(CMO) TP Cà Mau xuất hiện ổ dịch bệnh tả heo châu Phi đầu tiên vào ngày 31/7/2019 tại ấp Ông Muộn, xã Lý Văn Lâm. Tính đến thời điểm hiện nay, đã phát hiện 13 xã, phường, 59 ấp, khóm, 149 hộ dân có heo bị bệnh dịch tả heo châu Phi. Số heo đã chết và tiêu huỷ 1.075 con, trọng lượng hơn 73 tấn.
Theo ghi nhận, thành phố đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống bệnh dịch tả heo châu Phi, Đội Phản ứng nhanh và Chốt Kiểm soát đường thuỷ; Chỉ đạo xã, phường thành lập ban chỉ đạo và 12 chốt kiểm soát cố định; 17 tổ phản ứng nhanh lưu động xã, phường để phục vụ công tác phòng, chống. Bên cạnh đó, đã cấp phát 9.950 kg vôi, 785 lít thuốc sát trùng và các thiết bị khác cho 13 xã, phường có bệnh dịch tả heo châu Phi.
Giá thịt tăng liên tục, ngoài cẩn trọng khi tái đàn, ngành chức năng chỉ đạo các tổ quản lý chợ thường xuyên kiểm tra chất lượng thịt heo tại các quầy thịt. |
Tại xã Lý Văn Lâm, dịch tả heo châu Phi tấn công làm địa phương phải tiêu huỷ 193 con heo của 37 hộ nuôi, tổng trọng lượng 15 tấn, gây thiệt hại nghiêm trọng cho người chăn nuôi tại xã. Thâm niên 36 năm nuôi heo, nhưng chưa bao giờ bà Nguyễn Thị Nương, ấp Tân Hưng, xã Lý Văn Lâm, chứng kiến loại dịch nguy hiểm như vậy. Nhiều hộ dân lân cận heo chết hàng loạt, mặc dù chúng không có triệu chứng gì.
Bà Nguyễn Thị Nương kể lại: “Hơn tháng trước, chuồng heo có đến 13 con heo sinh sản. Khi heo đạt trọng lượng 100 kg tôi xuất bán 6 con, còn lại 7 con. Tuy nhiên, không lâu sau, 1 trong số 6 con heo trong chuồng có biểu hiện biếng ăn và chết. Tui liền báo cho thú y đến tiêu huỷ. Để tránh lây nhiễm, gia đình buộc bán tất cả số heo còn lại và tạm gác việc chăn nuôi heo. Hiện giá heo đang lên cao nhưng tôi vẫn không dám tái đàn”.
Đầu năm 2019, toàn xã Lý Văn Lâm có 159 hộ tham gia nuôi heo với số lượng 1.234 con. Sau khi dịch tả heo châu Phi đi qua, hiện toàn xã chỉ còn 122 hộ duy trì đàn heo với tổng đàn trên 600 con.
Tại các xã, phường trên địa bàn thành phố hiện còn tổng đàn heo 4.738 con của 945 hộ dân, trong thời gian xảy ra dịch bệnh đã giảm đàn 8.107 con và tái đàn 3.681 con.
Do lượng heo của người dân chăn nuôi không còn nhiều, cộng với sức tiêu thụ thịt tăng, nhiều thương lái tìm mua làm giá heo hơi và thịt heo liên tục leo thang đến hơn 7 triệu đồng/100kg heo hơi. Tình hình này làm nhiều nông dân ở TP Cà Mau nôn nóng tái đàn, dù dịch bệnh vẫn đang hoành hành và diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, theo chỉ đạo của ngành chức năng, khi địa phương chưa công bố hết dịch thì người nuôi chưa được tái đàn.
Phó chủ tịch UBND xã Lý Văn Lâm Trần Quyết Toán cho biết: “Xã chỉ đạo nhân viên thú y tăng cường thông tin, tuyên truyền về sự nguy hiểm của dịch tả heo châu Phi, đường lây lan và các biện pháp phòng, chống. Vận động các hộ chăn nuôi heo thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học và chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh khu vực chăn nuôi như mua vôi bột rắc và phun khử trùng tiêu độc thường xuyên, không cho người lạ vào khu vực chăn nuôi, không nhập heo, sử dụng thịt heo không rõ nguồn gốc…”.
Phó trưởng phòng Kinh tế TP Cà Mau Thái Văn Tính cho biết: “Tính đến thời điểm hiện nay Phòng Kinh tế phối hợp với Phòng Tài chính - Kế hoạch tiến hành kiểm tra, giám sát các xã, phường, hỗ trợ kinh phí cho các hộ chăn nuôi có heo bị tiêu huỷ do dịch bệnh tả heo châu Phi. Hỗ trợ giai đoạn 1 cho 12 xã, phường, có 80 hộ, số tiền hỗ trợ hơn 1,2 tỷ đồng”./.
Bích Lệ