(CMO) “Đã có hơn 80% xã viên xây dựng được nhà kiên cố, không còn hộ nghèo, hộ khó khăn. Mục tiêu bám rừng và quyết tâm làm giàu từ rừng đang được hiện thực hoá từng ngày”, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) 19/5 Nguyễn Văn Vững chia sẻ trong niềm vui những ngày đầu năm mới 2020.
HTX 19/5 nằm trên địa bàn Ấp 20, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh, tiền thân là Tập đoàn Lao động sản xuất 19/5.
Những năm 1984, khu vực từ kênh 1 đến kênh 11 có hơn 10 tập đoàn lao động sản xuất nghề rừng. Trong đó, Tập đoàn 19/5 nhận khoán khoảng 520 ha từ kênh 11 đến kênh số 3 (giáp sông Trẹm), với khoảng 40 thành viên. Tuy nhiên, do kinh tế rừng giai đoạn này vô cùng khó khăn, các tập đoàn đều hoạt động không hiệu quả dẫn đến giải thể. Tập đoàn 19/5 cũng không thoát khỏi vòng xoáy này. Ông Vững nhớ lại, Tập đoàn 19/5 đã trải qua nhiều bận sáp nhập, tách ghép, có thời gian thuộc Lâm Ngư trường U Minh II, sau khi giải thể, lâm ngư trường thành lập Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ, tập đoàn lại được đưa về cho công ty quản lý đến nay.
“Tuy nhiên, cho dù đi đâu, thuộc quản lý của đơn vị nào thì mục tiêu giữ rừng, bám rừng để làm giàu từ rừng vẫn không thay đổi”, ông Vững khẳng định. Làm cách nào để các thành viên tập đoàn có thể vượt qua khó khăn trong khoảng thời gian dài trước đó khi giá lâm sản xuống thấp, năng suất cây rừng lại không cao? Hàng loạt những thắc mắc được đưa ra nhưng ông Vững cũng chỉ lý giải trong một câu: “Quyết tâm giữ cho bằng được rừng”. “Không có nguồn thu từ cây rừng thì mình có nguồn thu từ các sản vật dưới tán rừng, như mật ong, cá đồng, có khi thì chuối, hoa màu… Sở dĩ hàng loạt các tập đoàn khác phải giải thể cũng chính vì nguyên nhân không giữ được rừng”, ông Vững phân tích thêm.
Các bờ bao khu vực rừng của HTX được giao cho xã viên tận dụng trồng thêm keo lai hay các loại cây trồng khác tăng thu nhập. |
Sự quyết tâm giữ rừng của thành viên trong Tập đoàn 19/5 càng thể hiện rõ hơn vào những năm cuối của thế kỷ 19, đầu 20. Khi ấy mùa khô ngày một gay gắt, cháy rừng diễn ra liên tục với nhiều vụ cháy lớn thiêu rụi nhiều cánh rừng từ U Minh Hạ đến U Minh Thượng. Để bảo vệ diện tích rừng trước vòng vây của lửa, các thành viên trong tập đoàn đã bỏ ra hơn 100 cây vàng để đào bờ bao toàn bộ diện tích được nhận khoán. Số vàng bỏ ra so với thu nhập của người dân dưới lâm phần trong giai đoạn này là con số ngoài sức tưởng tượng. “Thế nhưng, khi tập đoàn lên tiếng ai cũng ủng hộ, có người không có đủ cũng đi mượn để đóng vào, miễn làm sao giữ được rừng”, ông Vững cho biết.
Qua bao năm gắn bó, bảo vệ và chăm bẵm, cuối cùng rừng cũng không phụ lòng người. Kinh tế gia đình của các thành viên tập đoàn ngày một nâng lên, tập đoàn cũng được nâng tầm thành HTX 19/5. Hiện nay, HTX 19/5 vẫn với 40 xã viên, diện tích được nhận khoán vẫn là 520 ha, tuy nhiên, cách thức canh tác, làm ăn kinh tế thì đã khác. Phó giám đốc HTX 19/5 Quách Văn Thưa cho biết, hiện nay, hầu hết diện tích lâm phần của HTX đã được đầu tư kê liếp để trồng tràm năng suất cao. Đồng thời, vẫn duy trì các hoạt động đánh bắt cá đồng, gác kèo ong. Tuy nhiên, nghề này hiện nay hoạt động theo những quy định rất nghiêm ngặt của HTX theo hướng bảo tồn hơn là thu lợi về kinh tế.
Cụ thể, với nghề cá đồng chỉ được khai thác vào thời gian nhất định là mùa khô đến mùa mưa, mùa cá sinh sản là tuyệt đối không được khai thác. Đối với mật ong cũng tương tự, HTX xây dựng quy chế trong gác kèo ong, lấy mật rất chặt chẽ. Nếu phát hiện ai vi phạm trong khai thác cá đồng, gian lận về chất lượng mật sẽ bị cấm hành nghề vĩnh viễn và bị loại ra khỏi HTX. Đồng thời, họ phải chịu phí phạt theo quy ước. “Nhờ vậy mà mấy chục năm nay mật ong ở đây luôn được bảo đảm”, anh Vững thông tin.
Tận dụng diện tích liếp mới kê trồng rừng thâm canh, một số xã viên kết hợp làm 1 vụ lúa. |
Ngoài những sản vật đặc trưng dưới tán rừng là mật ong và cá đồng, ông Thưa còn chia sẻ thêm một thông tin khá thú vị là một số xã viên còn tận dụng cả phần diện tích liếp mới kê để trồng tràm kết hợp làm thêm 1 vụ lúa. Hình ảnh những bông lúa trĩu hạt chín vàng óng xen lẫn với những cây tràm đang đâm chồi xanh um khiến những người mới thấy lần đầu vô cùng thú vị. Mặc dù năng suất lúa kết hợp dạng này không cao, chỉ tầm hơn 10 giạ/công, thế nhưng, giá trị không nằm ở năng suất cao hay thấp, mà giá trị lớn nhất ở đây chính là một lần nữa khẳng định sự cần cù, sáng tạo và quyết tâm bám đất, bám rừng của các xã viên HTX 19/5.
Sự cần cù, đoàn kết, sáng tạo và quyết tâm bám đất, bám rừng không chỉ giúp Tập đoàn 19/5 vượt qua thời kỳ khó khăn mà hàng loạt những tập đoàn khác không trụ được phải giải thể. Ngày nay, cũng với tinh thần ấy đã đưa HTX 19/5 thành đơn vị điển hình toàn tỉnh về hiệu quả của mô hình kinh tế tập thể. “Chỉ tính riêng về cây rừng, mỗi năm 1 xã viên thu nhập khoảng 250 triệu đồng, còn nguồn lợi từ mật ong, cá đồng… chưa tính”, ông Vững thông tin thêm.
Toàn xã Nguyễn Phích hiện quản lý khoảng 3.800 ha đất trồng rừng với 6 ấp. Theo đó, Phó chủ tịch UBND xã Nguyễn Hồng Biên cho biết, HTX 19/5 là đơn vị tiêu biểu về phát triển kinh tế cũng như bảo tồn các giá trị dưới tán rừng. Sự phát triển của HTX thời gian qua góp phần đáng kể trong xây dựng NTM của địa phương, nhất là đóng góp vào công trình công cộng của địa phương, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.
Tuy nhiên, chặng đường phát triển còn lại của HTX 19/5 đang còn vướng một khó khăn lớn. Cụ thể, hiện nay đất rừng của HTX trên danh nghĩa là thuộc quản lý của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ, thế nhưng hợp đồng giao khoán (sổ xanh) đã hết hạn từ năm 2008 đến nay vẫn chưa thể làm lại. Không một mảnh giấy trong tay nên việc đầu tư phát triển của HTX vô cùng khó khăn. Ông Vững minh chứng cụ thể, sau thời gian thử nghiệm phát triển du lịch sinh thái trải nghiệm tham quan nghề gác kèo ong, bắt cá đồng… hứa hẹn rất nhiều triển vọng để phát triển, bởi có nhiều nhà đầu tư đã đến tìm hiểu.
Thế nhưng, khi được biết HTX hiện nay chưa có gì trong tay (sổ xanh, sổ đổ) họ đều im hơi lặng tiếng cho đến nay. “Cũng dễ hiểu và thông cảm cho nhà đầu tư, bởi hiện nay thậm chí HTX cũng không dám bỏ tiền ra đầu tư do không biết Công ty Lâm nghiệp U Minh Hạ có tiếp tục cho giao khoán hay không”, ông Vững bộc bạch thêm.
Câu chuyện này cũng đã được lãnh đạo HTX phản ánh và nhận được sự chỉ đạo của lãnh đạo UBND tỉnh, Sở NN&PTNT trong một số chuyến khảo sát thực tế gần đây. Tuy nhiên, đến nay, Công ty Lâm nghiệp U Minh Hạ vẫn chưa làm lại hợp đồng giao khoán mới đối với HTX 19/5./.
Nguyễn Phú