Trong 6 tháng đầu năm, với vai trò Thường trực Ban Chỉ đạo cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (CVÐ) tỉnh, Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh chủ động phối hợp thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh, UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, các tổ chức thành viên lồng ghép nội dung CVÐ vào các chương trình công tác của ngành. Qua đó hướng dẫn tuyên truyền, vận động Nhân dân, góp phần tạo chuyển biến về ý thức, thói quen sử dụng hàng Việt Nam trong cán bộ, Nhân dân, làm cho CVÐ ngày càng đi vào đời sống xã hội, khơi dậy, phát huy tinh thần yêu nước, ý thức tự lực, tự cường của dân tộc.
- Sản phẩm của Cà Mau đã xuất khẩu đến hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ
- Cơ hội mở rộng xuất khẩu sang Trung Quốc
Với vai trò chuyên môn, trong nửa đầu năm nay, Sở Công thương xác nhận cho thương nhân đăng ký thực hiện 9 chương trình khuyến mại với tổng giá trị giải thưởng khoảng 1,363 tỷ đồng; tiếp nhận 11.396 thông báo thực hiện chương trình khuyến mại. Các thương nhân đã tổ chức 10 hội chợ, triển lãm thương mại.
Bên cạnh đó, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tổ chức, tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, trưng bày, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm khách hàng, đối tác kinh doanh để phát triển hệ thống phân phối tại thị trường các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long. Phối hợp với UBND các huyện, thành phố duy trì 13 cửa hàng tiện lợi, 2 điểm bán hàng Việt Nam cố định và bền vững với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”, “Tinh hoa hàng Việt Nam”, 6 điểm trưng bày và bán các sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh đã được hỗ trợ xây dựng.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã xây dựng, triển khai nhiều mô hình nông nghiệp sạch gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm, góp phần tạo ra nguồn nguyên liệu sạch, chất lượng để sản xuất, chế biến các mặt hàng lương thực, thực phẩm uy tín cho người tiêu dùng, hỗ trợ phát triển sản phẩm địa phương.
Trên cơ sở rà soát từ các địa phương, toàn tỉnh có 142 sản phẩm OCOP của 68 chủ thể, trong đó có 29 sản phẩm của 16 chủ thể đạt 4 sao và 113 sản phẩm của 60 chủ thể đạt 3 sao.
Toàn tỉnh có 142 sản phẩm OCOP của 68 chủ thể. Tỉnh đang tập trung toàn lực vào cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” từ các sản phẩm OCOP.
Ông Huỳnh Nhật Trường, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ðầm Dơi, chia sẻ: “Trong năm nay, huyện sẽ phát triển 10 sản phẩm OCOP 3 sao; nâng 3 sản phẩm từ 3 sao lên 4 sao và 4 sản phẩm từ 4 sao lên 5 sao. Tình hình chung là các chủ thể sản xuất vẫn chưa đáp ứng về quy mô và nhu cầu của thị trường, đặc biệt là nguồn nguyên liệu phục vụ các đơn hàng lớn vẫn chưa đảm bảo. Về phần chất lượng sản phẩm, mẫu mã, bao bì sản phẩm đang được triển khai làm mới, nâng cấp để đáp ứng nhu cầu của các thị trường khó tính và cho xuất khẩu”.
Chị Lâm Cẩm Thuý, chủ Cửa hàng thịt trâu bò sạch Thuý Lực (Phường 2, TP Cà Mau), cho biết: “Từ sau khi cơ sở có 6 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP thì được khách hàng trong và ngoài tỉnh biết đến nhiều hơn. Ðến nay, nhiều sản phẩm của cơ sở đã được vào Co.opmart, Co.op Food, sắp tới là vào hệ thống Vincom; lượng hàng hoá bán theo đó tăng lên. Càng phấn khởi hơn khi Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) đã cấp mã đại lý, được bán trong toàn hệ thống siêu thị Co.opmart cả nước”.
Theo chủ Cửa hàng thịt trâu bò sạch Thúy Lực ( phường 2, TP. Cà Mau) cho biết: “Từ sau khi cơ sở có 6 sản phẩm công nhận sản phẩm OCOP thì khách hàng trong và ngoài tỉnh biết đến nhiều hơn. Đến nay, nhiều sản phẩm của cơ sở đã được vào Co.op Mart, Co.op Food, sắp tới là vào hệ thống VinCom.
Ðối với Sở Khoa học và Công nghệ, trong 6 tháng đầu năm đã thực hiện 5 cuộc thanh tra, kiểm tra về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng sản phẩm, hàng hoá. Qua đó, phát hiện và xử lý vi phạm hành chính 4 cơ sở vi phạm, với tổng số tiền 164 triệu đồng. Qua thanh tra, kiểm tra về lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng cũng đã lồng ghép tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh đưa hàng Việt Nam chất lượng cao về phục vụ người tiêu dùng.
Các đội quản lý thị trường đã phối hợp Ðoàn kiểm tra liên ngành do UBND huyện chủ trì kiểm tra 86 cơ sở, nhắc nhở 56 cơ sở. Tính đến trung tuần tháng 5, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra tổng số 440 vụ việc, phát hiện vi phạm hành chính 277 vụ/354 hành vi, tổng số tiền xử phạt hành chính, nộp ngân sách Nhà nước 1,65 tỷ đồng; trị giá hàng hoá vi phạm phát hiện qua kiểm tra trên 587 triệu đồng.
Thông qua tuyên truyền của Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp, cán bộ, hội viên phụ nữ nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng và hưởng ứng CVÐ bằng nhiều hình thức như: tham gia xây dựng thương hiệu hàng Việt, hướng dẫn tiêu dùng thông thái, giới thiệu thương hiệu Việt uy tín, chất lượng.
"Theo đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tiếp tục hỗ trợ Tổ hợp tác Duyên Mai (Ấp Mũi, xã Ðất Mũi, huyện Ngọc Hiển) xây dựng không gian trưng bày sản phẩm tiêu biểu, sản phẩm OCOP do phụ nữ làm chủ thể; duy trì hiệu quả Tổ “Phụ nữ vận động, giám sát an toàn thực phẩm” tại xã Lý Văn Lâm, TP Cà Mau, có 20 thành viên, qua đó vận động chị em mua bán không sử dụng hoá chất bảo quản, kinh doanh mua bán hàng hoá có xuất xứ, nguồn gốc rõ ràng, nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vì sức khoẻ gia đình và cộng đồng”, bà Tiêu Việt Tiên, Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, chia sẻ về kết quả thực hiện CVÐ trong 6 tháng đầu năm của hội.
Tới đây, tỉnh tiếp tục duy trì các cửa hàng tiện lợi, các điểm bán hàng Việt Nam cố định và bền vững với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”, “Tinh hoa hàng Việt Nam”...
Thời gian tới, MTTQ và các đoàn thể cấp tỉnh tiếp tục nhân rộng 109 mô hình “Tự hào dùng hàng Việt” do Uỷ ban MTTQ Việt Nam các cấp và Ban công tác Mặt trận ấp, khóm chủ trì xây dựng.
Từ sự quyết liệt của tỉnh, Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh, sở, ngành và các cơ quan hội, đoàn thể chung sức, liên kết đưa cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đến gần hơn với người tiêu dùng. Sự liên kết chuỗi đã hình thành và là hướng đi bền vững cho CVÐ này./.
Phú Hữu