1960 nổ ra, do những yêu cầu bức xúc về vũ khí, đạn dược tiếp tế cho chiến trường miền Nam, sau Nghị quyết 15 (ngày 13/1/1959), Trung ương đã chỉ đạo thành lập Ðường Hồ Chí Minh trên biển. Ðây là con đường bí mật được giao cho lực lượng Hải quân Nhân dân đảm trách, vận chuyển vũ khí vào Nam và trở thành con đường huyền thoại với những trang sử anh hùng. Ðầu năm 1961, Trung ương chỉ thị cho các tỉnh Cà Mau, Bến Tre, Trà Vinh, Bà Rịa chuẩn bị bến bãi và tổ chức tàu thuyền mở đường ra Bắc. Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, nhưng chỉ sau thời gian ngắn các tỉnh đã chuẩn bị được 6 tàu và tiến hành thực hiện theo kế hoạch đã đề ra. Ngay sau khi thành lập, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, nhưng với tinh thần tích cực, chủ động, Ðoàn đã khẩn trương chuẩn bị mọi mặt và tiến hành vận chuyển vũ khí từ Bắc vào Nam bằng đường biển. Ðoàn 962 (nay là Lữ đoàn 962, Quân khu 9) là đơn vị tiếp nhận vũ khí bằng đường biển từ những Tàu không số của đoàn 125 (tiền thân của Lữ đoàn 125/HQ), địa bàn hoạt động dọc từ duyên hải Bến Tre đến Cà Mau cũng được ra đời từ ấy.

Giữa năm 1971, do một số chuyến vận chuyển của ta bị lộ, địch phong toả gắt gao đường biển và các cửa sông nên việc vận chuyển vũ khí từ Bắc vào Nam bằng tàu sắt của Ðoàn 125 không thực hiện nữa. Từ đây, Ðoàn 962 ngừng công tác tiếp nhận để tổ chức thực hiện nhiệm vụ và phương thức vận chuyển mới, khai thông lại tuyến đường biển Bắc - Nam, vận chuyển hợp pháp bằng tàu hai đáy. Kể từ khi thành lập đến năm 1971, Ðoàn 962 đã đón, đưa 124 lượt chuyến tàu của Ðoàn 125; bốc dỡ, cất giấu và vận chuyển ra chiến trường 6.545 tấn vũ khí. Số lượng tuy không nhiều so với một cuộc chiến tranh nhưng nó đã bổ sung kịp thời trong lúc quân và dân miền Nam đang thiếu vũ khí, trang bị để đánh giặc và cũng chính từ 6.545 tấn vũ khí ấy đã góp phần quan trọng làm nên chiến thắng ở Ấp Bắc, Ðầm Dơi, Chà Là, Bình Giã, Ba Gia, Ðồng Xoài và các chiến dịch khác, góp phần đánh bại Chiến tranh Ðặc biệt và Chiến tranh Cục bộ của đế quốc Mỹ, tạo ra những bước ngoặt để giành thắng lợi sau.

Ðại tá Khưu Ngọc Bảy đã ghi lại những vần thơ giản dị nhất về cuộc sống quanh mình, nhưng đó chỉ như một cách giãi bày tâm trạng, như người ta thường viết nhật ký mỗi ngày. Khi nghỉ hưu, những ký ức của một thời trận mạc hào hùng trở đi trở lại và ông đã chọn thơ để nói về lịch sử. Ông nhớ lại: “Ðó là vào đêm 29/2, rạng ngày 1/3/1968. Chừng hơn một giờ sáng, phía ngoài khơi nhiều ánh lửa và đường đạn vạch lên trời. Chúng tôi thấy những tia chớp và một cột lửa lớn vọt lên kèm theo tiếng nổ lớn giữa biển khơi xa. Chúng tôi được lệnh bám biển, trên bến vẫn hy vọng và chờ đợi có anh em rời tàu sớm còn sống, nhưng ngày hôm sau rồi hôm sau nữa anh em chia nhau đi dọc theo bờ biển tìm đón, hoặc thi thể anh em thuỷ thủ hoặc một di tích nào đó trôi dạt vào bờ, nhưng nhiều ngày qua vẫn không chút tăm hơi. Con tàu 165, Thuyền trưởng Nguyễn Chánh Tâm và 17 thuỷ thủ đoàn đã vĩnh viễn không bao giờ trở lại, các anh đã hoá thân vào lòng biển mênh mông… Chúng tôi ngồi trên bãi biển và chỉ biết khóc. Nước triều lên Vàm Lũng lại dâng đầy/Có con tàu chiều nay vĩnh viễn không về bến/Anh ngồi khóc và anh lần tay nhẩm/Chép vào lòng tên những bạn bè anh… Trong hoàn cảnh đó, tôi chỉ ghi lại cảm xúc không nghĩ đó sẽ là tác phẩm trọn vẹn: “Anh đắp lên giữa rừng những nấm mộ vô danh?/Trên bùn nhão viết tên đồng đội/Trong vốc nước mặn tê đầu lưỡi/Ngỡ có máu bạn bè chảy về tận nơi đây”.

Quả thật thơ của ông là những xúc cảm thật xuất phát từ một cuộc đời từng trải và trái tim nồng nàn lòng yêu đất nước, quê hương. Riêng về trường ca "Bến cảng giữa rừng", Nhà thơ Nguyễn Bá nhận xét: “Trường ca cách mạng mang đậm chất sử thi vì nó được kết tập khí phách anh hùng và tình yêu dân tộc. Trên bản đồ Cà Mau mới, Vàm Lũng hầu như không còn, nhưng trong trái tim người Trung đoàn trưởng Trung đoàn 962 thì địa danh này là bến bãi của ý chí kiên cường, sáng ngời trí tuệ, vinh quang và anh hùng, là bến cảng của lòng quân dân Cà Mau thành đồng Tổ quốc. Trường ca "Bến cảng giữa rừng" và nhà thơ là máu thịt của nhau… cho người đọc cảm thụ được những bến bãi sâu thẳm trong tâm hồn người lính thuỷ”.

Ở Nam Bộ, Ðại tá Khưu Ngọc Bảy là người duy nhất kể chuyện bằng thơ về Con đường huyền thoại Hồ Chí Minh trên biển. Nhà thơ góp phần làm cho sự kiện lịch sử hào hùng của dân tộc trở nên có sức sống riêng đi vào lòng người và sống mãi cùng nền thi ca cách mạng.

Những năm tháng chẳng ai sống riêng mình

Từng số phận gắn liền cùng Tổ quốc

Ta sống hôm nay có phần người đã khuất

Ðất nói với ta đây một chân lý vĩnh hằng.

Ðại tá Khưu Ngọc Bảy từng có hơn một năm ở Vĩnh Linh, Quảng Trị. Ông kể: “Sau khi học sĩ quan lục quân, tôi được điều về Khu 4, Sư đoàn 371, Trung đoàn 32, Tiểu đoàn 5. Ðơn vị đóng ở xã Vĩnh Chấp, huyện Vĩnh Linh. Ở đó từ tháng 5/1963 đến tháng 6/1964 được gọi về Nam. Lúc đó có nhiệm vụ làm trợ lý tham mưu của tiểu đoàn. Tiểu đoàn làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu. Mãi đến mùa hè, chúng tôi mới có 2 tháng làm nhiệm vụ huấn luyện tân binh ở xã Vĩnh Long, mới được tiếp xúc với bà con. Lúc này vào tháng 6 và tháng 7 nên gió Lào thổi rất mạnh. 10 năm ở ngoài Bắc, trừ miền núi, thậm chí lúc theo Ðoàn 962 ở Cà Mau, hay chiến đấu vô cùng ác liệt ở lộ vòng cung Cần Thơ cũng không thấy nơi đâu cuộc sống khổ cực hơn miền Trung, trong đó có Vĩnh Linh. Người dân, bộ đội ở đó quá khó khăn. Tôi về miền Nam rồi nhưng nghe tin giặc phá hoại ở Vĩnh Linh mà không ngủ được. Chiến tranh thì đời sống của bà con ngoài đó càng khổ hơn”.

Nhắc lại kỷ niệm ở Vĩnh Linh, tôi tò mò hỏi: “Hồi đó ở đây, ông chú có kỷ niệm với cô gái Quảng Trị nào không?”. Ông cười, hiền hoà và chân thành: “Thật sự khi đóng quân ở Vĩnh Linh, tôi thấy thanh niên rất ít, còn lại hầu hết phụ nữ. Việc nặng việc nhẹ gì cũng một tay đàn bà, con gái chân yếu tay mềm làm hết. Trong lòng mình thấy rất cảm động và kính trọng nên gần như không có nảy sinh một ý nào khác”. Ông nhớ có một kỷ niệm nhỏ, là khi đóng quân ở trong nhà bà mẹ, có một cô con gái đi học cấp 3 ở Hồ Xá. Cô ấy tên Trần Thị Bòn. “Có một kỷ niệm là chúng tôi đi ghé chỗ chú Tư Ðương lúc này phụ trách kinh tế Vĩnh Linh để uống trà. Ði dọc đường thì gặp một tốp học sinh đi Hồ Xá về. Có một anh lính trẻ mới hỏi: “Ðường nào về Hồ Xá hả ô ơi?”. Một cô mới lên tiếng: “Ở đây gọi là o chứ không gọi ô”. Anh bạn mới nói: “Tui gọi ô vì trên đầu o có đội nón”. Sau đó về nhà, một lần bà cụ có khen là tôi hiền nhưng cô gái bảo: “Hiền gì đâu mạ ơi”. Rồi cô kể chuyện bị chọc hôm trước và kết luận rằng: “Anh này lớn tuổi nhất trong nhóm đó nên chắc là chủ mưu”.

Quả thật suốt cuộc đời mình, ông Khưu Ngọc Bảy không ngừng nghỉ vượt qua mọi khó khăn, theo đuổi lý tưởng một cách nhất quán, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của Ðảng và Nhân dân giao phó. Mặc dù hay làm thơ, tâm hồn đa cảm nhưng hoàn toàn không có chút “luyến ái nam nữ”, kể cả chuyện lấy vợ cũng nhờ mai mối. Bên bộ phận quân trang của Ðoàn 962 do đồng chí Trần Thị Phận (mẹ Nhà báo Nguyễn Bé) phụ trách có cô Bảy quê ở Phong Lạc (tên thật là Trương Kim Năm, gốc ở Trảng Cò, Khánh Lộc, huyện Trần Văn Thời), đẹp người, đẹp nết, nên bà mới quyết định làm mai cô Bảy cho “thanh niên tập kết” nhưng lại hiền khô và “nhát gái” quá trời này. Ðến năm 1967, họ nên duyên vợ chồng và sống gắn bó bên nhau đến ngày nay.

Ông tìm lại trong hành trang cũ, còn lại 4 bài thơ sáng tác trong hơn một năm ở Quảng Trị. Ðó là bài: Gió Lào, Cát Vĩnh Linh, Miền núi Vĩnh Linh, Cửa Tùng với những câu thơ da diết lòng người: Ðã nóng mà gió lại hanh/Mênh mông cát bụi quay quanh con người/Quê mình cực rứa mạ ơi!/Mỗi hạt cát một mảnh đời gian truân hay Lính đội trăng trên đầu/Mà tâm hồn thanh thản/Nghe rì rầm sóng biển/Mà nghĩ đến bờ Nam/Ði trên cát mênh mang/Thương quê mình gian khó.

Ðại tá Khưu Ngọc Bảy làm thơ trước nhất cho mình, tự giải phóng cảm xúc bản thân bởi ông luôn đau đáu về những nơi ông đã đi qua, gắn bó hy sinh cùng đồng đội, về những vùng quê một thời đạn bom nặng nghĩa, nặng tình không thể phai mờ. Dần dần thơ ông vượt xa hơn, đã xây dựng được hình tượng chân thật mà hào hùng, bi tráng về người lính.

Nếu anh còn qua hết cuộc chiến tranh này

Anh sẽ gói phù sa mang về khắp trong Nam, ngoài Bắc

Những người ngả xuống vì Tổ quốc

Chẳng thể nào vô danh./.

 

Phương Nam

(Những năm tháng  chẳng ai sống riêng mình...) Các câu thơ trong bài được trích từ trường ca "Bến cảng giữa rừng".

 

 

Vũ Minh Hiển: Sự chắt lọc từ trái tim

Vũ Minh Hiển sinh năm 1981, là nhiếp ảnh gia tự do tại Hà Nội. Mang trong mình niềm đam mê nhiếp ảnh từ thuở thiếu thời, anh quyết định từ bỏ công việc ổn định tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai để theo đuổi tiếng gọi nghệ thuật.

Dịu dàng cảm xúc

Tác giả Nguyễn Thị Thu Cúc sinh năm 1963, công tác tại Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự Thật. Nghỉ hưu năm 2018, chị tham gia nhiếp ảnh, hiện sinh hoạt tại Cung Văn hoá hữu nghị Việt - Xô, Hà Nội.

Nét đẹp Tây Nguyên

Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Trần Hữu Hạt sinh năm 1955, tại Ðắk Lắk. Trước đây kinh doanh, khi đến tuổi được nghỉ ngơi, anh mua máy ảnh chụp lưu niệm trong những chuyến du lịch đó đây.

Xê dịch cùng nhiếp ảnh

Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Nguyễn Tuấn Anh sinh ra và lớn lên tại Hải Phòng, thành viên Câu lạc bộ Ảnh Báo chí Hải Phòng, hội viên Hội Nhiếp ảnh Hải Phòng, hội viên Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam. Hiện anh công tác tại Công ty Cổ phần bia Tây Âu - Hải Phòng.

Cảm nhận cuộc sống tích cực hơn

Quê tỉnh Bình Ðịnh, hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Bình Ðịnh, nhưng do trước đây từng có thời gian dài công tác tại Ðà Nẵng, vì làm việc xa nên anh chọn nhiếp ảnh như một thú vui giúp khuây khoả nỗi nhớ nhà, giải toả căng thẳng trong công việc cũng như cuộc sống. Anh là NSNA Trần Hưng Ðạo, sinh năm 1988.

“Tình sen”

Vốn có tình yêu mãnh liệt với hoa sen và từ lâu đã ấp ủ dự định chuyên tâm vào các tác phẩm sen nghệ thuật - chủ đề mang đến sự thư thái, bình yên, NSNA Hoàng Bích Vân vừa tổ chức thành công triển lãm cá nhân đầu tay, với chủ đề “Tình sen”.

Bình yên Phố Cổ

Sinh năm 1985, hội viên Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật TP Ðà Nẵng, là nhiếp ảnh gia tự do tại TP Hội An, Cường Art đoạt nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế: “Du xuân”, giải Nhất cuộc thi ảnh do Câu lạc bộ Nhiếp ảnh Ðà Nẵng tổ chức năm 2016; “Tưởng nhớ”, giải Nhất cuộc thi sáng tác ảnh nhanh trong vòng 24 giờ tại Liên hoan Nhiếp ảnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên năm 2016. “Ngôn ngữ nghề” là 1 trong 10 tác phẩm đại diện cho Việt Nam tham dự FIAP World Cup lần thứ 33 tại Hàn Quốc năm 2016.

Nắng gió Tây Nguyên

Dấn thân sáng tác ảnh nghệ thuật từ năm 2018, trong quá trình rong ruổi với đam mê, Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Dương Hoài An nhận được sự giúp đỡ của các anh chị trong Chi hội Nhiếp ảnh tỉnh Ðắk Lắk và bạn bè nhiếp ảnh mọi miền đất nước. Chủ đề yêu thích của anh là văn hoá, cuộc sống, cảnh đẹp mọi miền, đặc biệt là về vùng đất Tây Nguyên.

Khi sắc màu "dạo chơi"

Tác giả Phạm Thị Quỳnh Nga tốt nghiệp Ðại học Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh năm 1994. Chị là hoạ sĩ, nhiếp ảnh gia tự do, hiện tại chị gắn bó với công việc thiết kế thời trang công nghiệp tại TP Hồ Chí Minh.

Quà tặng cuộc sống từ những chuyến đi

Theo nghề ảnh dịch vụ khoảng 20 năm, bước vào đam mê ANT với thể loại ảnh phong cảnh và đời thường từ năm 2016, sáng tác nhiều, nhưng tác giả Ðỗ Trường Vinh cho biết “vẫn chưa có tác phẩm tâm đắc, vì còn quá nhiều khoảnh khắc đẹp cho ngày mai bấm máy”.