U Minh là huyện giàu tiềm năng, có rừng, có biển, rất thuận lợi trong việc nuôi và đánh bắt thuỷ hải sản, bên cạnh đó là cá đồng nổi danh khắp gần xa. Hằng năm, ngư dân khai thác, nuôi, đánh bắt hàng chục ngàn tấn tôm, cá các loại. Tuy nhiên, thời gian gần đây, do tình trạng khai thác quá mức, đặc biệt là sử dụng các biện pháp khai thác có tính huỷ diệt như dùng xung điện, chất độc, chất nổ, đã làm cho nguồn lợi thuỷ sản trong tự nhiên ngày càng cạn kiệt, đe doạ nghiêm trọng đến hệ sinh thái, môi trường. Ngoài ra, những biện pháp khai thác này cũng trực tiếp ảnh hưởng đến sức khoẻ và tính mạng con người.
Trước tình hình đó, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo quyết liệt về việc tăng cường công tác quản lý các hoạt động khai thác nguồn lợi thuỷ sản có tính huỷ diệt trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Sau đó, Huyện uỷ, UBND huyện U Minh, UBND các xã, thị trấn đã cụ thể hoá thành những chỉ đạo sát với tình hình địa phương. Nhiều cuộc họp được đảng uỷ, UBND các xã, thị trấn triển khai, bàn giải pháp, cách làm cụ thể trong việc vận động người dân giao nộp lại dụng cụ khai thác thuỷ sản bất hợp pháp.
Người dân tự giác giao nộp lại bộ kích điện.
Ông Hồ Tương Lai, Phó chủ tịch UBND xã Khánh Thuận, huyện U Minh, cho biết: "Xã ban hành nghị quyết, kế hoạch tuyên truyền, vận động người dân giao nộp lại bộ kích điện. Ðồng thời thành lập đội xung kích, đến từng nhà vận động người dân. Qua quá trình tuyên truyền, vận động, bước đầu nhận được sự đồng thuận của cán bộ, đảng viên và Nhân dân, người dân đã chấp hành rất tốt, nhiều hộ chủ động giao nộp lại bộ kích điện".
Xã Khánh Thuận là đơn vị đầu tiên của huyện U Minh có người tự giác giao nộp bộ kích điện cho lực lượng công an. Bởi, họ đều nhận ra tác hại của việc dùng xung điện để đánh bắt cá và nhận ra đây là việc làm trái với pháp luật. Chính quyền địa phương đã trao giấy khen, nhằm kịp thời biểu dương, khen thưởng những hộ dân tự nguyện giao nộp bộ kích điện. Ðồng thời, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng để có hướng hỗ trợ họ chuyển đổi nghề phù hợp.
Ông Phan Minh Trí, Ấp 9, xã Khánh Thuận, chia sẻ: "Trước đây tôi bị bệnh, không làm việc nặng được nên sắm bộ kích điện để đánh bắt cá. Biết làm vậy là sai nhưng vì cuộc sống nên ráng làm. Nay Nhà nước vận động, tôi thấy đây là chủ trương đúng nên tôi tự nguyện giao nộp lại cho chính quyền địa phương".
Ông Nguyễn Văn Muộn, Ấp 10, xã Khánh Thuận, chia sẻ: "Khi được vận động tôi đã kêu con trai đem nộp ngay bộ kích điện. Mình phải làm gương để bà con noi theo. Tôi thấy chủ trương này rất đúng đắn. Bắt cá kiểu này sẽ làm cạn kiệt nguồn lợi từ thiên nhiên, có khi ảnh hưởng tính mạng của mình. Vì vậy, tôi kêu gọi bà con nên hưởng ứng, nộp lại bộ kích điện để bảo tồn nguồn cá giống sau này".
Hiện nay, tại tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn huyện U Minh đều có người dân đến tự giao nộp bộ kích điện. Tuy nhiên, theo đánh giá của ngành chức năng, loại thiết bị này trong dân vẫn còn nhiều. Do đó, trong thời gian tới các ngành chức năng sẽ tiếp tục tăng cường tuyên truyền, khuyến khích người dân tự giác giao nộp các dụng cụ đánh bắt thuộc danh mục cấm. Qua thời gian tuyên truyền, nếu hộ nào không tự giác giao nộp sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Thiếu tá Nguyễn Chí Thống, Phó trưởng Công an xã Khánh Thuận, cho biết: "Công an sẽ tiếp tục thành lập các tổ tuần tra, giám sát đối với những hộ từng sử dụng xung điện đánh bắt cá, cũng như những hộ tàng trữ, mua bán các dụng cụ này. Nếu bị phát hiện, mức nhẹ có thể bị phạt từ 3-5 triệu đồng, trường hợp tiếp tục vi phạm sẽ bị xử phạt nặng hơn. Những trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự".
Tại cuộc họp tổng kết hoạt động năm 2023, đồng chí Nguyễn Tiến Hải, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Ðảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HÐND tỉnh, đã thể hiện quyết tâm cao nhất khi khẳng định: "Từ hội nghị này, Cà Mau tuyên bố nói không với việc khai thác thuỷ sản mang tính huỷ diệt". Bí thư Tỉnh uỷ chỉ đạo UBND tỉnh phát động sâu rộng phong trào vận động người dân tự giác giao nộp lại bộ kích điện trên phạm vi toàn tỉnh.
Chưa bao giờ một chủ trương về việc tuyên truyền, vận động Nhân dân sử dụng phương tiện bị cấm trong khai thác thuỷ sản lại được phát động sâu rộng và quyết liệt như hiện nay. Ðiều đó cho thấy tính cấp thiết của việc ngăn chặn các hình thức khai thác tận diệt, huỷ diệt để bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản./.
Trần Chương